Liệu Baidu có dễ dàng thách thức ChatGPT với Ernie Bot?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ứng dụng AI Ernie Bot của Baidu được đánh giá sẽ gặp phải vấn đề với chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ. Baidu được hưởng lợi từ nguồn vốn của Mỹ, trong khi lĩnh vực AI là mũi nhọn được ĐCSTQ đẩy mạnh.

Công ty Baidu của Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot (tên tiếng Trung: Wenxin Yiyan), một dự án AI kiểu ChatGPT, vào tháng 3 và sẽ đưa ứng dụng ra mắt công chúng. Tuy nhiên, một số chuyên gia không lạc quan về sản phẩm của Baidu do sự kiểm duyệt tràn lan đối với “những từ nhạy cảm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào ngày 07/02, Baidu Inc đã xác nhận rằng Ernie Bot, sản phẩm chatbot của họ, sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ và sẽ được ra mắt công chúng vào tháng 3.

“Hiện tại, Ernie Bot đang trong giai đoạn chạy nước rút trước khi ra mắt”, thông tin được trích dẫn trên Baidu Encyclopedia. “Theo tốc độ của Google và Microsoft, quá trình thử nghiệm nội bộ mở của Ernie Bot có thể đang đi trước thời hạn”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin: “ChatGPT là một cột mốc quan trọng của trí tuệ nhân tạo, đồng thời cũng là một bước ngoặt, điều có nghĩa là sự phát triển của công nghệ AI đã đạt đến điểm mấu chốt và các doanh nghiệp cần triển khai càng sớm càng tốt”.

ChatGPT, được hỗ trợ bởi Microsoft, cung cấp các dịch vụ cho người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, Giám đốc sản phẩm của Baidu Ren Jun, tin rằng công ty có trụ sở tại Trung Quốc này có thế mạnh riêng.

Liệu Baidu có dễ dàng thách thức ChatGPT với Ernie Bot?
Màn hình hiển thị hình ảnh của Microsoft và ChatGPT, phần mềm đàm thoại ứng dụng trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển. (Ảnh: Lionel Bonavoji/AFP qua Getty Images)

“Ví dụ, vẽ tranh AI có thể được thực hiện bởi nhiều công ty trong và ngoài nước, nhưng Baidu hiểu hệ thống ngôn ngữ Trung Quốc tốt hơn”, Giám đốc Ren nói với Caixin, một tờ báo tài chính của Trung Quốc, vào ngày 06/01.

Phát biểu với The Epoch Times vào ngày 09/02, kỹ sư điện tử Li Jixin làm việc tại Nhật Bản cho biết ông “không lạc quan” về việc sản phẩm của Baidu có thể cạnh tranh với ChatGPT, không chỉ vì khoảng cách công nghệ mà còn vì “những từ nhạy cảm” theo định nghĩa của ĐCSTQ.

“Phần mềm trò chuyện AI như vậy dựa trên quá trình đào tạo quy mô lớn để hoàn thành các cuộc trò chuyện một cách tự động. Sau khi quá trình đào tạo hoàn tất, ngay cả những kỹ sư thiết kế phần mềm cũng không thể đoán trước phần mềm AI sẽ nói gì”, ông Li nói. Theo ông Li, ĐCSTQ từ lâu đã tiến hành phong tỏa thông tin và có những từ nhạy cảm ở khắp mọi nơi, vì vậy ĐCSTQ sẽ nghĩ rằng phần mềm AI như vậy mà không có một tinh thần đúng đắn sẽ mang lại rủi ro cho sự cai trị của nó.

Ông Li phân tích rằng có thể sử dụng ba phương pháp để ngăn phần mềm AI nói những từ nhạy cảm: kiểm duyệt thủ công, đòi hỏi nhân lực rất lớn và biến AI thành nhân tạo; kiểm duyệt tài liệu đào tạo phần mềm AI, điều này sẽ dẫn đến hiệu suất kém của phần mềm; và chỉ cần tắt phần mềm AI khi nó nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ông nói: “Bất kể cách nào được sử dụng, phần mềm trò chuyện AI sẽ không phát triển tốt do sự kiểm duyệt ngôn luận của ĐCSTQ".

Ngoài Ernie Bot sắp ra mắt, Baidu đã tung ra một loạt sản phẩm Wenxin, bao gồm “Wenxin Yige” dành cho vẽ tranh sáng tạo AI, “Wenxin Bazhong”, một hệ thống tìm kiếm cấp ngành được điều khiển bởi một mô hình lớn; và “Wenxin Big Model"(Mô hình lớn Wenxin), sản phẩm được nâng cấp vào tháng 11/2022 và được Baidu tự mô tả là “hệ thống mô hình lớn công nghiệp lớn nhất trong ngành”.

Hỗ trợ từ vốn của Mỹ

Baidu được niêm yết trên NASDAQ vào ngày 05/08/2005. Việc niêm yết tại Mỹ đã thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn, khi đó được gọi là “Google của Trung Quốc”. Baidu hiện là công ty tiên tiến nhất về xử lý ngôn ngữ tự nhiên ở Trung Quốc.

Liệu Baidu có dễ dàng thách thức ChatGPT với Ernie Bot?
Người dân ngồi bên dưới logo Baidu tại trụ sở Baidu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/12/2014. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Baidu không phải là công ty Trung Quốc duy nhất được hưởng lợi từ đầu tư của Mỹ. Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư 40,2 tỷ USD vào 251 công ty AI của Trung Quốc trong 7 năm từ 2015 đến 2021, chiếm 37% tổng số tiền tài trợ cho các công ty AI của Trung Quốc trong giai đoạn này. Trong số này, 91% khoản đầu tư của Mỹ dành cho các công ty AI của Trung Quốc ở giai đoạn đầu tư mạo hiểm.

Báo cáo dựa trên thông tin từ nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase cũng chỉ ra rằng tài trợ mạo hiểm giai đoạn đầu có thể mang lại lợi ích ngoài vốn, chẳng hạn như hướng dẫn kỹ thuật, tăng khả năng được nhận biết của công ty và tính kết nối.

“Đối với các nhà đầu tư Mỹ, đúng là trong vòng 20 đến 30 năm qua đã có nhiều ví dụ thành công về các công ty Trung Quốc bắt chước các công ty Mỹ, chẳng hạn như Baidu bắt chước Google, Tencent QQ bắt chước ICQ, Alibaba và Taobao bắt chước eBay. Tất cả họ đều thành công rực rỡ và mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư Mỹ,” ông Li Jixin nói.

“Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đã khác. Môi trường đầu tư cơ sở cho các công ty Trung Quốc đã thay đổi đáng kể”.

“Về môi trường quốc tế, khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, rủi ro địa chính trị và đầu tư gia tăng, kênh để các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ ngày càng bị thu hẹp và các nhà đầu tư Mỹ khó kiếm được lợi nhuận nhanh chóng như những năm trước”.

Ngoài ra, các chính sách “cực kỳ bí hiểm” của ĐCSTQ khiến các nhà đầu tư “không thể dự đoán xu hướng của công ty, làm tăng rủi ro đầu tư”, theo ông Li.

“Mặt khác, sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của ĐCSTQ đối với mọi khía cạnh của xã hội nhất định sẽ hạn chế và kiểm soát sự phát triển của vốn tư nhân và nước ngoài”.

Bắt kịp Mỹ?

Trong lĩnh vực AI, “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” do Hội đồng Nhà nước của ĐCSTQ công bố vào năm 2017, đặt ra các mục tiêu bao gồm: “Đến năm 2030, lý thuyết tổng thể, công nghệ và ứng dụng của AI sẽ đạt đến trình độ hàng đầu thế giới. [Trung Quốc sẽ] trở thành trung tâm đổi mới AI chính của thế giới”, và “đặt nền móng quan trọng để trở thành một trong những quốc gia đổi mới và cường quốc kinh tế hàng đầu”.

Vào ngày 11/01/2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển AI tại hội nghị công tác quốc gia và tuyên bố sẽ triển khai kế hoạch “Robot Plus” trên toàn quốc, khuyến khích các chính quyền địa phương đáp ứng các điều kiện của sáng kiến.

Trong khi ĐCSTQ đang cố gắng bắt kịp Mỹ về trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây, mọi thứ dường như đang đi ngược lại ý muốn của nó.

Theo ấn bản mới nhất về Chỉ số sức mạnh châu Á của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc, các chính sách nghiêm ngặt zero-COVID của ĐCSTQ trong đại dịch COVID-19 đã làm giảm đáng kể sức mạnh tổng thể của Trung Quốc, cản trở tiến trình bắt kịp Mỹ của nước này.

Nghiên cứu lập luận rằng sức mạnh của Bắc Kinh ở châu Á đã sụt giảm và khó có thể vượt qua Mỹ vào cuối thế kỷ này.

Mỹ đứng đầu về sức mạnh tổng thể với số điểm 80,7, theo báo cáo. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, với điểm tổng hợp là 72,5, kém Mỹ 8,2 điểm. So với điểm tổng hợp năm 2021, Trung Quốc tụt 2,1 điểm.

Các chính sách zero-COVID hà khắc cũng ảnh hưởng đến điểm số của Trung Quốc về “Ảnh hưởng văn hóa”, nơi nó có mức giảm lớn nhất, mất 10,3 điểm.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Baidu có dễ dàng thách thức ChatGPT với Ernie Bot?