Báo cáo: Nhà nghiên cứu của Quốc hội Anh bị bắt vì nghi ngờ 'làm gián điệp cho Trung Quốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo hôm 9/9, một nhà nghiên cứu của Quốc hội Anhcó liên hệ với các nghị sĩ cấp cao đã bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.

Theo tờ The Times of London, nghi phạm bị bắt và được tại ngoại vào tháng 3 là một nam giới người Anh ở độ tuổi trạc 20. Người này hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc.

Theo bài báo, người đàn ông này có mối quan hệ với các nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ, những người nắm quyền kiểm soát an ninh cấp cao và giúp định hình chính sách đối với Trung Quốc của Vương quốc Anh.

Trong quá trình điều tra của cảnh sát, một người đàn ông khác ở độ tuổi 30 cũng đã bị bắt và được tại ngoại.

Theo Cảnh sát Thủ đô, những người đàn ông này bị bắt vì tình nghi vi phạm Mục 1 của Đạo luật Bí mật Chính thức năm 1911.

Sau báo cáo trên, Thủ tướng Rishi Sunak nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở New Delhi (Ấn Độ) rằng ông đã thảo luận về “nhiều mối quan ngại khác nhau” với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), bao gồm cả “những lo ngại rất mạnh mẽ của ông về bất kỳ sự can thiệp nào vào nền dân chủ của Quốc hội Anh, điều này rõ ràng là không thể chấp nhận được”.

Theo tờ The Times of London, nhà nghiên cứu quốc hội, được một nghị sĩ ẩn danh thuê, đã tương tác với "một số nghị sĩ cấp cao của Đảng Bảo thủ", bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Alicia Kearns và người tiền nhiệm Tom Tugendhat trước khi ông này trở thành bộ trưởng an ninh.

Báo cáo cũng cho biết người đàn ông này đã làm việc với các nghị sĩ trong nhiều năm về chính sách đối ngoại “bao gồm cả quan hệ với Bắc Kinh”.

Theo đó, các chuyên gia an ninh nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc đã tuyển dụng cá nhân này làm gián điệp ngầm khi ông này ở Trung Quốc và cố tình gửi ông ta trở lại Vương Quốc Anh để thâm nhập vào vòng tròn của các chính trị gia chỉ trích chế độ.

Theo một nguồn tin ẩn danh của Whitehall, người đàn ông này thường xuyên phàn nàn về sự thiếu sắc thái trong số các nghị sĩ hoài nghi Trung Quốc và dường như có vấn đề đặc biệt với [Sir] Iain Duncan Smith, người đồng sáng lập Liên minh Quốc hội Anh về Trung Quốc - một nhóm các nhà lập pháp liên đảng quốc tế thúc đẩy các chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Nguồn tin cho biết: “Tôi khá chắc chắn rằng ông ta đã biến một số người ủng hộ phe chỉ trích Trung Quốc trở nên thờ ơ với Bắc Kinh”.

Ông Luke de Pulford, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của IPAC, nói với ấn phẩm rằng, các thành viên từ lâu đã "nghi ngờ rằng có điều gì đó không ổn nghiêm trọng vì có những nỗ lực nhất quán từ một nhà nghiên cứu thù địch nhằm bôi nhọ các nghị sĩ IPAC và coi họ là những người cực đoan trong chính sách của Trung Quốc”.

“Các quan chức của Sở Cảnh sát Thủ đô đã bắt giữ hai người đàn ông vào ngày 13/3 vì nghi ngờ họ vi phạm mục 1 của Đạo luật Bí mật Chính thức năm 1911”, ông Met cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times.

Cảnh sát Đô thành London cho biết trong một tuyên bố: "Một người đàn ông ở độ tuổi 30 đã bị bắt tại một địa chỉ ở hạt Oxfordshire và một người đàn ông ở độ tuổi 20 đã bị bắt tại một địa chỉ ở Edinburgh”.

“Việc khám xét cũng được thực hiện tại cả hai nơi ở thuộc khu dân cư và tại một địa chỉ thứ ba ở đông London".

"Cả hai người đàn ông đã được đưa đến đồn cảnh sát phía nam London và sau đó được cảnh sát thả tại ngoại cho đến đầu tháng 10/2022”.

"Các quan chức từ Bộ chỉ huy chống khủng bố của ông Met đang tiến hành cuộc điều tra, cơ quan này chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc về Đạo luật Bí mật Chính thức và các tội liên quan đến gián điệp. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nêu quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường Anh với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khi hai người cùng tham dự G20 ở Ấn Độ.

Phát biểu tại New Delhi, ông Sunak nói với các đài truyền hình rằng ông không thể tiết lộ những chi tiết cụ thể của cuộc điều tra đang diễn ra và xác nhận ông đã đối thoại với ông Lý Cường về bất kỳ sự can thiệp "không thể chấp nhận" nào vào nền dân chủ Quốc hội Anh của Vương quốc Anh.

Tiết lộ trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Anh James Cleverly có chuyến công du cấp bộ trưởng đầu tiên tới Trung Quốc sau 5 năm để hàn gắn mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh; và hai tháng sau khi Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Anh báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đã công khai "xâm nhập mọi lĩnh vực của nền kinh tế Vương quốc Anh" đồng thời nhắm mục tiêu vào "Vương quốc Anh và các lợi ích ở nước ngoài của nước này một cách mạnh mẽ và hung hãn.

Các bộ trưởng đang phải đối mặt với những câu hỏi mới về chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ, bao gồm cả sự can dự của nước này với Trung Quốc và quyết định chính thức coi chính quyền Trung Quốc là một “thách thức mang tính thời đại” hơn là một mối đe dọa.

Tuy nhiên, ông Sunak đã lên tiếng bảo vệ thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc, nói rằng nó “hoàn toàn phù hợp với quan điểm của các đồng minh của chúng tôi”.

Ông nói: “Nếu nhìn vào cách các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Canada hợp tác với Trung Quốc, thì đó là những gì họ làm, bởi vì việc tương tác với các bên cho phép anh nêu lên mối lo ngại một cách trực tiếp. Tôi tin rằng đó là một điều nên làm”.

Ông Sunak nói thêm: “Ở đâu có những lĩnh vực bất đồng hoặc những lĩnh vực mà chúng ta quan ngại thì chẳng ích gì khi chỉ quan tâm từ bên lề, tôi muốn trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình và đó là những gì tôi đã làm ngày hôm nay”.

Xuất hiện trong chương trình “Sunday Morning with Trevor Phillips” của đài Sky News, Bộ trưởng Tư pháp Alex Chalk cho biết Trung Quốc là “mối đe dọa mang tính thời đại”.

Ông cho biết các bộ trưởng phải xem xét các hoạt động gián điệp một cách "cực kỳ nghiêm túc", cảnh sát và các cơ quan khác "cũng sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Nhà nghiên cứu của Quốc hội Anh bị bắt vì nghi ngờ 'làm gián điệp cho Trung Quốc'