Sau 40 tuổi, mật độ xương bắt đầu giảm xuống, nhưng liệu có cách hạn chế bệnh loãng xương không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Loãng xương đã trở thành một căn bệnh mãn tính, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người trung niên và người cao tuổi, có 3 vấn đề nan giải liên quan đến tình trạng này, bao gồm tỷ lệ chẩn đoán thấp, tỷ lệ điều trị thấp và việc tuân thủ điều trị bằng thuốc lâu dài cũng thấp.

Nhiều người tin rằng loãng xương là một hệ quả tất yếu trong quá trình lão hoá tự nhiên, nhưng nó thực sự là một căn bệnh có thể chẩn đoán và điều trị được. Ngay cả những bệnh nhân mắc bệnh loãng xương cũng có thể giảm tỷ lệ gãy xương bằng thuốc và quản lý sức khỏe hiệu quả.

Đặc điểm bệnh loãng xương

Sau tuổi 40, khối lượng xương của cơ thể bắt đầu suy giảm.

Việt Nam chưa có một điều tra dịch tễ học đầy đủ để xác định chính xác tỷ lệ loãng xương cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ loãng xương trong dân số trên 50 tuổi vào khoảng 20 - 25% ở nam giới và 30 - 40% ở nữ giới, nguồn báo Sức Khoẻ & Đời Sống.

Trong giai đoạn đỉnh cao, sự phát triển của xương về cả mật độ và khối lượng đều cao hơn nhiều so với nữ giới. Hơn nữa, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen cũng giảm xuống đáng kể. Sau 5-10 năm, tình trạng mất xương diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, bệnh nhân loãng xương dù là nam giới hay phụ nữ thì đều có tỷ lệ gãy xương như nhau. Vì vậy, sau tuổi 40, bạn nên chú ý đến sức khỏe của xương cũng như chuẩn bị các biện pháp để phòng ngừa và điều trị loãng xương hiệu quả.

Chẩn đoán loãng xương

Nếu một bệnh nhân bị gãy xương dưới tác động của một lực nhẹ từ bên ngoài, có thể nói rằng người đó đã bị loãng xương nặng;

Đối với những người trung niên và người cao tuổi chưa bị gãy xương, mật độ xương được đo bằng thiết bị hấp thụ xương tia X năng lượng kép có thể sử dụng để xác định xem liệu họ có bị loãng xương hay không.

Thông qua kiểm tra mật độ xương BMD, bạn không chỉ đo được giá trị mật độ xương trong cơ thể mà còn đo được giá trị mật độ xương (thông qua điểm T) so với những người cùng độ tuổi và giới tính. Dựa vào điểm T, bạn có thể chẩn đoán xem mình có mắc bệnh loãng xương hay không.

Điều trị loãng xương

Loãng xương là một bệnh mãn tính, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc lâu dài và liên tục. Việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị loãng xương đã trải qua hơn 40 năm lịch sử và hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trên lâm sàng.

Thuốc điều trị loãng xương cơ bản là canxi và vitamin D. Trên cơ sở đó, có ba loại thuốc chính có tác dụng ức chế mất xương, thúc đẩy quá trình hình thành xương và có tác dụng kép. Xương rất giàu canxi nên nó thường cứng, do đó, việc bổ sung canxi là nền tảng của điều trị, nhưng chỉ bổ sung canxi thôi thì không đủ để tăng mật độ xương và giảm tỷ lệ gãy xương.

Xét nghiệm mật độ xương là cơ sở để dùng thuốc, các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ gãy xương dựa trên kết quả mật độ xương và nhiều yếu tố nguy cơ lâm sàng, xây dựng kế hoạch điều trị chính xác cho từng cá nhân và đưa ra các loại thuốc điều trị chống loãng xương với nồng độ khác nhau.

Sau khi bổ sung canxi và vitamin D, nếu kết hợp với các loại thuốc chống loãng xương cực mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ, mật độ xương có thể tăng lên, xương chắc khỏe hơn và nguy cơ gãy xương sẽ giảm đáng kể.

Quản lý bệnh loãng xương hàng ngày

Việc lựa chọn canxi để bổ sung phụ thuộc đầu tiên vào hàm lượng canxi; thứ hai là vào loại viên canxi, chẳng hạn như canxi cacbonat, canxi gluconate, canxi lactate…

Thông thường, nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể người là 1.000mg, ngoài chế độ ăn uống, thường cần bổ sung thêm 500-600mg canxi.

Canxi cacbonat hiện nay được sử dụng phổ biến hơn trong thực hành lâm sàng vì hàm lượng canxi cao hơn và cũng có thể dùng các dạng canxi khác như canxi gluconate và canxi lactate.

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn tiêu thụ đủ canxi từ chế độ ăn uống của mình, các thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, sữa đậu nành, vỏ tôm, các loại rau có màu xanh đậm... Nhưng uống nhiều súp xương để bổ sung canxi là sai lầm, canxi trong xương thường khó hòa tan, súp xương thường chứa nhiều chất béo và purine, không tốt cho sức khỏe.

Trong khi bổ sung canxi, bạn cũng nên chú ý bổ sung vitamin D. Vì sao? Chẳng hạn, khi xây một ngôi nhà, gạch, xi măng và các vật liệu khác đều tương đương với canxi, tuy nhiên, không thể xây nhà chỉ bằng vật liệu mà còn cần có người khuân vác, vitamin D cũng tương đương với người khuân vác.

Vitamin D có thể thúc đẩy quá trình hấp thu canxi của ruột và thận, đồng thời có thể thúc đẩy quá trình lắng đọng canxi ở xương, vì vậy đối với những bệnh nhân mắc bệnh loãng xương thì không thể bỏ qua tình trạng thiếu vitamin D. Vitamin D chủ yếu được da tổng hợp dưới tác dụng của tia cực tím, mọi người nên tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời.

Đồng thời, người cao tuổi có thể chú ý đến nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh. Nếu thấp đáng kể thì nên bổ sung một lượng vitamin D thích hợp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để việc bổ sung canxi hiệu quả hơn.

Gãy xương là hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương, 90% trường hợp gãy xương xảy ra sau khi bị ngã nên người cao tuổi phải đề phòng. Nói chung, người cao tuổi cần tránh sàn nhà không bằng phẳng, cân nhắc lắp đặt đèn sàn, lắp tay vịn trên tường phòng tắm và sử dụng bồn tắm ngồi nhiều nhất có thể.

Những hiểu lầm về phòng ngừa và điều trị loãng xương

Một số người cho rằng người già mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp không thể bổ sung canxi, điều này thực sự sai lầm. Bệnh nhân tiểu đường thường tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, điều này có thể gây thiếu hụt canxi và làm tăng nguy cơ gãy xương, vì vậy họ phải cân nhắc việc tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh loãng xương.

Tuy nhiên, có hai trường hợp bổ sung canxi không phù hợp: một là một số bệnh nhân bị suy tim đang dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, hai là những bệnh nhân bị tăng canxi máu và tăng canxi niệu. Nói chung, không chống chỉ định bổ sung canxi cho bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp.

Xương có thể nâng đỡ cơ thể, bảo vệ các cơ quan nội tạng quan trọng, hoàn thiện các chức năng vận động và tạo máu. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng xương có chức năng nội tiết và có thể điều hòa chuyển hóa năng lượng bằng cách tiết ra các yếu tố có nguồn gốc từ xương nên việc chú ý bồi bổ sức khỏe của xương là rất quan trọng.

Theo Wang He - Aboluowang
Nhật Duy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau 40 tuổi, mật độ xương bắt đầu giảm xuống, nhưng liệu có cách hạn chế bệnh loãng xương không?