Tây Du Ký: Binh khí hàng yêu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng cùng đồng cam cộng khổ, gánh vác trọng trách bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Mỗi khi gặp yêu quái, ba huynh đệ đều hợp lực trong các cuộc chiến kinh thiên động địa. Binh khí giúp họ trừ yêu đều là những pháp bảo có lai lịch và có năng lực phi phàm.

Gậy Như Ý bịt vàng

Binh khí của Ngộ Không là Kim Cô bổng. Hồi thứ ba kể rằng, sau khi bái lạy Bồ Đề Lão Tổ, Ngộ Không trở về Hoa Quả Sơn tập hợp bầy khỉ tập luyện võ thuật. Sau đó, Ngộ Không xuống biển xin Long Vương một món binh khí.

Đông Hải Long Vương là Ngao Quảng không biết Ngộ Không đắc Đạo từ khi nào nên không dám coi thường. Long Vương sai binh tôm tướng cá khiêng các loại binh khí hạng nặng ra, nhưng không có thứ nào làm vừa lòng lão Tôn.

Long bà và Long nữ thấy vậy liền nói rằng, chẳng hiểu sao khối sắt thần định đáy Thiên Hà mấy hôm nay lại tỏa ra hào quang chói lọi, liệu có phải báo hiệu duyên phận của nó với vị chủ nhân mới này? Long Vương trong lòng có chút hoài nghi: Đó chỉ là khối sắt để dò đáy biển mà vua Đại Vũ dùng khi trị thủy năm xưa, sao có thể làm binh khí được? Mặc dù vây, ông vẫn mời Ngộ Không đến xem.

Vốn dĩ, khối sắt thần này vừa to vừa nặng, bất cứ ai cũng không nhấc lên hay khiêng đi được. Nó đã ngủ yên dưới đáy biển hàng ngàn năm, mãi đến khi gặp Ngộ Không mới bừng tỉnh dậy giống như vừa tìm thấy chủ nhân của mình. Trong truyện viết:

Ngộ Không vén áo bước tới, sờ mó xem xét, thấy là một cột sắt, to chừng bằng cái đấu, dài hơn hai trượng. Ngộ Không lấy hết sức nhấc lên, nói: “Hơi to hơi dài, sửa cho nhỏ, ngắn bớt đi mới dùng được”.

Vừa dứt lời, thanh bảo bối ấy liền ngắn lại mấy thước, nhỏ đi một vòng. Ngộ Không lại dốc ngược cây gậy, nói: “Nhỏ đi một chút nữa càng tốt!”

Cây bảo bối lại nhỏ đi vài phân. Ngộ Không vô cùng mừng rỡ, cầm ra khỏi kho bể ngắm nghía, thấy cây gậy sắt hai đầu bịt vàng, giữa là đoạn sắt đen, gần chỗ bịt vàng có khắc một hàng chữ “gậy Như Ý bịt vàng, một vạn ba nghìn năm trăm cân”. Ngộ Không mừng thầm, nói: “Thứ bảo bối này chính hợp ý ta!”

Rồi vừa đi vừa niệm chú, tay đảo ngược cây gậy, nói: “Nhỏ đi chút nữa càng tốt!”

Mang ra ngoài, thì cây gậy chỉ dài độ hai trượng, nhỏ bằng miệng bát.

Ngộ Không dùng phép thần thông múa gậy, rung chuyển cả cung Thủy Tinh, khiến lão Long vương sợ run, rồng con hồn bay phách tán, ba ba, thuồng luồng, tôm, cua… co đầu rụt cổ.

Cây gậy sắt này đã hỗ trợ đắc lực trên đường lấy kinh, giúp Ngộ Không hàng yêu trừ quái, hộ tống Đường Tăng đến tận chùa Lôi Âm.

Long Vương chỉ biết rằng cây gậy sắt là vật vua Đại Vũ dùng khi trị thủy, nhưng nguồn gốc sâu xa hơn của thần thiết là gì thì ông hoàn toàn không hay biết. Ấy thế nhưng Ngộ Không lại nói ra được rõ ràng.

Trong hồi thứ 75, ma vương động Sư Đà thấy Ngộ Không rút gậy sắt ra nhằm đầu yêu quái bổ xuống, hắn liền lớn tiếng chửi: “Con khỉ khốn khiếp chớ có vô lễ! Ngươi cầm cái gậy khóc tang nào mà dám tới cửa đánh người thế?”. Lúc này, Đại Thánh đã nói ra lai lịch của cây gậy sắt:

“Gậy sắt ta chín lần nấu luyện,
Lão Quân thân vận chuyển vào lò.
“Vật thần” vua Vũ ban cho,
Tám sông bốn biển đã thừa tiếng tăm

Quãng giữa chừng đẩu tinh bày đặt,
Khảm hai đầu vàng rực hoàng kim.
Rồng bay phượng múa rập rờn,
Hoa văn chạm khắp quỷ thần sợ run

“Linh Dương bổng” nổi tên từ đó
Đáy biển sâu nào có ai hay
Thành hình biến hóa tài thay
Rõ ràng ngũ sắc áng mây huy hoàng.”

Thì ra cây gậy sắt là bảo vật từ thuở hồng hoang, từng được Thái Thượng Lão Quân chín lần tinh luyện trong lò Bát Quái. Khi được ban cho vua Đại Vũ, nó gọi là “Thần Trân” (vật quý của Thần), dùng để định bốn biển tám sông, do đó cũng được gọi là “Định Hải Thần Trân”. Cây gậy này còn có danh hiệu khác là “Linh Dương bổng”, hai đầu bọc vàng, ở giữa khắc Đẩu tinh, trên thân khắc hoa văn rồng phượng, họa tiết dày đặc đến mức khiến quỷ thần phải kinh ngạc. Vì gậy có thể biến hóa tùy theo ý chủ nhân nên còn được gọi là “Như Ý Kim Cô bổng”.

Khi đại náo Thiên cung, Ngộ Không cầm gậy Kim Cô đánh cho thiên binh thiên tướng phải thua chạy tan tác, mười vạn binh tướng nhà trời không cách nào chống đỡ phải tháo chạy tơi bời. Ngộ Không nhờ có cây gậy sắt mà đánh đổ cung Đấu Ngưu trên trời, đè bẹp điện Sâm La dưới địa phủ, nhưng cũng vì thế mà Đại Thánh gặp đại họa, bị đè dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm. Sau này Ngộ Không cải tà quy chính, bảo hộ Đường Tăng đi lấy kinh, dựa vào Kim Cô bổng mà trừ được rất nhiều ma quái trên đường.

Mỹ Hầu Vương đại chiến Nhị Lang Thần (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đến hồi thứ 88, Ngộ Không lại kể về lai lịch của cây gậy với ba vị vương tử của huyện Ngọc Hoa. Trong truyện viết:

Ba tiểu vương tử sụp lạy nói: “Binh khí của Trư sư phụ và Sa sư phụ đều giắt ở bên sườn, dưới lớp áo, rút ra được ngay. Còn binh khí của Tôn sư phụ lại giắt ở trong tai, gặp gió liền dài ra, chẳng hiểu ra làm sao!”

Hành Giả cười nói: “Các ngươi đâu có biết cây gậy của ta. Cây gậy đó không phải là thứ mà trần gian có được. Cây gậy này là:

Sắt thần luyện từ thuở hồng hoang,
Đại Vũ thần nhân vốn tự làm.
Hồ biển sông ngòi sâu hoặc cạn.
Gậy này cắm xuống biết căn nguyên.
Khai sơn trị thủy thuở thanh bình,
Lưu lại Đông Dương trấn thủy cung. (...)
Tự thuở hồng hoang truyền lại đó,
Phải đâu thứ sắt chốn phàm trần!”

Có thể thấy Định Hải Thần Trân đã từng hỗ trợ đắc lực cho Đại Vũ trị thủy. Tương truyền, giúp Đại Vũ dẹp yên nạn hồng thủy có ba pháp khí chính: Khai Sơn Phủ, Tị Thủy Kiếm và Hà Đồ Lạc Thư. Ông dựa vào Hà Đồ Lạc Thư để tính toán mối quan hệ giữa thiên và địa, dùng rìu Khai Sơn để xẻ núi, đục non, lại dùng kiếm Tị Thủy để khai thông chín con sông lớn. Những pháp khí ấy đều là vật do Thần Tiên ban tặng. Ví dụ như khi Đại Vũ khai mở núi Long Quan, Thần Phục Hy đã hiện ra trao cho ông tấm đồ hình bát quái và một chiếc ngọc giản. Rất có thể, cây gậy sắt Định Hải Thần Trân cũng được ban cho ông một cách thần kỳ như thế.

Vậy vì sao sau khi trị thủy thành công, Đại Vũ lại dùng Thần Trâm để định đáy biển khơi? Dưới đáy biển và các con sông lớn thường có yêu quái ẩn mình hoặc có linh vật trấn giữ. Khi Đại Vũ trị lũ, ông cũng từng đối mặt với giao long trên sông Hắc Thủy và thủy quái Vô Chi Kỳ dưới đáy sông Hoài. Ông đã đúc cột sắt đặt ở huyệt đạo dưới đáy sông để chặn đường giao long và dùng xích sắt hàng phục thủy quái. Do đó, Long cung bốn biển đều cần có bảo khí trấn giữ, ví dụ như ở Nam Hải là “Lưu Ly kiếm”, ở Tây Hải là “Tỏa Long đỉnh”, và ở Bắc Hải là “Định Hải châu”. Định Hải Thần Trân cũng như vậy, nhờ có thần lực và linh khí cường đại nên có khả năng trấn áp yêu tà ở Đông Hải. Ban đầu, nó là cây gậy “Linh Dương” dùng để trấn áp Thiên Hà, sau lại được Đại Vũ trấn dưới đáy biển và gọi là “Định Hải Thần Trân”. Tục ngữ có câu: “Kình thiên bạch ngọc trụ, giá hải tử kim lương”, nghĩa là: cây cột bạch ngọc chống trời, cây xà tử kim đỡ biển.

Đại Vũ là bậc Thánh vương thời thượng cổ, là người đã trừ họa hồng thủy vào thuở hồng hoang. Ông cũng là người đúc Cửu Đỉnh thống nhất Hoa Hạ, đặt nền móng cho nền văn minh Thần Châu phát triển phồn vinh rực rỡ. Tây Vương Mẫu từng nói: Đại Vũ trị thủy thành công, từ đó trời trong xanh, đất yên ổn, trên dưới vũ trụ cùng được hưởng phúc thái bình.

Sau vua Đại Vũ, người sử dụng binh khí này cũng phải đảm đương trách nhiệm lớn lao cứu giúp thiên hạ. Ngộ Không cầm binh khí trừ ma, giúp Đường Tăng lấy được chân kinh lưu truyền Đông Thổ, tạo phúc cho muôn vạn chúng sinh. Có thể gánh trách nhiệm lớn lao nhường ấy, do đó mới xứng làm chủ nhân của Kim Cô bổng.

Khối sắt thần Kim Cô ngủ quên dưới đáy biển suốt mấy ngàn năm, nhưng vừa gặp Ngộ Không đã bừng tỉnh dậy. Thần Tiên, yêu quái, Long Vương… không một ai có thể điều khiển được thần thiết, ngoại trừ lão Tôn. Liệu giữa Ngộ Không và Đại Vũ có quan hệ gì hay không? Có người cho rằng Đại Vũ là tiền kiếp của Tôn Đại Thánh. Trong truyện không tiết lộ, chúng ta cũng không thể biết, mọi suy đoán đều chỉ là góc nhìn cá nhân. “Sử Ký” ca ngợi Đại Vũ là “công tề thiên địa”, công lao và uy đức sánh ngang với đất trời, trong “Tây Du Ký” Ngộ Không cũng xưng hiệu là “Tề Thiên Đại Thánh”, liệu có phải chỉ là điều ngẫu nhiên?

Đinh ba chín răng

“Tây Du Ký” hồi thứ 19, Đường Tăng và Ngộ Không đến thôn Cao Lão, hai thầy trò nghe kể rằng chàng rể của Cao Thái Công là con yêu quái mõm dài tai to, đi mây về gió, khiến mọi người trong thôn ai cũng khiếp sợ. Ngộ Không bèn đến động Vân Sạn đại chiến với Bát Giới.

Bát Giới giơ cây đinh ba lên, Ngộ Không vừa nhìn thấy binh khí của đối phương liền nói: “Có phải cây đinh ba này là thứ nhà ngươi làm công xới đất trồng rau cho nhà ông Cao Lão không? Thế thì có gì đáng sợ?”.

Sau đó, hai người dường như quên chuyện đánh đấm mà chỉ mải mê nói về binh khí. Bát Giới tự hào kể về lai lịch của cây đinh ba:

“Thứ này luyện bởi thép thần,
Công phu mài giũa sáng trưng một mầu.
Lão Quân rèn lấy trước sau,
Huỳnh Hoặc cũng nhận việc dấu cho than.
Ngũ phương Yết đế lo toan,
Lục Đinh, Lục Giáp coi làm tận nơi.
Chín chiếc răng ngọc rèn rồi,
Hai vòng đúc nữa vàng ngời sắc thanh.
Cán vẽ lục điệu ngũ tinh,
Bốn mùa tám tiết đủ hình không sai.
Ngắn dài gồm cả đất trời,
Âm dương, nhật nguyệt rạch ròi hai phương.
Sáu hào thần tướng theo đường,
Tinh tú tám quẻ dọc ngang theo hàng.
Đinh ba tên gọi rõ ràng,
Dâng lên thượng đế giữ cung nhà trời.
Đạo tiên đã học xong rồi,
Từ nay ta sẽ muôn đời trường sinh.
Sắc phong nguyên soái Thiên Bồng,
Đinh ba trao tặng lập công, rõ ràng. (...)
Thế gian vũ khí nào bằng,
Trên đời không thép sánh cùng thép đây.”

Thì ra cây đinh ba của Bát Giới do Thái Thượng Lão Quân tự tay luyện từ Thần Băng Thiết, lại được Huỳnh Hoặc Tinh Quân và Ngũ phương Ngũ đế cùng với Lục đinh Lục giáp hiệp trợ rèn nên. Món binh khí này do chúng Thần cùng hợp lực, được mệnh danh là “Thượng Bảo Thấm Kim Ba”, gửi đến Ngọc Đế để trấn thủ Thiên đình.

Trước khi tu thành Thần Tiên, Bát Giới là kẻ phàm phu, tính tình ngu ngốc vụng về, ham chơi biếng làm. May mắn một ngày Bát Giới gặp được bậc chân Tiên, vị Tiên khuyên họ Trư nên tu luyện, phản bổn quy chân, sớm ngày đắc quả vị. Từ đó Bát Giới tỉnh ngộ, quyết chí tu hành, sau nhiều năm nỗ lực đã tu thành Đại La Tiên. Ngọc Đế sắc phong cho Bát Giới làm Thiên Bồng Nguyên Soái và ban cho cây đinh ba này. Thiên Bồng Nguyên Soái trong những ngày huy hoàng ở thượng giới đã từng được mời đến tham dự hội Bàn Đào và diện kiến Ngọc Đế. Sau đó, Bát Giới vì say rượu mà buông tuồng phóng túng, chọc ghẹo Hằng Nga nên bị đày xuống hạ giới.

Bát Giới cao giọng khoe khoang về binh khí, tự hào nói rằng: Ta nào sợ mình đồng da sắt, chỉ cần bổ xuống một nhát là có thể khiến người ta hồn xiêu phách tán.

Ngộ Không nghe xong liền nói: “Đồ ngốc, đừng nỏ mồm nữa! Lão Tôn giơ đầu ra cho nhà ngươi bổ, xem có hồn bay phách tán không nhé?”.

Bát Giới vận hết sức vung cây đinh ba bổ xuống, đinh ba tóe lửa sáng choang nhưng đầu Ngộ Không chẳng sướt một mảy da nào. Bát Giới sợ hãi đến mức bủn rủn cả chân tay. Cây đinh ba này đã từng mạnh mẽ vô song, uy lực vô tỷ, dẫu là Thần tướng trên trời hay Diêm Vương dưới địa phủ thì chỉ nhìn thấy đều khiếp đảm, không ngờ đến hôm nay lại mất linh nghiệm khi đứng trước Ngộ Không.

Trư Bát Giới và Sa Tăng trên sông Lưu Sa. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Tuy rằng cả gậy Như Ý của Ngộ Không và cây đinh ba của Bát Giới đều do Thái Thượng Lão Quân dung luyện, nhưng uy lực của mỗi bảo khí lại phát huy tùy theo năng lực và uy đức của từng chủ nhân. Quả thật là trên núi còn có núi, trên trời còn có trời!

Ngay từ lần đầu đụng độ, Bát Giới không giống như yêu quái thù địch mà chỉ như anh em kết nghĩa của Ngộ Không. Hai người mải mê trò chuyện, trò chuyện, từ chuyện binh khí nói đến chuyện đại náo Thiên cung. Bát Giới hỏi: “Con khỉ này, nhà ngươi vốn sống ở Hoa Quả Sơn cơ mà, hôm nay sao lại rảnh rỗi đến đây gạt ta?”.

Ngộ Không kể rằng ta đã cải tà quy chính, bỏ đạo theo tăng, hôm nay ta theo hộ giá Đường Tăng đi lấy kinh. Vừa nghe nói đến đây, Bát Giới liền giật mình bối rối: “Tôi vốn được đức Quan Âm Bồ Tát khuyến thiện, nhận giới hạnh của người, dặn tôi ở đây ăn chay giữ giới để sau này theo người lấy kinh sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, lập công chuộc tội trở về với chính quả. Tôi đã đợi ở đây mấy năm ròng mà chẳng thấy tin tức gì. Hôm nay mới biết anh là đồ đệ của ngài, thế sao anh không nói sớm, chỉ cậy hung bạo đến đây đánh tôi”.

Họ từ chuyện binh khí, nói ra ý nghĩa sinh mệnh, từ đó Bát Giới theo Đường Tăng bước trên hành trình lấy kinh.

Nói về uy lực của cây đinh ba, hồi thứ 19 trong “Tây Du Ký” miêu tả rằng, cây đinh ba có thể bổ cả Thái Sơn, lật nghiêng đại hải, đả khai mây hồng, che lấp nhật nguyệt, khiến vạn con rồng chấn kinh. Trong truyện có thơ rằng:

​​”Cây đinh ba tuyệt làm sao!
Tổ rồng giữa biển lật nhào cuốn phăng,
Phá tan hang hổ giữa rừng,
Mọi đồ binh khí xin đừng sánh ta.
Đinh ba tiếng nhất từ xưa,
Đánh nhau là thắng có thua bao giờ!
Lập công để tựa đánh cờ,
Chẳng cần phải nói chắc là người hay?
Dù ngươi đồng sắt cứng thay.
Đinh ba đã giáng, hồn bay rụng trời!”

Trên đường đi lấy kinh, Bát giới đã dùng cây đinh ba này giúp Đường Tăng trừ yêu hàng quái, lập được không ít công lao.

Thiên Bồng Nguyên Soái (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Bảo trượng hàng yêu

Binh khí của Sa Tăng là bảo trượng hàng yêu. “Tây Du Ký” hồi thứ 22 kể rằng, khi Bát Giới đại chiến với Sa Tăng trên sông Lưu Sa, Sa Tăng giơ lên cây gậy gỗ đánh lại. Bát Giới nói: “Cái thứ gậy chống đám ma ấy mà ngươi dám bảo là hãy trông cây gậy của ta à?”.

Sa Tăng liền kể về lai lịch của cây bảo trượng:

“Bảo trượng ta đây vinh dự to,
Là thoi dệt lụa ở cung nga.
Ngô Cương chọn một cành gỗ tốt,
Lỗ Ban thợ giỏi chế mà ra
Bên trong đỏ ối tựa hoàng kim,
Ngoài vỏ muôn đường vân ngọc in.
“Bảo trượng hàng yêu” là tên gọi,
Canh giữ Linh Tiêu quỷ quái chùn
Từ thuở thăng quan đại tướng quân,
Ngọc Hoàng cho tớ giắt bên mình.
Ngắn dài biến hóa tùy lòng tớ,
To nhỏ thần thông mặc ý mình.”

Đến hồi thứ 49, Sa Tăng lại lần nữa nói với yêu quái về cây bảo trượng này:

“Binh khí loại này hiếm lắm thay,
Bảo trượng là tên mấy kẻ hay,
Lấy từ cung Quảng vô hình ấy,
Gỗ Tiên mài đẽo mới thành dày,
Ngoài khảm ngọc ngà ngời lấp lánh.
Lõi đổ vàng ròng rực sắc mây. (...)
Tên gọi hàng yêu chân bảo trượng,
Bổ ngươi một phát nát tan thây!”

Binh khí của Sa Tăng có nguồn gốc từ cây Toa La Tiên Mộc trên cung trăng. Truyền thuyết kể rằng, trên Nguyệt cung có cây quế cao 500 trượng, còn Ngô Cương vốn là một người tu Tiên, vì phạm lỗi nên bị phạt phải chặt cây. Ngọc Hoàng Thượng Đế nói với Ngô Cương: “Chừng nào đốn xong cây quế này, ngươi sẽ được trường sinh bất tử và trở thành Tiên”. Nhưng cây quế có năng lực thần kỳ tự chữa lành vết thương, Ngô Cương vừa vung búa bổ xuống thì vết chặt đã lập tức liền lại, vậy nên ông cứ chặt mãi, chặt mãi mà không có điểm dừng.

Trong sách không viết Toa La Tiên Mộc có phải cây quế này hay không, chỉ biết rằng một cành Toa La đã được Ngô Cương đốn hạ và đem cho Lỗ Ban chế làm bảo khí. Bên trong gậy là lõi vàng, bên ngoài khảm hàng vạn viên ngọc quý, nặng 5048 cân bằng với trọng lượng cây đinh ba của Bát Giới. Khi còn là Quyển Liêm đại tướng, Sa Tăng đã dùng cây bảo trượng này để trấn giữ Linh Tiêu bảo điện, hàng phục yêu quái.

Kiếp trước Sa Tăng đã từng tu luyện đắc Đạo, được phong làm Quyển Liêm đại tướng và được Ngọc Đế ban cho cây bảo trượng này. Bảo trượng tùy theo tâm ý Sa Tăng, có thể tùy ý biến hóa, đã trở thành một bộ phận trong sinh mệnh của ông.

Trên đường lấy kinh, Sa Tăng luôn trung thành, ý chí sắt đá không thay đổi, dẫu gặp khổ nạn vẫn nhẫn nhục chịu khó, kiên chí bền lòng một dạ tới Tây Thiên. Ông thực sự đã làm tốt bổn phận của bản thân, cái tâm tu hành kiên định ấy chẳng phải cũng giống như khối vàng kim bên trong cây bảo trượng đó sao?

Tranh vẽ trên hành lang Di Hòa Viên: "Tôn Ngộ Không tam đả Bạch Cốt tinh". (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trong ba huynh đệ, Ngộ Không đi tiên phong trừ ma diệt quái, Bát Giới kề vai sát cánh làm trợ lực, pháp khí của họ đều do Lão Quân nung luyện từ Thần thiết. Sa Tăng không ở thế tấn công mà phòng thủ, thường ở lại trông nom bảo vệ sư phụ, pháp khí của ông làm từ Tiên mộc. Nếu Như Ý Kim Cô bổng là gậy sắt bị vàng, cho thấy trái tim của Ngộ Không vững như sắt, thì bảo trượng hàng yêu của Sa Tăng lại là một thanh gỗ nhưng trong lòng lại có vàng phong ấn, cho thấy bản tính thuần khiết kiên định như vàng ròng của ông.

Có thể nói, bảo khí của ba huynh đệ là biểu hiện của năng lực, trí huệ và bản tính của mỗi người. Như Ý Kim Cô bổng có tính thuần dương, là binh khí bất khả chiến bại, cây đinh ba chín răng có số chín, mang thuộc tính dương của đạo Lão (Lão dương), còn cây bảo trượng hàng yêu có nguồn gốc từ cây Tiên trên cung Nguyệt, mang thuộc tính âm của đạo Lão (Lão âm), đó cũng là biểu hiện của sự tĩnh lặng, chân thật và tự nhiên. Cùng với bạch long mã, năm thầy trò âm dương cân bằng, ngũ hành hòa hợp, thân thể hợp nhất, nhờ đó đã làm nên những điều phi thường trên hành trình thỉnh kinh.

Theo Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch và tổng hợp

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Tây Du Ký: Binh khí hàng yêu