Chiến tranh Nga - Ukraine đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xe tăng và tên lửa của Tổng thống Nga Putin đang đe dọa nguồn cung lương thực của người dân châu Âu, châu Phi và cả châu Á.

Đất nước Ukraine nổi tiếng với những vùng đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, được mệnh danh là “ổ bánh mì của thế giới”. Tuy nhiên, hàng triệu nông dân Ukraine hiện buộc phải bỏ ruộng đồng để cầm súng chiến đấu hoặc ẩn náu để bảo toàn tính mạng. Các cảng biển đóng cửa khiến lúa mì và các mặt hàng lương thực thực phẩm khác không thể được vận chuyển.

Trong khi đó, lượng ngũ cốc từ Nga, một cường quốc nông nghiệp khác, cung cấp ra thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga và Ukraine chiếm tới gần 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu của thế giới. Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô lớn và dẫn đầu toàn cầu về dầu hướng dương dùng trong chế biến thực phẩm.

Ông Arnaud Petit, Giám đốc Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, nói với hãng tin AP rằng nếu chiến tranh kéo dài, các quốc gia phụ thuộc vào lượng lúa mì xuất khẩu, vốn có giá cả phải chăng, từ Ukraine có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt bắt đầu từ tháng 7/2022.

Chiến tranh Nga - Ukraine đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu
Giá lúa mì hợp đồng tương lai tại Mỹ tăng từ 9,25 USD/bushel vào ngày 24/02 - ngày Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine - lên 12,14 USD/bushel vào ngày 08/03 (Bushel: giạ, đơn vị đo thể tích khoảng 36 lít). (Nguồn: tradingeconomics.com)

Người nghèo ở những nước như Ai CậpLebanon, những người sống bằng bánh mì do chính phủ trợ cấp, sẽ chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Khoảng ⅓ dân số Ai Cập sống trong cảnh nghèo đói; hàng triệu người Ai CẬp sống dựa vào bánh mì được trợ cấp làm từ ngũ cốc của Ukraine.

Một nhà thu mua lúa mì của Ai Cập, vốn thường lấy hàng từ Nga và Ukraine, đã phải hủy 2 đơn đặt hàng trong vòng chưa đầy một tuần. Một đơn vì định giá quá cao, đơn còn lại vì thiếu công ty chào hàng. Giá lúa mì trên toàn cầu tăng đột biến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Ai Cập trong việc giữ giá bánh mì ở mức trợ cấp như hiện tại.

Ở Lebanon, nơi một vụ nổ lớn tại cảng Beirut vào năm 2020 đã phá hủy các hầm chứa ngũ cốc lớn của đất nước, các nhà chức trách đang chạy đua để bù đắp cho thiếu hụt lúa mì khi mà Ukraine cung cấp đến 60% lượng lúa mì cho Lebanon. Quốc gia này đang đàm phán với Mỹ, Ấn Độ và Canada để tìm các nguồn cung khác.

Wandile Sihlobo, nhà kinh tế trưởng của Phòng Kinh doanh Nông nghiệp Nam Phi, cho biết các nước châu Phi năm 2020 đã nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 4 tỷ USD từ Nga và khoảng 90% là lúa mì.

Kenya, người dân đã luôn yêu cầu phải hạ giá lương thực khi mà lạm phát đang làm xói mòn sức chi tiêu của họ. Giờ đây, trước diễn biến của cuộc chiến Nga - Ukraine, họ phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn.

Tại Nigeria, các nhà cung cấp bột mì tin rằng sự thiếu hụt nguồn cung lúa mì từ Nga sẽ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm như bánh mì, loại lương thực phổ biến ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Indonesia vào năm ngoái - cung cấp 26% lượng lúa mì tiêu thụ ở Indonesia. Theo ông Kasan Muhri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Bộ Thương mại Indonesia, giá mì gói tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp ở Indonesia.

Trong khi đó, ở châu Âu, giới chức các nước đang chuẩn bị kịch bản đối phó với tình trạng khan hiếm hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine; đồng thời giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng khiến thịt và sữa trở nên đắt đỏ hơn khi người nông dân buộc phải chuyển chi phí lên khách hàng.

IHS Markit cho biết Ukraine và Nga chiếm đến 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu. Ukraine cung cấp cho EU khoảng 60% ngô và gần một nửa thành phần chính trong các loại ngũ cốc cần thiết để làm thức ăn cho gia súc. Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, cũng là nhà cung cấp phân bón, lúa mì và các mặt hàng chủ lực khác.

Tây Ban Nha đang gặp khó về dầu hướng dương và các loại ngũ cốc quan trọng cho ngành chăn nuôi. Những loại ngũ cốc nhập khẩu này được dùng để làm thức ăn cho khoảng 55 triệu con lợn ở Tây Ban Nha.

Kể từ tháng 10/2021, các sản phẩm thịt lợn của Tây Ban Nha đã bị lỗ do chi phí cao. Nguyên nhân là Trung Quốc đã dự trữ thức ăn cho lợn khi nước này tìm biện pháp thoát khỏi đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh Nga - Ukraine đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu