Vì sao doanh nghiệp tốt cũng không muốn hoặc không thể phát hành TPDN ra công chúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chưa phát triển, hết sức nhỏ bé so với các nền kinh tế có quy mô tương đương. Trong khi đó, việc buông lỏng việc đại chúng hoá chứng khoán phát hành riêng lẻ đã tạo ra các vụ "lừa đảo", vi phạm pháp luật làm thị trường náo loạn. Quy mô thị trường đã nhỏ lại thiếu hàng hoá tốt, có uy tín. Nguyên nhân đằng sau hết sức đáng buồn: Cơ chế phê duyệt quan liêu!

Quy mô thị trường nhỏ, hàng hoá kém chất lượng

Theo Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 14,81% GDP, rất nhỏ so với các nước trong khu vực có quy mô và trình độ phát triển tương đương về kinh tế như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP).

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 12% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, tăng khoảng 11,3% so với thời điểm cuối năm 2021. Dư nợ TPDN này tính cả TPDN do các định chế tài chính (ngân hàng) phát hành, vốn chiếm hơn một nửa trên thị trường TPDN. Tức là chỉ non nửa dòng tiền hút được trên thị trường TPDN là đi vào sản xuất, kinh doanh trên nền kinh tế thực.

Tờ rơi giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, phát hành bởi công ty con trong hệ thống (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Trong khi quy mô thị trường nhỏ, hàng hoá trên thị trường lại thiếu hàng hoá có uy tín. Lý do là thị trường trái phiếu thiếu vắng các hãng xếp hạng tín nhiệm, vốn là một dịch vụ đánh giá chất lượng hàng hoá trên thị trường TPDN, cung cấp thêm thông tin đáng tin cậy về rủi ro cho các nhà đầu tư khi họ tham gia thị trường.

Ngoài lý do trên, hàng hoá trên thị trường còn thiếu uy tín bởi các doanh nghiệp tốt lại không muốn đánh mất cơ hội đầu tư kinh doanh vì thời gian được phê duyệt đến bán hàng quá dài, tiêu tốn từ 6 tháng tới 1 năm. Hàng hoá uy tín trên thị trường TPDN chính là các loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Trong nhiều năm, TPDN phát hành ra công chúng (TPDN phổ thông) chỉ chiếm tỷ trọng 4% - 7% tổng quy mô thị trường TPDN. 6 tháng đầu năm 2023, TPDN phát hành ra công chúng chiếm khoảng 16-17% tổng dư nợ trên thị trường TPDN. Lý do là quy mô thị trường bị thu hẹp (mẫu số bị thu hẹp) khiến tỷ lệ TPDN phát hành ra công chúng tăng cao như vậy.

Mất 6 -12 tháng để được phê duyệt phát hành TPDN ra công chúng

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, quá trình phê duyệt hồ sơ phát hành TPDN phổ thông ra công chúng mất 6 đến 8 tháng để chào bán, phê duyệt, niêm yết..., khiến doanh nghiệp có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội. Các chuyên gia cho rằng, cần phải rút gọn thời gian phê duyệt hồ sơ xuống còn 15-30 ngày để khuyến khích doanh nghiệp tham gia kênh này.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chia sẻ với truyền thông rằng: "Tôi đã từng phỏng vấn Vụ Quản lý chào bán chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và được biết nhanh nhất là nửa năm, chậm nhất là 1 năm thì họ mới xử lý một bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng. Họ trả lời tôi là chúng em có quá nhiều hồ sơ, không xử lý nổi".

Đây là thời gian phê duyệt, sau thời gian đó, doanh nghiệp còn phải xử lý nhiều thủ tục để được phát hành và niêm yết TPDN ra công chúng.

Một doanh nghiệp càng hoạt động hiệu quả càng không đủ nhẫn nại để chờ đợi trong thời gian như vậy. Thời gian chờ phê duyệt phương án huy động vốn kéo dài tới 6 - 12 tháng hết sức rủi ro với phương án đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể các thời gian sau phê duyệt để TPDN được niêm yết và bán công khai ra công chúng.

Chưa kể, khâu hoàn thiện hồ sơ của một khoản TPDN phát hành ra công chúng còn hết sức rắc rối. Đơn cử như phụ lục hồ sơ xin phát hành TPDN vẫn còn dòng cần đồng ý của Đại hội đồng cổ đông thông qua trong khi Đại hội cổ đông chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Đây là một cản trở trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán từ 31/12/2020 đến nay.

Tất cả các thủ tục hành chính này đang chặn lại dòng hàng hoá tốt tham gia vào thị trường TPDN vốn còn hết sức nhỏ bé.

So sánh Phát hành TPDN ra công chúng Phát hành TPDN riêng lẻ (cho tổ chức)
Chấp thuận Cần sự phê duyệt, chấp thuận của UBCK Không cần chấp thuận, chỉ cần gửi hồ sơ chào bán lên UBCK
Thời gian xử lý (hồ sơ, chờ đợi chấp thuận) Khoảng 6 - 12 tháng (thậm chí nhiều hơn) Khoảng 2 tuần
Điều kiện
  • Trên 100 Nhà đầu tư
  • Vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng
  • Năm liền kề trước năm đăng ký phải có lãi
  • Không có lỗ lũy kế
  • Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm.
  • Hồ sơ tài chính được công bố
  • Dưới 100 Nhà Đầu tư
  • Thanh toán đủ gốc và lãi của TP đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm
  • BCTC được kiểm toán

Bảng: So sánh điều kiện phát hành TPDN phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng

Trong khi đó, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ lỏng lẻo, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt... Vẫn còn những khoảng trống pháp lý về quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN. Do vậy, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trả nợ của trái phiếu doanh nghiệp phổ thông cho tới nay là 0%, trong khi tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ của TPDN phát hành riêng lẻ lên tới 18%.

Cho tới nay, sau rất nhiều hội thảo, hội nghị, rất nhiều ý kiến chuyên gia và sửa đổi, điều chỉnh chính sách, thị trường TPDN vẫn tiếp tục lao dốc, mất niềm tin; bị bủa vây bởi rất nhiều tin tức xấu về vi phạm nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Có vẻ như chính sách thiên về việc siết chặt TPDN phát hành riêng lẻ mà không đi đúng trọng tâm cần điều chỉnh của thị trường này, đó là:

Thứ nhất, cần khuyến khích doanh nghiệp phát hành TPDN ra công chúng bằng cách: (i) rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt hồ sơ, trong 15 -30 ngày. Thời gian phê duyệt hồ sơ của cơ quan chức năng, ở đây là Uỷ ban chứng khoán nhà nước, nên được quy định trong luật. Đây chính là đảm bảo tính công bằng, đảm bảo tính thị trường cho các người chơi thị trường này; (ii) Bỏ yêu cầu cần sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông cho các phương án phát hành nợ. Đại hội đồng cổ đông chỉ nên thông qua giới hạn chiến lược về đòn bảy tài chính, các phương án vay nợ cụ thể có thể do bộ máy điều hành quyết định. Và bản thân việc này nên thuộc về lựa chọn quản trị của doanh nghiệp.

Thứ hai, với phát hành TPDN riêng lẻ, thứ cần phải tăng cường khung khổ pháp lý và giám sát ở đây chính là việc đại chúng hoá TPDN phát hành riêng lẻ. Bản thân TPDN phát hành riêng lẻ là câu chuyện vay - trả của các tổ chức tài chính, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là lý do khiến TPDN phát hành riêng lẻ dễ dàng, không cần nhiều thông tin, điều kiện phát hành, không cần công bố thông tin tài chính ra đại chúng. Rõ ràng, một sản phẩm như vậy không thể trao đổi, mua bán trên thị trường thứ cấp ra công chúng. Đây là vấn đề bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ, yếu thế. Việt Nam cần bổ sung khung khổ pháp lý về việc muốn đại chúng hoá TPDN phát hành riêng lẻ thì trước khi đại chúng hoá loại TPDN này, doanh nghiệp phải đáp ứng 100% điều kiện của TPDN phát hành ra công chúng. Bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật, cả đại lý bán hàng và doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chịu chế tài xử phạt đủ lớn và nghiêm khắc. Có như vậy mới duy trì được kỷ cương và tính liêm chính của thị trường tài chính; nơi niềm tin thị trường quyết định sự hưng thịnh và trình độ phát triển của thị trường.

Thuỷ Tiên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao doanh nghiệp tốt cũng không muốn hoặc không thể phát hành TPDN ra công chúng?