Căng thẳng về năng lượng giữa Châu Âu và Nga sẽ tác động đến cục diện xung đột tại Ukraine như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga, với hy vọng giáng một đòn nặng nề vào Moscow trong cuộc chiến năng lượng để ngăn chặn một cuộc xâm lược đẫm máu trên chiến trường Ukraine. Điều này sẽ có tác động như thế nào đến cục diện xung đột tại Ukraine?

Trước khi bùng nổ cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn tuyên bố ủng hộ vững chắc các nỗ lực chống xâm lược của Ukraine. Tuy nhiên, các nước phương Tây sẽ không đưa quân tham chiến để bảo vệ Ukraine nhằm tránh chiến tranh leo thang thành Thế chiến thứ III.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm một số nước ở Châu Á, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga, với hy vọng giáng một đòn nặng nề vào Moscow trong một khu vực chiến trường cực kỳ quan trọng khác, cắt đứt quỹ chiến tranh của nước này trên chiến trường đẫm máu.

Và trong lĩnh vực quan trọng nhất của chiến trường kinh tế: cung cấp năng lượng, cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với các nước phương Tây và Nga ngày càng gay gắt.

Mỹ và G7 công bố kế hoạch giới hạn giá dầu để cắt giảm tài trợ chiến tranh của Nga

Các bộ trưởng tài chính của Hoa Kỳ và cường quốc công nghiệp G7 hôm thứ Sáu (2/9) cho biết, họ có kế hoạch áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga, khởi động một nỗ lực đầy tham vọng nhằm cắt nguồn tài trợ chiến tranh chính của Nga mà không kích thích giá dầu.

Trong một tuyên bố, các bộ trưởng cho biết mức giá trần sẽ được thực thi bằng cách cấm các dịch vụ vận chuyển dầu Nga mua với giá cao hơn mức trần.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới tiết lộ rằng họ có kế hoạch thực hiện gói này vào ngày 5/12/2022, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển có hiệu lực để đảm bảo tác động tối đa.

Các bộ trưởng không công bố mức giá trần dự kiến, nhưng họ cho biết mức trần ban đầu sẽ dựa trên một loạt các yếu tố đầu vào công nghệ, với mức giá sẽ được xem xét lại nếu cần thiết.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ lưu ý rằng giới hạn giá dầu sẽ "cao hơn giá sản xuất" - đủ cao để khuyến khích Nga tiếp tục sản xuất dầu, trong khi vẫn gây áp lực giảm đối với nguồn thu từ dầu cao của Nga.

"Bằng cách cam kết hoàn thiện và thực thi giới hạn giá, G7 về cơ bản sẽ giảm đáng kể nguồn tài trợ chính cho chiến tranh bất hợp pháp của Nga, đồng thời duy trì nguồn cung cho các thị trường năng lượng toàn cầu bằng cách cho phép dầu của Nga chảy với giá thấp hơn", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố.

Nga đe dọa ngừng bán dầu lẫn khí đốt nếu bị áp giá trần

Chỉ vài giờ trước khi G7 thông báo rằng họ sẽ áp đặt trần giá dầu đối với Nga, Moscow cho biết họ sẽ ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào việc này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: “Các công ty thực hiện giới hạn giá dầu sẽ không được mua dầu của Nga".

Ông mô tả giới hạn giá dầu là một "quyết định phi lý" sẽ "dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng trên thị trường dầu mỏ".

Tuy nhiên, ông James O'Brien, điều phối viên về các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã bác bỏ những lo ngại như vậy. Ông nói với các phóng viên tại Brussels rằng Nga "cần duy trì hoạt động của cỗ máy năng lượng và nó cần được tài trợ". Tất nhiên, quyết định nằm trong tay Nga.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã lặp lại quan điểm đó trong một cuộc gọi hội nghị với các phóng viên, nói rằng Nga, cần tiền để hỗ trợ cuộc chiến xâm lược của mình, do đó sẽ phải bán các sản phẩm năng lượng của mình với mức giá bị giới hạn.

"Cuối cùng, lợi ích kinh tế của Nga là bán dầu với giá thấp hơn vì nguồn thu lớn nhất của họ đến từ buôn bán năng lượng", một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.

Cố ý tấn công phương Tây trên chiến trường năng lượng, Nga ngừng cung cấp khí đốt 'vô thời hạn' cho châu Âu

Cũng trong ngày thứ Sáu, tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga thông báo họ đã đình chỉ "vô thời hạn" tất cả việc cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream 1, một huyết mạch quan trọng kết nối Nga và Liên minh châu Âu. Nguyên nhân là do một trong những trạm nén của họ có vấn đề kỹ thuật về thiết bị, truyền thông Nga đưa tin.

Đối mặt với việc này, phương Tây đang khẩn cấp tăng cường nguồn cung trước mùa đông.

Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng việc ngừng hoạt động là do "lỗi" được phát hiện trên một tuabin tại trạm nén.

Điện Kremlin không cung cấp khung thời gian trong việc bắt đầu lại quá trình phân phối khí đốt.

Ban đầu, Nga đã tạm dừng nguồn cung vào thứ Tư (31/8), bề ngoài là trong thời gian bảo trì ba ngày, tuy nhiên sau đó Moscow tuyên bố sẽ cắt giảm hoàn toàn nguồn cung.

Tuyên bố của Gazprom được đưa ra vài giờ sau khi các bộ trưởng tài chính G7 công bố kế hoạch áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu của Nga nhằm hạn chế nguồn tài trợ chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào thời điểm EU đang tuyệt vọng nạp đầy các bồn chứa khí đốt của mình trước mùa đông, sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ đánh dấu sự suy giảm nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng năng lượng của EU.

Trong khi EU đang trên đà đạt được các mục tiêu dự trữ của mình, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng để duy trì nguồn cung cho đến tháng 3/2023, khối này cũng phải chuẩn bị để cắt giảm tiêu thụ ở mức chưa từng có.

Các quốc gia như Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga phải chuẩn bị cho việc cắt giảm tiêu thụ sâu hơn nữa, lên tới 25%.

G7 cũng sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu và phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước khác để bù đắp nguồn cung của Nga.

Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết nếu Gazprom ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt qua Nord Stream 1, nhu cầu của Đức sẽ "giảm nghiêm trọng trong mùa đông tới, dẫn tới việc nước này phải bù đắp lượng thiếu hụt từ Trung và Đông Âu cho mùa đông tới".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Căng thẳng về năng lượng giữa Châu Âu và Nga sẽ tác động đến cục diện xung đột tại Ukraine như thế nào?