Du học sinh Trung Quốc trở thành mục tiêu bị lừa đảo mới tại Myanmar

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những năm gần đây, câu chuyện bên trong nạn buôn người xuyên quốc gia và lừa đảo viễn thông ở các khu tổ hợp phía bắc Myanmar liên tục bị phanh phui. Những người bị lừa tới đây bị đánh đập, trừng phạt, thậm chí mổ cướp nội tạng.

Mới đây, một nguồn tin tiết lộ rằng tình trạng lừa đảo qua điện thoại ở miền bắc Myanmar đã được nâng cấp, du học sinh Trung Quốc trở thành mục tiêu bị lừa đảo mới và những kẻ lừa đảo có thể nói ngoại ngữ trôi chảy.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ họ Trương (Zhang) ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã bị dụ đến Myanmar để tham gia lừa đảo viễn thông hơn một năm qua. Trước đó thông tin tuyển dụng mà người này nghe được là sang Singapore làm phiên dịch. Gần đây, sau khi vụ việc bị phanh phui trên Internet, dư luận Trung Quốc càng quan tâm hơn vì hình thức lừa đảo đã leo thang.

Một doanh nhân Trung Quốc sống ở Myanmar gần 10 năm mới tiết lộ với truyền thông Trung Quốc rằng, phương thức lừa đảo “phổ biến” của các băng nhóm ở miền bắc Myanmar là: đầu tiên dụ người khác đến địa phương đó với mức lương cao, sau đó hạn chế tự do của người bị hại và buộc gia đình họ giao tiền để chuộc người.

Vì lý do an toàn cá nhân, vị doanh nhân này từ chối tiết lộ tên thật của mình trên báo chí.

Vị doanh nhân cũng nói rằng các du học sinh Trung Quốc ở hải ngoại đã trở thành mục tiêu mới của các băng nhóm lừa đảo. Ông cho biết, có lẽ do du học sinh sống ở nước ngoài lâu nên không nắm bắt kịp thời thông tin trong nước và mất cảnh giác trước những cuộc gọi lừa đảo.

Ông chỉ ra, suy nghĩ phổ biến trước kia của mọi người là những kẻ lừa đảo viễn thông thậm chí còn không nói sõi tiếng Trung Quốc phổ thông. Nhưng hiện nay đã có sự thay đổi. Do “mục tiêu mới” là sinh viên quốc tế, các nhóm lừa đảo sẽ tìm những người nói ngoại ngữ lưu loát và có trình độ văn hóa cao để thực hiện hành vi lừa đảo.

Một phụ nữ khác làm giám đốc điều hành tại chuỗi khách sạn nổi tiếng toàn cầu ở Yangon, Myanmar tiết lộ, hiện tại nguồn khách Trung Quốc của khách sạn đã sụt giảm, giá phòng cũng gần như giảm một nửa, thậm chí việc tuyển dụng người Trung Quốc tới làm cũng trở thành vấn đề. Bởi vì họ lo ngại rằng khi tới Myanmar sẽ rơi vào tay các băng đảng lừa đảo.

Vị nữ giám đốc này nói, nhà hàng của khách sạn cần tuyển một đầu bếp người Trung Quốc, nhưng sau mấy tháng phỏng vấn hơn mười người, cuối cùng không có ai dám đến làm việc. Bà cho biết trước đây chưa từng xảy ra việc này.

Câu chuyện của một nạn nhân may mắn chạy thoát khỏi Myanmar

Ông Hạnh Vệ Lâm (Xing Weilin), ông chủ một công ty du lịch ở Quý Châu, từng bị lừa đến thành phố Myawaddy ở miền đông Myanmar nhưng sau đó may mắn trốn thoát. Sau khi thoát khỏi nguy hiểm, ông vô cùng đau đớn khi phải cảnh báo những người đồng hương Trung Quốc khác rằng: “Đừng bao giờ bắt chuyện với người Trung Quốc” khi ra nước ngoài, đừng tin tưởng những người Trung Quốc xa lạ.

Ông Hạnh Vệ Lâm cho biết, theo những gì bản thân trải qua, tất cả các ông chủ thực hiện hành vi lừa đảo viễn thông ở Myanmar đều là người Trung Quốc, người Myanmar chỉ cung cấp địa bàn, còn bạn làm gì trên đất của họ thì họ không quan tâm, khu vực đó đang trong tình trạng vô chính phủ.

Ông Hạnh tiết lộ rằng, công ty ông từng làm ở Myanmar có 30 người và họ có thể lừa đảo hơn 6 triệu nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ VND) mỗi tháng, thậm chí có người còn kiếm được 28 triệu nhân dân tệ (hơn 92 tỷ VND) mỗi năm cho ông chủ. Vì vậy, khi ông cố gắng thương lượng mức bồi thường với ông chủ để được thả về, ông chủ đã từ chối để ông đi, bởi vì “điều ông ta muốn là vắt kiệt 'giá trị' của bạn".

Ông Hạnh cũng đề cập đến chuyện báo chí đưa tin rằng một ông chủ nào đó ở KK Park đã bị bắt, nhưng thực tế thì mọi người sẽ không bao giờ biết được ông trùm thực sự ở hậu trường là ai, còn kẻ bị bắt chỉ là ông chủ nhỏ. Vì vậy, sau khi ông chủ nhỏ bị bắt, khu đó vẫn "hoạt động bình thường", KK Park có hơn 9.000 người, nhiệm vụ mỗi ngày của họ là kiếm 100 triệu nhân dân tệ (330 tỷ VND), nếu không đạt được thì mọi người đều bị trừng phạt.

Tại thị trấn Myawaddy, ngoài tổ hợp KK Park khét tiếng thì còn 13 tổ hợp khác tham gia đường dây lừa đảo.

Ông cho rằng những người chạy trốn như ông rất may mắn khi rơi vào tay những kẻ vũ trang ở địa phương, vì người dân địa phương chỉ quan tâm đến tiền. Ông đã thoát thân khi trả cho họ khoảng 80.000 nhân dân tệ (khoảng 260 triệu VND) "phí cảm ơn". Nếu bị mắc kẹt trong KK Park, ngay cả khi gia đình trả số tiền chuộc 800.000 nhân dân tệ thì ông chủ cũng có thể không để bạn đi.

(Video phỏng vấn ông Hạnh Vệ Lâm chia sẻ về trải nghiệm kinh hoàng ở Myanmar)

Theo bài viết đăng trên ứng dụng “Yangcheng Pai” của tờ báo Trung Quốc Yangcheng Evening News, thị trấn Myawaddy ở Myanmar là trung tâm buôn bán người lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Những người bị lừa qua đó sẽ bị bán sang các nước Đông Âu và Đông Nam Á, kết cục của họ có thể là bị ép buộc tham gia đường dây lừa đảo hoặc bị bóc lột tình dục, hoặc bị đưa sang thị trường giao dịch nội tạng ngầm.

Theo bài báo, thống kê của cảnh sát Thái Lan cho thấy mỗi năm có khoảng 70.000 người Trung Quốc bị buôn bán từ Thái Lan đến thị trấn Myawaddy, tức là mỗi ngày trung bình có gần 200 người trở thành nạn nhân. Đây mới chỉ là số liệu bề nổi do nhà chức trách Thái Lan công bố.

Một cư dân mạng Weibo đã đăng bài chất vấn sự thờ ơ của chính phủ Trung Quốc. Ông nêu ra ba câu hỏi:

  1. Chúng ta có thể hạn chế người Trung Quốc vào các trang web nước ngoài, tại sao không thể hạn chế những người ở miền bắc Myanmar sử dụng WeChat gọi điện về trong nước?
  2. Chúng ta có thể kiểm soát dòng tiền ra vào biên giới, tại sao không thể kiểm soát việc bị bọn lừa đảo rút tiền?
  3. Biết rõ địa điểm và kẻ đứng đầu các ổ lừa đảo, tại sao không làm sạch chúng từ gốc mà lại để hàng trăm triệu người bận rộn cài đặt phần mềm chống lừa đảo?

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Du học sinh Trung Quốc trở thành mục tiêu bị lừa đảo mới tại Myanmar