29/10, Việt Nam được ngắm nguyệt thực một phần, Mặt Trăng có màu đỏ thẫm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ còn ít ngày nữa, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội theo dõi nguyệt thực một phần. Hiện tượng kéo dài hơn 1 tiếng và Mặt Trăng có màu đỏ thẫm.

Hiện tượng quan sát thấy ở toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, mặc dù độ che phủ thấp, chỉ hơn 12% vào lúc cực đại. Nguyệt thực sẽ bắt đầu lúc 2h35 và kết thúc lúc 03h52 rạng sáng ngày 29/10, với cực điểm lúc 3h14. Hiện tượng sẽ kết thúc sau đó hơn một giờ.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), rạng sáng ngày 29/10, một phần của Mặt Trăng sẽ đi vào khu vực bóng tối của Trái Đất, nó trở nên tối hơn và xuất hiện sắc đỏ. Khu vực đi hoàn toàn vào vùng bóng tối này chiếm khoảng 12% diện tích đĩa sáng của Mặt Trăng, sẽ có màu đỏ thẫm. Khu vực còn lại là nguyệt thực nửa tối nên có màu đỏ nhạt hơn.

Bản đồ của NASA cho thấy Việt Nam cùng gần như toàn bộ khu vực châu Á, châu Âu và châu Phi sẽ quan sát được trọn vẹn hiện tượng này.

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái Đất nằm giữa. Vào thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt Trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.

Nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm, gần như năm nào cũng có ít nhất một lần có nguyệt thực một phần, toàn phần hoặc nửa tối. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn là một hiện tượng quang học thú vị và thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Việt Nam Xã hội

29/10, Việt Nam được ngắm nguyệt thực một phần, Mặt Trăng có màu đỏ thẫm