Chân đổi màu tía: Triệu chứng COVID kéo dài bất thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào tháng 8, Tạp chí The Lancet đã xuất bản một bài báo mô tả chi tiết một trường hợp hiếm gặp về một người đàn ông 33 tuổi ở Vương quốc Anh mắc triệu chứng COVID kéo dài, cơ thể phát triển các vệt màu hơi xanh, đặc biệt ở chân. Báo cáo này đã làm dấy lên mối lo ngại về các triệu chứng chưa biết ở những người từng mắc COVID.

Khoảng sáu tháng trước, người này nhận thấy sau một phút đứng, đôi chân bắt đầu sẫm màu và dần chuyển sang tím, các đường gân nổi rõ. Sau khoảng 10 phút, sự đổi màu càng trở nên rõ rệt hơn. Theo bệnh nhân, chân sẽ có cảm giác nặng nề, tê rần và ngứa ngáy. Tuy nhiên, khi nằm xuống, màu sắc ở chân sẽ trở lại bình thường và các triệu chứng khác cũng giảm dần.

Bệnh nhân trước đó đã nhiễm COVID-19 hai lần. Một năm sau khi hồi phục, anh phải vật lộn với chứng mất ngủ và mệt mỏi không ngừng. Các triệu chứng khác bao gồm đau cơ, gián đoạn giấc ngủ, kém thị lực, rối loạn chức năng tình dục và sương mù não. Hai tháng trước khi báo cáo trường hợp nói trên, anh được chẩn đoán mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS), đặc trưng bởi nhịp tim tăng bất thường khi đứng, trong khi huyết áp không thay đổi.

Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, bệnh nhân mắc POTS có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh hoặc đau ngực, khó thở hoặc ngất xỉu, run rẩy và đổ mồ hôi, các vấn đề về tiêu hóa, nhức đầu, các vấn đề về thị lực, tay chân đổi màu, mệt mỏi và sương mù não.

Trước khi mắc COVID-19, tiền sử bệnh của người này bao gồm hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán ở tuổi 18, đau vùng chậu từ năm 21 tuổi, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và tăng động khớp ở tuổi 31. Xem xét tiền sử bệnh và các chỉ số lâm sàng của bệnh nhân, chẩn đoán chỉ ra rối loạn chức năng tự chủ thứ phát liên quan đến nhiễm SARS-CoV-2 và liên quan đến COVID kéo dài. Sự đổi màu của chân là do ứ máu tĩnh mạch và thiếu máu cục bộ ở da.

Theo Trường Y thuộc Đại học Stanford, rối loạn chức năng tự chủ xảy ra khi hệ thống thần kinh tự trị (chịu trách nhiệm điều chỉnh sức khỏe và duy trì sự cân bằng) không hoạt động bình thường. Rối loạn chức năng tự chủ có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, tuyến mồ hôi và các chức năng tiêu hóa, tiết niệu và tình dục.

Tiến sĩ Manoj Sivan, phó giáo sư lâm sàng và cố vấn danh dự về y học phục hồi chức năng tại Trường Y thuộc Đại học Leeds, nói với SciTechDaily: “Đây là một trường hợp nổi bật về chứng xanh tím đầu cực (acrocyanosis) ở một bệnh nhân chưa từng trải qua bệnh này trước khi nhiễm COVID-19… Các bác sĩ lâm sàng có thể không nhận thức được mối liên hệ giữa chứng xanh tím đầu cực và COVID kéo dài”.

COVID kéo dài là một hội chứng đa hệ thống với nhiều triệu chứng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài các triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) kéo dài, Tiến sĩ Janet Diaz, trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Dự án Đào tạo Chăm sóc quan trọng về Nhiễm trùng Hô hấp Cấp tính nặng (SARI) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đã có hơn 200 triệu chứng COVID kéo dài được báo cáo cho đến nay.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa COVID và POTS kéo dài, cũng như rối loạn chức năng tự chủ. Ngoài ra, bệnh acrocyanosis cũng từng được quan sát thấy ở trẻ em bị rối loạn chức năng tự chủ trước đây.

Một nghiên cứu được thực hiện ở Tây Ban Nha vào năm 2022 chỉ ra rằng 2,5% bệnh nhân mắc COVID kéo dài sẽ bị rối loạn chức năng tự chủ muộn (rối loạn chức năng thần kinh tự chủ), trong đó POTS là phổ biến hơn ở những bệnh nhân này.

Phương pháp giảm bớt triệu chứng POTS

Bài báo đề nghị tăng lượng chất lỏng và muối cho bệnh nhân này, kết hợp với việc tập các bài tăng cường cơ bắp.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (JACC) vào năm 2021 chỉ ra rằng, tiêu thụ lượng muối cao hơn một chút có thể làm giảm nồng độ norepinephrine trong huyết tương, giảm sự thay đổi nhịp tim và cải thiện các triệu chứng lâm sàng.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài sáu ngày với 14 bệnh nhân POTS (nhóm thử nghiệm) và 13 người khỏe mạnh (nhóm đối chứng) ở độ tuổi từ 23 đến 49. Nhóm thử nghiệm áp dụng chế độ ăn nhiều natri 300 milliequivalent (mEq) mỗi ngày, trong khi nhóm đối chứng áp dụng chế độ ăn ít natri 10 mEq mỗi ngày. Các nhà khoa học tiến hành đo nhịp tim nằm và đứng, huyết áp, aldosterone huyết thanh, thể tích máu, hoạt động renin huyết tương, norepinephrine và epinephrine huyết tương của những người tham gia.

Kết quả cho thấy so với chế độ ăn ít natri, chế độ ăn nhiều natri làm tăng thể tích máu, giảm sự thay đổi nhịp tim khi đứng và giảm nồng độ norepinephrine trong huyết tương. Hơn nữa, những bệnh nhân áp dụng chế độ ăn nhiều natri đã có những cải thiện đáng kể về sức khỏe, bao gồm giảm chứng chóng mặt và giảm đau đầu.

POTS có thể làm gián đoạn giấc ngủ; do đó, điều quan trọng là phải tập trung vào việc quản lý giấc ngủ. Cleveland Clinic khuyên bạn nên nâng đầu giường lên từ 15,24 - 25,4 cm để giảm bớt các triệu chứng. Ngoài ra, nó gợi ý nên thiết lập một lịch trình ngủ nhất quán, tránh ngủ trưa quá lâu vào ban ngày, hạn chế xem tivi quá nhiều hoặc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính trên giường vì những thiết bị điện tử này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng là những khía cạnh quan trọng khác để cải thiện POTS. Các bác sĩ khuyên nên phát triển những thói quen sau:

  • Tăng lượng natri hàng ngày từ 3.000mg lên 10.000mg.

  • Tiêu thụ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.

  • Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ.

  • Thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ và carbohydrate phức hợp để giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến và giảm bớt các triệu chứng.

  • Duy trì cân bằng dinh dưỡng với protein, rau, các sản phẩm từ sữa và trái cây.

  • Chọn đồ ăn nhẹ có vị mặn như nước dùng, dưa chua, cá mòi, ô liu, cá cơm và các loại hạt. Hãy chọn các thực phẩm lành mạnh hơn, tránh dựa vào khoai tây chiên và bánh quy giòn để bổ sung muối.

 

Theo Ellen Wan - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Ellen Wan đã làm việc cho phiên bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Chân đổi màu tía: Triệu chứng COVID kéo dài bất thường