Vượt qua COVID-19, bệnh lao trở thành bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2022, ước tính có khoảng 1,2 triệu người chết trên toàn thế giới do COVID-19, trong khi 1,3 triệu người chết vì bệnh lao.

Khi số ca nhiễm COVID-19 và các trường hợp tử vong liên quan giảm dần, bệnh lao, do vi khuẩn Mycobacteria gây ra, đã lấy lại vị trí số một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất.

Qua một email gửi cho The Epoch Times, Seyed Hasnain, Chủ tịch Khoa học Quốc gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ và là giáo sư nổi tiếng về khoa học đời sống tại Đại học Sharda ở Ấn Độ, cho biết bệnh lao “có thể chữa được nếu chẩn đoán sớm, can thiệp và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc”. Vậy tại sao nó vẫn gây chết người?

Căn bệnh tiêu biểu của nghèo đói

Nghèo đói là nơi sinh sản của bệnh lao.

Bệnh lao rất phổ biến ở 8 quốc gia gồm Bangladesh, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Philippines. Hơn 2/3 số người mắc bệnh lao trên thế giới đến từ các quốc gia này.

Qua một email gửi The Epoch Times, tiến sĩ Vinod Kumar, nhà tư vấn y tế công cộng của WHO, viết rằng điểm chung giữa 8 quốc gia này là tình trạng quá tải, nghèo đói và suy dinh dưỡng.

Trung Quốc là một ngoại lệ nhỏ. Một tỷ lệ đáng kể đất nước là người giàu và trên mức nghèo, tuy nhiên nhiều người vẫn ở dưới mức nghèo hoặc đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Mặc dù các báo cáo chính thức [của Đảng Cộng sản Trung Quốc] nêu rõ rằng đất nước đã bước vào giai đoạn thịnh vượng và có những cải thiện đáng kể để xóa đói giảm nghèo, nhưng điều này vẫn bị các chuyên gia nghi ngờ.

Bệnh lao lây truyền qua không khí bởi người bị nhiễm vi khuẩn lao - khi chúng hoạt động ở phổi hoặc cổ họng. Nguy cơ này xuất hiện khi người đó ho, nói hoặc hắt hơi.

Ở những khu vực có mật độ dân cư đông thường ẩm ướt, bẩn thỉu, tối tăm và kém thông gió, chúng thúc đẩy sự tồn tại của bệnh lao. Ngược lại, ở những nơi thông thoáng, vi khuẩn lao có thể bị ánh sáng mặt trời tiêu diệt, hơn nữa, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng làm tăng khả năng miễn dịch.

Suy dinh dưỡng là biểu hiện đặc trưng của nghèo đói và nhóm người này thường có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn do cơ thể không có khả năng chống lại vi khuẩn lao. Khoảng 40% trường hợp mắc bệnh lao có liên quan đến suy dinh dưỡng.

Việc chẩn đoán cần một chặng đường dài

Qua một email gửi The Epoch Times, tiến sĩ Keertan Dheda, giáo sư nghiên cứu bệnh lao tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh và Nhiệt đới London, cho biết: “Gần một phần ba số bệnh nhân mới mắc bệnh lao trên toàn cầu vẫn chưa được phát hiện hoặc chẩn đoán”. Điều này có thể là do kỹ thuật chẩn đoán kém và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc.

Theo truyền thống, chẩn đoán bệnh lao bao gồm một loạt các bước. Các bước đầu tiên là xem xét bệnh sử, khám thực thể và chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân cần xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán bệnh lao và loại trừ các bệnh phổi khác.

Xét nghiệm đờm là phương pháp phổ biến nhất được thực hiện ở các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao. Người bệnh được yêu cầu ho ra nước bọt và chất nhầy từ đường hô hấp để kiểm tra vi khuẩn lao dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này không đem lại kết quả tối ưu nhất và có thể bỏ sót từ 20-70% trường hợp, đặc biệt với những người bị nhiễm lao tiềm ẩn khi vi khuẩn không có trong phổi.

Tại Hoa Kỳ, nơi nhiễm trùng lao ít phổ biến hơn, người bệnh thường được yêu cầu xét nghiệm da hoặc máu đầu tiên. Những xét nghiệm này có khả năng phát hiện vi khuẩn lao tiềm ẩn. Tuy nhiên, kết quả dương tính chỉ cho thấy tình trạng nhiễm trùng trước đó; các xét nghiệm tiếp theo là cần thiết để kiểm tra xem nhiễm trùng có hoạt động hay không.

Trong những năm gần đây, một kỹ thuật chẩn đoán bệnh lao mới - phân tích DNA của vi khuẩn - đã xuất hiện. Công nghệ này phát hiện bệnh lao chính xác, nhạy hơn và bệnh nhân thường có thể nhận kết quả sau hai giờ.

Ông Hasnain viết: “Các công nghệ dựa trên DNA đã tràn ngập thị trường, nhưng thật không may, ở các nước nghèo tài nguyên, chi phí cao cho việc chẩn đoán như vậy trở thành một trở ngại”. Ông Hasnain nói thêm rằng việc chẩn đoán được thực hiện qua kính hiển vi có thể cần thiết do khả năng chi trả của nó.

Nỗi sợ hãi về bệnh cũng có thể khiến người nhiễm không muốn đi khám cũng như không muốn thông báo cho bạn bè và gia đình. Điều này có thể cho phép vi khuẩn lan rộng.

Điều trị bệnh lao

Điều trị bệnh lao không kháng thuốc bao gồm chế độ điều trị bằng kháng sinh trong sáu tháng.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh lao truyền nhiễm là isoniazid INH kết hợp với ba loại thuốc khác: rifampin, pyrazinamide và ethambutol. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể gây tác dụng phụ mệt mỏi, vàng da, buồn nôn và suy nhược. Thông thường bệnh nhân sẽ từ bỏ việc điều trị do những tác dụng phụ này hoặc khi họ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Sau đó, vi khuẩn kháng thuốc có thể quay lại và khiến bệnh nhân nhiễm lao một lần nữa. Trong trường hợp như vậy, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn, bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng sinh khác, cụ thể là fluoroquinolones, bedaquiline và linezolid, sẽ cần từ 9 tháng đến 2 năm.

Ở một số nước, thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng khiến việc điều trị không hiệu quả. Suy dinh dưỡng và các bệnh chuyển hóa có thể làm giảm hấp thu thuốc và cản trở việc điều trị.

Con đường phía trước?

Kể từ đại dịch COVID, số ca mắc bệnh lao được báo cáo đã giảm cùng với số lượng bệnh nhân đăng ký điều trị bệnh lao. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng sự sụt giảm này là do đại dịch cản trở các cá nhân tìm kiếm chẩn đoán hơn là một chiến thắng nhỏ trước căn bệnh này.

Khi COVID-19 chuyển sang giai đoạn lưu hành, số ca mắc bệnh lao dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông Hasnain đề xuất rằng, cơ sở chăm sóc sức khỏe nên tiến hành sàng lọc bệnh lao kịp thời và chuẩn bị các loại thuốc, vaccine và chẩn đoán tốt hơn. Ông nói thêm rằng các tập đoàn đa quốc gia không quan tâm đến những phản hồi này do lợi nhuận đầu tư kém.

Theo Tiến sĩ Dheda, khó có khả năng bệnh lao sẽ được quan tâm giống như COVID-19. Ngược lại với COVID-19, bệnh lao có thời gian ủ bệnh dài tới 6 tháng và tiến triển chậm, thường phải mất vài tháng đến nhiều năm mới biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng.

Ông viết: “Nó không đáng báo động về mặt xã hội và chính trị như COVID-19 - các triệu chứng phát triển trong vài ngày và một số lượng lớn bệnh nhân nhập viện vì bệnh cấp tính”.

Tiến sĩ Kumar đề xuất rằng công việc nên được thực hiện để cải thiện khả năng miễn dịch của con người. Ông viết: “Điều này chỉ có thể thực hiện nếu các khía cạnh xã hội của nguyên nhân bệnh lao, như nghèo đói, quá đông đúc, [và] suy dinh dưỡng, được giải quyết”.

Theo Marina Zhang - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Marina Zhang là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, có trụ sở tại New York. Cô ấy chủ yếu đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời có bằng cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne.



BÀI CHỌN LỌC

Vượt qua COVID-19, bệnh lao trở thành bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất