2 loại bệnh xương khớp và 4 phương pháp phòng ngừa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu gối lão hóa thường phát ra tiếng kêu răng rắc khi chuyển động. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng như đau nhức đầu gối, cứng khớp khi ngồi lâu xuất hiện cùng thì đó có thể là dấu hiệu của viêm xương khớp. Bác sĩ lão khoa người Đài Loan Yu-Hsieng Fu đã giới thiệu 4 cách phòng ngừa và cải thiện các bệnh lý về xương khớp.

Bệnh thoái hoá xương khớp

Thoái hóa xương khớp (thuật ngữ tiếng Anh: Osteoarthritis hoặc Degenerative arthritis) là tình trạng tổn thương sụn khớp và tổ chức xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn tại các khớp.

Bình thường, sụn khớp là một mô cứng chắc và trơn láng, cho phép khớp chuyển động trơn tru, không bị ma sát. Khi vùng khớp bị mài mòn do ma sát thông qua việc sử dụng sụn quá mức hoặc do tiết dịch khớp bất thường, sụn giữa các xương dần mất tính đàn hồi và trở nên mỏng hơn. Cuối cùng, sụn bị mòn hoàn toàn, trở nên thô ráp, sần sùi và dẫn đến thiếu chất bôi trơn. Điều này gây ra ma sát giữa các xương nhiều hơn, dẫn đến thoái hoá khớp.

Bệnh thoái hóa khớp gây đau, sưng, cứng khớp và các triệu chứng khác của viêm khớp. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra gai xương và biến dạng khớp làm ảnh hưởng đến chuyển động của khớp. Mặc dù hầu hết thoái hóa khớp xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng xu hướng người trẻ mắc bệnh ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp là sự thoái hóa tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, các vận động viên và những người làm công việc chân tay cũng dễ bị thoái hóa khớp do tập luyện quá mức và lao động nặng nhọc.

Dựa vào lâm sàng, có hai loại thoái hóa khớp: nguyên phát và thứ phát. Thoái hoá nguyên phát là do sự bất thường trong cấu trúc khớp của bệnh nhân và khả năng sửa chữa của các mô sụn. Việc bị giảm canxi và mật độ xương ở người cao tuổi cũng là nguyên nhân phổ biến. Thoái hóa khớp thứ phát là do các vấn đề về khớp khác, như bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hoặc gãy xương.

Triệu chứng thoái hóa khớp

Các triệu chứng chính của thoái hoá khớp bao gồm: đau hoặc sưng khớp gối trầm trọng hơn khi hoạt động quá mức hoặc đơn giản là đi lên xuống cầu thang. Thường nghe thấy tiếng lục cục trong khớp. Một số bệnh nhân bị đau khớp khi đứng lên sau khi ngồi lâu hoặc khó đứng lên sau khi ngồi xổm.

Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy cứng khớp gối khi thức dậy vào buổi sáng hoặc chân bị đau và không cử động được vào ban đêm. Một số bệnh nhân thậm chí có thể bị biến dạng khớp, chẳng hạn như chân vòng kiềng hoặc không thể duỗi thẳng khớp.

Lời khuyên của bác sĩ

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 11/2, bác sĩ lão khoa Yu-Hsieng, Đài Loan, Giám đốc Phòng khám Flying Health Clinic, đã khuyến nghị bệnh nhân 4 biện pháp phòng ngừa sau:

  • Giữ tư thế đúng khi ngồi hoặc đứng: Tránh gù lưng, co chân và đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý: Béo phì sẽ gây áp lực lên đầu gối. Tập thể dục để tăng cường cơ bắp của chân và giúp giảm áp lực quá mức lên đầu gối.
  • Tránh chấn thương khi chơi thể thao: Các môn thể thao ít tác động như bơi lội và đi bộ giúp ngăn ngừa và cải thiện hiệu quả bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, một khi chấn thương xảy ra ở khớp, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa và nghỉ ngơi cho đến khi hồi phục sức khỏe hoàn toàn trước khi tham gia các bài tập khác.
  • Dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng: Bạn nên bổ sung protein, canxi và vitamin D3 vì đây là những chất có lợi cho việc tăng cường cơ bắp và tăng mật độ xương.

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Ellen WanWeber Lee)

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

2 loại bệnh xương khớp và 4 phương pháp phòng ngừa