Úc: Tỷ phú khai thác mỏ bức xúc khi bị chính phủ từ chối dự án than

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là dự án than đầu tiên bị từ chối viện dẫn luật môi trường quốc gia của Úc. Thiệt hại kinh tế do việc từ chối dự án là vấn đề đáng chú ý. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng dự án sẽ khó có thể tác động xấu đến Rạn san hô Great Barrier.

Ông trùm khai thác mỏ người Úc Clive Palmer cho biết việc chính phủ hủy bỏ đề xuất của công ty ông về việc xây dựng một mỏ than ở trung tâm Queensland sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của khu vực.

Bộ trưởng Môi trường Liên bang Tanya Plibersek vào ngày 08/02 tuyên bố bà đã quyết định từ chối đề xuất khai thác mỏ của ông Palmer ở Bể than Styx, nằm cách Rockhampton 130 km về phía tây bắc và cách Công viên hải dương Rạn san hô Great Barrier khoảng 10 km nhưng nằm cách rạn san hô 170 km, vì những rủi ro tiềm ẩn đối với môi trường bất chấp những biện pháp hạn chế tác động được đề xuất.

Úc: Tỷ phú khai thác mỏ bức xúc khi bị chính phủ từ chối dự án than
Bộ trưởng Môi trường Úc Tanya Plibersek phát biểu trong Phòng trưng bày báo chí tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, vào ngày 24/03/2021. (Ảnh: Sam Mooy/Getty Images)

Đây là lần đầu tiên một dự án than bị từ chối viện dẫn luật môi trường quốc gia của Úc sau hai thập kỷ luật này được áp dụng.

Theo tài liệu đệ trình lên chính phủ của công ty Palmer, mỏ sẽ hoạt động trong 20 năm, khai thác cả than luyện cốc dùng để luyện thép và than nhiệt dùng để sản xuất điện.

Mỏ sẽ thuê từ 100 đến 500 công nhân, ước tính tạo ra giá trị xuất khẩu là 60 tỷ AUD (đô la Úc) (41,48 tỷ USD) và cung cấp 32 tỷ AUD (22,12 tỷ USD) phí khai thác cho tiểu bang và liên bang trong suốt thời gian hoạt động.

Công ty cho biết để so sánh, Rạn san hô Great Barrier đóng góp 6,4 tỷ AUD (4,42 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế, nghĩa là “mỗi hecta” rạn san hô sẽ có giá trị 1.858 USD trong khi mỏ sẽ tạo ra 1,6 triệu USD.

Thiệt hại kinh tế

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Gold Coast vào thứ 6 (10/02), ông Palmer lập luận rằng việc từ chối dự án mỏ sẽ ảnh hưởng đến mức sống của cộng đồng địa phương, đặc biệt là vào thời điểm một số gia đình đang phải vật lộn để kiếm miếng ăn.

Ông ấy nói: “Chúng ta có những người đàn ông và phụ nữ phụ thuộc vào công việc và sinh kế của họ, và chúng ta phải làm những gì có thể để hỗ trợ điều đó".

“Chúng ta phải có nhiều tấm lòng nhân ái với người dân và gia đình của những người khai thác than".

“Điều gì sẽ xảy ra với đất nước chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế?” ông ấy nói thêm.

Ông Palmer cho biết dự án của ông đã cân nhắc các biện pháp để hạn chế rủi ro môi trường và cáo buộc thêm rằng quyết định của chính phủ Lao động trung tả là “tất cả nhằm thực hiện các thỏa thuận với Đảng Xanh để thông qua luật tại quốc hội liên bang”.

“Đảng Lao động nói một điều - rằng họ ủng hộ than đá - và họ làm những việc như thế này”.

Tỷ phú lập luận rằng công ty của ông “chắc chắn đã xử lý tất cả những lo lắng của bộ trưởng”.

“Sẽ có hành động được thực hiện, tôi không thể thực sự nói về nó”, ông ấy nói.

Lý do bác bỏ đề xuất

Trong một tuyên bố lý do dài 71 trang giải thích quyết định hủy bỏ, bà Plibersek cho biết mỏ sẽ gây ra những rủi ro môi trường “không thể chấp nhận được” đối với Rạn san hô Great Barrier.

Ví dụ, có khả năng nước của mỏ sẽ gây rủi ro cho các hệ sinh thái cửa sông và gần bờ, đồng thời thải lượng trầm tích gia tăng vào Rạn san hô Great Barrier.

Bộ trưởng môi trường cũng lưu ý rằng việc sử dụng nước ngầm của mỏ sẽ làm giảm dòng chảy cơ bản ở các con lạch nước ngọt gần đó và dẫn đến “sự tàn lụi và mất mát đối với tới 165 ha thảm thực vật phụ thuộc vào nước ngầm”.

Bà cũng cảnh báo về “những thay đổi đối với chất lượng nước trên mặt đất từ việc xả thải được kiểm soát và không được kiểm soát, có khả năng tác động đến môi trường nước bên trong, liền kề và ở hạ lưu địa điểm dự án được đề xuất.” Ngoài ra, mỏ "có khả năng làm tăng lượng trầm tích trong các tuyến đường thủy địa phương”, bà nói.

Khi công bố quyết định vào thứ 4 (08/02), bà Plibersek cho biết: “Tôi đã quyết định không phê duyệt Dự án Than Trung tâm Queensland vì những rủi ro đối với Rạn san hô Great Barrier, các lạch nước ngọt và nguồn nước ngầm là quá lớn”.

“Tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên từng trường hợp cụ thể đối với mọi dự án tôi xem xét”, bà nói.

“Đảng Xanh và những người khác đang nói rằng chúng ta nên từ chối mọi hồ sơ đăng ký dự án mỏ than hoặc khí đốt. Đó hoàn toàn không phải là những gì tôi đang làm ở đây".

Bà Plibersek nói thêm: “Việc bảo vệ Rạn san hô Great Barrier không chỉ quan trọng về mặt môi trường mà còn quan trọng về mặt kinh tế”.

Trong khi đó, trong một tài liệu dài 192 trang, chính quyền Queensland giải thích rằng dự án của ông Palmer sẽ gây xáo trộn trực tiếp tới 1.372 ha đất, cũng như đe dọa các cộng đồng động thực vật và dẫn đến mất 8km đường thủy cho cá qua lại.

Chính quyền bang cũng cho biết mỏ cũng sẽ gây ra những tác động gián tiếp tiềm ẩn đối với số lượng và chất lượng nước mặt đất và nước ngầm cũng như gây nguy hiểm cho các loài bị đe dọa.

Úc: Tỷ phú khai thác mỏ bức xúc khi bị chính phủ từ chối dự án than
Quang cảnh từ trên không của Rạn san hô Great Barrier ngoài khơi quần đảo Whitsunday, dọc theo bờ biển trung tâm của Queensland, vào ngày 20/11/2014. (Ảnh: SARAH LAI/AFP qua Getty Images)

Ý kiến chuyên gia

Nhưng nhà vật lý Peter Ridd có trụ sở tại Queensland nói rằng mặc dù mỏ than có thể gây hại cho môi trường xung quanh, nhưng “không có khả năng” nó sẽ gây hại cho Rạn san hô Great Barrier, khu vực nằm cách bờ biển hơn 100 km.

Ông cho biết Rạn san hô Great Barrier nằm gần một phần của đại dương có tên là Broad Sound, nơi có “cửa sông cực kỳ lầy lội”, vì vậy mặc dù sẽ có một số bụi than thoát ra từ mỏ của ông Palmer, nhưng than “không hẳn là một chất siêu độc” so với các trầm tích trong nước.

“Đó không phải là plutonium hay xyanua hay gì đó”, ông nói với Đài TNT vào ngày 09/02.

“Và so với lượng bùn trôi nổi xung quanh tại Broad Sound, bạn thậm chí sẽ khó mà đo được chút bụi than trên vào thời điểm đó”.

Ông lập luận rằng có một "ngụ ý chính trị" trong việc từ chối mỏ than. Chính phủ cũng đã không ngăn chặn cảng tiếp nhận than Hay Point “khổng lồ” ở Bắc Queensland, nằm ngay trên bờ biển.

Ông ấy lưu ý: “Những gì họ đang làm ở đây cực kỳ mâu thuẫn".

“Tôi nghĩ rằng thực tế là ông Clive Palmer đã có một sự nghiệp chính trị trước đó và là người đã tạo ra rất nhiều kẻ thù”.

Quyết định này được đưa ra khi ngành công nghiệp than phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ chính phủ Queensland. Năm ngoái chính quyền này đã đưa ra một đợt tăng thuế than đối với các khoản phí khai thác vốn đã cao nhất thế giới.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Úc: Tỷ phú khai thác mỏ bức xúc khi bị chính phủ từ chối dự án than