Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Người bị hại có được trả lại tiền không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những kẻ ăn chặn nhân lúc người dân gặp nguy nan đã được pháp luật trừng trị, thế còn số tiền chặn ăn trắng trợn đó có được trả về tay người bị thiệt hại hay không?

Vào ngày 28/7, TAND Hà Nội đã công bố mức án đối với 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu”. Trong đó có 4 án tù chung thân, 10 án tù treo và 30 án tù từ 18 tháng đến 16 năm. Tổng số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả tới thời điểm hiện tại là 173 tỷ đồng.

Nhưng hiện nay rất nhiều người dân thắc mắc, liệu số tiền bất chính đó có về được tay người bị thiệt hại.

Trước những câu hỏi này TAND Hà Nội và HĐXX đã trả lời như sau, đối với quyền lợi của những khách hàng đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu nhưng không có thông tin, tài liệu về khách hàng đã mua vé. Cộng thêm những thông tin về chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian thì tòa cho rằng không có cơ sở xem xét giải quyết nội dung này.

Vì vậy toà quyết định đem số tiền này vào sung công quỹ Nhà nước, đồng thời yêu cầu công dân tìm các doanh nghiệp đã tổ chức chuyến bay giải quyết quyền lợi cho mình.

VKS đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhân cách và thiếu tình người trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Những kẻ “hút máu” là quan chức và chủ doanh nghiệp đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi trên khoảng 2000 chuyến bay giải cứu. Trong đó để được về nhà, người dân đã phải trả một chi phí "cắt cổ" với nhiều thủ tục rườm rà.

Những chi phí đắt đỏ của "Chuyến bay giải cứu" mà người dân bỏ ra không đến từ chất lượng dịch vụ mà được các doanh nghiệp tự ý nâng lên để “kiếm thêm” đồng thời “đút lót” các quan chức có quyền.

Có quyền yêu cầu doanh nghiệp bồi thường

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) đã nêu ra quan điểm của mình trong vụ "chuyến bay giải cứu":

"Người dân mua vé ở thời điểm đó đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt, họ thỏa thuận mà không thể hiện được ý chí của bản thân, bị buộc vào tình thế không có sự lựa chọn.

"Trong khi đó, những cá nhân tổ chức chuyến bay vì trục lợi mà đẩy chi phí lên cao nên thỏa thuận đó không ngang bằng và bất hợp pháp, thực tế là các cá nhân tổ chức chuyến bay đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Thỏa thuận trên là bất hợp pháp nhưng người dân không có lỗi nên cần xác định họ là bị hại, là đối tượng bị thiệt hại bởi hành vi phạm pháp luật của những cá nhân tổ chức chuyến bay.

"Trong trường hợp này cần xác định người mua vé 'chuyến bay giải cứu' là người thiệt hại trực tiếp, thực tế và có mối quan hệ nhân quả. Vì hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tổ chức chuyến bay nên người dân mới phải bỏ ra nhiều tiền hơn.

"Để đòi lại quyền lợi, người dân cần có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án để được xem xét, xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự" .

Tuyết Nhi (tổng hợp)

Việt Nam Xã hội

Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Người bị hại có được trả lại tiền không?