Bài thơ tiếng Anh được nhiều người ưa thích nhất trên toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một bài thơ tiếng Anh, tương truyền là của William Shakespeare, cũng có người nói là của Bob Marley, hoặc của Qyazzirah Syeikh Ariffin, được đông đảo người dân trên toàn thế giới yêu thích, và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chỉ riêng tiếng Việt cũng có hàng chục phiên bản dịch, chữ Hán (tiếng Trung) cũng có hơn 20 phiên bản dịch bài thơ này. Đó là bài thơ nào?

Bài thơ đó khá ngắn, tên là "You say that you love rain", chỉ có mấy câu như sau:

You say that you love rain,
But you open your umbrella when it rains.
You say that you love the sun,
But you find a shadow spot when the sun shines.

You say that you love the wind,
But you close your windows when wind blows.
This is why I am afraid,
You say that you love me too.

Dịch nghĩa:

Em nói rằng em yêu mưa
Nhưng em lại che ô khi trời mưa
Em nói rằng em yêu nắng
Nhưng em lại tìm bóng râm khi trời nắng

Em nói rằng em yêu gió
Nhưng em lại đóng cửa khi gió thổi
Đó là lý do anh sợ
Khi em nói rằng em yêu anh.

Một cô gái đầy mâu thuẫn, rất giống với lời bài hát "Con gái" của Phương Thảo, Ngọc Lễ, có lẽ nói đúng hơn là tác giả bài hát "Con gái" đã chịu ảnh hưởng của bài thơ nổi tiếng này. Mấy câu trong bài hát "Con gái" như sau:

Con gái nói có là không
Con gái không là có
Con gái nói một là hai
Con gái nói hai là một
Con gái ghét là thương
Con gái nói thương là ghét...

Bài thơ ngắn gọn, lời lẽ dễ hiểu, nhẹ nhàng, đầy hình ảnh và sắc thái, và câu kết bất ngờ khiến độc giả cảm thấy thú vị. Chính vì thế, phiên bản tiếng Việc đã có hàng chục bản dịch với đủ các loại phong cách thơ khác nhau, rất phong phú đa dạng, và cũng rất hay, cuốn hút. Xin liệt kê một số bản dịch khá hay và độc đáo như sau:

1. Bản dịch Nguyễn Văn Bỉnh: kiểu thơ hiện đại 8 chữ

Em nói rằng mưa làm em thích thú
Trời vừa mưa em đã trú dưới ô
Em nói rằng em thích trời nắng to
Trời vừa nắng em đã lo vào mát

Em nói rằng em thích gió dào dạt
Nhưng lại đi đóng cửa lúc gió lùa
Em nói em cũng yêu anh say sưa
Làm anh sợ em đang đùa anh đấy!

2. Bản dịch Nguyễn Văn Bỉnh 2: kiểu thơ lục bát

Em rằng em thích mưa to,
Mưa vừa lất phất lấy ô che rồi!
Em rằng em thích nắng trời,
Trời vừa toả nắng tìm ngồi bóng cây!

Em rằng em thích gió bay,
Lại đi đóng cửa khi đây gió lùa!
Làm tôi sợ tính em đùa:
Rằng yêu tôi cũng say sưa thật lòng!

Em rằng em thích mưa to, Mưa vừa lất phất lấy ô che rồi! (Ảnh minh họa pexels)

3. Bản dịch của Quốc Huy: kiểu thơ 6 chữ

Em nói em thích mưa rơi,
Nhưng sao dù em lại mở.
Em bảo em yêu mặt trời,
Sao tìm bóng đen đáng sợ.

Em yêu cơn gió nhẹ lùa,
Mà đóng phòng khi gió thổi.
Lòng tôi lo lắng bâng quơ,
Lời yêu mà em đã nói.

4. Bản dịch của Hien Luu: kiểu thơ lục bát, rút ngắn nội dung

Mở dù bé nói yêu mưa
Chỗ râm bé đứng vì ưa nắng trời
Cài then: thương gió thật rồi
Giật mình khi bé nói lời yêu anh

5. Bản dịch theo phong cách thơ Bà Huyện Thanh Quan:

Ai ước trời mưa hắt bóng tà
Mưa về xuống chợ, mở ô ra
Bâng khuâng khách trú, mong trời nắng
Nắng sáng trời trong, núp bóng nhà

Nhớ gió chưa về đưa chút chút
Then cài bỏ mặc gió xa xa
Dừng thơ ngẫm lại lời non nước
Biết có thật không, người với ta?

6. Bản dịch theo phong cách thơ Hàn Mặc Tử: bản dịch của Nguyễn Văn Thực

Sao em không còn yêu mưa nữa?
Mà vội xoè ô đợi nắng lên?
Nắng lên gắt quá, em không chịu
Núp bóng râm che, mặt chữ điền

Em thích những ngày mây gió lên
Sao đóng cửa rồi then cài then?
Lời ai ong bướm sao ngon ngọt
Yêu mến thật lòng được mấy phen?

7. Bản dịch theo phong cách thơ Xuân Diệu:

Có một dạo, em thèm cơn mưa quá,
Hạt rơi là, em vội lấy ô sang
“Em những mong, có một chút nắng vàng!”
Vầng dương lên, em dịu dàng nấp bóng

Em thủ thỉ: “Ước gì… con gió lộng…”
Cơn mùa về, bên cửa đóng, xoa tay
Anh mỉm cười, nhưng bỗng thấy lo ngay
Vì anh sợ, lời yêu, em cũng thế…

8. Bản dịch theo phong cách Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta
Yêu mưa yêu nắng khéo là dễ quên
Núp tán dâu lúc nắng lên
Che ô mưa xuống mà thê thảm lòng

Lạ gì kẻ thích gió đông
Những là quen thói gió lồng cài then
Thơ tình lần giở trước đèn
Liệu chàng còn nhớ thề nguyền ngày xưa?

9. Bản dịch theo phong cách thơ Nguyễn Bính

Nắng mưa là chuyện của trời,
Thế mà nàng cứ hết lời yêu thương.
Thôn Đoài mượn chút mưa vương,
Thôn Đông đội nón trên đường che vai.

Hàng cau gọi chút nắng mai,
Giàn giầu tay níu tay cài nấc thang.
Dẫu rằng cách trở đò giang,
Gió lên bến đợi, đò càng phụ ai.

Thôn Đông nói nhớ thôn Đoài,
Tương tư này lại thức hoài bao đêm.

10. Bản dịch theo phong cách Silva Kaputikian, một nữ thi sĩ người Armenia, bản dịch của Le Tran Hai:

Em bảo em yêu mưa
Sao xòe ô vội vã?
Em bảo yêu nắng hạ
Sao lủi vào bóng râm?

Em bảo yêu gió xuân
Sao đóng sầm cánh cửa?
Em bảo yêu anh nữa
Ôi chao, anh lo rồi

Em bảo yêu nắng hạ; Sao lủi vào bóng râm? (Ảnh minh họa pexels)

11. Theo phong cách Pushkin

“Tôi yêu mưa” có ai từng nói vậy
Nhưng mưa rồi mở dù vội che ngay
Cũng có khi anh yêu vầng dương rạng
Nhưng náu mình trong bóng dưới hàng cây

Ai đó nguyện tâm mong đợi gió
Gió ghé ngang, anh lại trốn trong phòng
Nên tôi sợ khi người yêu tôi đó
Chúa biết rằng người có thật lòng không!

12. Phong cách Hồ Xuân Hương:

Chém cha mấy đứa thích trời mưa
Mưa xuống che ô, chẳng chịu vừa
Năm lần bảy lượt mê trời nắng
Lại núp bóng vườn lúc giữa trưa

Thích có gió lên, hiu hiu thổi
Nhưng rồi khép cửa, chẳng khe thưa
Thân này ai nói yêu thương nhớ
Chẳng biết thật không, khéo lại lừa!

Những người yêu thơ Việt Nam có cơ hội 'dịch thơ' phóng tác ra rất nhiều đa dạng thể loại, với nhiều phong cách thơ khác nhau. Không chỉ Việt Nam, các nước khác cũng có tình trạng tương tự. Ví như có người đã tìm trên mạng thấy trên 20 phiên bản dịch bài thơ này bằng chữ Hán, cũng có nhiều phong cách, thể loại thơ độc đáo, đặc sắc, rất quen thuộc với các thể thơ cổ. Dưới đây chỉ đơn cử ra một số bản dịch tiêu biểu:

13. Phong cách Kinh Thi

子言慕雨, 啟傘避之. 子言好陽, 尋陰拒之.
子言喜風, 闔戶離之. 子言偕老, 吾所畏之.

Phiên âm Hán Việt:

Tử ngôn mộ vũ, khởi tản tị chi. Tử ngôn hiếu dương, tầm âm cự chi.
Tử ngôn hỉ phong, hạp hộ ly chi. Tử ngôn giai lão, ngô sở úy chi

Tạm dịch:

Em nói yêu mưa, mở ô che mưa. Em nói thích nắng, tìm bóng râm tránh.
Em nói thích gió, đóng cửa cách ly. Em nói mãi yêu, lòng anh lo sợ.

14. Phong cách thơ Ly Tao:

君樂雨兮其傘枝, 君樂晝兮林避日
君樂風兮欄帳起, 君樂吾兮吾心噬

Phiên âm Hán Việt:

Quân lạc vũ hề kỳ tản chi, quân lạc trú hề lâm tị nhật
Quân lạc phong hề lan trướng khởi, quân lạc ngô hề ngô tâm phệ

Tạm dịch:

Em thích mưa chừ lấy ô che, em thích nắng chừ vào rừng tránh
Em thích gió chừ buông rèm chắn, em thích anh chừ lòng anh sợ

15. Phiên bản phong cách thơ thất ngôn tuyệt cú:

戀雨卻怕繡衣濕,喜日偏向樹下倚。
欲風總把綺窗關,叫奴如何心付伊。

Phiên âm Hán Việt:

Luyến vũ khước phạ tú y thấp, hỉ nhật thiên hướng thụ hạ ỷ.
Dục phong tổng bả ỷ song quan, khiếu nô như hà tâm phó y.

Tạm dịch:

Yêu mưa lại sợ áo thêu ướt, thích nắng lại đến bóng cây ngồi.
Muốn gió lại đóng chặt cửa sổ, sao anh có thể gửi lòng này.

16. Phiên bản phong cách thơ Đường luật:

江南三月雨微茫,羅傘疊煙濕幽香。
夏日微醺正可人,卻傍佳木趁蔭涼,
霜風清和更初霽,輕蹙蛾眉鎖朱窗。
憐卿一片相思意,猶恐流年拆鴛鴦

Phiên âm Hán Việt:

Giang Nam tam nguyệt vũ vi mang, la tản điệp yên thấp u hương.
Hạ nhật vi huân chính khả nhân, khước bạng giai mộc sấn ấm lương
Sương phong thanh hòa cánh sơ tế, khinh xúc nga mi tỏa chu song.
Liên khánh nhất phiến tương tư ý, do khủng lưu niên sách uyên ương.

Tạm dịch:

Giang Nam tháng ba mưa bụi bay, ô lụa xòe ra khói hương say
Vào hè nắng nhẹ người dễ chịu, lại tới gốc cây hóng mát ngay.
Gió mát dịu dàng vừa hây hẩy, đóng chặt cửa sổ nhẹ chau mày.
Thương chàng tương tư tình một mối, e sợ uyên ương hủy sau này.

Tiếng Việt quả thật rất giàu và đẹp, có thể diễn tả tinh tế vẻ đẹp của một bài thơ tiếng Anh bằng nhiều phong cách và phương thức thơ ca, khác nhau, có thể thấy khả năng biểu đạt của tiếng Việt rất mạnh mẽ, giàu hình tượng, giàu sắc thái tình cảm. Nhà triết học, ngôn ngữ học người Đức Carl Ferdinand von Humboldt có nói rằng: "Đằng sau mỗi ngôn ngữ là một thế giới quan độc đáo". Vậy đằng sau tiếng Việt là gì? Đó chính là nền văn hóa phong phú lâu đời 4000 năm của 53 dân tộc trên mảnh đất "con Rồng cháu Tiên" này, nơi bao dung hội tụ văn hóa văn minh cổ xưa, như biển rộng hội tụ muôn sông, tinh hóa văn minh Á Đông hội tụ, đúng như bài thơ trong điện Thái Hòa, Huế:

文 獻 千 年 國
車 書 萬 里 圖
鴻 龐 開 闢 後
南 服 一 唐 虞

Phiên âm Hán Việt:

Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu

Tạm dịch:

Nước nghìn năm văn hiến
Văn võ vạn dặm dài
Hồng Bàng khai mở cõi
Nước Nam sánh Đường Ngu

Việt Nam từ khi Hồng Bàng mở nước tới thời nhà Nguyễn, với lịch sử hào hùng (chiến xa) giữ nước, văn nền văn minh Á Đông xán lạn (thi thư) dựng nước, giáo hóa muôn dân, khiến xã hội tốt đẹp như triều đại Đường Ngu của vua Nghiêu, vua Thuấn xa xưa.

Trung Hòa

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Bài thơ tiếng Anh được nhiều người ưa thích nhất trên toàn thế giới