Cảnh sát Lục Tứ suy ngẫm: Có tội với nhân dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Tôi nhìn thấy huy chương kỷ niệm vì đã dẹp 'bạo loạn phản cách mạng'. Người ta nói tôi có công, nhưng tôi nói tôi có tội. Tôi có tội với nhân dân, năm đó tôi kiên quyết ủng hộ Trung ương Đảng và chính phủ, nhưng hôm nay, 30 năm sau, tôi thấy khi đó sinh viên và công nhân không sai, mà tôi đã sai”.

Lý Minh (bút danh) là một cựu chiến binh của Đội cứu hỏa Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh trước đây, ông đã trải qua sự kiện Lục Tứ (ngày 4 tháng 6) năm 1989. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2023, 34 năm sau, ông đã nói câu này trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của The Epoch Times.

Sự kiện Lục Tứ, còn được gọi là Phong trào Dân chủ 1989, Phong trào Sinh viên 1989, đề cập đến các cuộc biểu tình bắt đầu vào giữa tháng 4 năm 1989, được khởi xướng bởi các sinh viên đại học Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, và kéo dài gần hai tháng. Từ tối ngày 3 tháng 6 đến sáng sớm ngày 4 tháng 6, quân đội ĐCSTQ, lực lượng cảnh sát vũ trang và cảnh sát đã mạnh tay ‘quét sạch quảng trường’, Phong trào Sinh viên đã bị trấn áp. 34 năm đã trôi qua, ĐCSTQ vẫn chưa lấy lại công bằng cho sự kiện Lục Tứ, những người ủng hộ sự kiện Lục Tứ vẫn đang bị đàn áp.

Lý Minh tiết lộ với các phóng viên rằng, nhóm của họ bị người dân gọi là đao phủ, ông tin rằng, khi đó những người lính chỉ thực hiện mệnh lệnh của chính quyền. Giờ đây ông đã phản tỉnh về sự kiện Lục Tứ, ông nói, điều may mắn duy nhất là khi đó ông không được phép ra ngoài tham gia ‘quét sạch quảng trường’. Hơn nữa, những người lính tham gia ‘quét sạch quảng trường’ cũng đã bị ĐCSTQ lãng quên, không được bất kỳ đãi ngộ nào.

Một phóng sự của đài truyền hình Bắc Kinh đã biến những người lính cứu hỏa vốn ủng hộ sinh viên trở thành tuân theo mệnh lệnh của quân đội

Theo Lý Minh, vào năm 1989, nhà nước đã thực hiện chính sách phê duyệt có kế hoạch đối với một số vật tư, nhiều quan chức ĐCSTQ và thế hệ đỏ thứ hai đã lợi dụng quyền lực của mình để đến các sở ban ngành phê duyệt mua đi bán lại kiếm lời, v.v. Hiện tượng xã hội bất công này đã khiến các sinh viên đại học và công nhân biểu tình. Người dân cũng rất ghét những hiện tượng xã hội này.

Lý Minh thuộc Trung đội 31, Chi đội 14, Tổng đội cứu hỏa Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh. Mặc dù các thông tin bị bưng bít trong quân đội, nhưng họ đã biết về các hiện tượng xã hội nói trên. “Ban đầu chúng tôi ủng hộ sinh vên và công nhân, nhưng vào ngày 23 đến ngày 26 tháng 5 năm năm đó, quan điểm của chúng tôi đã thay đổi".

Ông tiết lộ, vào thời điểm đó, đài truyền hình Bắc Kinh đã cố tình phát đoạn video quay cảnh một đại đội của Quân đoàn cảnh sát vũ trang Bắc Kinh huấn luyện tân binh. Khi đi đến đường vòng từ phố Trường An đi Tây Đơn, anh tân binh đi cuối cùng đã bị người đi đường chặn lại và đánh anh ta ngã xuống đất.

“Sau khi xem video này, tất cả chúng tôi đều phẫn nộ, điều này đã thay đổi suy nghĩ của chúng tôi” - Ông cho biết đây là lý do tại sao họ tuân theo mệnh lệnh của cấp trên.

Lệnh của Bộ chỉ huy Lực lượng Thiết quân luật: Xe quân sự cháy không được gọi cảnh sát chữa cháy

Từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 6 năm 1998, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa và người qua đường, giết chết một số người không xác định. Để đối phó với sự tàn bạo của quân đội ĐCSTQ, một số người đã tức giận tấn công đoàn xe quân sự và đốt cháy các phương tiện.

Lý Minh tiết lộ rằng, vào sáng sớm ngày 3 tháng 6, tức là Chủ nhật, các đồng đội của ông đã ra ngoài và trở về nói với họ rằng xe bọc thép và xe tăng đang trên đường đến, mọi người không tin chút nào, nghĩ rằng họ đang khoe khoang khoác lác. Kết quả là họ xem TV sau bữa sáng, và lệnh thiết quân luật do Trụ sở Thiết quân luật Bắc Kinh ban hành liên tục được phát đi.

"Vào thời điểm đó, Quân ủy Trung ương đã huy động quân đội từ một số quân đoàn, bao gồm cả quân đội đóng quân ở Bắc Kinh, bao gồm cả lính cứu hỏa chúng tôi. (Chúng tôi) nhận lệnh sẵn sàng mọi lúc tham gia chiến dịch quân sự 'dập tắt bạo loạn'".

Ông nói: "Lệnh mà Tổng đội cứu hỏa đưa ra là, hỏa hoạn trong dân thì có thể được phép xuất quân đi cứu chữa, các phương tiện quân sự như xe bọc thép và xe quân sự bị cháy thì không được xuất quân đi cứu chữa".

Trung đội của ông nhận được tin báo cháy vào sáng ngày 4 tháng 6. Sự cố xảy ra ở Môn Đầu Câu, một chiếc xe bọc thép bị phóng hỏa, một người thiệt mạng, một người bị thương nặng và bốn người bị thương nhẹ. Sau khi nhận được tin báo, trung đội của họ đã chuẩn bị sẵn sàng điều động, 5 người trong số họ là lính cứu hỏa, các nhân viên đã thảo luận kỹ lưỡng, và báo cáo lên chỉ nói rằng có một đám cháy, và họ đã đến hiện trường để dập lửa.

Năm người lên xe và đồng loạt nói lời sau cùng, nhưng người chỉ đạo đã dừng xe cứu hỏa ngay khi nó vừa ra khỏi ga ra. Khi đó họ rất phẫn nộ. Lý Minh nói, khi đó mọi người đều nhận thức là không sợ hy sinh, cho rằng “binh sĩ thi hành mệnh lệnh, đó là chức trách".

Lý Minh cũng tiết lộ: "Ba tháng sau ngày 4 tháng 6, việc chấn chỉnh tư tưởng binh sĩ khiến cấp trên hơi đau đầu. Không có huấn luyện nào, binh lính được chỉnh đốn và giáo dục tư tưởng cho đến tháng 9".

"Bộ đội các đơn vị cơ sở của chúng tôi không được phép lên tiếng ủng hộ sinh viên. Là một đơn vị, chúng tôi phải chấp hành kỷ luật. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã phải chấn chỉnh. Đó là để đạt được sự thống nhất về tư tưởng" - Lý Minh nói.

Sau khi giải ngũ, ông gặp phải sự bất công xã hội, suy ngẫm ngày 4/6: “Có tội với nhân dân”

Năm 1990, sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, Lý Minh kiên quyết lựa chọn xuất ngũ. Theo như lời của ông thì ông đã "chán" với bộ đội. Sau đó quân đội chỉ cho ông một khoản trợ cấp 25 nhân dân tệ, gia đình ông rất nghèo. Sau khi giải ngũ, ông chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh làm ruộng.

Ông xúc động nói: “Sau khi giải ngũ, tôi không thích nghi được với xã hội (vì) nền giáo dục của quân đội hoàn toàn xa lạ với (thực tế) xã hội. Những thói quen được nuôi dưỡng trong quân đội thì bị bài xích, bị trấn áp ở xã hội. Mãi 10 năm sau tôi mới hòa nhập được với xã hội”.

Tuy nhiên, vào năm 2004, làng của ông bị cưỡng chế và phá dỡ để xây dựng đường sắt, và việc đền bù không hợp lý, kể từ đó, ông lao vào con đường khiếu kiện và bảo vệ quyền lợi của mình, và trở thành nhân vật nhạy cảm của địa phương.

"Để xây dựng tuyến đường sắt đô thị, ngân sách nhà nước cho làng chúng tôi là 120 triệu nhân dân tệ. Chính quyền địa phương đã sử dụng các biện pháp đe dọa và dân làng rất e sợ. Kết quả là toàn bộ ngôi làng của chúng tôi đã bị phá hủy với giá 89 triệu nhân dân tệ".

Lý Minh đã bảo vệ quyền lợi của mình cho đến ngày 16 tháng 6 năm 2016, bởi vì kể từ đó ông đã phục vụ với tư cách là thành viên của ủy ban giám sát các vấn đề của thôn.

Con đường bảo vệ quyền lợi của ông đã khiến ông hiểu ra nhiều điều, cũng để ông nhìn ra nhiều sự thật, ông cũng hoàn toàn thất vọng với chính quyền ĐCSTQ, và đã suy ngẫm lại về sự kiện Lục Tứ.

Ông nói: “Tôi nhìn kỷ niệm chương dẹp ‘bạo loạn phản cách mạng’, người ta nói tôi có công, tôi nói tôi có tội, có tội với nhân dân. Thời đó tôi kiên quyết ủng hộ Đảng, Trung ương và chính phủ, nhưng hôm nay, 30 năm sau, tôi thấy các bạn sinh viên và công nhân không sai, nhưng tôi đã sai”.

"Tôi nghĩ cần phải lấy lại sự công bằng. Sai thì nói là sai, đúng thì nói là đúng. Trong hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi không biết hành động của mình là đúng hay sai".

Lý Minh hiện đã bước trên con đường bảo vệ quyền lợi khác, đấu tranh cho những cựu chiến binh như ông để được đãi ngộ.

Cố Hiểu Hoa - Epoch Times
Thanh Hà biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh sát Lục Tứ suy ngẫm: Có tội với nhân dân