Chúng ta không nên sợ công nghệ AI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗi sợ AI hiện nay chỉ là một câu chuyện cũ có hình thức mới. Các tiến bộ công nghệ trong quá khứ đều đã tạo ra nhiều việc làm để bù đắp cho lượng việc làm mà chúng phá hủy. Trong khi đó, chúng lại giúp mở rộng năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra một số sự hưng phấn. Tuy nhiên, sợ sợ hãi mà nó tạo ra thậm chí còn nhiều hơn. Nỗi sợ hãi tập trung một phần vào các vấn đề riêng tư và sự đảo lộn của các mối quan hệ xã hội nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề mất việc làm.

Những mối lo ngại như vậy không hề mới. Chúng đã xuất hiện cùng với mọi tiến bộ công nghệ kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào cuối thế kỷ 18. Chúng là một câu chuyện cũ được các nhà bình luận ngày nay gắn với một điều gì đó rất mới. Nếu lịch sử công nghệ có thể dạy ta một điều gì đó, thì đó chính là việc cả các hy vọng và nỗi sợ hãi về AI đều đã bị cường điệu hóa.

Những lo ngại mới nhất về mất việc làm tới từ cuộc đình công của các nhà văn Hollywood. Tất nhiên, những người đình công quan tâm đến tiền lương, nhưng họ cũng lo sợ rằng ChatGPT và các ứng dụng AI tương tự sẽ thay thế các nhà văn con người. Các cuộc khảo sát đều cho thấy mối lo ngại tương tự về các ứng dụng AI trong tất cả các ngành. Ngân hàng đầu tư uy tín Goldman Sachs dự đoán rằng AI sẽ làm mất đi hoặc hủy hoại khoảng 300 triệu việc làm. Nhiều người lo lắng trước những cảnh báo về tình trạng thất nghiệp hàng loạt và nhu cầu về thu nhập cơ bản phổ quát (UBI) nhằm làm giảm bớt sự khốn cùng của người lao động. Các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ có vẻ đặc biệt lo ngại về vấn đề này.

Tất cả điều này gợi nhớ đến những phản ứng đối với những đổi mới trong quá khứ, cho dù là máy kéo sợi và dệt cách đây hơn hai thế kỷ, hay đường sắt, ô tô, điện thoại, máy tính hoặc máy rút tiền tự động. Nhưng đối với tất cả trường hợp của sự lo ngại ở mỗi giai đoạn phát triển của công nghệ, những đổi mới, trong khi chúng phá hủy việc làm, cũng đã giúp tạo ra nhiều hoặc nhiều hơn các việc làm mới để thay thế những việc làm đã mất.

Những nỗi sợ hãi, cho dù là phản ứng với AI ở Hollywood ngày nay hay máy xe nhiều sợi của cuối thế kỷ 18, đều dễ hiểu. Thông thường, chúng ta có thể thấy rõ ràng công việc nào dễ bị tổn thương. Nhưng cần có trí tưởng tượng để đoán được những công việc mới nào sẽ được tạo ra để bù lại. Ví dụ, khi máy tính loại bỏ hàng ngàn vị trí văn thư, không ai có thể tưởng tượng được những người sáng lập của Federal Express và các công ty tương tự sẽ sử dụng các công nghệ tương tự như thế nào để tạo ra các dịch vụ phục vụ cho việc giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy. Đây là một ngành công nghiệp hiện đang tuyển dụng hàng nghìn người, nếu không muốn nói là hàng triệu người, ở mọi cấp độ.

Nếu những đổi mới không tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều việc làm mới tương tự như số lượng việc làm mà nó phá hủy, thì mỗi làn sóng công nghệ sẽ chứng kiến việc dân số lao động ngày càng thu hẹp. Nhưng trên thực tế, các nền kinh tế phát triển, thông qua tất cả các làn sóng đổi mới mà mọi người lo lắng, tính trung bình đã có thể cung cấp việc làm cho khoảng 94 – 95% số người muốn làm việc. Chúng tạo ra lượng việc làm mới ít nhất bằng với lượng việc làm bị phá hủy. Chẳng hạn, gần 60% công việc ngày nay không tồn tại vào năm 1940.

Nhắc lại lịch sử

Có lẽ chúng ta cần nhắc lại một phần lịch sử đã qua. Thiết bị kéo sợi và dệt đã được đưa vào sử dụng ở Anh vào cuối thế kỷ 18. Khi đó, công nhân, để bảo vệ công việc của họ, đã thành lập các nhóm gọi là Luddites để phá hủy thiết bị. Họ đã thất bại. Trong một thời gian tương đối ngắn, thiết bị này đã mang lại hiệu quả và sự tăng trưởng cho phép các nhà máy tuyển dụng nhiều hơn trước đây. Tua nhanh đến những năm 1960, một nhóm các học giả lỗi lạc - một số người đoạt giải Nobel - viết rằng “các loại tự động hóa mới” đã “phá vỡ” mối liên kết từng được bảo đảm giữa công việc và thu nhập.

Cựu Tổng thống John F. Kennedy đã cố gắng đối phó mối lo ngại đó của họ và nói về “mối đe dọa đen tối của sự mất ăn khớp công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nghèo đói ngày càng sâu sắc”. Ông đã thành lập Văn phòng Tự động hóa trong Bộ Lao động để “duy trì việc làm đầy đủ tại thời điểm mà tự động hóa đã trở thành một từ điển hình”. Những người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson và Richard M. Nixon, cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự. Tuy nhiên, bất chấp tất cả sự lo lắng này, những năm 1960 hiện được coi là một “thời kỳ hoàng kim” của ngành sản xuất Mỹ,

Cũng trong thập kỷ đó, những người bốc dỡ đồ đã chiến đấu chống lại quá trình container hóa. Công nghệ này đã loại bỏ việc làm, nhưng nó cũng tạo điều kiện giúp thương mại toàn thế giới tăng 2.000% chỉ trong vòng 5 năm. Đi cùng với đó là sự gia tăng ở mức độ gần như tương đương của số lượng việc làm trong lĩnh vực vận chuyển và xử lý hàng hóa.

Trong những năm 1980 và 1990, sự phổ biến rộng rãi của máy tính cá nhân và máy xử lý văn bản đã loại bỏ nhiều công việc văn thư. Hầu hết phụ nữ bị đuổi việc. Tuy nhiên, những đổi mới đã làm tăng quy mô và phạm vi của công việc văn phòng. Trong vòng vài năm, số lượng phụ nữ làm việc được trả lương đã tăng lên so với trước khi những đổi mới này xuất hiện.

Không còn nghi ngờ gì nữa, AI sẽ mang lại sự xáo trộn và khó khăn đối với một số người trước đây nghĩ rằng công việc của họ là không thể bị động đến. Nỗi đau sẽ giúp những người này thay đổi. Nhưng vì lịch sử cho thấy rõ ràng rằng sự đổi mới sẽ tạo ra những công việc khác, có lẽ là tốt hơn, nên chúng ta không nên kìm hãm sự phát triển của công nghệ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta không nên sợ công nghệ AI