Thủ tướng Việt Nam: Phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Ngày 16/12, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, ông Phạm Minh Chính khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn.

Để giảm các ca mắc Covid-19 chuyển nặng thì phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; đảm bảo đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp đông - tây y để chữa trị cho người bệnh.

Thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tăng tốc tiêm vaccine cho người dân, mục tiêu đến ngày 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine.

Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Riêng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.

Các bộ, ngành cần đẩy mạnh cải thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.

Các địa phương có nhiều ca nhiễm và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng thì phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện, hỗ trợ kịp thời.

Giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức thí điểm mở cửa trở lại các đường bay quốc tế.

Các địa phương phải làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh....

“Có chống dịch hiệu quả thì mới có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; và có phát triển kinh tế, xã hội mới có nguồn lực để phòng, chống dịch. Đây là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần hỗ trợ gì, khó khăn, vướng mắc gì thì mạnh dạn báo cáo lên Chính phủ để xem xét, giải quyết kịp thời” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


Thủ tướng Việt Nam: Phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine