Nguy cơ tổn thương thận ở những người có hội chứng “Covid kéo dài”

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Long COVID” (tạm dịch là “COVID kéo dài”), còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, tình trạng sức khỏe của người bệnh tiếp tục bị suy giảm và kéo dài dai dẳng. 

Dưới đây là bản tóm tắt một số nghiên cứu gần đây liên quan đến điều trị COVID-19, tuy nhiên các nghiên cứu vẫn đang được chứng thực và chưa có sự thẩm định chuyên môn.

“COVID kéo dài” gây nguy cơ tổn thương thận cao hơn

Phân tích dữ liệu của hơn 1,7 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ, trong đó bao gồm gần 90.000 người sống sót sau điều trị COVID-19, họ tiếp tục có các triệu chứng kéo dài ít nhất 30 ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người "điều trị lâu ngày" có nguy cơ mắc các vấn đề về thận cao hơn so với những người không bị nhiễm virus corona.

Theo báo cáo của Tạp chí của Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ, điều này đúng với cả những người điều trị tại nhà và đã khỏi bệnh, sự suy giảm chức năng thận thậm chí trầm trọng hơn với tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Khoảng 5% trong nhóm người bị ảnh hưởng “COVID kéo dài” đã giảm ít nhất 30% chỉ số độ lọc cầu thận ước tính, hay còn được gọi là chỉ số eGFR. Nhìn chung, những người bị ảnh hưởng “COVID kéo dài” có nguy cơ suy giảm eGFR cao hơn 25% so với những người không bị nhiễm, nguy cơ này còn cao hơn ở những người bệnh nặng nhưng được điều trị khỏi. Vốn dĩ chức năng thận thường suy giảm theo tuổi tác, nhưng tình trạng “COVID kéo dài” gây thiệt hại cho người bệnh vượt quá những gì xảy ra so với quá trình lão hóa thông thường.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis, cho biết trong một tuyên bố: “Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú ý đến chức năng thận và các bệnh liên quan trong việc chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm COVID-19”.

Mất khứu giác có thể kèm theo rối loạn về mùi

Theo một báo cáo được đăng tải trên medRxiv và đã được giới chuyên môn thẩm định, nhiều người bị mất khứu giác do COVID-19 cuối cùng đã hồi phục, nhưng một số người bệnh sống sót sau khi điều trị nói rằng mùi vị đã bị rối loạn và không rõ nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu đã phân tích trả lời khảo sát từ 1.468 người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020, họ bị mất khứu giác và vị giác từ khi bắt đầu bị bệnh. Ban đầu, khoảng 10% cho biết họ bị rối loạn mùi vị, hoặc rối loạn khứu giác, họ có thể ngửi thấy những mùi không có thật, được gọi là ảo giác khứu giác (phantosmia). Sau từ 6 đến 7 tháng điều trị, khoảng 60% phụ nữ và 48% nam giới đã lấy lại được 80% khả năng khứu giác so với trước khi bị bệnh, tỷ lệ rối loạn mùi vị, ảo giác khứu giác cũng được cải thiện.

Báo cáo cũng cho biết, khoảng 47% bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn khứu giác. Khoảng 25% bị ảo giác khứu giác, người bệnh có thể ngửi thấy mùi hóa chất, mùi khét,... nhưng những người xung quanh đều không ngửi thấy như vậy. Các vấn đề về mùi kéo dài dai dẳng thấy thường xuyên hơn ở những người sống sót sau khi điều trị COVID-19. Đó là dấu hiệu chính của tình trạng “COVID kéo dài".

Những bệnh nhân COVID-19 có sức khỏe kém hơn sau 6-12 tháng

Các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Bin Cao từ Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản ở Bắc Kinh, đã nghiên cứu 1.276 người xuất viện từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020 từ Bệnh viện Jin Yin-Tan ở Vũ Hán sau khi nhập viện vì COVID-19. Tất cả các bệnh nhân đều đồng ý đi khám sức khỏe vào thời điểm 6 và 12 tháng sau khi các triệu chứng của họ xuất hiện lần đầu. Tại mỗi thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh tình trạng sức khỏe của những người tham gia nghiên cứu với tình trạng sức khỏe của những người tương đương thuộc khu vực Vũ Hán, những người không bị nhiễm COVID-19.

Trong số những người nhập viện vì COVID-19, 68% cho biết có ít nhất một triệu chứng tiếp tục, liên quan đến COVID-19 sau 6 tháng khi các triệu chứng đầu tiên của họ xuất hiện. Mặc dù tỷ lệ phần trăm này giảm sau 12 tháng, nhưng nó vẫn ở mức tương đối cao, ở mức 49%. Nhìn chung, những bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tự cho biết sức khỏe kém hơn và có chất lượng cuộc sống thấp hơn — bao gồm cả các vấn đề về vận động — so với nhóm đối chứng.

Các bệnh nhân có triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo 12 tháng sau đó là mệt mỏi hoặc yếu cơ; các vấn đề khác bao gồm rối loạn giấc ngủ, thay đổi vị giác và khứu giác, chóng mặt, nhức đầu và khó thở. Một số triệu chứng thực sự còn tồi tệ hơn vào thời điểm 12 tháng so với thời gian trước đó trong nghiên cứu: tỷ lệ bệnh nhân báo cáo các vấn đề về hô hấp tăng nhẹ, từ 26% lên 30%, từ sáu tháng đến một năm sau khi các triệu chứng của họ xuất hiện. Các bệnh nhân cũng điền vào bảng câu hỏi về sức khỏe tâm thần của họ, và trong khi 23% cho biết họ cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm sau 6 tháng kể từ khi các triệu chứng đầu tiên của họ xuất hiện, 30% vẫn còn cảm giác như vậy sau một năm.

Liệu pháp kháng thể giúp giảm tỷ lệ nhập viện

Tạp chí EClinicalMedicine cho biết những người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình được điều trị bằng kháng thể đơn dòng có tỷ lệ nhập viện thấp hơn những người tương tự không được điều trị. Các nhà khoa học đã nghiên cứu khoảng 1.400 bệnh nhân, gần một nửa trong số đó đã được điều trị bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng kết hợp của Regeneron Pharmaceutical Inc, 45% người trên 65 tuổi, nhiều người bị huyết áp cao, béo phì, tiểu đường, bệnh phổi và các yếu tố nguy cơ khác.

Đến tuần thứ 4 của quá trình điều trị, chỉ có 1,6% người trong số họ phải nhập viện, so với 4,8% bệnh nhân không được điều trị bằng kháng thể đơn dòng. Nghiên cứu không chọn mẫu ngẫu nhiên và chưa thể chứng minh phương pháp điều trị có thể đạt được kết quả tốt hơn.

Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Raymund Raznable của Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota cho biết: “Những người có bệnh lý nền bị nhiễm COVID-19 từ mức nhẹ đến trung bình, có thể kết hợp tiêm kháng thể đơn dòng sẽ mang lại cho họ cơ hội hồi phục và thậm chí không phải nhập viện”.

May May (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ tổn thương thận ở những người có hội chứng “Covid kéo dài”