Chuyển giao công nghệ từ khối FDI cho doanh nghiệp Việt: Bài toán dang dở nhiều thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Việt nam - Nhật Bản 2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kêu gọi doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đáp lời của Phó Thủ tướng trong diễn đàn, phía Nhật nói nhiều lời tốt đẹp nhưng gần như không đề cập tới ‘chuyển giao công nghệ’; đây có lẽ là bài toán dang dở trong nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ FDI của Việt Nam.

Ngày 15/2/2023, “Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Hà Nội do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) thực hiện nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn.

Theo Phó Thủ tướng, hai bên cần triển khai nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Đáp lời Phó Thủ tướng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi nổi với 3 phòng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có hơn 800 hội viên tại Hà Nội.

Nhật Bản có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam – là nước có số doanh nghiệp lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới sau Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong tương lai. Ngoài ra, một khảo sát khác cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đây là con số cao nhất, vượt xa mức trung bình của Asean là 47%.

Khi nào các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng chuyển giao?

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước. Các ngành như dầu khí, xây dựng, cầu đường, khách sạn, bưu chính - viễn thông, văn phòng cho thuê... đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới hoặc nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới mà trước đây chưa có và hạn chế nhập khẩu một số hàng hóa.

Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu như máy tính, smartphone, điện tử gia dụng, cơ khí chế tạo.

Các doanh nghiệp trong nước vì thế đã đầu tư nhập thiết bị và công nghệ mới, lập bộ phận hoặc trung tâm R&D và đã sản xuất được sản phẩm có tốt về chất lượng và mẫu mã, thay thế hàng hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Ví dụ như chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp. Các dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản, nó không như việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác.

Nhiều ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP, phạm vi yêu cầu đăng ký quá rộng đang cản trở hoạt động đầu tư, bởi quy trình chuyển giao công nghệ và việc thực hiện các thỏa thuận chuyển giao công nghệ bị kéo dài.

Định nghĩa về “công nghệ” cũng quá rộng cho mục đích đăng ký được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ dường như làm các vấn đề này thêm trầm trọng. Bởi định nghĩa này áp dụng cho không chỉ giải pháp, quy trình và bí quyết trong lĩnh vực sản xuất, mà cả trong lĩnh vực dịch vụ.

Ngoài ra, ở một mức độ nhất định, Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đã thể hiện sự linh hoạt trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định thiếu tính thực tiễn, cụ thể là quy định về công suất còn lại và mức tiêu hao nhiên liệu so với thiết kế. Điều này gây phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp.

Năng lực nhận chuyển giao

Sự phát triển mạnh mẽ từ cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự đổi mới để theo kịp thị trường. Các doanh nghiệp nào tận dụng lợi thế tốt từ nền tảng công nghệ hiện đại sẽ dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đây đang là một thách thức lớn.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp đã “ý thức” hoạt động chuyển giao công nghệ và nhu cầu chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp đã tăng nhưng nguồn đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm còn “hạn hẹp” nên khó khăn trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Các doanh nghiệp không chỉ mua công nghệ mà phải cần nhập cả quy trình vận hành, bí quyết công nghệ... Việt Nam có khoảng 870 ngàn doanh nghiệp tính đến đầu năm 2022, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Thực trạng chung của các doanh nghiệp này là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động quá thấp so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều hạn chế do quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp và các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách... khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng túng.

Thực tiễn cho thấy, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu thông qua các hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị công nghệ, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Đây đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều này là do các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ chủ yếu do sức ép của thị trường chứ không phải do chủ động theo kế hoạch. Những công nghệ được chuyển giao phần lớn là do phía nước ngoài giới thiệu. Bản thân các doanh nghiệp trong nước tự tìm kiếm công nghệ phù hợp, nghiên cứu rất ít. Máy móc, thiết bị nhập lẻ tẻ nhiều và phổ biến hơn là các dây chuyền đồng bộ và khép kín.

Do các công nghệ và thiết bị chuyên dùng trong các dự án chuyển giao công nghệ có thiết kế cứng chiếm tỷ trọng lớn. Khi doanh nghiệp muốn tổ chức lại sản xuất, đổi mới sản phẩm hoặc chuyển hướng kinh doanh thì thường khó tận dụng công nghệ, thiết bị chuyên dùng đó. Thêm nữa, sau quá trình chuyển giao công nghệ, sản xuất ở các doanh nghiệp có xu hướng khép kín khá rõ rệt nên tác động dây chuyền của việc đổi mới công nghệ khó xảy ra.

Sau khi chuyển giao công nghệ, chưa tạo ra được những mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Thậm chí có những Viện nghiên cứu không nắm được hết các loại công nghệ được sử dụng trong ngành mình. Tình trạng không nắm được những thông tin mới về công nghệ quốc tế, không đủ năng lực tư vấn và tham gia giám định công nghệ trong ngành hẹp của mình là phổ biến.

Nhận thức đối với R&D của các doanh nghiệp tại Việt Nam: Rất hạn chế

Hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam về đổi mới, nghiên cứu và triển khai (R&D) ở mức thấp, khi chỉ khoảng hơn 5% doanh nghiệp có cơ sở R&D riêng, gần 7% doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ nhưng không có cơ sở R&D.

Tính đến tháng 9/2021, số lượng doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết của việc đầu tư R&D đang chiếm tỷ lệ thấp. Một số doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ hàng năm, nhưng không dùng đến, sau đó phải hoàn nhập. Trong top 10 doanh nghiệp có số trích lập và sử dụng Quỹ nhiều nhất thì 70% là thuộc khối doanh nghiệp nhà nước.

Hơn nữa, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. 86% doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có cho hoạt động R&D, nguồn vốn này sẽ được trích từ lợi nhuận. Theo thống kê, 11% doanh nghiệp phải đi vay tín dụng để đầu tư cho hoạt động này. Chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ của Chính phủ. Việc thu hút FDI cũng chưa đạt được thành công như mong đợi.

Ngoài ra, thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư R&D. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự thiếu hụt về tài chính khiến doanh nghiệp chưa sẵn sàng và còn lo ngại, tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng các công nghệ điện toán đám mây, robot tiên tiến, ứng dụng dữ liệu lớn, cảm biến…còn rất thấp.

Một khảo sát thực hiện bởi Khối Thương mại và Cạnh tranh thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2021 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn các nhiều quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%).

Cần một năng lực nội sinh mạnh mẽ

Việt Nam nên thực hiện đa dạng các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài như đối tượng công nghệ, luồng chuyển giao.

Cần chú trọng đến năng lực nội sinh của các địa phương và các vùng miền trong cả nước. Khi nhập công nghệ thì đồng thời phát triển công nghệ nội sinh để từng bước nâng cao tiềm lực nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhà nước cần lấy các chiến lược và việc thực hiện chiến lược của doanh nghiệp làm cơ sở để xem xét các vi phạm về chuyển giao công nghệ.

Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động CGCN theo hướng hình thành cơ chế mới phù hợp với cơ chế thị trường với đặc thù của hoạt động CGCN và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân hoạt động CGCN.

Tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường công nghệ; Cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ mới; Phát triển các tổ chức trung gian, môi giới trên thị trường công nghệ.

Nhà nước cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ và các thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ hiện có; Xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin khoa học công nghệ quốc gia liên thông quốc tế; Xây dựng cơ chế, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ, khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ; Thu hút nguồn vốn FDI, sử dụng viện trợ phát triển chính thức đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; Khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn ngân sách nhà nước.

Thủy Tiên tổng hợp

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Chuyển giao công nghệ từ khối FDI cho doanh nghiệp Việt: Bài toán dang dở nhiều thập kỷ