'Ngựa xem bốn móng, người xem bốn tướng' có ý nghĩa gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong câu nói “tướng do tâm sinh” của văn hóa truyền thống Á Đông, chữ “tướng” này không chỉ nói đến tướng mạo, mà còn bao hàm cả cử chỉ, ngôn hành của một người. Khi đứng phải có tư thế đứng, khi ngồi phải có tư thế ngồi, cả khi ăn cũng cần có tư thế ăn....

Vì vậy, người xưa đã đúc kết ra rất nhiều phương pháp nhận biết con người một cách chính xác. Bài viết này xin giới thiệu tới độc giả một câu nói cũng có liên quan đến việc xem tướng: “Ngựa xem bốn móng, người xem bốn tướng”. Câu nói này chứa đựng trí huệ của cổ nhân ra sao?

Ngựa xem bốn móng. (Pexels)

Đối với người không trong ngành, khi xem ngựa, họ thường chỉ chú ý đến hình dáng bên ngoài của con ngựa, chẳng hạn như ngựa có cao lớn và dũng mãnh không, màu lông có sáng bóng không, cơ bắp có phát triển không, v.v. Nhưng người biết xem tướng ngựa sẽ không chỉ quan sát hình dáng bên ngoài mà còn rất chú ý đến “bốn móng”.

 

“Bốn vó” là chỉ bốn bộ phận gồm đề duyên, đề quan, đề bích, đề để giá (mép móng, đỉnh móng, thành móng và đáy móng). Khi nhìn bốn bộ phận này là có thể biết ngựa tốt hay xấu. Nếu một con ngựa có bốn móng trong tình trạng tốt, nó có thể được gọi là một con tuấn mã có tiềm năng lớn.

Người xem bốn tướng

Tướng mặt

Ngũ quan cũng là tướng mặt mà mọi người vốn đã quen thuộc. Khi mới gặp một ai đó, phần lớn mọi người đều quan sát các đặc điểm trên khuôn mặt của đối phương.

Vì người xưa rất tin vào việc “tướng từ tâm sinh” nên có những cách nhận biết người như “trán đầy đặn, cằm vuông tròn”, “tai to tới vai, mặt mũi phúc hậu”, "miệng nhọn má khỉ, mũi chim ưng", v.v. Đó là những thông điệp quan trọng được thể hiện từ ngũ quan.

Thuật ngữ "ngũ quan" lần đầu tiên xuất hiện trong "Hoàng đế nội kinh", đề cập đến lông mày, mắt, tai, miệng và mũi của một người. Hơn nữa, người xưa còn cho rằng ngũ quan của một người có sự liên quan tới tim, gan, lá lách, phổi và thận. Vì vậy, người ta có thể căn cứ vào nước da và ngũ quan để phán đoán tình trạng sức khỏe của một người.

Ngũ quan cũng là tướng mặt mà mọi người vốn đã quen thuộc. (Ảnh pexels)

Tướng thịt

Vào thời cổ đại, người ta cũng phán đoán sự giàu nghèo của một người qua màu da. Bởi vì những người giàu có không phải làm việc nhiều, vì vậy tự nhiên họ không thường xuyên tiếp xúc với nắng nóng, và làn da của họ sẽ trắng hơn một chút; ngược lại thì người dân nghèo thường phải xuống ruộng làm nông, da sẽ đen ngăm và thô ráp hơn. Nhưng trong thời hiện đại, điểm này có thể đã không có tác dụng phân biệt rõ ràng như vậy.

Tục ngữ có câu “cốt nhục tương liên”, mà xương thịt quả thật là “thông nhau”, xương khỏe thì huyết thịnh, xương yếu thì huyết hư. Xương cốt có vững chắc đến đâu mà không có huyết nhục nuôi dưỡng thì cũng không thể được. Bất kể hình dạng xương như thế nào, thịt phải đều. Nếu người nào thịt dày nơi xương cốt thẳng, nhưng da bọc xương nơi xương cốt nhỏ, điều đó có nghĩa là người này là người ngang ngược, dễ gặp rắc rối.

Tướng xương

Tục ngữ có câu, cái đẹp cốt ở xương chứ không phải ở da, cấu trúc khung xương của một người quyết định hình dáng cơ thể của người đó, ảnh hưởng trực tiếp đến ngũ quan và hình thái của da thịt. Thế nên người có xương tốt thì sinh ra đoan trang, mà thường là tướng phú quý.

Tướng xương đề cập đến các đặc thù xương cốt của một người. So với tướng mặt, tướng xương không dễ xác định lắm. Một số xương người có hình thù rõ ràng, dễ phân biệt, một số người tướng xương có hình thù kỳ lạ, khó nhận ra. Hơn nữa, tướng xương còn có nam nữ phân biệt; nhưng dù là nam hay nữ, chỉ cần xương lõm xuống lộ ra ngoài thì cô đơn nghèo khó, cuộc đời sẽ nhiều thăng trầm. Ngoài ra, nếu hình dạng xương của một người tròn và nhô lên, điều đó có nghĩa là người đó có năng lực kiệt xuất, nếu hình dạng xương của một người nhọn như một đỉnh núi đơn độc, thì cho thấy vận mệnh của người đó sẽ có nhiều trắc trở.

Tướng khí

Tướng khí tiết chính là thần sắc, có thể tưởng tượng được nếu một người có nước da hồng hào, trạng thái tinh thần tốt thì có nghĩa là người đó khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Còn những người suốt ngày cau có, ủ dột, sắc mặt tương đối kém, thần thái không tươi tắn, phần lớn là do cuộc sống không được như ý, vận khí không tốt.

Một người có sắc mặt hồng hào chắc chắn được yêu thích hơn một người có khuôn mặt nhợt nhạt. Và thần sắc không phải vốn sinh ra đã vậy, mà nó được quyết định bởi tâm thái và chế độ ăn uống. Trong "Hoàng đế nội kinh" có đề cập rằng "khí sắc trên mặt không sáng, ngũ tạng nhất định có tổn thương". Do đó, khí sắc của một người không chỉ được dùng làm tiêu chuẩn tham khảo cho vẻ đẹp bên ngoài mà cả sức khỏe bên trong.

Theo Vương Hoà- Aboluowang

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

'Ngựa xem bốn móng, người xem bốn tướng' có ý nghĩa gì?