Hà Nội: Cụ bà không biết có 15 tỷ đồng cho đến khi bị lừa đảo hết sạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cụ bà ở Hà Nội thực hiện 32 lần chuyển khoản cho kẻ giả mạo cảnh sát qua điện thoại. Tuy nhiên, sau khi biết bản thân bị lừa, cụ bà mới biết mình có 15 tỷ đồng.

Vừa qua, một cụ bà ở Hà Nội bị kẻ gian giả mạo cảnh sát lừa sạch hết tiền trong tài khoản do mất cảnh giác.

Cụ thể, vào ngày 5/4, bà P. (Sinh năm 1956 ở Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của 1 người tự xưng là cán bộ cảnh sát. Thời điểm này bà P. ở nhà 1 mình, sau khi nghe người này đọc số CCCD và nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền, nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ đến bắt bà.

Suốt quá trình nói chuyện, vị cảnh sát "dỏm" yêu cầu bà P. phải di chuyển ra khu vực vắng người, tuyệt đối không hé lộ thông tin với bất kỳ ai. Quá hoảng sợ trước những lời của kẻ mạo danh cảnh sát này, bà P. đã nghe theo lời của chúng, bắt đầu chuyển tiền cho người này.

Ban đầu, chúng cung cấp cho bà P. tài khoản Zalo có tên Vinh Vinh và yêu cầu bà chuyển tiền. Bà P. hoang mang nhớ đến số cổ phần, cổ phiếu chứng khoán đã “nằm yên” chục năm nay. Bà không hề biết giá trị hiện tại của số cổ phiến, cổ phần này là bao nhiêu, vì quá hoảng sợ nên bà quyết định dùng đến nó.

Theo bà P., bà đã chuyển tổng cộng 32 lần với tổng số tiền 15 tỷ đồng đến khi số cổ phiếu, cổ phần hết sạch. Theo đó, lần 1 chuyển 213 triệu đồng, 6 lần chuyển 290 triệu đồng, 9 lần chuyển 490 triệu đồng, tổng cộng hơn 6,3 tỷ đồng vào số tài khoản của NGUYEN THANH DUONG tại ngân hàng B.

Tiếp đó, bà P. có 6 lần chuyển mỗi lần 490 triệu đồng, tổng cộng hơn 2,9 tỷ đồng vào số tài khoản NGUYEN TIEN DUNG tại ngân hàng V.

Ngoài ra, bà P. có 10 lần chuyển mỗi lần 490 triệu đồng, tổng là 4,9 tỷ đồng vào tài khoản TRAN DINH DUC tại ngân hàng V.

Bà P. còn có 1 lần chuyển 490 triệu đồng và 1 lần chuyển 400 triệu đồng, tổng số là 890 triệu đồng vào số tài khoản HO THUY HONG tại ngân hàng B.

Sau khi chuyển quá nhiều tiền cho kẻ giả mạo công an, bà P. mới tá hỏa phát hiện ra mình bị lừa và lên cơ quan chức năng trình báo sự việc. Sau sự việc này bà P. và gia đình cũng mới biết số cổ phần, cổ phiếu của mình có giá trị lớn như vậy.

Đây cũng phải trường hợp đầu tiên bị lừa đảo bằng chiêu thức này, trước đó rất nhiều người cũng đã bị lừa đảo qua mạng với số tiền tổng cộng lên đến hàng trăm tỷ đồng đồng.

Trước đó, đầu tháng 4/2024, chị C. (SN 1980, ở Hà Nội), nhận được cuộc gọi của một người cũng tự xưng là cảnh sát quận Thanh Xuân (Hà Nội), yêu cầu cài đặt định danh mức độ 2. Do bận công việc, nên chị không đến được trụ sở cảnh sát và kẻ gian gợi ý sẽ có người hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công. Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo, chị C. đã bị mất quyền điều khiển điện thoại và bị rút mất hơn 200 triệu đồng trong tài khoản.

Trao đổi xung quanh các trường hợp trên, cảnh sát quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đang xuất hiện trở lại nhiều kẻ gian giả danh cảnh sát gọi điện cho người dân yêu cầu cài đặt, cập nhật ứng dụng VNeID, dịch vụ công và thông báo liên quan đến các đường dây ma túy, rửa tiền...

Vậy nên, khi người dân nhận được cuộc gọi có nội dung như trên phải cảnh giác và nghĩ ngay đến các chiêu trò lừa đảo, đồng thời không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào qua điện thoại. Cảnh sát tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, gửi các đường link để cài đặt phần mềm hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.

Việt Nam Xã hội

Hà Nội: Cụ bà không biết có 15 tỷ đồng cho đến khi bị lừa đảo hết sạch