Bình Dương ở miền nào, Bình Dương thuộc miền Nam hay miền Bắc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bình Dương ở miền nào, Bình Dương thuộc miền Nam hay miền Bắc; Bình Dương giáp tỉnh nào… là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Cùng tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Bình Dương; Bình Dương thuộc miền nào… trong bài viết dưới đây.

1. Bình Dương ở miền nào?

Bình Dương ở đâu, Bình Dương thuộc khu vực nào?

Tỉnh Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh Bình Dương có tọa độ địa lý từ 10°52' - 11°04' vĩ độ Bắc và từ 106°20' - 106°57' kinh độ Đông.

Bình Dương có 09 thành phố, huyện, thị xã gồm:

  • 04 thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An.
  • 01 thị xã: Bến Cát.
  • 04 huyện: Bàu Bàng; Bắc Tân Uyên; Dầu Tiếng; Phú Giáo.

Trong đó, TP Thủ Dầu Một là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

Bình Dương cách TP HCM bao nhiêu km?

Tỉnh Bình Dương cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km theo đường Quốc lộ 13.

2. Bình Dương giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Bình Dương, nhiều bạn không chỉ muốn biết Bình Dương ở miền nào mà còn muốn biết Bình Dương giáp tỉnh nào.

  • Phía Bắc của tỉnh Bình Dương với giáp tỉnh Bình Phước.
  • Phía Đông giáp với tỉnh Đồng Nai.
  • Khu vực phía Nam giáp với TP HCM.
  • Phía Tây giáp với tỉnh Tây Ninh.

Bình Dương ở đâu trên bản đồ?

bình dương ở đâu
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên của tỉnh Bình Dương

Khi tìm hiểu Bình Dương ở miền nào, bạn sẽ có nhiều thông tin để hiểu rõ hơn về điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương này.

Tỉnh Bình Dương có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,64 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích của cả nước).

3.1. Điều kiện địa hình của tỉnh Bình Dương

Do nằm ở vị trí rìa tiếp xúc giữa đới sụt lún tích tụ Đồng bằng sông Cửu Long và đới nâng bóc mòn Đà Lạt, địa hình của tỉnh Bình Dương có tính phân bậc theo hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam.

Về tổng quan, tỉnh Bình Dương có địa hình đặc trưng của vùng trung du tiếp giáp giữa vùng núi cao Nam Trường Sơn và đồng bằng thấp Nam Bộ. Độ cao địa hình trung bình giảm từ 60 – 40 m so với mực nước biển ở phía Bắc và hạ thấp còn 30 - 10 m so với mực nước biển ở phía Nam.

Phân loại theo độ cao và đặc điểm hình thái, địa hình của tỉnh Bình Dương có thể được chia thành 4 kiểu địa hình chính là:

  • Vùng đồi núi thấp: ở huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TP Tân Uyên (chiếm khoảng 40% diện tích của toàn tỉnh);
  • Vùng địa hình bằng phẳng: có ở tất cả các thành phố, thị xã, huyện; chiếm khoảng 55% diện tích của toàn tỉnh;
  • Khu vực thung lũng bãi bồi: chiếm khoảng 5% diện tích của toàn tỉnh.
  • Vùng địa hình núi sót: ở phía Nam của TP Dĩ An và huyện Dầu Tiếng; có diện tích không đáng kể.

3.2. Tài nguyên đất của tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có tài nguyên đất rất đa dạng và phong phú về chủng loại bao gồm:

  • Đất xám: có diện tích khoảng 142.444 ha; chiếm khoảng 54,8% tổng diện tích đất đai của tỉnh; thích hợp với nhiều cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái, cây công nghiệp.
  • Đất đỏ vàng: có diện tích khoảng 65.243 ha; chiếm khoảng 25,12% diện tích đất đai của tỉnh; phù hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê; điều; cao su; tiêu; cây ăn trái; cây rau màu…
  • Đất phù sa: có diện tích khoảng 15.725 ha; chiếm khoảng 6,05% diện tích đất đai của toàn tỉnh; thích hợp cho việc trồng cây lương thực - thực phẩm; cây ăn quả đặc sản…
  • Đất phèn: có diện tích khoảng 3.300 ha. Loại đất này sau khi được cải tạo có thể trồng lúa, rau và cây ăn trái.
  • Đất dốc tụ: khoảng 3.200 ha, là loại đất được hình thành do quá trình bồi tích nên độ phì nhiêu của đất khá cao.
  • Đất xói mòn trơ sỏi đá: có diện tích khoảng 91 ha; được sử dụng để khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng.

3.3. Điều kiện khí hậu tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có khí hậu đặc trưng của miền Đông Nam Bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định: nắng nóng, mưa nhiều và có độ ẩm khá cao. Khí hậu trong năm phân chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 Dương lịch; mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Ở Bình Dương, nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 26°C - 27°C. Lượng mưa trung bình năm khoảng từ 1.800 - 2.000 mm.

3.4. Điều kiện thuỷ văn, sông ngòi của tỉnh Bình Dương

Tỉnh Bình Dương có 03 con sông lớn chảy qua là: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Trong đó, sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ.

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên của tỉnh Lâm Đồng, có chiều dài 635 km; chảy qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên và TP Tân Uyên của tỉnh Bình Dương. Sông Đồng Nai có giá trị lớn giúp cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ và cung cấp thuỷ sản.

4. Đặc điểm KT-XH của tỉnh Bình Dương

Những thông tin tìm hiểu Bình Dương ở miền nào sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương này.

Tỉnh Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là tỉnh có nhiều khu công nghiệp thứ 2 cả nước (sau tỉnh Đồng Nai).

Theo báo cáo thống kê năm 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hơn 95%.

Bình Dương cũng là tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước với 12.721 ha; chiếm 25% diện tích các khu công nghiệp của khu vực miền Nam và 13% diện tích các khu công nghiệp của cả nước.

Bình Dương có nhiều khu công nghiệp lớn như: VSIP 2; Sóng Thần 2; Tân Mỹ; Sóng Thần 3; Tân Uyên; Bàu Bàng…

Vậy là bạn đã biết thêm nhiều thông tin về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương khi tìm hiểu Bình Dương ở miền nào, Bình Dương giáp tỉnh nào.... Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Bình Dương ở miền nào, Bình Dương thuộc miền Nam hay miền Bắc?