Bí ẩn giấc mơ: “Mộng Thiên” và điềm báo trước tương lai (P1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân từng ghi chép rất nhiều câu chuyện “mộng Thiên”, và đó không chỉ là một trường hợp cá biệt. Nếu nằm mộng được tiếp xúc với Trời, vậy thì đó sẽ là tình huống nào?

Chu Vũ Vương mộng Thiên, sinh quý tử

Thủy tổ của nhà Tấn là Đường Thúc Ngu vốn là một trong các hoàng tử của Chu Vũ Vương, đồng thời cũng là em trai của Chu Thành Vương.

Khi Thúc Ngu chưa sinh ra, Chu Vũ Vương từng nằm mộng thấy một vị “Thiên” đến nói với ông rằng: “Chiểu theo Thiên mệnh, ta sẽ ban cho con một người con trai đặt tên là “Ngu”, sau này cậu bé sẽ được phong quốc thổ là Đường. Hãy nhớ kỹ lời ta”.

Sau này khi Thúc Ngu chào đời, Chu Vũ Vương thấy đường chỉ tay của cậu bé rất giống hình chữ “Ngu” (虞) liền nhớ lại giấc mộng năm xưa, ông bèn đặt tên cho con trai là Cơ Ngu.

Thúc Ngu được phong đất Đường cũng là việc đã định trong mệnh, và đó là câu chuyện vô cùng thú vị lưu truyền mãi về sau. Lúc ấy, Chu Vũ Vương đã băng hà sau khi diệt Ân Thương. Vì tiểu thái tử Chu Thành Vương mới lên kế vị nhưng lại quá nhỏ tuổi chưa thể tự mình nhiếp chính, nên toàn bộ việc triều đình đều do hoàng thúc Chu Công Đán định đoạt. Khi đất Đường có quân phản loạn, Chu Công lại tự mình suất quân đi bình định dẹp loạn.

Hôm ấy, tiểu hoàng đế Chu Thành Vương đang chơi với em trai là Thúc Ngu. Chu Thành Vương nhặt một chiếc lá cây lên, tước thành hình ngọc khuê đưa cho Thúc Ngu rồi nói: “Ta phong thưởng cái này cho khanh”.

Thời cổ đại, Ngọc khuê được coi là lễ khí, là một biểu tượng cho địa vị và đẳng cấp xã hội. Trong lúc vui đùa, Chu Thành Vương thuận miệng phong thưởng cho em trai mình mà không suy nghĩ.

Vị Sử quan đứng bên cạnh nghe thấy cuộc trò chuyện giữa hai đứa trẻ, bèn trịnh trọng nói với Chu Thành Vương: “Thỉnh cầu đại vương chọn ngày lành tháng tốt để ban thưởng cho điện hạ”.

Chu Thành Vương vội đáp: “Ta chỉ nói đùa thôi, chỉ là chơi một chút thôi mà”.

Sử quan nói: “Thiên tử không nói chơi. Ngài đã tuyên bố phong thưởng cho điện hạ thì lời ấy Sử quan phải ghi chép lại, Nhạc quan phải diễn xướng tấu hưởng, còn Lễ quan phải thực hiện lễ nghi theo phép tắc”.

Sau đó, các vị đại thần chiểu theo quy định giúp hoàng đế tổ chức lễ phong thưởng. Thúc Ngu được phong đất Đường, sau này trở thành thủy tổ của nước Tấn - một đại quốc vào thời kỳ Xuân Thu.

Câu chuyện “mộng Thiên” của Chu Vũ Vương được ghi chép trong sử sách. Người ta vẫn cho rằng “Thiên” mà Chu Vũ Vương mộng thấy là một vị Thần. Nếu đúng là như vậy, thì vị Thần ấy mang hình tượng gì? Là Thần, Tiên, Đạo, Phật? Hay là một hình tượng khác của sinh mệnh cao tầng? “Thiên” trong cố sự Chu Vũ Vương mộng Thiên rốt cuộc là gì?

Những ghi chép trong cổ thư được viết khá giản lược khiến chúng ta khó có thể hiểu được tường tận. Cùng với văn phong chữ Hán, văn tự giản lược có khả năng biểu hiện nội hàm sâu sắc và trí tưởng tượng đa chiều. Thêm vào đó, cách lý giải của cổ nhân về Thần và Thiên cũng vô cùng phong phú. Ví dụ như có “Thần hữu hình” và “Thần vô hình”, trong đó “Thần hữu hình” mang hình tượng Thiên nhân hoặc Thần thú, còn “Thần vô hình” lại là hình thái khó có thể lý giải và nắm bắt bằng thị giác thông thường. Những miêu tả trong cố sự Chu Vũ Vương “mộng Thiên” đều phù hợp với các đặc trưng của “Thần hữu hình” và “Thần vô hình”, điều này cũng dẫn khởi nhận thức của chúng ta về sự thần bí của “Thiên”, gợi lên nhiều tưởng tượng sâu xa.

Tranh vẽ thời nhà Thanh “Đồng âm thu sướng”
Tranh vẽ thời nhà Thanh “Đồng âm thu sướng” (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia)

Thúc Tôn Báo mộng Thiên, thấy Thụ Ngưu

Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ xuất hiện ba gia tộc có thế lực cực lớn, gồm có: Quý Tôn thị, Thúc Tôn thị và Mạnh Tôn thị. Cả ba gia tộc đều là con cháu hậu duệ của vua Lỗ Hoàn Công, đều có địa vị quyền hành, có thế lực làm khuynh đảo chính trường nên được gọi là “Lỗ Tam Hoàn”.

Trong đó, tông chủ đời thứ năm của Thúc Tôn thị là Thúc Tôn Báo đã từng “mộng Thiên”, câu chuyện này cũng được ghi chép trong sử sách.

Cha của Thúc Tôn Báo là Thúc Tôn Đắc Thần là tông chủ chưởng môn của Thúc Tôn thị. Sau khi Thúc Tôn Đắc Thần qua đời, con trai cả là Tôn Thúc Kiều Như lên kế thừa, tham gia vào chính trường nước Lỗ. Tuy nhiên, Thúc Tôn Kiều Như lại tư thông với Mục Khương - mẫu thân của vị vua trẻ nước Lỗ lúc bấy giờ là Lỗ Thành Công. Lo sợ sự việc bại lộ sẽ gây họa cho cả gia tộc, Thúc Tôn Báo liền rời khỏi nước Lỗ để đến Tề tránh nạn. Trên đường ông gặp một cô gái trẻ ở tiểu trấn Canh Tông (nay là trấn Tứ Trương, phía đông huyện Tứ Thủy, tỉnh Sơn Đông) và nghỉ lại nhà cô gái một thời gian. Sau đó Thúc Tôn Báo lại tiếp tục hành trình, cô gái cố níu kéo nhưng đành bất lực, chỉ có thể khóc lóc tiễn ông lên đường.

Thúc Tôn Báo đến Tề và kết hôn với con gái của một vị đại thần nước Tề là nàng Quốc Khương, sinh hạ được hai người con trai là Mạnh Bính và Trọng Nhâm. Thúc Tôn Báo vui duyên mới, sớm đã quên người con gái ông gặp ở Canh Tông hôm nào.

Một ngày, Thúc Tôn Báo có một giấc mơ kỳ lạ, trong mơ ông thấy “Thiên” đang đè chặt mình xuống khiến ông không cách nào vùng vẫy thoát ra được. Thúc Tôn Báo quay đầu lại thì thấy một dị nhân có tướng mạo kỳ quái, da dẻ xanh đen, lưng gù và hốc mắt trũng sâu. Thúc Tôn Báo vội kêu lên: “Ngưu, mau mau lại đây giúp ta!”. Dị nhân dùng đầu đội "Thiên", cứu Thúc Tôn Báo thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc.

Thúc Tôn Báo choàng tỉnh dậy khuôn mặt vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông tự hỏi không biết cảnh tượng ấy là điềm báo gì, lòng luôn nghĩ đến vị dị nhân đã ra tay cứu mình trong giấc mộng. Sáng sớm hôm sau, Thúc Tôn Báo lệnh cho thuộc hạ kiểm tra khắp một loạt xem trong gia tộc có người nào giống như dị nhân dã từng thấy trong mộng hay không, nếu không thì cần cẩn thận ghi chép lại tướng mạo như lời ông miêu tả.

Sau này, Thúc Tôn Kiều Như gặp nạn phải bỏ chạy đến nước Tề. Nước Lỗ liền phái người đến gọi Thúc Tôn Báo trở về và đưa ông lên làm Lỗ khanh, tiếp quản vị trí của gia tộc Thúc Tôn thị thay cho Thúc Tôn Kiều Như.

Hôm ấy, cô gái ông từng gặp ở Canh Tông năm xưa mang theo chim trĩ đến phủ Thúc Tôn Báo. Thúc Tôn Báo bước ra tiếp đón, đến lúc này ông mới biết rằng mình đã có một người con trai. Cô gái Canh Tông nói: “Con trai tôi nay đã lớn, đã có thể giữ con chim trĩ giúp tôi được rồi”.

Vừa nhìn thấy cậu bé, Thúc Tôn Báo liền nhận ra vị dị nhân ông từng gặp trong mộng. Thúc Tôn Báo gọi một tiếng “Ngưu”, cậu bé liền nhanh nhảu trả lời: “Dạ”.

Thúc Tôn Báo sai người chăm lo cho Ngưu chu đáo và phong cho cậu làm tiểu thần trong phủ. Khi Ngưu lớn lên, Thúc Tôn Báo lại để cậu chủ quản mọi việc trong nhà. Theo thuyết pháp lúc ấy, gia thần chưa thành niên gọi là “Thụ”, do đó mọi người đều gọi cậu là Thụ Ngưu.

Nhưng từ khi gặp Ngưu, gia đình Thúc Tôn Báo liên tục gặp biến cố. Không lâu sau khi ông rời khỏi Tề quốc, vợ ông là Quốc Khương thường xuyên qua lại với một vị đại thần của Tề tên là Công Tôn Minh. Thúc Tôn Báo nghe tin vợ đã cải giá, ông vô cùng phẫn nộ, từ đó lại càng thêm gần gũi và tin tưởng Thụ Ngưu hơn. Nhưng dẫu sao Thụ Ngưu vẫn chỉ là con riêng với một thôn nữ trong dân gian, trong khi Mạnh Bính và Trọng Nhâm mới là con đích, có quyền thừa kế gia tộc. Còn Thụ Ngưu chỉ là con vợ lẽ, cả về đãi ngộ và quyền thừa kế đều không thể sánh với đích tử. Hãy thử tưởng tượng xem, trong tình cảnh ấy Thụ Ngưu sẽ cảm thấy thế nào?

Thụ Ngưu biết rõ thân phận, bèn tỏ ý muốn kết thân với hai anh trai cùng cha khác mẹ của mình để cải thiện mối quan hệ, nhưng cả Mạnh Bính và Trọng Nhâm đều từ chối. Thụ Ngưu bèn nảy ra độc kế, liên tiếp tìm cách hại chết Mạnh Bính và Trọng Nhâm. Sự việc sớm muộn cũng bại lộ, ai cũng lên án Thụ Ngưu đã làm bại hoại lễ pháp gia tộc. Thúc Tôn Nhược và các thành viên khác trong gia tộc đều phản đối Thụ Ngưu, cuối cùng giết chết Thụ Ngưu.

Bi kịch của gia đình Thúc Tôn Báo đã phản ánh vấn đề đạo đức và đẳng cấp vào thời kỳ Xuân Thu, và giấc “mộng Thiên” của ông chính là một nhân tố khởi nguồn cho tấn thảm kịch ấy. Trong mộng, Thúc Tôn Báo cầu cứu Ngưu với hy vọng có thể thắng Thiên, nhưng nào đâu biết ý nghĩ đấu trời đấu đất là ảo tưởng vô tri, ngỡ tưởng mượn tay Ngưu là có thể thắng trời nhưng thực tế lại hại chết cả gia đình mình…

(Còn tiếp)

Theo Mai Hoa Nhất Điểm - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Tài liệu tham khảo:

“Sử Ký - Tấn thế gia”
“Tả Truyện - Chiêu Công tứ niên”



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn giấc mơ: “Mộng Thiên” và điềm báo trước tương lai (P1)