Thủ tướng Việt Nam: Các địa phương không được áp dụng trái với quy định của Trung ương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lưu ý, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo Trung ương.

Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương sơ kết công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.

Tại phiên họp, ông Phạm Minh Chính nêu rõ, khi thực hiện quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các địa phương không được quy định trái với quy định chung, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo trung ương.

Đánh giá về công tác phòng chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4, Ban chỉ đạo cho hay đây là đợt dịch với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn, dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao. Dịch bệnh đã được ghi nhận tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, kéo dài hơn 5 tháng nhưng đến nay tình hình cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm mới và tử vong giảm rõ rệt.

Về tiêm vaccine, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine và tiêm được hơn 61 triệu liều; hơn 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 24,7% đã tiêm đủ 2 liều

Ban chỉ đạo cũng đánh giá đợt dịch lần thứ 4 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân; hệ thống y tế quá tải và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP. HCM và một số tỉnh thành phía Nam…

Theo Ban Chỉ đạo, dịch bệnh vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý 2-2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế, ngân sách gặp khó khăn.

Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, ngành nghề dịch vụ. Tỉ lệ thất nghiệp riêng trong quý 3/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 4,39%, cao nhất từ quý 1-2020 đến nay.

Ban chỉ đạo đã chỉ ra các hạn chế như trong thời gian đầu đợt dịch, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, công tác dự báo, quy định có lúc chưa sát thực tiễn.

Đặc biệt, một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc, thiếu thiện cảm của người dân với chính quyền.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, nguyên nhân là do còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại, khi có dịch lại hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất; năng lực phân tích đánh giá diễn biến dịch bệnh còn hạn chế, hệ thống y tế chưa đáp ứng năng lực phòng chống dịch, có địa phương chấp hành chưa nghiêm chỉ đạo của trung ương…


Thủ tướng Việt Nam: Các địa phương không được áp dụng trái với quy định của Trung ương