Hỗn loạn bao trùm Iraq: Ít nhất 12 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạo lực bùng phát sau khi giáo sĩ dòng Shiite quyền lực Muqtada al-Sadr cho biết ông sẽ rời khỏi chính trường. Những người ủng hộ ông Sadr đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Baghdad khiến ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Iraq chìm sâu vào hỗn loạn chính trị hôm thứ Hai (29/8) sau khi giáo sĩ dòng Shiite Muqtada al-Sadr tuyên bố từ giã chính trường và ít nhất 12 người ủng hộ ông đã bị lực lượng an ninh chính phủ bắn chết trong khi biểu tình ở thủ đô Baghdad.

Tuyên bố của ông Sadr trên Twitter đã khiến hàng trăm người ủng hộ ông đổ xô xuống đường phố ở Baghdad, nơi họ phá rào bê tông bảo vệ cái gọi là Vùng Xanh, khu vực có nhiều cơ quan ngoại giao tại Baghdad như Quốc hội, các văn phòng chính phủ Iraq và các cơ quan đại diện ngoại giao, bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ, theo NYTimes.

Ít nhất 12 người biểu tình đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi đụng độ với lực lượng an ninh, theo hai quan chức Iraq yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Reuters cho hay, Baghdad và hầu hết các tỉnh đều bị giới nghiêm vào tối thứ Hai. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức y tế cấp cao đưa tin, ít nhất 15 người biểu tình đã thiệt mạng vì súng đạn.

Một phụ tá cấp cao của ông Sadr, Hassan al-Adhari, cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng giáo sĩ dòng Shiite tuyên bố rằng ông sẽ tuyệt thực cho đến khi “bạo lực và sử dụng vũ khí chấm dứt”.

Những người ủng hộ giáo sĩ Iraq Muqtada al-Sadr gần tòa nhà quốc hội ở Baqhdad, Iraq vào ngày 29/8/2022. Động thái này diễn ra ngay sau khi ông al-Sadr tuyên bố hoàn toàn rút lui khỏi chính trường trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài ở nước này. (Ảnh: Murtadha Al-Sudani/Anadolu Agency/Getty Images)

Mặc dù tình trạng hỗn loạn chính trị và các cuộc biểu tình trên đường phố khá phổ biến ở Iraq, nhưng những diễn biến hôm thứ Hai - với sự kết hợp dễ bùng phát của sự chia rẽ giữa những người dòng Shiite và sự vi phạm các thể chế nhà nước, cùng với bế tắc chính trị - có thể đánh dấu một giai đoạn nguy hiểm hơn.

Iraq đã không có chính phủ mới kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10 năm ngoái, khi các ứng cử viên trung thành với ông Sadr giành được số ghế lớn nhất và làm lu mờ các đảng chính trị dòng Shiite của đối thủ do Iran hậu thuẫn. Điều đó đã khiến đất nước này không thể giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách, chẳng hạn như thông qua ngân sách hàng năm.

Ông Sadr, người có lực lượng dân quân đã chiến đấu với quân đội Mỹ trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Iraq, xuất thân từ một gia đình giáo sĩ được tôn kính và là nhân vật tôn giáo dòng Shiite có ảnh hưởng nhất của Iraq tham gia vào chính trị. Trong bối cảnh bất đồng với các đảng khác về việc ai nên làm tổng thống và thủ tướng, ông đã khiến quá trình thành lập chính phủ trở nên hỗn loạn vào tháng 6 khi ra lệnh cho các thành viên mới được bầu của Quốc hội trung thành với ông từ chức.

Các nhà lãnh đạo phong trào Sadr, trong một cuộc biểu dương lực lượng vào tháng 7, đã chỉ đạo những người ủng hộ ông xông vào Quốc hội và sau đó "cắm trại" và phong tỏa tòa nhà Quốc hội trong hơn một tháng. Điều này đã cản trở việc các nhà lập pháp của nước này nhóm họp.

Ông Sadr có mối quan hệ không mấy êm đẹp với Iran. Cho nên, nếu ông quyết định rời bỏ chính trường thì có thể mở đường cho các đối thủ do Iran hậu thuẫn của ông thành lập hạt nhân của chính phủ mới. Năng lực huy động hàng trăm nghìn tín đồ của ông trên khắp Iraq đối với người Shiite sẽ giúp ông tạo ra các cuộc biểu tình đe dọa bất kỳ chính phủ mới nào nếu ông muốn.

Hôm 29/8, những người biểu tình lần đầu tiên đã xông vào Cung điện của Đảng Cộng hòa, nơi ở cũ của ông Saddam Hussein, nơi sau này là trụ sở của cuộc chiếm đóng do Hoa Kỳ lãnh đạo và hiện là nơi tổ chức các cuộc họp nội các của Iraq. Đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một số người biểu tình nhảy múa trong hồ bơi của cung điện.

Một người ủng hộ giáo sĩ Shiite Muqtada Al-Sadr nhảy xuống hồ bơi của Cung điện Chính phủ trong một cuộc biểu tình. Những người ủng hộ ông al-Sadr đã xông vào Cung điện Chính phủ ngay sau khi giáo sĩ Shiite nói rằng ông sẽ từ giã chính trường. (Ảnh: Ameer Al-Mohammedawi/Getty Images)

Một số tổ chức quốc tế đang thực hiện các chuyến bay sơ tán từ Vùng Xanh bằng máy bay trực thăng đến sân bay quốc tế của Baghdad.

Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, nói rằng ông rất lo lắng trước những diễn biến này.

"Ông ấy kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế", ông nói, dẫn lời ông Guterres, đồng thời nói thêm rằng nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc đang kêu gọi "ngay lập tức giảm leo thang tình hình và tránh mọi hành động bạo lực".

Lực lượng an ninh đã phong tỏa các con đường ở phía nam thủ đô, ngăn không cho nhiều người biểu tình đến từ các tỉnh phía nam vốn là thành trì của Sadr. Một trong những tỉnh đó, Dhi Qar, đã thông báo tất cả các văn phòng chính phủ sẽ đóng cửa vào thứ Ba (30/8) vì lo ngại về an ninh.

Lực lượng an ninh Iraq bao gồm các thành viên của lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn không trực tiếp nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Lực lượng này cũng sử dụng hơi cay và vòi nước chống lại những người biểu tình ở Vùng Xanh.

Nước láng giềng Iran tuyên bố đóng cửa tất cả các biên giới trên bộ với Iraq cho đến khi có thông báo mới và cảnh báo người dân không đến Iraq, đồng thời cho biết nước này đang nỗ lực để đưa du khách Iran về nước an toàn. Sân bay quốc tế của Tehran đã ngừng các chuyến bay đến Baghdad. Hàng triệu người Iran hành hương đến Iraq mỗi năm để thăm các đền thờ lịch sử ở trung tâm của bản sắc Hồi giáo dòng Shiite.



BÀI CHỌN LỌC

Hỗn loạn bao trùm Iraq: Ít nhất 12 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ