Cuộc chiến lố bịch vì khí hậu không phục vụ khí hậu mà phục vụ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trường hợp của ĐCSTQ đã chứng minh cuộc chiến về khí hậu không thực sự phục vụ khí hậu. Việc Trung Quốc, một nước phát thải CO2 hàng đầu, được coi là nhà lãnh đạo toàn cầu mới nhằm cứu vãn khí hậu là một điều hoàn toàn lố bịch. Hơn nữa, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ phương Tây sang Trung Quốc do các chính sách khí hậu là cách tồi tệ nhất để giảm phát thải.

Bạn không cần phải là một nhà khoa học về khí hậu để biết những người chủ mưu cầm đầu phong trào “biến đổi khí hậu” không thực sự tin vào câu chuyện mà họ đang tuyên truyền.

Và nguyên nhân không phải chỉ vì họ bay vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng để rao giảng cho bạn về chiếc xe hơi và bánh mì kẹp thịt của bạn.

Trên thực tế, nếu những người ở cấp cao nhất hoàn toàn tin vào ý tưởng rằng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của con người thực sự là nguồn ô nhiễm tạo ra “khủng hoảng khí hậu”, thì họ sẽ làm chính xác ngược lại với những gì họ đang thực sự làm.

Xem xét chính sách khí hậu và Trung Quốc giúp chứng minh quan điểm đó.

Lời hứa của Trung Quốc

Hãy xem xét Hiệp định Paris của Liên Hợp Quốc. Được đàm phán tại Hội nghị các bên lần thứ 21 (COP21) ở Paris vào năm 2015, thỏa thuận toàn cầu kêu gọi chính phủ các quốc gia đưa ra cam kết của chính quốc gia họ về những gì họ ép buộc người dân của nước mình phải tiến hành nhằm chống lại “cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Theo thỏa thuận, chính quyền Obama đơn phương cam kết cắt giảm hơn 25% lượng khí thải CO2 ở Hoa Kỳ vào năm 2025. Điều này được áp đặt đối với người Mỹ thông qua các mệnh lệnh hành pháp và các quy định liên bang để tránh liên quan đến Quốc hội. Các chính phủ phương Tây khác cũng đưa ra những lời hứa tương tự.

Cuộc chiến lố bịch vì khí hậu không phục vụ khí hậu mà phục vụ Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về Thỏa thuận Paris tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 05/10/2016 tại Washington D.C., Mỹ. (Ảnh: Chris Kleponis-Pool/Getty Images)

Ngược lại, Trung Quốc đã thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn nhiều so với Mỹ và hiện nay thải ra nhiều hơn toàn bộ thế giới phương Tây cộng lại - và nó chỉ cam kết sẽ tiếp tục tăng lượng khí thải trong 15 năm tới (sau đó sẽ giảm).

Trong bản đệ trình lên Liên Hợp Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đồng ý “đạt được mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào khoảng năm 2030".

Nói cách khác, chế độ này đã tự hào tuyên bố với thế giới rằng lượng phát thải CO2 của họ sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 15 năm. Tại thời điểm đó thậm chí sẽ không ai nhớ đến các cam kết ở Paris.

Khi tôi đề nghị các thành viên của phái đoàn Trung Quốc đưa ra bình luận tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc, thay vì trả lời, họ đã cử một trong những tay sai của họ đi theo tôi xung quanh hội nghị và chụp ảnh tôi, điều mà tôi đã nhanh chóng báo cáo với bộ phận an ninh của Liên Hợp Quốc và cảnh sát Pháp.

Điều tốt cho ĐCSTQ là sẽ không ai nhớ đến những lời hứa của họ vào năm 2030, bởi vì hầu như mọi nhà phân tích, những người đã xem xét cơn sốt xây dựng nhà máy nhiệt điện than của chế độ này, đều thừa nhận rằng không đời nào lượng khí thải của Trung Quốc sẽ đạt “đỉnh” vào năm 2030. Như lịch sử đã chỉ ra, lời hứa của chế độ này chưa bao giờ có giá trị.

Tuy nhiên, ĐCSTQ không đùa về việc tăng lượng khí thải: Bắc Kinh hiện đang đưa nhiều nhà máy nhiệt điện than vào hoạt động từ nay đến năm 2025 hơn tổng số nhà máy nhiệt điện than của Mỹ.

Theo báo cáo tóm tắt vào tháng 02/2021 của Global Energy Monitor, ĐCSTQ đã xây dựng lượng công suất điện than nhiều hơn gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại vào năm 2020. Và nước này đã sở hữu khoảng một nửa tổng công suất điện than của thế giới, theo báo cáo “Bùng nổ và đổ vỡ năm 2020: Theo dõi đường dẫn nhà máy điện than toàn cầu” của Global Energy Monitor.

Theo dữ liệu từ Dự án Carbon Toàn cầu, Trung Quốc đã thải ra lượng CO2 nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ. Lượng khí thải của nó đang tăng nhanh một cách chóng mặt ngay cả khi lượng khí thải của Mỹ và lượng khí thải từ các quốc gia phương Tây khác tiếp tục giảm.

Năm 2021, người Mỹ thải ra khoảng 5 tỷ tấn CO2, trong khi Trung Quốc thải ra khoảng 11,5 tỷ. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, ĐCSTQ có thể thải ra nhiều CO2 hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại trong một tương lai không xa.

Hãy thử nghĩ về điều này. Nếu một người thực sự lo ngại về lượng khí thải CO2 sẽ tạo ra “địa ngục khí hậu”, như các nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh “khí hậu” mới nhất của Liên Hợp Quốc ở Ai Cập mà tôi tham dự, thì họ sẽ hoảng sợ chứ không ăn mừng.

Di chuyển sản xuất

Một lần nữa, tất cả hoạt động sản xuất được chuyển ra khỏi phương Tây và tới Trung Quốc sẽ dẫn đến sự gia tăng trên quy mô lớn của lượng khí CO2 đi vào bầu khí quyển so với việc hoạt động sản xuất đó vẫn được duy trì ở Mỹ, Canada hoặc châu Âu.

Cho dù vậy, các chính phủ phương Tây, các nhà hoạt động khí hậu được tài trợ bởi thuế, các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc và các đồng minh truyền thông của họ đều đã ăn mừng và tiếp tục ăn mừng Thỏa thuận Paris và các diễn biến tiếp theo sau đó như một thành công to lớn trong việc cứu khí hậu.

Có lẽ ông Donald Trump đã biết được điều gì đó khi vào năm 2012, ông viết trên Twitter: “Khái niệm về sự nóng lên toàn cầu được tạo ra bởi và vì người Trung Quốc nhằm khiến ngành sản xuất của Mỹ trở nên kém cạnh tranh”.

Tất nhiên, đó chính xác là những gì đã xảy ra khi giá điện ngày càng được đẩy lên cao hơn theo thời gian. Năm 1975, giá điện trung bình khoảng 3 xu mỗi kilowatt giờ, giúp ngành công nghiệp Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đến năm 2010, một phần nhờ vào các chính sách của Obama, nó đã tăng gấp ba lần. Và đến năm 2021, nó đã đạt gần 15 xu.

Trong khi đó, giá điện ở Trung Quốc chỉ bằng một nửa.

Có nhiều lý do dẫn đến việc chuyển sản xuất từ Mỹ sang Trung Quốc - nhiều lý do trong số đó liên quan trực tiếp đến chính sách của Mỹ - nhưng một yếu tố quan trọng là chi phí năng lượng.

Vậy mà, giá năng lượng cao hơn đã được ông Obama công khai rêu rao như một mục tiêu chính sách. Như ông đã nói rõ trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với tờ San Francisco Chronicle, “theo kế hoạch của tôi… giá điện chắc chắn phải tăng vọt”.

Cuối năm đó, ông ấy cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi giá xăng tăng vọt lên khoảng 4 USD, chỉ nói rằng ông ấy “thích” “sự điều chỉnh dần dần”.

Đối mặt với chi phí lao động cao hơn và môi trường pháp lý khó khăn hơn, các công ty và doanh nhân Mỹ đã phải vật lộn để giữ hoạt động sản xuất lại Mỹ trong bối cảnh cơ chế thương mại toàn cầu bại hoại mang lại lợi ích cho ĐCSTQ bằng việc gây thiệt hại cho Mỹ.

Chi phí năng lượng tăng cao trong nhiều trường hợp đã đẩy các công ty đến bờ vực thẳm, buộc họ phải chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc hoặc đóng cửa trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Một lần nữa, nếu bạn thực sự tin rằng CO2 là nguồn ô nhiễm, thì kết quả tệ hại nhất có thể xảy ra sau các cuộc đàm phán về “khí hậu” sẽ là việc chuyển nhiều sản xuất hơn nữa sang Trung Quốc, nơi lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị sản xuất kinh tế cao hơn rất nhiều.

Cuộc chiến lố bịch vì khí hậu không phục vụ khí hậu mà phục vụ Trung Quốc
Ảnh chụp từ trên không cho thấy ô nhiễm phát ra từ các nhà máy thép ở Hán Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vào ngày 17/02/2018. (Ảnh: FRED DUFOUR / AFP qua Getty Images)

Nhưng đây chính xác là kết quả của chương trình “khí hậu” nổi tiếng của Liên Hợp Quốc.

Việc chuyển sang cái gọi là “năng lượng tái tạo” do chính quyền Biden và các nhà hoạch định chính sách liên bang thiết kế đang và sẽ tiếp tục đem lại lợi ích lớn cho ĐCSTQ - và không chỉ bởi vì nó sẽ đẩy giá cả lên cao hơn trong khi khiến lưới năng lượng của Mỹ bất ổn hơn.

Gần 80% pin mặt trời được sản xuất vào năm 2019 được sản xuất tại Trung Quốc, theo dữ liệu của Bloomberg. ĐCSTQ thống trị hoạt động sản xuất trong lĩnh vực năng lượng gió và cả ngành công nghiệp pin. Nó cũng kiểm soát chuỗi cung ứng nguyên liệu đất hiếm cần thiết để sản xuất tất cả các sản phẩm “năng lượng xanh” này.

Về phần mình, chính phủ Mỹ đang cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp do ĐCSTQ thống trị này, đồng thời buộc người Mỹ phải phụ thuộc vào chúng thông qua các quy định, mệnh lệnh, trợ cấp và các chính sách khác. Việc làm thế nào mà điều này được cho là giúp môi trường không bao giờ được làm rõ.

The Heritage Foundation đã đưa ra các con số trong một nghiên cứu năm 2016, phản ánh thảm họa kinh tế do kế hoạch Paris của ông Obama gây ra cho nước Mỹ, thứ mà ông tuyên bố là một “thỏa thuận hành pháp” và do đó không phải chịu sự phê chuẩn của Thượng viện theo yêu cầu của Hiến pháp.

Trong số các phát hiện, tổ chức tư vấn có khuynh hướng bảo thủ này cho biết các cam kết của ông Obama ở Paris sẽ làm tăng chi phí điện cho một gia đình bốn người từ 13 đến 20% hàng năm trong khi làm bốc hơi gần nửa triệu việc làm, trong đó có khoảng 200.000 việc làm trong ngành sản xuất.

Thiệt hại đó tương đương với khoảng 20.000 USD thu nhập bị mất đi đối với các gia đình Mỹ vào năm 2035 và mức giảm GDP hơn 2,5 nghìn tỷ USD.

Đối tượng hưởng lợi?

Đối tượng nào được lợi từ tất cả những điều này? Chắc chắn không phải là “khí hậu”. Một lần nữa, di dời ngành công nghiệp Mỹ đến Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều CO2 hơn trong khí quyển chứ không phải ít hơn. Và trong mọi trường hợp, dựa trên các “mô hình” của chính Liên Hợp Quốc, việc loại bỏ hoàn toàn tất cả lượng khí thải CO2 của Mỹ sẽ hầu như không làm giảm nhiệt độ toàn cầu.

Theo một bài báo đã được đồng nghiệp đánh giá của Tiến sĩ Bjorn Lomborg đăng trên tạp chí Chính sách Toàn cầu, ngay cả khi tất cả các cam kết quan trọng được đưa ra ở Paris được thực hiện, nhiệt độ toàn cầu sẽ chỉ mát hơn 0,05 độ C (0,086 độ F) vào năm 2100 - tương đương với một lỗi làm tròn thống kê không đáng kể.

Tất nhiên, người chiến thắng lớn là ĐCSTQ, kẻ đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc tiếp nhận các nhà máy, công việc và hoạt động sản xuất của cải mà Mỹ và các chính quyền phương Tây khác đang đóng cửa để “cứu khí hậu”.

Điều này dường như là có chủ ý, như các tuyên bố của các quan chức hàng đầu trong chính quyền Obama và Liên Hợp Quốc đã làm rõ.

“Sa hoàng khoa học” John Holdren của ông Obama đã công khai ủng hộ việc phi công nghiệp hóa Mỹ trong cuốn sách “Sinh thái học con người” năm 1973 của ông.

“Một chiến dịch lớn phải được phát động để khôi phục môi trường chất lượng cao ở Bắc Mỹ và đảo ngược sự phát triển của Mỹ”, ông Holdren và các đồng tác giả của ông viết. “Đảo ngược sự phát triển có nghĩa là khiến hệ thống kinh tế của chúng ta (đặc biệt là các mô hình tiêu dùng) trở nên phù hợp với thực tế của hệ sinh thái”.

Sau đó, hãy xem xét những bình luận có vẻ kỳ lạ của bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành của Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ về Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Phát biểu với Bloomberg vài tháng sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự ngưỡng mộ đáng lo ngại đối với ĐCSTQ, bà Figueres tuyên bố rằng chế độ ở Bắc Kinh - vốn chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba sản lượng CO2 toàn cầu – đang “thực hiện đúng đắn” đối với chính sách khí hậu.

Trong các bình luận riêng biệt khi thúc đẩy các chính sách khí hậu lớn, bà Figueres cũng gợi ý rằng mục tiêu của chính sách “khí hậu” thực sự là chuyển đổi kinh tế.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đặt ra cho mình nhiệm vụ một cách cố ý, trong một khoảng thời gian xác định, nhằm thay đổi mô hình phát triển kinh tế đã thống trị ít nhất 150 năm, kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp”, bà ấy nói vào ngày 04/02/2015.

Năm năm trước những bình luận đó, một trong những quan chức hàng đầu của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ông Ottmar Edenhofer, đã tiết lộ một kế hoạch tương tự trong các bình luận cho NZZ Online của Đức.

“Người ta phải nói rõ ràng rằng chúng ta phân phối lại sự giàu có của thế giới trên thực tế bằng chính sách khí hậu", ông nói. “Người ta phải thoát khỏi ảo tưởng rằng chính sách khí hậu quốc tế là chính sách môi trường. Điều này hầu như không còn liên quan gì đến chính sách môi trường nữa”.

Phân phối lại của cải? Thay đổi mô hình kinh tế của thế giới? Đảo ngược sự phát triển của Mỹ? Trong khi đó, người Mỹ đang được rêu rao rằng đây là về việc “cứu khí hậu”.

Cuộc chiến lố bịch vì khí hậu không phục vụ khí hậu mà phục vụ Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc vào ngày 24/09/2019 tại Thành phố New York, Mỹ. Các nhà lãnh đạo thế giới từ khắp nơi trên thế giới đang tập trung tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh xuất hiện các cuộc khủng hoảng từ biến đổi khí hậu đến xung đột có thể xảy ra giữa Iran và Mỹ. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Cũng nên nhớ rằng khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi hiệp định Paris, những nhà báo động về khí hậu trên khắp thế giới đã tuyên bố rằng Bắc Kinh là “nhà lãnh đạo” toàn cầu mới trong nỗ lực cứu vãn khí hậu - vẫn chính là chế độ chịu trách nhiệm đối với lượng khí thải CO2 nhiều nhất, đang xây dựng nhà máy điện than nhanh hơn mức chúng ta có thể đếm được, và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lượng khí thải CO2 cho đến năm 2030.

Nếu đây thực sự là về việc cứu khí hậu khỏi CO2, thì làm sao ĐCSTQ có thể trở thành nhà lãnh đạo mới? Nó quá là phi lý.

Bất chấp tất cả những điều này, chính quyền Biden vẫn tiếp tục tăng cường “hợp tác” về “hành động vì khí hậu” và Thỏa thuận Paris với Bắc Kinh, điều chắc chắn đã gây ra sự thích thú và vui mừng giữa các thành viên trong Bộ Chính trị của ĐCSTQ.

Không chỉ Trung Quốc được hưởng lợi. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của Quốc hội đã phát hiện ra rằng các nhóm lợi ích năng lượng của Nga do nhà nước hậu thuẫn đang tài trợ cho các nhóm “xanh” của Mỹ, nhằm chống lại ngành năng lượng của Mỹ, thông qua một công ty vỏ bọc ở Bermuda có tên là Klein Ltd.

Chế độ ở Venezuela cũng vậy, đang kiếm được rất nhiều tiền khi chính quyền Biden phá hoại ngành năng lượng của Mỹ và cầu xin chế độ độc tài Maduro gửi dầu đến Mỹ.

Để cho rõ ràng, tôi không ghen tị về lượng khí thải CO2 của Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học đã nói với tôi rằng có nhiều “chất khí của sự sống” này hơn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh và nhân loại.

Giáo sư vật lý đã nghỉ hưu của Princeton, Tiến sĩ William Happer, người từng là cố vấn khí hậu của ông Trump, đã nói với tôi nhiều năm trước tại một hội nghị về khí hậu rằng hành tinh này cần nhiều CO2 hơn và thực vật được thiết kế để sống trong bầu khí quyển có nhiều CO2 hơn một chút so với lượng CO2 mà hành tinh hiện có.

Thêm vào đó, lượng khí thải CO2 do con người thải ra chỉ chiếm một phần nhỏ trong 1% của tất cả cái gọi là “khí nhà kính” hiện diện tự nhiên trong khí quyển.

Tóm lại, nếu một người thực sự tin rằng CO2 có hại cho khí hậu, thì việc di dời sản xuất và ngành công nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc là cách tồi tệ nhất có thể để giải quyết vấn đề đó. Theo tư duy logic, các nhà hoạch định chính sách ủng hộ điều này hẳn phải có một động cơ được giấu kín.

Tất nhiên, ĐCSTQ yêu thích thỏa thuận Paris: Họ không làm gì ngoài việc xây dựng thêm các nhà máy điện than để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và các nhà máy bỏ trốn khỏi Mỹ để đến Trung Quốc khi chính phủ Mỹ buộc chính nước mình phải tự sát về kinh tế.

Đây cũng không chỉ là vấn đề kinh tế hay “khí hậu”. Khi Mỹ đang “đảo ngược sự phát triển”, sự tàn phá kinh tế tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Rõ ràng là một quân đội mạnh không thể được tài trợ nếu không có một nền kinh tế mạnh.

Đã đến lúc các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ chấm dứt các chính sách “khí hậu” của chính quyền. Chúng không làm gì khác ngoài việc tăng lượng khí thải CO2 của ĐCSTQ và gây hại cho Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Alex Newman là cộng tác viên tự do của The Epoch Times. Ông là nhà báo quốc tế từng đạt giải thưởng, nhà giáo dục, tác giả và nhà tư vấn, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội ác của các nhà giáo dục: Cách những người theo chủ nghĩa không tưởng đang sử dụng trường học của chính phủ để hủy hoại trẻ em nước Mỹ”. Ông viết bài cho nhiều ấn phẩm ở Mỹ và các nước khác.



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến lố bịch vì khí hậu không phục vụ khí hậu mà phục vụ Trung Quốc