Bộ Tài chính lấy ý kiến về chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 4/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Để triển khai, Bộ Tài chính (MOF) đã soạn Dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hiện đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo này trong ngày hôm qua (10/3/2020).

Đối tượng được hỗ trợ

Dự thảo của Bộ Tài chính (MOF) nhắm vào nhóm doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình được cho là chịu tác động lớn nhất do Covid-19 và đồng thời cũng là nhóm ngành, nghề quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam như: nông nghiệp, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến thực phẩm, dệt may, sản xuất giày, dép, sản xuất các sản phẩm từ cao su, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản xuất lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô 9 chỗ trở xuống), nhóm ngành vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Ngoài ra, chỉ cần là doanh nghiệp được xác định có quy mô nhỏ, siêu nhỏ theo Luật hiện hành và theo quy mô vốn của doanh nghiệp tại báo cáo tài chính năm 2019 thì cũng sẽ trở thành đối tượng thụ hưởng của chính sách này.

Giãn thời gian nộp thuế khiến doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình có thêm 30.100 tỷ đồng đưa vào kinh doanh trong 5-9 tháng tới

MOF căn cứ vào: (i) Luật quản lý thuế, xác định thẩm quyền của chính phủ trong việc gia hạn thuế mà không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định; (ii) dự báo thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch để đề xuất chương trình gia hạn thời gian nộp thuế, phí đất trong 5 tháng tới.

Các loại thuế được giãn thời gian nộp bao gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế đất.

MOF cho biết việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 05 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng (trong đó: số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020.

Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thuộc đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19: Việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế nêu trên. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn tại khoản này trước ngày 15 tháng 12 năm 2020.

Đối với nhóm này, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 của nhóm được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu NSNN của năm 2020 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.

Đối với tiền thuê đất: Bộ Tài chính dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/10/2020.

Việc gia hạn thời gian nộp thuế khiến doanh nghiệp có một khoản tiền mặt để đẩy vào lưu thông, giảm bớt khó khăn về thanh khoản. Theo tính toán đã công bố bởi MOF, tổng tiền mặt được “nợ” lại nhà nước mà doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có thể đưa vào lưu thông lên tới 30.100 tỷ đồng. Đây là thông tin tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh bộn bề khó khăn bởi Covid-19 và cú sốc từ tổng cung do gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tài chính lấy ý kiến về chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp