Việt Nam đang hứng chịu vòng xoáy suy trầm sau đại dịch - Doanh nghiệp không muốn vay vốn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết đã chia sẻ với phóng viên của NTDVN rằng "năm 2023 thậm chí còn khó khăn và tiêu điều hơn nhiều so với 2 năm Việt Nam đóng cửa vì Covid-19". Tiêu dùng thắt chặt thấy rõ tại khắp ngõ ngách nền kinh tế cũng như khắp toàn cầu khiến doanh nghiệp nỗ lực bán tháo tồn kho, tài sản để trả nợ ngân hàng, thu hẹp sản xuất và không dám tiếp tục vay vốn.

Có vẻ như nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SVB) đã lỡ một nhịp hoặc giả nỗ lực này không tạo ra nhiều tác dụng với nền kinh tế đã bước chân vào vòng xoáy suy trầm sau đại dịch.

Vòng xoáy suy trầm

Khác với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam không đạt được thành tích đáng kể trong việc hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, người yếu thế cũng như cho phần đa hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ sau giai đoạn đại dịch. Lý do rất đơn giản, phần đa người việt và hệ thống kinh doanh hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không còn "của để dành" để duy trì sinh kế hay kinh doanh nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn hơn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại chịu sự cắt giảm đơn hàng từ các hãng bán buôn, bán lẻ toàn cầu do cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu.

Tất cả đã khiến người tiêu dùng Việt không có đủ nguồn thu như thời gian đại dịch hoặc trước đại dịch. Bên cạnh đó, ám ảnh với tương lai không chắc chắn, phản ứng của người tiêu dùng là tiếp tục kiên trì thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu.

Người tiêu dùng ưu tiên chọn mua sản phẩm thiết yếu, giảm chi tiêu các dịch vụ bên ngoài (Ảnh: hcmcpv.org)
Người tiêu dùng ưu tiên chọn mua sản phẩm thiết yếu, giảm chi tiêu các dịch vụ bên ngoài (Ảnh: hcmcpv.org)

Theo khảo sát của phóng viên NTDVN, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn ở các khu công nghiệp hầu hết đều cố gắng giữ chân lao động để chờ kinh tế phục hồi vào quý 4/2023, khi đón nhận nhiều đơn hàng hơn phục vụ cho dịp Giáng sinh và Tết Nguyên đán truyền thống. Ngoài ra, quý 4 cũng hy vọng phục hồi nhờ dấu hiệu khả quan hơn từ Mỹ. Tuy nhiên, để giảm chi phí, ngay cả doanh nghiệp FDI cũng phải giảm giờ làm, cắt giảm lương.

Ông P (giấu tên), Phó giám đốc Ban quản lý dự án các khu công nghiệp ở một tỉnh phía nam chia sẻ với phóng viên của NTDVN rằng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong hơn 20 khu công nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đơn hàng xuất khẩu giảm 20-50%. Khoảng 10-20% lao động ở các khu công nghiệp này đã bị sa thải trong 6 tháng đầu năm. Cũng trong 6 tháng đầu năm năm có 18 doanh nghiệp chấm dứt và ngừng hoạt động.

Tình trạng của tỉnh này cũng tương đồng với hầu hết các tỉnh tỉnh thành khác trong cả nước, gồm cả các trung tâm công nghiệp như Sài Gòn, Bình Dương hay Đồng Nai,...

Như vậy, thu nhập của lao động người Việt tại khu vực FDI cũng giảm mạnh và đối diện với tương lai khó khăn khi khả năng phục hồi chưa vững chắc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh gia đình (tiểu thương) thậm chí còn khó khăn hơn nhiều. Tình trạng hàng loạt cửa hàng mặt đường tại các quận nội thành ở Sài Gòn và Hà Nội phải đóng cửa đã trở nên phổ biến trong đại dịch và tiếp tục kéo dài tới năm 2023. Chủ các cửa hàng thời trang, giày dép, túi xách, đồ mỹ phẩm cho tới các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, hàng ăn ở 4 quận nội thành Hà Nội... đều cho biết doanh thu giảm 30-70% so với 2022; giảm thấp hơn so với thời kỳ Covid-19.

Vụ bé gái bị 9 đinh găm sọ: Bắt nhân tình của mẹ
Một khu nhà trọ ở Việt Nam dành cho công nhân và người lao động thu nhập thấp vắng bóng người khi nhiều doanh nghiệp giảm giờ làm, đóng cửa (Ảnh chụp từ video/YouTube)

Vòng xoáy suy trầm thực ra đã khởi nguồn từ thời điểm Việt Nam đóng cửa để chống lại Covid-19 suốt 2020 và 2021. Các khoản tích luỹ, tiệt kiệm đã cạn kiệt trong thời gian này. Sự suy yếu tiêu dùng kèm nội lực doanh nghiệp bị tổn thương trầm trọng đã khiến tăng trưởng thực bị bào mòn; không còn động lực.

Năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các đơn hàng bị ách tắc 2021 được sản xuất dồn dập, tăng ca sản xuất trong quý 1 và quý 2 năm 2022; sau đó lập tức suy giảm quý 3/2022 và nhìn rõ xu thế suy yếu trong quý 4/2022.

Lãi suất cho vay đã giảm nhẹ nhưng bị lỡ nhịp

Bước vào năm 2022-2023, năng lực tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ suy yếu, đơn hàng bị thu hẹp, tiêu dùng cả trong nước và thế giới tiêu điều trong khi lãi suất vay vốn tăng cao đã khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó. Nhiều thời điểm 2022, lãi suất cho vay leo thang tới 15-16%/năm.

Hiện tại, lãi suất cho vay giảm so với 2022 còn 8-13,5%/năm. Dấu hiệu dư thừa tiền trong ngân hàng cũng xuất hiện khi lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm tuần cuối cùng của tháng 6/2023 ở mức dưới 1%, tiệm cận với vùng đáy hình thành hồi tháng 6/2022. Trên thị trường mở OMO không có giao dịch trúng thầu trong suốt tháng 6; tức là không có ngân hàng nào thiếu tiền cần đấu thầu vay tiền trên thị trường mở OMO do SBV điều tiết.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng của Việt Nam về mức dưới 1%, tiệm cận với vùng đáy (Nguồn: Tổng hợp số liệu từ SVB)

Ngân hàng huy động nhưng không thể cho vay ra. Tổng tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 3,17% (so với đầu năm), mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, cách rất xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của SVB cho 2023.

Thời điểm doanh nghiệp cần mở rộng sản xuất, cần vốn tín dụng rẻ hỗ trợ sau đại dịch là quý 1, 2 và quý 3/2022 đã qua đi; thời điểm đáng lẽ nên bơm vốn rẻ cho doanh nghiệp thì lại đột ngột chịu đựng đợt sốc tỷ giá và lãi suất hồi tháng 10/2022. Đây là thời điểm mà SVB đã hy sinh lãi suất để cứu vãn tỷ giá. Cú sốc này kèm theo suy thoái trên thị trường thế giới đã đánh quỵ các doanh nghiệp còn sống sót cũng như làm suy yếu doanh nghiệp khoẻ mạnh sau đại dịch.

Với sự suy yếu này, khi SVB đảo chiều chính sách tiền tệ vào tháng 3/2023, cho tới nay đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, thì dường như điểm rơi lãi suất đã bỏ lỡ chu kỳ phục hồi của doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp Việt hoặc không thể mở rộng kinh doanh hoặc đã phải rời khỏi thị trường.

Hơn một tuần qua, báo chí trong nước ra hàng loạt bài với tiêu đề doanh nghiệp không muốn vay vốn, doanh nghiệp muốn trả vốn vay cho ngân hàng mà không tiếp tục vay vốn.... Rất nhiều lý giải từ chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong ngành ngân hàng về vấn đề này. Tựu chung lại, nguyên nhân chính là thị trường thu hẹp, cả trong và ngoài nước, thu hẹp sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp giảm nhu cầu vốn. Quan trọng hơn, các yếu tốt bất định về tài chính, kinh tế vĩ mô cũng như niềm tin thị trường khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn mở rộng đầu tư vào lúc này.

Tiền trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa (ngắn hạn) nhưng doanh nghiệp không muốn vay vốn (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Chưa ai biết điều gì xảy ra khi Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Đồng USD tăng giá đang tạo thêm áp lực tỷ giá cho đồng VND; và bởi vậy, trong tương lai có thể là tạo thêm áp lực cho lãi suất VND. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) mất giá cũng đang tạo áp lực buộc đồng VND phải mất giá theo để duy trì cân bằng lợi thế thương mại với nền kinh tế láng giềng. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi khi CNY mất giá mạnh, đồng VND lập tức mất giá theo; điều ngược lại khi CNY tăng giá không diễn ra.

Ngoài ra, dấu hiệu phục hồi của cầu tiêu dùng thế giới là chưa chắc chắn. Nhưng chắc chắn là tiêu dùng trong nước tiếp tục suy giảm mạnh hơn nữa là điều khó tránh. Chưa kể, các rủi ro chính sách, đâu đó đã xuất hiện tình trạng 'tê liệt' trong điều hành chính sách từ trung ương tới địa phương đã làm đình trệ khả năng giải ngân vốn đầu tư công, đón nhận dòng vốn FDI mới,... Tất cả tạo nên bức tranh ảm đạm cả về năng lực tài chính, cầu tiêu dùng cũng như tiềm tin đầu tư, tiêu dùng trên khắp cả nước.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam đang hứng chịu vòng xoáy suy trầm sau đại dịch - Doanh nghiệp không muốn vay vốn