Bí ẩn giấc mơ: “Mộng Thiên” và điềm báo trước tương lai (P2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân từng ghi chép rất nhiều câu chuyện “mộng Thiên”, và đó không chỉ là một trường hợp cá biệt. Nếu nằm mộng được tiếp xúc với Trời, vậy thì đó sẽ là tình huống nào?

Hoàng hậu mộng Thiên, thành tựu sự nghiệp

Hoàng hậu của Hán Hòa Đế tên thật là Đặng Tuy, là cháu gái của Thái phó Đặng Vũ thời Hán Quang Vũ Đế.

Đặng Vũ xuất thân từ gia đình quý tộc ở Nam Dương, sau này trở thành vị dũng tướng giúp Hán Quang Vũ Đế bình định thiên hạ, lập được nhiều công lao hiển hách, được hậu thế tôn vinh là người đứng đầu trong “Vân Đài nhị thập bát tướng”, tức 28 viên đại tướng từng phò tá Hán Quang Vũ Đế thành lập nhà Đông Hán.

Cha của Đặng Tuy tên là Đặng Huấn, từng làm Hộ Khương giáo úy và có công lớn phủ dụ bách tính vùng biên cương. Mẹ bà là Âm thị, là người cháu họ của Âm Lệ Hoa.

Lên 5 tuổi, một ngày Đặng Tuy được bà ngoại cắt tóc cho. Bà ngoại của Đặng Tuy tuổi tác đã cao, đôi mắt không còn tinh tường, trong lúc cắt tóc đã bất cẩn làm thương cháu gái. Đặng Tuy dù tuổi còn nhỏ nhưng vẫn cố chịu đau không kêu lên tiếng nào. Đám gia nhân đứng bên cạnh cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi cô bé vì sao. Đặng Tuy đáp: “Không phải ta không cảm thấy đau, mà là ta biết bà yêu thương ta nên mới cắt tóc cho ta. Nếu biết ta bị thương bà sẽ rất đau lòng, do đó ta cố nhẫn chịu một chút”.

Lên 6 tuổi Đặng Tuy bắt đầu đọc “Sử Trứu Thiên”, lên 7 tuổi học “Luận Ngữ”, 12 tuổi thông thạo “Thi Kinh”. Mỗi khi các huynh trưởng đọc sách, Đặng Tuy lại tham gia thảo luận cùng các anh. Đặng Tuy ham học, muốn thông hiểu kinh thư điển tịch chứ không thích thú những việc nữ công gia chánh trong nhà. Mẫu thân thấy vậy liền trách rằng: “Tiểu nha đầu này, con không chịu học nữ công, không biết may vá thêu thùa mà lại vùi đầu đọc kinh thư như vậy. Chẳng lẽ con định thay đổi bổn phận của nữ nhi, muốn làm tiến sĩ hay sao?”.

Đặng Tuy không dám trái mệnh lệnh mẫu thân nhưng cũng không muốn từ bỏ sở thích của mình, do đó ngoài việc học nữ công vào ban ngày, cô bé vẫn thường đọc sách vào ban đêm. Đặng Huấn cảm thấy đứa con gái này thật không tầm thường nên luôn ủng hộ chí hướng của con, thậm chí ông còn cùng con gái thảo luận về mọi sự kiện lớn nhỏ. Điều này đã giúp Đặng Tuy có tiến bộ rất nhanh về cả học thức lẫn phẩm hạnh đạo đức.

Năm Vĩnh Nguyên thứ tư (năm 92 SCN), Đặng Huân qua đời, Đặng Tuy ngày đêm thương tiếc cha và chí thành giữ hiếu suốt ba năm. Trong ba năm ấy, sắc mặt bà ngày một tiều tụy, dung nhan cũng hoa tàn ngọc nát, đến mức thân nhân suýt chút nữa không nhận ra Đặng Tuy ngày nào.

Và cũng trong thời kỳ này Đặng Tuy từng “mộng Thiên”, mơ thấy bản thân chạm được đến Trời. Đó là thiên thể vô cùng rộng lớn quảng đại có màu xanh lam, trên thiên thể ấy hình thành nên một thứ có hình thạch nhũ. Đặng Tuy thấy vậy liền ngẩng mặt dường như muốn hút lấy dòng sữa trong lành.

Giấc mộng này quá chân thực khiến bà ấn tượng mãi không quên. Người nhà nghe chuyện liền đi tìm thầy bói để giải mộng. Thầy giải mộng vốn thông hiểu cổ kim, vừa nghe kể về giấc mơ ông ta đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên thích thú. Ông nói đại ý rằng: Vua Nghiêu từng mộng thấy leo lên Trời, sau này ngài trở thành Thánh chủ của một thời. Vua Thang là quân chủ khai quốc nhà Ân cũng từng mộng thấy Thiên, hơn nữa còn liếm nước của Trời, sau này vua Thang khai mở 600 năm vương triều Ân Thương. Những giấc mộng như thế có ngụ ý là sắp trở thành Thánh vương, có thể nói giấc mộng của Đặng tiểu thư là điềm cát tường không gì sánh được.

Tranh vẽ miêu tả Đặng Tuy - hoàng hậu của Hán Hòa Đế thời Đông Hán (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Người nhà Đặng Tuy vừa kinh ngạc vừa vui mừng, nhưng cũng không khỏi có chút nghi hoặc. Bởi vì lúc ấy Đặng Tuy đã giữ hiếu ba năm, suốt ba năm khóc tang cha bà đã gầy đến mức chỉ thấy da và xương, thân thể tiều tụy nhường ấy thì làm gì có điềm cát tường đến như vậy?

Sau đó, người nhà lại mời một thầy tướng số đến xem tướng cho Đặng Tuy. Quả như người ta nói: Không xem thì không biết, mà xem rồi thì lại giật nảy mình. Thầy tướng số thấy Đặng Tuy thì không khỏi kinh ngạc, ông thốt lên: “Đây là cốt tướng của Thành Thang!”

Người trong Đặng gia đều là những học giả bác cổ thông kim, vừa nghe liền hiểu rằng: Lời thầy tướng số chẳng phải đã khẳng định rằng Đặng Tuy sẽ trở thành một nhân vật tầm cỡ giống như Thành Thang thời nhà Ân hay sao? Đặng Tuy là nữ nhân, nữ nhân có thể lên tới địa vị quân chủ thì chẳng phải chính là hoàng hậu đó sao? Đặng gia rất đỗi vui mừng nhưng vẫn không dám công khai tiết lộ bí mật ấy ra ngoài.

Sau này Đặng Tuy được tuyển chọn vào cung, lại được Hán Hòa Đế Lưu Triệu hết mực sủng ái, trở thành hoàng hậu thứ hai của Hán Hòa Đế. Sau khi Hán Hòa Đế băng hà, Đặng Tuy lấy thân phận Hoàng thái hậu lâm triều xưng chế suốt 16 năm. Trong thời gian chấp chính, bà luôn nỗ lực thực hành tiết kiệm, tận lực cứu trợ thiên tai hạn hán, bình định hiểm họa ngoại bang, đồng thời làm hưng thịnh nền văn hóa trong nước.

Trong những năm nắm quyền, Đặng Tuy tài trợ cho Thái Luân cải tiến thuật làm giấy, lệnh cho Trương Hành nghiên cứu chế ra “Hỗn thiên nghi” (máy định vị thiên thể dùng trong thiên văn học) và “Địa động nghi” (công cụ theo dõi gió và chuyển động của trái đất). Bà cũng chỉ định Hứa Thận chỉnh sửa quy phạm chữ Hán, cho xuất bản sách “Thuyết Văn Giải Tự”. Bên cạnh đó bà cũng chú trọng việc giáo dục văn hóa, sáng lập học đường dành cho nam và nữ, v.v.

Đặng Tuy đã có công rất lớn làm hưng thịnh văn hóa, đặc biệt trong việc chế tạo giấy và quy phạm nguồn gốc văn tự, góp phần mở rộng và truyền bá văn hóa Thần truyền. Có thể nói Đặng Tuy đã có nhiều đóng góp vĩ đại sánh với Thành Thang thời Ân Thương năm xưa. Điều này chẳng phải cũng phù hợp với ý nghĩa giấc mộng Thiên của Đặng Tuy đó sao?

Đào Khản mộng Thiên, mọc cánh bay lên trời

Đào Khản, tự Sĩ Hành, là người quận Bà Dương, Giang Châu, sau chuyển đến huyện Tầm Dương, quận Lư Giang, là một danh tướng thời nhà Tấn.

Đào Khản xuất thân nghèo khó, may mắn được Thứ sử Kinh Châu là Lưu Hoằng trọng dụng, ông hết lòng gắng sức góp an định xã hội, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sau khi dẹp loạn Trương Xương, Đào Khản liên tiếp được thăng chức và lập nên nhiều chiến công. Cuộc đời của ông đã phải trải qua nhiều gian truân, thua thiệt, sau này được thăng lên vị trí thái úy, làm đô đốc giám sát việc quân của tám châu và làm thứ sử Kinh Châu, Giang Châu. Trong thời Đông Tấn khi các danh gia vọng tộc độc chiếm những vị trí chính trị chủ chốt, thì thành tựu của một người xuất thân hàn vi như Đào Khản là một ngoại lệ khá đặc thù.

Đào Khản tòng quân 41 năm, khi làm quan thì cần kiệm liêm khiết, lúc làm tướng minh triết quyết đoán, ông đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ nhà Đông Tấn trước nội loạn, ngoại xâm. Ông không chỉ có võ công trác tuyệt, trị binh có phương pháp, mà hơn nữa còn siêng năng chịu khó, là bậc quan phụ mẫu yêu dân như con. Dưới sự quản lý của ông, hai trấn Kinh Châu “trải dài mấy ngàn dặm từ Nam Lăng đến Bạch Đế, trên đường không ai nhặt của rơi”, được hậu thế hết lời khen ngợi.

Một lần, Đào Khản xuất du và thấy một người cầm một nắm mạ non trong tay. Đào Khản thấy lạ liên bước lên hỏi: “Xin hỏi ngài cầm nắm mạ non này làm gì vậy?”. Người kia đáp: “Đi đến đâu cũng thấy mạ non nên tôi liền thuận tay nhổ lên một ít”. Đào Khản hiểu ra bèn lớn tiếng trách: “Nhà ngươi đã không chịu cày cấy lại còn trộm cắp mạ non nhà người ta sao?”. Ông liền sai quân bắt lấy và phạt người kia vài roi cảnh cáo.

Sau này Đào Khản chuyển đến Quảng Châu làm thứ sử, nơi đây bình yên vô sự, ông thường ngày rỗi rãi không có việc gì làm. Nhưng Đào Khản vẫn không để bản thân nhàn rỗi, sáng sáng ông dậy sớm khuân 100 viên gạch từ trong phòng ra sân, chiều tối lại khuân 100 viên gạch từ sân vào trong nhà. Mỗi ngày ông đều kiên trì làm như vậy. Người ngoài thấy lạ liền hỏi: “Ông làm gì thế?”. Đào Khản đáp: “Hiện nay nam bắc cát cứ, bề mặt thấy vô sự nhưng vẫn cần dốc sức thu phục những vùng đất đã mất của Trung Nguyên. Nếu ngày ngày đều quen thói an dật, thì một khi chiến sự xảy ra, tôi e rằng sẽ không thể gánh vác đại sự được”. Đây chính là câu chuyện “Đào Khản chuyển gạch” nổi tiếng trong lịch sử.

Đào Khản chuyển gạch (Ảnh: Wikipedia)

“Tấn Thư - Đào Khản truyện” đánh giá: "Đào công thần cơ sáng suốt như Ngụy Vũ, trung thuận cần lao như Khổng Minh, những người như Lục Kháng không thể bằng được". Danh thần Tạ An nhà Đông Tấn nói: "Đào công tuy dụng pháp, bên trong cũng có tình người".

Một lần, Đào Khản mộng thấy trên lưng mọc ra tám chiếc cánh rồi bay vút lên trời. Ông thấy cổng trời cao chót vót, tổng cộng có tới chín Thiên môn. Đào Khản bay qua tám Thiên môn, nhưng vẫn còn một Thiên môn nữa không thể vào. Ông bèn tận lực nắm lấy “Thiên”, nhưng vị Tiên nhân canh giữ cổng trời đã dùng thần trượng đánh hạ khiến ông rơi xuống đất, những cánh bên trái đều bị gãy. Sau khi tỉnh dậy, Đào Khản phát hiện bên nách trái sưng lên đau ê ẩm.

Câu chuyện Đào Khản “mộng Thiên” được miêu tả trong cả “Tấn Thư - Đào Khản truyện” và bút ký “Dị Uyển”. Nói về ý nghĩa giấc mộng, bạn đọc có thể có nhiều lý giải khác nhau. Người viết cho rằng giấc mộng xung Thiên của Đào Khản thể hiện khao khát đạt tới cảnh giới cao, tìm cầu con đường giải thoát khỏi thế gian phàm tục. Đào Khản có phẩm hạnh thuần chính, là một tấm gương sáng cho quyền thần hậu thế: không tham luyến danh lợi, không tranh giành địa vị. Do đó, ông mới có thể mọc cánh bay lên trời.

Đương nhiên, “Thiên” trong giấc mộng của Đào Khản là có tầng thứ, có cảnh giới, hơn nữa mỗi tầng thứ đều có Thần canh giữ. Vậy thì, “Thiên” ấy và “Thiên” trong những giấc mộng trước đây thì có gì khác nhau? Điều huyền diệu và thần bí của những giấc mộng Thiên sẽ mãi mãi là ẩn đố đối với mỗi chúng ta.

Theo Mai Hoa Nhất Điểm - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Tài liệu tham khảo:

“Hậu Hán Thư - quyển 10 - Hoàng hậu kỷ thượng - Hòa Hy Đặng hoàng hậu truyện”
“Tấn Thư - quyển 65 - Đào Khản truyện”
“Di Uyển - quyển 7 - mộng sinh bát dực”
“Thái Bình Ngự Lãm”, quyển 1 và quyển 2



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn giấc mơ: “Mộng Thiên” và điềm báo trước tương lai (P2)