Cả nền kinh tế cần chi ít nhất 1 triệu tỷ đồng để đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở trên trời so với năng lực hạ tầng quốc gia đã "đình chỉ" tất cả hoạt động xây dựng nhà xưởng, đầu tư mới của doanh nghiệp. Tệ hơn nữa, nếu doanh nghiệp chỉ xây thêm một kho hàng thì tiền trang bị cho PCCC đã nhiều hơn giá trị đầu tư xây dựng. Chi phí đổ vào PCCC lên tới 1 - 2 triệu tỷ đồng; tương đương với 15-20% GDP.

Doanh nghiệp cả nước phải chi hàng triệu tỷ đồng vào PCCC!

Theo một thống kê của trang tin điện tử chính phủ TP. HCM (vào năm 2022), cả nước có khoảng 683.000 doanh nghiệp sản xuất. Tức là cần phải có máy móc, nhà xưởng, thiết bị. Và điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp này cần phải đáp ứng tiêu chuẩn PCCC hiện nay.

Một số chủ doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp chia sẻ với phóng viên của NTDVN rằng để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn PCCC mới, từ thiết bị, sơn, lăng, vòi,... thì doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm 1,2- 3 tỷ đồng nữa.

Ước tính, 1-2 triệu tỷ đồng sẽ phải đổ vào PCCC! Tương đương với 12 -20% GDP danh nghĩa cả nước.

Nếu như khoản tiền này có thể đảm bảo an toàn sinh mạng, giảm rủi ro mất mát trong tương lai thì không thể đánh giá là ít hay nhiều, xứng đáng bỏ ra hay không. Nhưng vấn đề ở chỗ, dù có bỏ ra 1 triệu tỷ đổ vào PCCC thì hạ tầng nước hiện tại cũng không giúp doanh nghiệp lấy được chứng nhận đạt chuẩn về PCCC để vận hành sản xuất. Ví dụ, doanh nghiệp phản ánh rằng tiêu chuẩn PCCC phải có 2 vòi phun nước đáp ứng cung cấp 5 lít/s; 12 vòi phun đáp ứng mức 2 lít/s. Cùng một lúc hoạt động thì 34 lít nước/s cần được bơm ra. Nhựng hiện tại, bên cung cấp nước (tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt xưởng sản xuất) cho biết hạ tầng nước hiện nay chỉ có thể bơm tối đa 17 lít/s.

Hài hước là Bộ Xây dựng, người thiết kế và phê duyệt bộ tiêu chuẩn an toàn quốc gia về PCCC nhà và công trình cũng thừa nhận rằng công trình trụ sở của Bộ này mới xây hiện không đáp ứng được bộ tiêu chuẩn PCCC mà chính họ đã đề ra.

Một nhà xưởng xây dựng khoảng 1.000-1.300m2 nhưng yêu cầu phải có bể chứa nước 400m3 sử dụng được trong 3 giờ đồng hồ, dẫn đến chi phí bể chứa nước chiếm gần một nửa chi phí xây dựng. Đồng thời, quy định các giải pháp chống cháy bằng vách tường trong cùng một khuôn viên xưởng không hợp lý vì một dây chuyền sản xuất phải liên tục. Ngoài ra, một số nguyên vật liệu, sơn chống cháy theo quy định không có tại Việt Nam, muốn có được phải nhập khẩu sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, ép giá...

Một chủ đầu tư một dự án khách sạn 5 sao tại Lào Cai cho biết đã trình hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà khách sạn từ năm 2019. Đến nay việc xây dựng khách sạn đã cơ bản hoàn thành nhưng thủ tục về phòng cháy chữa cháy của dự án vẫn chưa xong.

Khởi tố vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 3 cảnh sát thiệt mạng
Hiện trường vụ cháy. (Ảnh: Công an TP. Hà Nội)

Theo ông, với công trình khách sạn 5 sao đang xây dựng của ông tại Lào Cai, có diện tích sàn khoảng 20.000m2 thì chi phí phòng cháy chữa cháy dự toán ban đầu khoảng 20 tỉ đồng, nhưng nay để tuân thủ quy định mới thì chi phí tăng lên khoảng 40 tỉ đồng. Nhiều hạng mục công trình phải đập đi làm lại hoặc bổ sung thêm.

Cũng theo ông, không chỉ công trình khách sạn mà ngay cả các công trình trường học nếu áp dụng quy định mới về phòng cháy chữa cháy thì chi phí riêng cho phòng cháy chữa cháy có thể lên tới 30% tổng vốn đầu tư, xây 100 tỉ đồng có thể cần 30 tỉ đồng cho phòng cháy chữa cháy. Đây là nỗi lo của nhiều chủ dự án vì vừa tốn kém, vừa vướng mắc thủ tục.

Lãng phí, đình chỉ công trình

Trong báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022", VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, các quy định về PCCC còn một số bất cập khiến doanh nghiệp khó thực hiện. Cụ thể là các yêu cầu tại QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành bởi Thông tư 02/2021/TT-BXD** của Bộ Xây dựng).

Phụ lục E, Quy chuẩn quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Theo ý kiến của doanh nghiệp, các yêu cầu về khoảng cách là khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Nhiều khu công nghiệp hiện nay có quỹ đất khan hiếm, khó xây nhà cao tầng nên khi làm thủ tục thẩm định lỗ thông tầng làm theo kiểu khoan chống cháy sẽ không hợp lý. Để cải tạo, sửa chữa, theo quy định mới, việc khó khăn nhất là không được gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, việc cải tạo cũng cần sự đồng thuận của các đơn vị cho thuê và nhiều cơ quan quản lý…

Việt Nam, Ấn Độ, Mexico sẽ thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới?
Công nhân xưởng may đang may vest nam trong một nhà máy ở Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 24/05/2019. (Ảnh: Manan Vatsyayana / AFP qua Getty Images)

Quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) có sự thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp đối diện với nguy cơ đình chỉ công trình. Đơn cử, lối thoát hiểm cầu thang bộ trước đây duyệt chiều ngang 90-95cm, có cái 90cm vẫn được phép làm lối thoát hiểm phụ nhưng giờ theo quy định mới thì không được.

Hoặc có những tòa nhà yêu cầu thang thoát hiểm cần có một thang trong và một thang ngoài. Tuy vậy, trên thực tế, tất cả chủ đầu tư đều làm theo quy định trước đó, giờ nếu đối chiếu với thông tư mới thì nhiều tòa nhà lại có tiềm ẩn rủi ro cao...

Tiền hậu bất nhất

Nhiều doanh nghiệp cho hay các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo hồ sơ đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định của nghị định 79/2014/NĐ-CP tại thời điểm chưa ban hành nghị định số 136/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, nghị định 136/NĐ-CP được ban hành, nhiều nhà xưởng lại không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy do được xây dựng với kết cấu bằng sơn chống cháy không phù hợp nữa.

Có nhà xưởng đã xây dựng hoàn thiện, nhưng chưa được đưa vào hoạt động khiến đọng vốn, tăng chi phí do các vật liệu chống cháy như: sơn, khung dầm, mái… nhà xưởng lại không kiểm định được tính chịu lửa, chịu lực. Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định PCCC, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Nhưng chỉ số đảm bảo ra sao, bán ở đâu, ai kiểm định… thì chưa có hướng dẫn.

Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đơn vị tư vấn về PCCC cho doanh nghiệp này chia sẻ rằng quy trình thẩm định sơn chống cháy khá ngặt nghèo vì doanh nghiệp phải mang cả sơn, cấu kiện là khung sắt, thép đến cơ quan chức năng để kiểm tra đốt mẫu. Sau đó, mang kết quả sang cơ quan thẩm định PCCC để cấp giấy đủ điều kiện, hoàn tất chứng nhận kiểm định.

Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022" cũng đề cập đến những điểm bất cập về vật liệu xây dựng : Phụ lục F, Quy chuẩn quy định cột, dầm thép nhà xưởng phải được bọc vật chống cháy bằng vật liệu rỗng như thạch cao. Tuy nhiên, khi bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép, hai loại này không đồng nhất khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.

Hơn nữa, vật liệu xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí về chống cháy nhưng việc giải thích các tiêu chí và làm thế nào để đạt tiêu chí lại không có hướng dẫn chi tiết, thậm chí không làm được trên thực tế.

Cào bằng

Quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với đặc trưng của các đô thị lớn, cũng không phù hợp với nhiều lĩnh vực dịch vụ có rất ít nguy cơ về cháy nổ.

Chẳng hạn, việc thuê nhà để mở phòng khám, chủ yếu xét nghiệm máu và siêu âm, chứ không phải khám chữa bệnh, cũng không có giường bệnh để bệnh nhân ở lại điều trị lâu ngày. Tại các phòng khám cũng không sử dụng bếp lửa và các đồ nấu ăn, cũng không dùng xốp cách âm dễ bắt lửa như các quán karaoke. Tuy nhiên, theo quy định mới, tòa nhà phải được xây thêm một cầu thang riêng biệt dùng để thoát hiểm khi sự cố cháy xảy ra, với các điều kiện về khoảng cách, vật liệu chống cháy phức tạp mặc dù ngoài hệ thống thang máy, tòa nhà đã có thêm thang bộ và được lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại.

Một công trình đang xây của một chủ khách sạn 3 sao, theo quy định mới về phòng cháy chữa cháy, phải có bồn chứa nước 100 - 400m3, có một không gian thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Vật liệu được quy định là chống cháy 48 tiếng… Ngoài ra, phải lắp một quạt hút không khí vào khu vực thoát hiểm. "Quy định này có thể phù hợp với các tòa nhà cao từ 10 - 20 tầng, chứ khách sạn 3 tầng mà cũng phải đáp ứng là không phù hợp, bởi khi xảy ra cháy, chỉ 1 - 2 phút là ra khỏi khách sạn nếu làm tốt hệ thống báo động", ông chủ khách sạn nói.

Thủ tục tiêu tốn thời gian và tiền bạc

Các thủ tục xét duyệt, nghiệm thu còn nhiều vướng mắc, nếu chỉ nộp sơ qua 1 cổng sau đó nhận văn bản trả lời sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Vì chủ đầu tư cần cần đối thoại trực tiếp sẽ tốt hơn là giao cho các đơn vị tư vấn PCCC do mỗi đơn vị có đặc thù riêng.

Thủ tục xin thẩm duyệt giấy phép PCCC mất rất nhiều thời gian kể từ cuối năm 2022 do phải chuyển ra Cục Cảnh sát PCCC (địa chỉ ở thành phố Hà Nội) xem xét thẩm duyệt. Trước đây, việc thẩm duyệt giấy phép PCCC do tỉnh thực hiện. Thời gian xét duyệt chưa được xác định nên có nhiều khó khăn cho các thủ tục tiếp theo cho dự án mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

Về thẩm định các vật liệu PCCC, phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng thì lại thẩm định theo công trình. Nhiều chủ công trình biết là mình sử dụng vật liệu bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy thì lúc làm thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy công trình vẫn phải đi thí nghiệm lại để khẳng định đạt tiêu chuẩn.

Đứt gãy nguồn lao động do giãn cách, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương khiến các doanh nghiệp khó lòng duy trì được sản xuất. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP qua Getty Images).
Năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn hơn thời kỳ đại dịch (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP qua Getty Images).

Theo một chủ thầu xây dựng, hầu hết các nhà sản xuất cửa chống cháy đều đưa ra được giấy chứng nhận xuất xứ và chất lượng hàng hóa khẳng định luôn cửa chống cháy chịu lửa bao nhiêu phút. Nhưng các tiêu chuẩn, hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy công trình yêu cầu cửa chống cháy đặt cho công trình nào, gắn ở vị trí nào, theo từng kích cỡ phải được kiểm định riêng.

"Điều này sẽ phát sinh rắc rối là nếu công trình khách sạn đặt 100 cửa chống cháy cùng kích cỡ tốn 200 triệu đồng chi phí kiểm định một mẫu cửa, nhưng vì lý do nào đó chủ dự án đặt thiếu 1 cái cửa chống cháy của công trình, họ sẽ phải đặt nhà sản xuất cung cấp thêm 2 cái, rồi đem đi đốt 1 cái để lấy mẫu kiểm định và tốn thêm khoảng 200 triệu đồng, trong khi giá mua một cái cửa chống cháy từ nhà sản xuất chỉ khoảng 20 triệu đồng", chủ thầu xây dựng cho biết.

Hơn nữa, cơ quan công an thực hiện kiểm tra PCCC liên tục. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về PCCC.

Làm khó doanh nghiệp, kinh tế thêm tiêu trầm

Những quy chuẩn về PCCC ban hành quá nhanh, vội vàng, thời gian quá ngắn. Chỉ trong 3 năm từ 2020-2022, mỗi năm đều ban hành một quy chuẩn gây nhiều khó khăn cho cơ quan PCCC, đơn vị tư vấn và cả doanh nghiệp.

Quy định về phòng cháy chữa cháy cần sát thực tế hơn, phù hợp với từng ngành nghề, ngành nghề nào ít có nguy cơ gây ra hỏa hoạn thì không nhất thiết phải làm thêm cầu thang thoát hiểm, trong khi đã có cầu thang bộ, có ban công, có lắp hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Việc rập khuôn, quy định cào bằng đang làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây gia tăng chi phí. Một số doanh nghiệp yêu cầu hoãn áp dụng những quy định phòng cháy chữa cháy mới hoặc sớm xem xét điều chỉnh, phân loại phạm vi áp dụng cho phù hợp.

Theo Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ), cần thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành với các công trình trước đó để đảm bảo sự chuyển tiếp ổn định thống nhất.

Việt Nam là đất nước đang phát triển nhưng nhiều nội dung về quy định PCCC đã áp theo chuẩn của nước phát triển. Điều này chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của doanh nghiệp trong nước, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất… Ví dụ, yêu cầu phải có sơn châu Âu, tiêu chuẩn châu Âu, trong khi doanh nghiệp không nhập được sơn đó, còn trong nước thì chưa đủ đáp ứng. Do đó, doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và không được cấp phép. Từ đây dẫn đến doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Một số chủ doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng, nếu quy định về PCCC chậm được giải quyết thông thoáng sẽ trở thành chướng ngại trong quá trình thu hút vốn đầu tư của cả công ty trong và ngoài nước. Các quy chuẩn mới này sẽ là rào cản mở rộng sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp FDI muốn vào Việt Nam đầu tư cũng lắc đầu vì chi phí đội lên quá cao, không hiệu quả. Môi trường đầu tư rất cần được khơi thông ở mọi khâu, trong đó có vấn đề về PCCC mới kích thích được sản xuất, tạo đà phát triển cho nền kinh tế.

Thuỷ Tiên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Cả nền kinh tế cần chi ít nhất 1 triệu tỷ đồng để đáp ứng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy