Kinh tế Mỹ rối ren nhưng Tổng thống Biden vẫn lạc quan hơn bao giờ hết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Biden tiếp tục bày tỏ sự lạc quan, đồng thời ca ngợi hiệu quả kinh tế của các chiến thắng lập pháp của mình. Tuy nhiên, sự tích cực của Tổng thống khó có thể cải thiện được tâm lý của người dân Mỹ lúc này. Những lo ngại về lạm phát và suy thoái vẫn còn đó, trong khi các vụ sụp đổ ngân hàng thời gian gần đây càng làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Nền kinh tế Mỹ đã có sự trở lại đáng chú ý sau đại dịch COVID-19, tăng trưởng 2,1% vào năm 2022 và phục hồi đà tăng trưởng trước đại dịch.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, hơn 12,5 triệu việc làm đã được phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhỏ mới cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đây là điều mà ông Biden thường xuyên ca ngợi.

Vào ngày 03/04, trong một bài phát biểu tại Minnesota trong khuôn khổ chuyến công du “Đầu tư vào Mỹ”, Tổng thống Biden cho biết: “Tiến bộ mà chúng ta đã tạo ra với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững là có thật”.

Ông Biden và các thành viên nội các gần đây đã thực hiện chuyến công du tới các bang của Mỹ để tuyên truyền với người Mỹ rằng kế hoạch kinh tế của chính quyền đang có hiệu quả. Ông ấy đã tự hào nói về những chiến thắng lập pháp của mình, thứ đã góp phần tạo ra “hơn 435 tỷ USD đầu tư tư nhân trong vòng chưa đầy hai năm”.

“Tôi chưa bao giờ lạc quan hơn về tương lai của đất nước chúng ta”, ông Biden nói tại Minnesota, nêu bật những thành tựu kinh tế của ông trong hai năm qua.

Tuy nhiên, sự lạc quan của Tổng thống cũng khó có thể cải thiện được tâm lý của người dân Mỹ. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng người Mỹ ngày càng trở nên bi quan về nền kinh tế, mặc dù lạm phát đã giảm rõ rệt kể từ mùa hè năm ngoái.

Giá tiêu dùng tăng 6% tính theo năm trong tháng 2 vừa qua. Đây là sự sụt giảm so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 06/2022. Nhưng lạm phát vẫn đang duy trì ở mức cao một cách khó chịu.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 15% kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 01/2021. Giá lương thực tăng 18%, chi phí năng lượng tăng 37% và chi phí nhà ở tăng 13% trong thời gian tại vị của Tổng thống Biden.

Thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), đã hạ nhiệt trong tháng 2 xuống mức 5% hàng năm, đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục được duy trì đối với khu vực dịch vụ.

Deutsche Bank cho biết trong một báo cáo gần đây: “Mặc dù dữ liệu lạm phát PCE trở nên nhẹ nhàng hơn vào tháng Hai, nhưng các yếu tố cơ bản [của lạm phát] tiếp tục vững chắc hơn”.

Môi trường kinh tế kỳ lạ

Các nhà kinh tế của JPMorgan mô tả môi trường hiện tại là một môi trường kinh tế kỳ lạ vì có nhiều dấu hiệu mạnh và yếu của kinh tế đang cùng tồn tại.

“Sự không chắc chắn này là do sự kết hợp hiện tại giữa những lực cản và lực nâng mạnh mẽ, cũng như sự giằng co giữa một bên là thị trường lao động thắt chặt và lạm phát gia tăng, và một bên khác là bảng cân đối mạnh mẽ của khu vực kinh doanh và các chính sách theo hướng tăng trưởng”, ông Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của JPMorgan Chase, đã viết trong một báo cáo gần đây.

Do những đặc điểm độc đáo của môi trường kinh tế này, nhiều nhà kinh tế không thể đưa ra dự báo chính xác. Điều này làm tăng thêm sự lo lắng trong thị trường.

Một dấu hiệu đáng khích lệ gần đây là sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng bất chấp sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên 104,2 trong tháng 3, loại bỏ dự đoán về sự suy giảm. Niềm tin tháng 2 cũng được điều chỉnh tăng lên 103,4.

Tuy nhiên, kết quả báo cáo mới nhất cho thấy dự đoán của người tiêu dùng về lạm phát trong 12 tháng tới vẫn ở mức cao dai dẳng là 6,3%.

Theo Chỉ số Doanh nghiệp Nhỏ của MetLife và Phòng Thương mại Mỹ, niềm tin của các chủ doanh nghiệp nhỏ vào nền kinh tế đã giảm sút trong quý đầu tiên của năm 2023 do lo ngại về lạm phát vẫn được duy trì.

Mặc dù đang chuẩn bị tinh thần cho những bất lợi về kinh tế trong những tháng tới, hơn 60% chủ doanh nghiệp nhỏ nói rằng doanh nghiệp của họ đang hoạt động tốt và rằng họ hài lòng với dòng tiền của mình.

Nhiều nhà phân tích bối rối không hiểu làm thế nào mà các chủ doanh nghiệp có thể tự tin vào hoạt động kinh doanh của chính họ như vậy, giữa lúc sự bi quan về nền kinh tế đang lan rộng.

Ông Tom Sullivan, Phó chủ tịch phụ trách chính sách doanh nghiệp nhỏ tại Phòng Thương mại Mỹ, nói với The Epoch Times: “Có một niềm tin thực sự rằng nếu bạn có thể vượt qua đại dịch, thì bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì”.

Nhưng đây không phải là sự lạc quan mù quáng, ông Sullivan lưu ý.

Ông nói, các doanh nghiệp nhỏ rất tự tin, nhưng họ cũng khôn ngoan và tập trung. Họ luôn suy tính để không sử dụng quá nhiều đòn bẩy khi nền kinh tế đang suy thoái.

Doanh nghiệp khó mở rộng

Tăng trưởng ngày càng trở nên khó khăn đối với các chủ doanh nghiệp vì điều kiện tín dụng thắt chặt không cho phép họ mở rộng hoạt động hoặc thuê nhân viên mới.

Ông Gary Lambert là chủ sở hữu của Titan Storage, một cơ sở lưu trữ ở Spanish Fort, Alabama. Đây là doanh nghiệp chuyên cung cấp các đơn vị lưu trữ có kích thước khác nhau cho khách hàng thương mại và cư dân.

Ông Lambert cho biết công việc kinh doanh của ông vẫn có lãi bất chấp lạm phát và lãi suất cao, nhưng tăng trưởng giờ đây gần như là không thể.

“Kinh doanh lưu trữ cá nhân là một khoản đầu tư tốn nhiều tiền với lợi nhuận ổn định. Với chi phí nguyên vật liệu, lãi suất và giá lao động tăng chóng mặt, việc mở rộng ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông nói với The Epoch Times.

Ông Marc Hardgrove, Giám đốc điều hành của TheHoth, một công ty tiếp thị kỹ thuật số có trụ sở tại St. Petersburg, Florida, cũng cảm thấy như vậy.

Ông nói với The Epoch Times: “Là một công ty tiếp thị kỹ thuật số, chúng tôi tập trung vào việc giữ chân nhân viên hơn là thuê nhân viên mới". “Khi thị trường đang suy thoái, lĩnh vực CNTT đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong một kịch bản như vậy, việc quản lý tài nguyên đúng cách ngày càng trở nên quan trọng”.

Câu thần chú 'Hạ thăng trung tỏa'

Trong chuyến công du kéo dài ba tuần của mình, Tổng thống và các thành viên nội các Mỹ sẽ đến thăm hơn 20 tiểu bang để đề cao những thắng lợi về mặt lập pháp của chính quyền, bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát, Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng và Đạo luật CHIPs và khoa học. Tổng cộng, những đạo luật này khiến chính phủ phải chi thêm 2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.

Theo ông Biden, chi tiêu liên bang nhiều hơn khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn, giúp mở rộng nền kinh tế theo cách “hạ thăng trung tỏa”.

Kinh tế Mỹ rối ren nhưng Tổng thống Biden vẫn lạc quan hơn bao giờ hết
Một người đi bộ mang túi mua hàng khi đi bộ qua Quảng trường Union ở San Francisco, Mỹ, vào ngày 16/11/ 2022. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Những người ủng hộ kinh tế học “trung tỏa” tin rằng sự thịnh vượng của quốc gia không được lan truyền từ các cá nhân hoặc công ty giàu có. Thay vào đó, một tầng lớp trung lưu thành đạt là động lực chính của tăng trưởng bền vững và thịnh vượng.

Cụm từ “xây dựng nền kinh tế hạ thăng trung tỏa” đã trở thành câu thần chú trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden.

Nhưng cụm từ này không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu, theo ông Nick Hanauer, một doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm, người đã đặt ra cách nói “kinh tế học trung tỏa” (middle-out economics).

Trong một bài bình luận gần đây trên tờ The American Prospect, ông Hanauer cho rằng việc Tổng thống Biden áp dụng thuật ngữ này phản ánh sự thay đổi mô hình trong hoạch định chính sách, nhưng chỉ một số ít người Mỹ hiểu được tầm quan trọng của nó.

Ông viết: “Rất ít người Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của sự đảo ngược này trong cách tiếp cận chính sách kinh tế, cũng như quy mô của sự khác biệt tích cực mà những thay đổi này sẽ tạo ra trong cuộc sống của họ".

Thông điệp kinh tế của ông Biden dường như không gây được tiếng vang với người Mỹ. Xếp hạng tính nhiệm của ông tiếp tục giảm.

Trong một cuộc thăm dò gần đây được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu vấn đề công The Associated Press-NORC, xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống đã giảm xuống còn 38% từ mức 45% vào tháng 2.

Cách ông Biden điều hành nền kinh tế Mỹ đang là mối lo ngại của nhiều người Mỹ kể từ cuối năm 2021 do mức lạm phát cao dai dẳng và lo ngại về suy thoái kinh tế.

Tổng thống Mỹ thường xuyên cảnh báo rằng các chính sách của đảng Cộng hòa sẽ hủy hoại những tiến bộ mà chính quyền của ông đã đạt được. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri tin tưởng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ về vấn đề kinh tế.

Trì hoãn suy thoái kinh tế

Bất chấp những dự đoán về ngày tận thế và nỗi lo sợ suy thoái, chính quyền Biden cho đến nay vẫn đang thành công trong việc trì hoãn sự sụp đổ kinh tế.

Theo ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ phòng hộ Tressis và là cộng tác viên của The Epoch Times, lý do khiến nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào một cuộc suy thoái toàn diện là do mức chi tiêu khổng lồ của chính phủ. Điều này giúp duy trì việc làm và hoạt động kinh tế mạnh mẽ.

Ông nói: “Thâm hụt và nợ nần chồng chất đã trì hoãn suy thoái kinh tế nhưng lại làm trầm trọng thêm gánh nặng lạm phát". “Suy thoái là điều không thể tránh khỏi”.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã thúc giục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Ông Summers nói với CNN vào ngày 13/03: “Tôi chắc chắn nghĩ rằng Fed cần tập trung vào thách thức lạm phát". "Và tôi nghĩ đó là điều lịch sử đã dạy chúng ta: rằng nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát, cuối cùng chúng ta sẽ có suy thoái lớn hơn nhiều và thêm nhiều đau khổ hơn nhiều”.

Bình luận của ông Summers được đưa ra sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, điều khiến nhiều người thúc giục Fed tạm dừng tăng lãi suất.

Ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng nếu lạm phát không quay trở lại vùng an toàn của Fed, thì sẽ cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Điều này sẽ dẫn đến một vụ hạ cánh cứng của nền kinh tế.

Theo nhà kinh tế học Arthur Laffer, cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan, những người theo chủ nghĩa Keynes và những người theo chủ nghĩa tiền tệ muốn hạn chế lạm phát bằng cách cắt giảm nhu cầu, tuy nhiên, đây không phải là cách tiếp cận phù hợp.

“Những gì chúng ta muốn thấy trong việc đối phó với lạm phát là những gì chúng ta đã làm vào đầu những năm 1980. Chúng ta cắt giảm thuế suất, chúng ta mở rộng sản lượng [kinh tế] một cách mạnh mẽ và chúng ta hạn chế lượng tiền”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times. “Lạm phát sụt giảm và nền kinh tế bùng nổ ngoài sức tưởng tượng. Đó là cách tiếp cận từ phía cung để kiểm soát lạm phát".

“Cách mà ông Larry Summers muốn làm là đàn áp nhu cầu. Và vâng, ông ấy đúng, chúng ta sẽ có lạm phát thấp hơn. Nhưng chúng ta sẽ có lạm phát thấp hơn với sản lượng, việc làm, sản xuất thấp hơn rất nhiều, cùng với nhiều tuyệt vọng và khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, bạn hãy chọn ra mô hình mà bạn thích".

Khủng hoảng ngân hàng sẽ dẫn đến sụp đổ kinh tế?

Hiện tại có rất nhiều sự không chắc chắn trên thị trường. Nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng do những sự sụp đổ gần đây của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature có làm tăng khả năng xảy ra sụp đổ kinh tế hay không.

Kinh tế Mỹ rối ren nhưng Tổng thống Biden vẫn lạc quan hơn bao giờ hết
Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon bị đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 13/03/2023. (Ảnh: Vivian Yin/The Epoch Times)

Để đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, ông Biden cho biết chính quyền của ông đã thực hiện mọi biện pháp có thể để xử lý vấn đề.

Phòng Thương mại Mỹ hoan nghênh việc chính quyền Biden đã hành động nhanh chóng để xử lý cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các ngân hàng đổ vỡ, giúp làm dịu thị trường.

“Chúng ta đang chứng kiến điều ngược lại trên khắp thế giới, nơi các chính phủ không nhanh chóng đưa ra quyết định và xoa dịu những lo ngại”, ông Sullivan nói.

Ông nói, các doanh nghiệp có tiền lương bị mắc kẹt trong Ngân hàng Thung lũng Silicon đã có thể tiếp cận các khoản tiền của họ nhờ phản ứng nhanh chóng từ chính phủ Mỹ.

Ông Laffer đồng tình với ý kiến trên. Ông cũng ủng hộ quyết định của các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ tất cả những người gửi tiền sau sự sụp đổ của ngân hàng.

“Tối chủ nhật đó, tôi nghĩ [Bộ trưởng Ngân khố] Janet Yellen đã đúng”, ông nói. “Với việc thứ này sẽ bùng nổ vào sáng thứ 2 nếu họ không bảo vệ những người gửi tiền, việc rút tiền hàng loạt sẽ tiếp tục và không có giới hạn cho việc đó".

“Cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt từ các ngân hàng là [chính phủ] phải bảo vệ những người gửi tiền ngay lập tức. Và bạn không thể đợi một tuần vì nó sẽ chấm dứt, nó sẽ kết thúc sau một tuần nữa”.

Ông Laffer cho rằng, không giống như những người nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu, cá nhân người gửi tiền không nên chịu trách nhiệm cho tình hình tài chính của ngân hàng.

“Làm thế nào để General Motors đa dạng hóa rủi ro [đối với khoản tiền gửi] của mình? Ý tôi là, họ có thể có 2 tỷ USD tiền gửi, có thể nhiều hơn”, ông nói.

Dữ liệu hiện tại cho thấy không có phản ứng tiêu cực rõ ràng trước các tin tức ngân hàng gần đây. Và trên thực tế, một số chỉ số gần đây đã vượt mức mong đợi.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ngân hàng tin rằng sự sụp đổ của ngân hàng cuối cùng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.

Việc Fed tăng lãi suất mạnh đã làm chậm tốc độ tăng trưởng cho vay. Và cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ gây ra “những cú sốc tín dụng”, làm trầm trọng thêm tình hình, theo Morgan Stanley.

“Sự gián đoạn trong hệ thống tài chính sẽ để lại dấu ấn lên nền kinh tế trên thực tế”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley viết trong một ghi chú gần đây. “Các nhà phân tích ngân hàng của chúng tôi nhận thấy chi phí vốn cho các ngân hàng ở mức cao hơn vĩnh viễn trong thời gian sắp tới, và sự gián đoạn đối với thị trường vốn có thể sẽ dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng vượt quá những gì được đưa vào cơ sở tính toán trước đây của chúng tôi đối với nền kinh tế”.

Họ cũng lưu ý rằng việc thắt chặt các điều kiện tín dụng trong năm nay sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo Goldman Sachs, các lĩnh vực sản xuất, bất động sản thương mại và công nghệ là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước sự cắt giảm cho vay của ngân hàng.

Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đã viết trong một ghi chú gần đây rằng việc sụt giảm trong cho vay sẽ dẫn đến việc đầu tư kinh doanh vào các ngành này giảm đi.

Ông Hatzius cho biết: “Chúng tôi cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại trong ngành giải trí, khách sạn và các ngành dịch vụ khác, vì khả năng cho vay suy giảm sẽ ngăn cản các nhà quản lý nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ khác thuê nhân công mới và mở cơ sở mới”.

Tổng lượng cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm 105 tỷ USD trong hai tuần kết thúc vào ngày 29/03 - mức lớn nhất kể từ năm 1973. Hoạt động cho vay giảm mạnh chủ yếu là do sự sụt giảm trong các khoản cho vay bất động sản, cũng như các khoản cho vay thương mại và công nghiệp.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Mỹ rối ren nhưng Tổng thống Biden vẫn lạc quan hơn bao giờ hết