Đắk Lắk: Dựng cây nêu đón Tết, một người tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người đàn ông không may bị điện giật tử vong trong lúc đang dựng cây nêu đón Tết Nguyên đán 2024.

Ngày 5/2, một người dân xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vừa tử vong vì điện giật trong lúc dựng cây nêu chơi Tết.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 17 giờ cùng ngày, một người đàn ông ngụ ở thôn 8 (xã Ea Huar) dựng nêu bằng cây tre và đấu nối đèn nháy, đèn lồng để trang trí chơi Tết.

Trong quá trình dựng cây nêu, không may cây tre còn tươi đã vướng vào đường dây điện trung thế gần đó. Hậu quả, cây tre nhiễm điện khiến người đàn ông nói trên bị điện giật tử vong.

Việc treo cây nêu cũng cần phải cẩn thận để tránh sự việc đáng tiếc (Ảnh: Hoa Mỹ)

Trước đó, vào năm 2021 cũng có 3 người bị điện giật thương vong do dựng cây nêu chơi Tết.

Cụ thể, khi một nhóm người tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) dựng cây nêu chuẩn bị đón Tết, không may chạm vào đường điện cao thế, điện giật làm 1 người tử vong và 2 người bị thương.

Vào Tết nguyên đán, nhiều nơi rộ phong trào dựng cây nêu bằng sắt và bằng tre trước nhà, có trang trí bóng đèn nhấp nháy. Việc dựng cây nêu quá cao luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện trong quá trình lắp đặt và sử dụng.

Sự tích và ý nghĩa của việc dựng cây nêu ngày Tết

Theo quan niệm của người Việt từ bao đời nay, cây nêu được dựng vào dịp Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại một năm mới may mắn cho gia chủ.

Trước đây ở miền Bắc, người ta dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp bởi quan niệm sau ngày này, vắng bóng Táo Quân, ma quỷ thường quấy nhiễu và sẽ thực hiện lễ hạ cây nêu vào ngày Khai Hạ (ngày 7 tháng Giêng âm lịch).

Cây nêu trong phong tục lâu đời của dân tộc Việt còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Ở đây còn bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh.

Nhiều nhà treo cây nêu đón Tết (Ảnh: Hoa Mỹ)

Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ. Nhưng theo thời gian cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời.

Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.

Tuy nhiên nếu để ý, người ta sẽ thấy cây "nêu" mỗi nhà mỗi khác, khác ngay ở chính loại cây. Nhiều người dựng cây tre, nhưng có người dùng một số loại cây cùng họ tre như trúc, hay thậm chí đơn giản chỉ là thân cây mía.

Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Hoặc có nơi được treo cờ hội vuông ngay bên dưới lá tre, trang trí lồng đèn tạo màu sắc, lá phướn mang câu chữ với ý nghĩa chúc mừng năm mới, và những vật dụng trang trí tạo âm thanh như chuông.

Cây nêu mang ý nghĩa may mắn trong ngày Tết (Ảnh: Hoa Mỹ)

Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.

Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.

Việt Nam Xã hội

Đắk Lắk: Dựng cây nêu đón Tết, một người tử vong