Cờ vây có từ bao giờ? Người xưa tạo ra cờ vây để làm gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bàn cờ vây tượng trưng cho vũ trụ với 360 thiên thể tổ hợp thành. Các quân cờ có hai màu đen và trắng tượng trưng cho âm và dương.

Cờ vây, hay còn gọi là “vi kỳ”, bắt đầu có từ thời đế Nghiêu. Sách "Bác Vật Chí" thời Tấn viết: "Nghiêu tạo vi kỳ, dĩ giáo Đan Chu” (đế Nghiêu tạo ra cờ vây, để giáo dục Đan Chu).

Đan Chu là con trai trưởng của đế Nghiêu, tính tình lười nhác ham chơi, không thể ngồi yên một chỗ, nói năng lung tung, lại thích tranh luận. Một ngày nọ, khi đế Nghiêu đi đến bờ sông Phần Thủy thì thấy hai vị Tiên nhân ngồi đối diện nhau dưới cây bách xanh, kẻ ô trên cát, dùng các viên đá đen và trắng bày bố trận đồ.

Cổ nhân chơi cờ vây để tu thân dưỡng tính. (Ảnh từ Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)
Người xưa chơi cờ vây để tu thân dưỡng tính. (Ảnh từ Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Đế Nghiêu tiến đến thỉnh giáo Tiên nhân cách giáo dục Đan Chu, một vị nói: “Đan Chu thích tranh biện nhưng lại ngu ngốc, phải cho nó làm điều ham thích, để khỏi nhàn hạ”.

Sau đó Tiên nhân chỉ vào ô cát và hòn đá nói: “Đây là dịch bình, cũng gọi là vi kỳ, ô bàn cờ vuông mà tĩnh, con cờ tròn mà động, giống như trời và đất...".

Tương truyền, sau khi Đan Chu học cờ vây thì quả thực đã có tiến bộ.

Có thể thấy, cổ nhân tạo ra cờ vây không phải là để tranh hơn thắng thua, mà là để trau dồi tâm thái, tu thân dưỡng tính, sinh huệ tăng trí, biểu đạt ý cảnh.

Mối quan hệ giữa cờ vây và thiên tượng dịch lý

Bàn cờ vây tượng trưng cho vũ trụ với 360 thiên thể tổ hợp thành. Bàn cờ có 19 đường kẻ dọc và 19 đường kẻ ngang, tổng cộng có 361 giao điểm đặt cờ. Điểm chính giữa của bàn cờ – Thiên nguyên – cũng tức là Thái cực, đại diện cho trung tâm của vũ trụ, 360 điểm còn lại là số ngày trong một năm theo lịch cũ. Chia bàn cờ làm bốn phần, 4 góc tương ứng với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; quân trắng và quân đen là ngày và đêm.

Sui Dynasty Go Board.jpg
Điểm chính giữa bàn cờ vây được gọi là Thiên nguyên. Trên đây là mô hình bàn cờ vây (10cm x 10cm x 4cm) có niên đại từ năm 595 sau Công nguyên, được khai quật vào năm 1959 từ lăng mộ của Trương Thịnh (张盛) tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (WikiMedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Hình thức chơi cờ vây rất đơn giản, chỉ cần các quân cờ đen trắng. Luật chơi cũng rất đơn giản nhưng sự huyền diệu của nó thì không một loại cờ nào khác có thể sánh được. Có 361 nút cờ, biến hóa vô cùng. Nếu cứ một giây qua đi lại biến đổi một hình thế cờ, sẽ mất hàng trăm triệu năm để đếm tất cả các hình thế.

Tương truyền, bàn cờ vây được mô phỏng theo "Lạc thư". Sách “Kỳ Kinh” từ thời Nam Bắc triều được tìm thấy trong hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc có ghi: “Ba trăm sáu mươi mốt đạo, mô phỏng theo độ số Chu Thiên”. Các quân cờ được chia thành hai màu đen và trắng, tượng trưng cho âm và dương.

"Tả Truyện" viết, cờ vây trở nên phổ biến trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Cờ vây phát triển chưa từng có trong thời Đường, Đường Huyền Tông đã đặc biệt thiết lập chức quan "Kỳ đãi chiếu" cho người hầu vua chơi cờ vây. Đây là hàng quan cửu phẩm, thuộc hàn lâm viện.

Dưới góc nhìn của một người tu luyện, cũng giống như Bát quái, Chu dịch, Hà đồ và Lạc thư, cờ vây không phải là sản vật của thời kỳ văn minh nhân loại kỳ này, mà là văn hóa tiền sử. Kỳ thực là văn hóa do Thần truyền cấp cho con người, “vật này chỉ nên có trên trời”. Như sách "Lê Hiên Mạn Diễn” viết: "Cờ vây vốn không có ở nhân gian... là công cụ để Tiên gia dưỡng tính lạc đạo".

Có người ví rằng, cờ tướng là cờ của Nho gia, cờ vây là cờ của Đạo gia, điều này khá là chuẩn xác.

FloorGoban.JPG
Cờ vây được ví như cờ của Đạo gia. (Public Domain)

Các quân cờ Tướng, Xe, Mã, Pháo, Sĩ, Tượng, Binh trong cờ tướng đều có nước đi và trách nhiệm riêng. Đúng như Khổng Tử đã nói “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, tức là ai ở vị trí nào thì giữ đúng bổn phận ở vị trí đó và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Còn cờ vây thì sao? Hai con cờ đen - trắng không có bất kỳ hạn chế nào, có thể được mô tả là biến hóa vô cùng. Một âm một dương gọi là Đạo, vật cực tất phản, chín quá hóa nẫu, bao vây tại thực địa, không chiến mà khuất phục được binh sĩ đối phương, v.v. Những đạo lý này được diễn dịch một cách sinh động trên bàn cờ vây, quả là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, chỉ bằng trí tuệ của con người thì không thể nào thấu triệt.

Từ ngàn xưa tới nay, từ biết bao đế vương, tể tướng, tướng quân, văn nhân nhã sĩ, cho đến bình dân áo vải trên phố phường đường chợ, ai ai cũng chơi cờ vây mãi mà không biết chán, cũng đã diễn dịch ra biết bao câu chuyện truyền kỳ, bao vần thơ đẹp, bao áng văn hay, thậm chí là cả những chiến lược binh thư, phương lược trị quốc…

Nhưng đến thời hiện đại, sự hiểu biết về cờ vây của rất nhiều người chơi cờ đã dần rời xa nội hàm và ý cảnh đằng sau nó. Hoàn toàn là chơi với mục đích phân thắng bại, để thể hiện khả năng, thậm chí còn nhờ máy tính tính hộ nước đi. 'Đạo' của cờ vây gần như thất truyền.

Vào thời cổ đại, ngoài việc chơi cờ vây để trau dồi tâm thái, tu thân dưỡng tính, mọi tầng lớp ngành nghề trong xã hội còn coi trọng việc tĩnh tâm điều hòa hơi thở, chú trọng cảnh giới và nội hàm. Cờ sao người vậy, văn sao người vậy. Đó là trạng thái mà toàn bộ nhân loại nên có. Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã mang lại sự phồn vinh về vật chất cho con người, nhưng con người lại đánh mất đi sự tu dưỡng trong cảnh giới đạo đức.

Nam Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Cờ vây có từ bao giờ? Người xưa tạo ra cờ vây để làm gì?