Cao tăng gặp 'tướng quân phá chùa' và tướng cướp, kết cục như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một viên tưởng khét tiếng phá chùa, đuổi sư, thậm chí sát hại tăng ni, một toán cướp hung dữ, quan binh giao chiến nhiều năm mà không thắng được, một cao tăng đối mặt với cả tướng phá chùa, và tướng cướp, kết cục như thế nào?

Một ngày tháng 8 năm 1912, trong chùa Chúc Thánh núi Kê Túc ở Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc, Pháp sư Hư Vân đang ngồi khoanh chân niệm kinh cùng các tăng nhân, đột nhiên, tiểu hòa thượng canh giữ cổng chùa hớt ha hớt hải chạy vào đại điện, thở hổn hển và nói lớn với Pháp sư Hư Vân: “Đại sự không hay rồi, đại sự không hay rồi, ngài mau trốn đi, hắn, hắn đang lên núi đó”.

Hắn rốt cuộc là ai mà khiến tiểu hòa thượng sợ hãi như vậy?

Tướng quân phá chùa đuổi sư

Người đó chính là tướng quân phá chùa Lý Căn Nguyên.

Lý Căn Nguyên (189-1965) tên chữ là Vân Sinh, từng đỗ tú tài, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho gia, lập chí coi việc thiên hạ là trách nhiệm bản thân. Sau này, ông theo Tôn Trung Sơn gia nhập Đồng minh hội, hoạt động chống triều Thanh. Sau Cách mạng Tân Hợi, ông đảm nhiệm Tổng trưởng Quân chính Vân Nam, kiêm Chủ tịch Thượng viện.

Nhưng tư tưởng của ông rất cấp tiến, ở trong quân ngũ thời gian lâu, thói quen quân phiệt ngang ngược võ đoán cũng ngày càng đậm nét. Đối với Phật học, Phật giáo, ông rất coi thường. Ông cho rằng, tư tưởng Phật giáo tiêu cực yếm thế, hoàn toàn không có chút tác dụng nào đối với sự tiến bộ của xã hội. Thời kỳ đầu Dân Quốc, những sự kiện phá chùa đuổi sư xảy ra ở khắp nơi.

Ở Vân Nam cũng có một số tăng nhân xuất gia không giữ giới luật, đi khắp nơi lừa đảo bịp bợm. Tục ngữ nói: “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Những tăng ni không giữ giới này đã làm bại hoại cực lớn hình ảnh Phật giáo trong con mắt mọi người.

Sau khi biết chuyện những hành vi xấu xa của những tăng nhân lừa bịp này, Lý Căn Nguyên càng căm ghét Phật giáo. Ông lấy danh nghĩa “thanh lọc xã hội”, đích thân dẫn quân đội đến khắp nơi ở Vân Nam để tịch thu tài sản nhà chùa. Đối với các tăng ni các chùa, chẳng hỏi han xem đen trắng ra sao, nhất loạt đuổi đi, thậm chí còn phá hủy các chùa. Thế nên mọi người gọi ông là “Tướng quân phá chùa”.

Ở núi Kê Túc, Pháp sư Hư Vân dẫn dắt tăng ni trên núi, sống cuộc sống tu hành tuân thủ giới luật, nên có được thanh danh rất cao. Nghe được chuyện này, Lý Căn Nguyên cảm thấy quá lạ. Ông nghĩ: “Lão hòa thượng này làm thế nào lại được lòng dân như thế nhỉ. Chưa biết chừng là một trò bịp bợm ngụy trang mà thôi”.

Hòa thượng Hư Vân khi ấy đã 112 tuổi
Hòa thượng Hư Vân. (Ảnh: Wikipedia)

Lại thêm việc Hoàng đế Quang Tự triều Thanh đã từng sắc phong cho Pháp sư Hư Vân, nên Lý Căn Nguyên cho rằng, lão hòa thượng Hư Vân là dư đảng của triều Thanh, do đó đã ra lệnh chỉ rõ, nhất định phải bắt Hư Vân.

Tăng ni núi Kê Túc có tới bảy, tám trăm người, nghe được tin này thì ai nấy đều nơm nớp lo sợ, mất ăn mất ngủ.

Hôm đó, vị Tướng quân phá chùa này quả nhiên dẫn binh lính nạp đạn sẵn sàng ầm ầm tiến đến. Họ đóng quân ở chùa Tất Đàn, phá hủy chùa Tất Đàn không còn lại thứ gì. Có lẽ chùa tiếp theo sẽ là Chúc Thánh.

Tiểu hòa thượng canh giữ cổng chưa từng trông thấy trận thế như vậy, nên vô cùng lo lắng sợ hãi.

Tướng quân phá chùa tu Phật Pháp

Tiểu hòa thượng vừa vào đại điện liền cuống quýt gọi Pháp sư Hư Vân: “Ngài mau mau trốn đi”.

Mọi người đều cuống cuồng khuyên ông hãy mau chóng bỏ trốn đi. Nào ngờ, Pháp sư Hư Vân vẫn điềm tĩnh ung dung nói: “Mọi người ai muốn trốn thì hãy trốn đi. Nếu là nghiệp báo phải chết, thì trốn cũng có tác dụng gì? Bần tăng nguyện lấy tấm thân này tuẫn giáo, ngăn chặn nghiệp chướng”.

Nghe những lời này của lão hòa thượng, cái tâm lo sợ căng thẳng của mọi người cũng dần lắng xuống, mọi người đều ở lại chùa, không trốn đi nữa.

Tối hôm đó, Pháp sư Hư Vân một thân một mình đến chùa Tất Đàn, nhờ binh sĩ gác cổng thông báo muốn gặp Lý Tướng quân. Người lính này biết Pháp sư Hư Vân, nên thực sự không nỡ lòng để ông tự chui đầu vào rọ, thế nên mặc cho Pháp sư nói như thế nào đi nữa, anh ta cũng không đi thông báo.

Pháp sư Hư Vân bèn tự mình xông vào, thấy Lý Cân Nguyên cùng với cựu Án sát sứ Tứ Xuyên Triệu Phiên đang ngồi trong điện Vạn Thọ đàm luận, ông bèn tiến đến hành lễ.

Lý Căn Nguyên có thái độ ngạo mạn, không thèm để mắt đến. Triệu Phiên và Pháp sư Hư Vân vốn có mối giao hảo từ trước, nên hàn huyên với Pháp sư một lúc, và hỏi: “Ngài đến đây có công cán gì thế?”

Pháp sư Hư Vân vừa định mở miệng thì Lý Căn Nguyên vắt một chân lên đùi, nhìn Hư Vân và đập bàn thét lên giận dữ: “Lão tăng này hãy nghe ta hỏi, ‘Phật giáo có tác dụng gì, có ích lợi gì’?”

Pháp sư Hư Vân trả lời: “Thánh nhân lập ra tôn giáo, có thể tế thế lợi dân, làm việc thiện, từ bỏ việc ác. Từ xưa chính quyền và tôn giáo đều song hành, chính quyền là để giúp dân, tôn giáo là để giáo hóa dân. Phật gia dạy con người trị sửa cái tâm mình. Tâm là gốc của vạn vật, gốc mà chính thì vạn vật được yên ổn, thiên hạ thái bình”.

Lý Căn Nguyên vốn xuất thân Nho sinh, thấy Pháp sư Hư Vân trả lời rất ung dung, hòa ái, đường hoàng như thế này, thì nét mặt và khẩu khí đã dịu đi chút đỉnh, ông hỏi tiếp: “Vậy ông hãy nói xem, cần những tượng đất, tượng gỗ kia để làm gì, có tác dụng gì? Chẳng phải tiêu phí tài sản đó sao?”

Pháp sư Hư Vân nói: “Dùng lời thế tục nói, thì như núi Nê dựng tượng Thánh nhân (Khổng Tử), Đinh Lan khắc gỗ (thờ cha mẹ), giống như từ đường của các dòng tộc, chẳng qua là nơi để cái tâm của mọi người quy về mà thôi. Nhưng công hiệu thì không thể nghĩ bàn. Ngài xem, nếu lòng người không có sự kính úy, như thế sẽ không việc ác nào mà không làm, sẽ gây họa loạn thế gian. Do đó, sao có thể nói là tiêu phí tiền tài được?”

Nghe đến đây, nét mặt Lý Căn Nguyên đã có chút vui vẻ rồi, ông sai người đem trà và điểm tâm kính dâng Pháp sư Hư Vân, sau đó lại hỏi: “Vậy tại sao có những hòa thượng không làm việc tốt, trái lại còn làm rất nhiều việc xấu?”

Pháp sư Hư Vân trả lời:

“Danh từ “Hòa thượng” chỉ là một danh xưng chung, cũng có sự khác biệt phàm Thánh, thật giả. Không thể thấy một vài tăng nhân không tốt, liền phế bỏ toàn bộ tăng nhân được. Giống như không thể vì một vài tú tài không tốt, mà mắng chửi Khổng Tử, giết tất cả các tú tài được. Cũng giống như Tướng quân, ngài thống lĩnh quân đội, tuy kỷ luật quân sự nghiêm minh, nhưng cũng không thể ai nếu đều thông minh chính trực như Tướng quân được, kiểu gì cũng có vài người phạm lỗi, lẽ nào vì thế mà giết toàn bộ đội quân này sao?”

“Biển không ruồng bỏ tôm cá, do đó mới rộng lớn. Phật Pháp lấy Tính làm biển, không gì không bao dung. Chỉ cần giữ gìn giới luật, dần dần lặng lẽ, người xấu cũng sẽ thay đổi thành người tốt”.

Lý Căn Nguyên nghe xong thì trong lòng vô cùng vui thích, và đàm đạo với Pháp sư Hư Vân rất lâu. Chốc chốc, lại thấy Tướng quân cười sảng khoái, chốc chốc lại thấy Tướng quân gật đầu biểu thị tán đồng. Thế là Tướng quân căn dặn nhà bếp chuẩn bị bữa tối.

Sau khi cùng lão hòa thượng dùng bữa tối, Tướng quân lại cùng hòa thượng thắp đuốc đàm đạo đến khuya.

Cuối cùng, Lý Căn Nguyên bỗng tỉnh ngộ, than thở rằng: “Chao ôi, thì ra Phật Pháp tinh thâm vi diệu như thế này, nhưng tôi đã giết tăng nhân, phá hủy chùa, tội nghiệp rất lớn rồi. Làm thế nào bây giờ?”

Pháp sư Hư Vân nói: “Đó là phong khí nhất thời gây ra, không thể tất cả đều đổ tội lên Tướng quân được. Chỉ cần ngài phát nguyện từ nay về sau dốc hết sức bảo hộ Phật Pháp, thì tự nhiên công đức vô lượng rồi”.

Lý Tướng quân đang lo lắng chuyển sang vui mừng, tâm tình cũng thư thái hẳn lên. Hôm sau, Lý Căn Nguyên đích thân hộ tống Pháp sư Hư Vân trở về chùa. Còn các tăng nhân chùa Chúc Thánh, thấy Pháp sư Hư Vân đi gặp Lý Căn Nguyên, cả đêm không trở về, thì đều cho rằng, nhất định đạ bị ông ta giết hại rồi. Họ bất giác kinh hoàng bối rối không biết làm gì, cả đêm cũng không ngủ. Ai nấy đều đang dự tính bỏ chạy giữ mạng thì bỗng thấy tiểu hòa thượng đến báo: “Pháp sư trở về rồi, đi sau còn có quan binh hộ tống”.

Các tăng nhân vội vàng chạy ra, chỉ thấy Lý Căn Nguyên mặc quân phục cấp tướng, đích thân dắt ngựa, trên lưng ngựa là lão hòa thượng Hư Vân ngồi ngay ngắn, đang chậm rãi tiến về phía cổng núi, phía sau là mấy chục quan binh hộ tống.

Lúc này, mặt trời vừa mới mọc chiếu sáng núi rừng, từ trên đỉnh núi xuống chân núi, cỏ cây hoa lá khắp núi rừng đều hiện lên màu sắc vàng kim, toàn bộ quả núi là màu vàng kim, rực rỡ trang nghiêm, mọi người đều kinh ngạc ngây người ra.

Lý Căn Nguyên thấy cảnh tượng kỳ lạ này thì trong tâm càng cảm động, quỳ xuống xin Pháp sư Hư Vân cho ông ta được quy y Phật môn. Ông lại sai người thu dọn hành lý ở chùa Tất Đàn đem đến chùa Chúc Thánh cư trú, cùng các tăng nhân tụng kinh, tham thiền, ăn chay, trở thành một đệ tử tại gia.

Cao tăng có huệ nhãn biết trước sự việc, mời khách ăn thịt cứu mạng người
Ông lại sai người thu dọn hành lý ở chùa Tất Đàn đem đến chùa Chúc Thánh cư trú, cùng các tăng nhân tụng kinh, tham thiền, ăn chay, trở thành một đệ tử tại gia. (Ảnh: Shutterstock)

Từ đó, Lý Căn Nguyên nhất tâm hướng Phật, chuyên cần tụng niệm kinh Phật. Ông còn viết một bài thơ, ghi chép lại tâm tình xúc động khi đắc Pháp:

Tông phong dương tuyết đậu
Phi dương đáo Nam trung
Định tĩnh vô song địa
Vân thiên nhất tiếu không

Tạm dịch:

Phật môn chùa Tuyết Đậu
Bay đến núi phương Nam
Định tĩnh nơi tuyệt thế
Trời mây cười sạch trơn

Các triều các thời đại đều xuất hiện những cao nhân tu hành có năng lực siêu phàm, hễ ra tay liền cứu được người trong nước sôi lửa bỏng. Ví như Thiền sư Ẩn Phong đời Đường, thấy 2 đội quân đang chém giết, ông ném cây tích trượng lên không trung, dùng thần thông hiển hiện dị tượng, ngăn chặn được trận ác chiến này.

Còn Pháp sư Hư Vân, khi đối mặt với quân phiệt thổ phỉ hiếu chiến, ông đã dùng năng lực thần kỳ nào để dập tắt chiến hỏa hai bên?

Trên đường đi làm Phật sự gặp thổ phỉ

Năm 1918, Đường Kế Nghiêu (1883-192) cai quản Vân Nam, mấy lần sai người đến núi Kê Túc mời Pháp sư Hư Vân đến Côn Minh làm Phật sự. Bất đắc dĩ, Pháp sư Hư Vân đành phải nhận lời.

Khi đó, các nơi ở Vân Nam có rất nhiều thổ phỉ cát cứ. Từ núi Kê Túc đến Côn Minh khoảng 400 km. Khi đó, Pháp sư Hư Vân đã là một ông lão gần 80 tuổi rồi, do đó, quan chức huyện phủ đã sắp xếp xe và kiệu, cùng binh lính hộ tống, nhưng Pháp sư đều khéo léo từ chối, chỉ đem theo đồ đệ Tu Viên cùng đi, đi bộ toàn bộ hành trình.

Hư Vân và Tu Viên đi đến địa giới Sở Hùng thì gặp thổ phỉ cướp. Thổ phỉ lục soát thân thể Hư Vân, tìm thấy bức thư của Đường Kế Nghiêu, thì lập tức đùng đùng nổi giận, đánh đập tra hỏi dọa nạt Pháp sư. Pháp sư Hư Vân bình tĩnh khuyên họ không nên đánh người, nói là muốn gặp Tổng tư lệnh của họ.

Thủ lĩnh của nhóm cướp này là Dương Thiên Phúc và Ngô Học Hiển, đều là những thổ phỉ nổi tiếng của Vân Nam, thường xuyên ẩn hiện trên các tuyến giao thông chính, cướp những thương nhân qua đường. Đường Kế Nghiêu đã nhiều lần đưa quân tiễu trừ, nhưng quan quân đều bị thổ phỉ giở trò đùa giỡn, khiến cho người ngựa đều mệt mỏi, ứng phó không được, đành phải thất thểu rút lui.

Nhóm thổ phỉ này và Đường Kế Nghiêu như nước với lửa, không đội trời chung.

Vài lời dập tắt binh đao

Khi thủ lĩnh nhóm cướp biết Hư Vân được Đường Kế Nghiêu mời đi làm Phật sự, thì hắn không nén nổi lớn tiếng thét: “Đường Kế Nghiêu là đại quân phiệt, tại sao ông lại đi giúp hắn? Hắn là kẻ xấu, ông qua lại với hắn, ông cũng là kẻ xấu".

Hư Vân giải thích rằng: “Ông nói ông ta là người xấu, lời này cũng rất khó nói”.

Tướng cướp nghe vậy thì đùng đùng nổi giận: “Cái gì? Đường Ké Nghiêu là kẻ xấu, điều này có gì khó nói?”

Pháp sư nói: “Nếu nói về cái tốt thì ai ai cũng là người tốt, nếu nói về cái xấu thì ai ai cũng là người xấu”.

Tướng cướp nghe thế thì có chút lơ mơ không hiểu: “Hả, như thế nghĩa là gì?”

Pháp sư nói: “Giả sử ông và ông Đường cùng hội cùng thuyền, đều là vì nước vì dân, hai ông chẳng phải đều là người tốt đó sao. Nếu nói về cái xấu, ông nói Đường Kế Nghiêu là người xấu, ông ấy cũng nói ông là người xấu, hai vị ai nấy đều có thành kiến, đối chọi nhau như nước với lửa, khiến cho binh đao liên miên, tàn hại bách tính. Như thế chẳng phải hai ông đều là người xấu đó sao. Ông hãy xem bách tính, theo bến trái thì là giặc, theo bên phải thì là cướp, đáng thương biết bao”.

Tướng cướp và nhóm cướp nghe những lời của Pháp sư Hư Vân thì cười ha hả. Ngô Học Hiển dường như có vẻ suy tư, hỏi: “Hừm, theo những lời ông nói thì cũng không sai, nhưng chúng tôi nên làm thế nào đây?”

Hư Vân khuyên chúng rằng: “Theo tôi thấy, các ông không nên đánh nhau nữa, xin các ông chiêu an”.

Ngô Học Hiển vừa nghe liền nổi giận đùng đùng, cho rằng Pháp sư Hư Vân bảo chúng đầu hàng Đường Kế Nghiêu. Pháp sư giải thích rằng: “Tôi nói chiêu an, là vì các ông đều có tài năng, là chiêu an hiền sĩ quốc gia, vỗ về bách tính địa phương. Chỉ cần các ông không có thành kiến cá nhân, ai nấy đều có thành ý an dân cứu quốc, thì chẳng phải là việc càng tốt đẹp hơn đó sao?”

Nói thì đúng rồi, nhưng hai người Dương, Ngô đã đánh nhau với Đường Kế Nghiêu nhiều năm rồi, không ai chịu phục ai, thực sự không biết phải làm thế nào mới có thể dừng cuộc phân tranh giữa 2 bên được. Hư Vân đề nghị: “Các ông hãy tìm Đường Kế Nghiêu làm việc đi”.

Hai người này liền không chịu. Ngô Học Hiển tức giận nói: “Đường Kế Nghiêu đã giết bao nhiêu huynh đệ của chúng tôi, còn giam giữ bao nhiêu người của chúng tôi. Hiện nay, tôi đang dự tính tìm hắn báo thù, sao có thể đầu hàng hắn được? Làm gì có cái lý ấy?”

Hòa thượng gặp thổ phỉ, một bên là thiền tâm thanh tịnh, một bên là thổ phỉ cướp bóc, hai bên không cùng một tầng diện, về nhận thức là có khác biệt lớn. Pháp sư Hư Vân tiếp tục giải thích: “Đường Kế Nghiêu hiện là quan chức của Ủy ban Trung ương, trong tay có công quyền, sau khi chiêu an, các ông đều là quan binh rồi. Ông ấy giết rất nhiều người của các ông, lần này tôi đi làm Phật sự, chính là để siêu độ cho các vong hồn của các binh sĩ. Còn những người đang bị giam giữ, tôi sẽ xin ông Đường đặc xá. Nếu các ông khăng khăng chủ ý, nhất tâm khai chiến, tuy các ông và ông Đường ai nấy đều có bản lĩnh và sở trường riêng, nhưng từ binh lực mà nói, các ông không thể sánh với ông ấy được. Hôm nay, không phải tôi đến chiêu an các ông, chỉ là trên đường đi qua nơi này, cũng có thể coi là chúng ta có duyên. Dừng chiến tranh vì quốc gia, để nhân dân an lạc. Tuy nhiên, bần tăng cũng chỉ là người ngoài thế tục, là đánh hay là hòa, thì vẫn do các ông quyết định”.

Pháp sư Hư Vân không quản sự an nguy của bản thân, chỉ suy nghĩ cho chúng sinh, cũng suy nghĩ cho tình cảnh của toán cướp sau này, khiến hai người Dương Thiên Phúc và Ngô Học Hiển rất cảm động, cuối cùng từ bỏ thành kiến địch ta, thỉnh Hư Vân làm đại biểu cho họ, thương lượng với Đường Kế Nghiêu.

Cục diện cuộc chiến giữa quân đội và thổ phỉ, binh đao liên miên kéo dài đã lâu, không biết lúc nào mới chấm dứt. Vậy mà mấy lời nói của Pháp sư Hư Vân lại khiến chiến sự tàn sát lẫn nhau lâu dài này dần dần dập tắt. Hai thủ lĩnh không những nhiệt tình chiêu đãi Hư Vân và Tu Viên, mà đêm đó còn đàm luận những sự việc khác, hai bên trò chuyện rất vui vẻ.

Thiện ý mà người tu hành phát ra, là năng lượng thiện, xoay chuyển cái tâm của giặc phỉ.

Pháp sư Hư Vân đến Côn Minh, Đường Kế Nghiêu phái người chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Đường Kế Nghiêu nói đến việc thổ phỉ hiện nay hoành hành, dân không biết dựa vào đâu mà sống, quan quân đi tiễu trừ thổ phỉ, bị chết và bị thương rất nghiêm trọng, do đó, thỉnh Pháp sư Hư Vân làm lễ đại hội thủy lục, siêu động những linh hồn binh sĩ tử trận.

Pháp sư Hư Vân xin Đường Kế Nghiêu định ra 3 việc trước khi làm Phật sự: Cấm đánh bạc toàn thành phố, đại xá lao ngục, phát chẩn cứu tế nạn dân.

Đường Kế Nghiêu bày tỏ đồng ý, xem xét xử lý. Hư Vân cũng thực hiện lời hứa, đề nghị Đường Kế Nghiêu chiêu an Dương Thiên Phúc, Ngô Học Hiển. Từ đó, quân đội và thổ phỉ bãi chiến, địa phương cũng yên ổn thái bình.

Khi chủ trị lễ đại hội thủy lục, Pháp sư Hư Vân thắp nến thả hoa đăng, giống như hoa sen. Ngày kết thúc đại hội, trên không trung hiện ra cờ phướn lọng ngọc ngũ sắc bay vào trong mây. Quan dân toàn thành Côn Minh đều nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ trang nghiêm này, tới tấp quỳ bái.

Thời loạn thế đạo đức bại hoại, lòng người nguy hiểm, cái thiện của người tu hành không chỉ thức tỉnh bản tính của nhóm thổ phỉ, còn thức tỉnh thiện niệm của bách tính trong toàn thành phố.

Trung Hòa
Theo Vườn Văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Cao tăng gặp 'tướng quân phá chùa' và tướng cướp, kết cục như thế nào