Kinh tế Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” do sốc cung và sốc cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi phần nào trong tháng 3 sau khi bị thu hẹp sâu vào tháng 1 và tháng 2 do virus Corona Vũ Hán. Tuy nhiên, dù cú sốc cung qua đi nhưng tình hình có vẻ không khả quan như vậy khi một cú sốc cầu đang chờ đón nền kinh tế đang bị vùi dập này...

Khi các công nhân Trung Quốc cố gắng quay lại làm việc và các nhà máy chuẩn bị mở cửa trở lại trên diện rộng, Bắc Kinh hy vọng rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sẽ không xảy ra nữa.

Nhưng sự thật có như vậy chăng?

Trên thực tế, những tác động làm tê liệt nền kinh tế của virus Corona Vũ Hán mới đang bắt đầu được cảm nhận ở hải ngoại. Cú sốc cung kéo dài hàng tháng của Trung Quốc đang biến thành cú sốc cầu có khả năng tàn phá nghiêm trọng - nó sẽ đóng vai trò như một cú đánh khác vào nền kinh tế vốn đã bị vùi dập của đất nước này.

Nói cách khác, virus Corona Vũ Hán sẽ tấn công Trung Quốc hai lần.

Tác động của cú sốc cung đối với nền kinh tế Trung Quốc

Trong tháng này, ĐCSTQ đã háo hức thúc giục mọi người trở lại làm việc để khởi động lại nền kinh tế.

Các chỉ số sớm vào tháng 3 xác nhận rằng một số bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc - các khu vực do chính phủ trực tiếp kiểm soát - đã hoạt động trở lại. “Trong khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, máy móc liên quan đến cơ sở hạ tầng và chuyển phát nhanh đã hoàn toàn bình thường hóa, thì việc sản xuất ô tô, điện tử, xe tải hạng nặng, thép, và xây dựng vẫn ở mức 70-80% so với ngưỡng bình thường”, theo một bản lưu ý mà Morgan Stanley gửi cho khách hàng vào ngày 20/3.

Phần sau của bản lưu ý phản ánh nhu cầu giảm cả trong và ngoài nước. Và tình hình dự kiến ​​sẽ còn xấu đi.

Trong hai tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đã “giậm chân tại chỗ” trong bối cảnh bùng phát virus Corona Vũ Hán. Bắc Kinh đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế chính thức vào đầu tháng 3, phần lớn trong số đó là những số liệu do tháng 1 và tháng 2 cộng lại.

Doanh số bán lẻ sụt giảm mạnh, rớt tận 20,5% trong suốt giai đoạn đó. Đầu tư tài sản cố định - một thước đo quan trọng bao gồm các khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bất động sản và trang thiết bị - đã bị sụt 24,5%. Đây cũng là sự thu hẹp đầu tiên được ghi nhận đối với Bắc Kinh.

Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 6,2% trong tháng 2, đây không phải là con số đáng tin cậy do phương pháp báo cáo của Trung Quốc khá rời rạc. Tuy nhiên, ngay cả những số liệu chính thức cũng cho thấy rằng hơn 5 triệu người đã mất việc.

Đối với Trung Quốc, tháng 1 và tháng 2 đại diện cho cái gọi là cú sốc cung. Đất nước này là trung tâm sản xuất của thế giới. Nhu cầu từ các khách hàng trên toàn cầu là có, nhưng Trung Quốc không thể sản xuất khi các nhà máy đóng cửa và công nhân nhập cư bị mắc kẹt tại nhà.

Trung Quốc sẽ công bố các số liệu GDP (tổng sản phẩm quốc nội) chính thức của quý I vào đầu tháng 4. Những con số này được dự đoán là sẽ khá ảm đạm do phần lớn đất nước đã không sản xuất trong thời gian vừa qua.

Cú sốc cầu trong tương lai

Ngay khi Trung Quốc hồi phục năng lực sản xuất, thì nhu cầu đối với hàng hóa của nước này đã lại nhanh chóng bốc hơi.

Virus Corona Vũ Hán mà Trung Quốc đã “xuất khẩu” sang phần còn lại của thế giới hiện đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Chỉ trong vòng vài tuần, các nhà máy trên khắp thế giới đã chẳng còn vị khách nào để bán hàng.

Ví dụ, Ford Motor Co. và General Motors - hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Hoa Kỳ - đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng sản xuất ít nhất là đến cuối tháng 3 để chống lại đại dịch. Các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu, bao gồm cả Volkswagen và Renault, cũng nối gót làm theo. Điều đó có nghĩa là nhu cầu đối với thép cuộn cán nóng, một mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc, sẽ không còn.

Nhu cầu đối với các phụ tùng làm từ thép và kim loại sụt giảm sẽ làm tổn thương xuất khẩu của Trung Quốc, và khiến giá giảm mạnh hơn nữa.

Đại dịch toàn cầu đã đóng cửa các trường học, doanh nghiệp, trung tâm mua sắm và nhà máy trên khắp thế giới - tất cả những điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm hơn 17% trong tuần kết thúc vào ngày 20/3. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngay cả nhu cầu trong nước của Trung Quốc cũng khởi sắc rất chậm chạp. Các nhà hàng bên ngoài tỉnh Hồ Bắc hầu hết đã mở cửa trở lại, nhưng việc kinh doanh buôn bán vẫn rất ế ẩm. Nhiều chuỗi nhà hàng lớn nói với Caixin, một tạp chí tài chính Trung Quốc, rằng “dòng tiền của họ vẫn thấp hơn một nửa so với trước khi dịch bệnh bùng phát, ngay cả sau khi đã điều chỉnh chiến lược và chuyển trọng tâm sang giao hàng và phục vụ”.

Nhiều trung tâm mua sắm cho biết số lượng khách hàng ghé qua còn thấp hơn cả trước khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Doanh số ô tô đã sụt giảm nghiêm trọng vào tháng 2, và nửa đầu tháng 3 cũng mới chỉ phục hồi một chút. Doanh số bán lẻ ô tô con ở Trung Quốc trong 15 ngày đầu tháng 3 đã giảm 47%, theo dữ liệu chính thức từ Hiệp hội Xe con Trung Quốc, được trích dẫn trong báo cáo của Reuters vào ngày 18/3.

Tất cả những điều này xác nhận rằng sự phục hồi kinh tế “hình chữ V” mà Bắc Kinh kỳ vọng đang trở thành một giấc mơ xa vời.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” do sốc cung và sốc cầu