Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một làn sóng phản đối vừa mới xuất hiện nhưng đã rất mạnh mẽ từ những người bảo thủ chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ. Đối với họ, văn hóa thức tỉnh thực ra chỉ là những mánh lới quảng cáo, những lời thổi phồng về thành quả đạt được, những tuyên bố sai lầm về hiệu quả đầu tư và làm suy yếu xã hội dân sự. Trong khi đó, văn hóa thức tỉnh đang được ủng hộ bởi những ông lớn trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là BlackRock, và đang đạt được những kết quả bùng nổ.

Văn hóa thức tỉnh bùng nổ trong doanh nghiệp Mỹ

Những chính sách thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ bao gồm sự ủng hộ cho phong trào LGBTQ, văn hóa tẩy chay (tẩy chay một đối tượng nào đó do những vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính,...), công lý xã hội, sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên, và những vấn đề xã hội không liên quan tới kinh doanh khác. Văn hóa thức tỉnh đang bùng nổ trong những năm gần đây và là nguồn gốc của nhiều vấn đề trong doanh nghiệp Mỹ và châu Âu hiện nay.

Các doanh nghiệp quảng cáo rằng họ đang ủng hộ cho các dự án xanh, dự án vì cộng đồng, môi trường và xã hội để có ưu đãi trong tiếp cận vốn, xếp hạng doanh nghiệp, nhận được sự ủng hộ của khách hàng và đánh bóng tên tuổi. Đó đã trở thành một mánh khóe kinh doanh. Phong trào thức tỉnh ở doanh nghiệp thúc đẩy sự suy thoái đạo đức, sự đạo đức giả, những lời nói dối trầm trọng….

Thuật ngữ 'tẩy xanh' dùng để chỉ việc các công ty đưa ra các tuyên bố sai lệch về thành quả bảo vệ môi trường, nhằm mục đích đánh lừa chính quyền, nhà đầu tư, khách hàng… Đây đã trở thành một vấn đề nóng hổi trong giới đầu tư, với nhiều vụ bê bối được phơi bày. Vào hôm thứ 3 (31/05), cảnh sát Đức đã khám xét bất ngờ văn phòng của DWS, một nhà quản lý tài sản toàn cầu, cùng với Deutsche Bank - ngân hàng sở hữu đa số cổ phần của DWS - nhằm phục vụ cho việc điều tra các cáo buộc tẩy xanh đối với DWS. BaFin, cơ quan quản lý của Đức, đã tiến hành điều tra DWS, sau khi cơ quan quản lý của Mỹ - Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) - bắt đầu cuộc điều tra DWS vào năm ngoái. Ông Desiree Fixler, cựu Giám đốc ESG của DWS (các tiêu chuẩn đánh giá mức độ thức tỉnh của doanh nghiệp) đã tố cáo nhà quản lý tài sản này lừa dối khách hàng về mức độ bền vững trong các khoản đầu tư của công ty.

Một cuộc điều tra được thực hiện bởi Financial Times vào tháng 07/2021 phát hiện ra rằng, một số quỹ đầu tư ủng hộ ESG với những lời tuyên bố mạnh mẽ về nhân quyền đang đầu tư tiền cho các chế độ điển hình về vi phạm nhân quyền như Belarus, Trung Quốc, Nga, Ảrập Xêút…

Làn sóng chống văn hóa tỉnh thức trong doanh nghiệp Mỹ

Cách đây 8 năm, CEO của Apple là Tim Cook đã tức giận tuyên bố công khai rằng ông Danhof, một nhà đầu tư ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ, không cần phải đầu tư vào Apple. Justin Danhof, nhà đầu tư vừa được nhắc đến, đã xuất hiện tại cuộc họp cổ đông thường niên của công ty để chất vấn ông Cook về việc ủng hộ chương trình nghị sự xanh.

Ông Danhof đã không bán cổ phần tại Apple, nhưng đề xuất của ông chống lại chương trình nghị sự xanh đã thất bại. Năm 2014, những nỗ lực của ông Danhof là những nỗ lực đơn độc.

Ngày nay, Danhof không còn đơn độc. Có một làn sóng phản ứng dữ dội đang gia tăng tuy mới manh nha hình thành chống lại việc giới doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng tỉnh thức. Có thể thấy được điều đó ở số lượng kỷ lục các đề xuất của các cổ đông bảo thủ được đệ trình lên các công ty trong mùa họp công ty thường niên năm nay — khoảng 48 đề xuất vào cuối tháng 4. Tuy nhiên con đường họ đi sẽ không dễ dàng, khi mà cũng có một số lượng kỷ lục các đề xuất cấp tiến, gấp 10 lần số đề xuất bảo thủ - hơn 500 đề xuất. RealClearInvestigations (RCI) đã lấy dữ liệu trên từ Viện Đầu tư Bền vững, đồng xuất bản của báo cáo Đánh giá Ủy nhiệm (Proxy Preview) (proxy chỉ việc cổ đông bầu ra người thay mặt cho mình tại công ty) hàng năm.

Các đề xuất của cổ đông chỉ là một mặt trận trong chiến dịch chống lại văn hóa thức tỉnh ở các công ty. Đây là một mặt trận đặc biệt rõ ràng ở cấp tiểu bang và đang ngày càng gia tăng ở Washington, với khả năng quyền kiểm soát Quốc hội sẽ chuyển sang Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào mùa thu này. Một sự minh họa cho điều đó trong năm nay là cơn thịnh nộ đã nổ ra khi Disney - vốn theo khuynh hướng cấp tiến - công khai phản đối luật của Florida cấm các trường công dạy những trẻ em còn rất ít tuổi về khuynh hướng tình dục. Đáp lại, Thống đốc Đảng Cộng hòa Ron DeSantis đã xúc tiến việc hủy bỏ quy chế pháp lý đối với tư cách thuế đặc biệt đã có từ lâu của Disney World.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1)
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại The Rosen Shingle Creek ở Orlando, Florida, vào ngày 24/02/2022. (Ảnh: Joe Raedle / Getty Images)

Ở những nơi khác, theo New Private Markets, một công ty tập trung vào đầu tư bền vững, các nhà lập pháp và tổng chưởng lý của Đảng Cộng hòa ở một số bang gần đây đã tiến hành điều tra hoặc đưa ra các dự luật phản đối việc áp dụng rộng rãi thứ đang làm biến đổi sâu sắc chủ nghĩa tư bản: ESG, viết tắt của Môi trường, Xã hội, và Quản trị. Đây là cách tiếp cận đang ngày càng được Wall Street thúc đẩy và được các cơ quan quản lý ủng hộ để đánh giá các công ty dựa trên sự cống hiến nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường và xã hội, vượt ra ngoài mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông.

Động thái của chính quyền tiểu bang chống lại văn hóa thức tỉnh

Cơ quan kiểm soát của Texas đã gây sức ép tới hơn 100 công ty tài chính — bao gồm gã khổng lồ quản lý tài sản và đi đầu ủng hộ ESG là BlackRock, công ty cổ phần tư nhân (chỉ cổ phần của các công ty trách nhiệm hữu hạn không được niêm yết đại chúng) đầy quyền lực Blackstone và ngân hàng đầu tư hàng đầu JPMorgan Chase — về việc liệu họ có tham gia vào một cuộc “tẩy chay” các công ty năng lượng. Điều này có thể sẽ ngăn cản các tổ chức chính quyền Texas cùng tham gia đầu tư với các công ty tài chính này.

Các quan chức Utah đã gửi một lá thư tới công ty xếp hạng tín dụng S&P phản đối việc công bố điểm ESG của tiểu bang như một phần của xếp hạng tín dụng. Các quan chức Utah cho rằng đây là sự "chính trị hóa quy trình xếp hạng" và có thể "tác động không công bằng và bất lợi" đến thị trường trái phiếu của Utah.

Thượng viện của Idaho đã thông qua luật cấm các tổ chức đầu tư công như các quỹ lương hưu ưu tiên ESG hơn các vấn đề thiên về kinh tế hơn. Hạ viện của tiểu bang này đã ban hành luật cấm tẩy chay đầu tư đối với các ngành thường được những người ủng hộ ESG nhắm tới, chẳng hạn như năng lượng và khai thác mỏ.

Thượng viện của Wyoming đã đưa ra một dự luật cấm các tổ chức tài chính phân biệt đối xử dựa trên các chỉ số ESG, mặc dù ủy ban đã chấm dứt việc phê chuẩn dự luật. Hai tiểu bang West Virginia và Kansas được cho là đã đưa ra những luật tương tự.

Hội đồng Đầu tư Kho bạc của tiểu bang West Virginia đã rút tiền từ BlackRock, công ty có ảnh hưởng lớn đến hàng tỷ USD trong quỹ hưu trí công và các khoản đầu tư khác.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1)
Biểu tượng giao dịch của BlackRock tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở New York vào ngày 14/07/2017. (Ảnh: Bryan R. Smith / AFP qua Getty Images)

Như một hoạt động chống độc quyền, Các tiểu bang cũng đang công kích ESG. Bộ trưởng Tư pháp Arizona Mark Brnovich cho biết văn phòng của ông đang điều tra "hành vi thao túng thị trường bất hợp pháp" khi các công ty liên kết với nhau "để buộc các công ty phải đóng cửa các nhà máy than và khí đốt tự nhiên." Ông Brnovich đã nói: “Các quỹ hưu trí của bạn có khả năng đang tạo điều kiện cho các chiến dịch chính trị nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính sách cánh tả cực đoan, trong khi người tiêu dùng phải chịu đựng tổn thất do giá năng lượng tăng lên”.

Tổng cộng, Viện Heartland, tổ chức theo khuynh hướng bảo thủ, cho biết họ đã xác định, đề xuất hoặc giúp thông qua các dự luật chống ESG ở 24 tiểu bang.

Một sự thúc đẩy lập pháp khác đến từ Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ (ALEC), một tổ chức theo định hướng thị trường tự do. ALEC đã đề xuất rằng các tiểu bang nên ban hành đạo luật để bảo vệ những người hưu trí “khỏi các chiến lược đầu tư có định hướng chính trị”.

Trong một cuộc phỏng vấn với RCI, nhà kinh tế trưởng và là Phó chủ tịch điều hành chính sách của ALEC, ông Jonathan Williams, cho biết luật này được đưa ra nhằm đối phó với những lo ngại về vấn đề chính trị của các công ty. Đây là điều mà tổ chức của ông tin rằng phải bị cách ly khỏi hệ thống lương hưu công.

Tính độc tài của văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp

Làn sóng phản ứng dữ dội chống lại văn hóa thức tỉnh xảy ra nhằm đối phó lại sự gia tăng kéo dài trong nhiều năm của chủ nghĩa cấp tiến trong các doanh nghiệp Mỹ. Điều này có liên quan đến các vấn đề từ súng ống và phá thai đến nhập cư, tính liêm chính trong bầu cử và công lý hình sự. Các công ty đã phải khuất phục trước những luồng tư tưởng thịnh hành, chẳng hạn bằng cách cam kết giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng “sự đa dạng, công bằng và hòa nhập” trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên, hoặc đánh giá lương của giám đốc điều hành theo hiệu quả ESG. Một cuộc khảo sát từ công ty tư vấn KPMG cho thấy 82% các tập đoàn lớn của Mỹ dành chỗ trong hồ sơ pháp lý để chứng minh thiện chí ESG của họ.

Tư tưởng thức tỉnh đã được kích động bởi sự hoảng sợ của những người cánh tả theo chủ nghĩa tự do tại cuộc bầu cử năm 2016 của Donald Trump. Cựu Tổng thống Trump là một ông trùm kinh doanh theo đường lối cũ và là người hoài nghi về biến đổi khí hậu. Bước ngoặt đã đến vào năm 2019, khi Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh, một tổ chức nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng, xác định lại mục đích hoạt động của một công ty, đề cao “các bên liên quan” trong xã hội nói chung, vốn là một khái niệm khó xác định, hơn các cổ đông truyền thống. Hơn 180 người ký cam kết “thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập” trong lực lượng lao động của công ty họ, và “bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các biện pháp bền vững”. Vào năm 2020, vụ giết George Floyd, bị gây ra bởi một cảnh sát da trắng, đã tạo ra một làn sóng khổng lồ từ các công ty ủng hộ cho “công lý chủng tộc”, với khoản tiền tài trợ khoảng 50 tỷ USD và đã thúc đẩy các sáng kiến ​​liên quan.

Ông Stephen Soukup, một nhà tư vấn lâu năm cho cộng đồng của các tổ chức đầu tư và là tác giả của cuốn sách năm 2021, “Chế độ độc tài của tư bản thức tỉnh”, nói với RCI rằng các tập đoàn phải đối mặt với áp lực phải thức tỉnh từ “dưới lên”, “từ trên xuống” và “từ bên ngoài vào”.

“Khi hệ thống giáo dục đại học của Mỹ đã trải qua quá trình thức tỉnh", ông Soukup nói, "đã có một sự thay đổi đáng kể trong niềm tin của giới tinh hoa, những người vừa là các nhà quản lý, giám đốc điều hành và là các nhân viên của một số công ty nổi tiếng”.

Những lập luận chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp

Trong số những người phản ứng dữ dội chống lại “tư bản thức tỉnh” hoặc “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan”, ông Soukup đã kể ra ông Vivek Ramaswamy, một nhà hoạt động và là một tác giả. Ông Ramaswamy trước đây là một doanh nhân. Ngoài ra còn có các nhà báo như Rupert Darwall và Andrew Stuttaford; các học giả như Richard Morrison của Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh theo chủ nghĩa tự do. Christopher Rufo của Viện thị trường tự do Manhattan cũng là một nhà phê bình khác, thường viện dẫn các tài liệu nội bộ của công ty cho thấy tư tưởng tiến bộ về “chống phân biệt chủng tộc” và nhận dạng giới tính thể hiện ra như thế nào trong các tập đoàn lớn, với ví dụ gần đây là Walt Disney.

Có rất nhiều những lời chỉ trích đối với văn hóa thức tỉnh. Một trong số đó chỉ ra rằng một nơi làm việc mang tính chính trị sẽ làm suy yếu xã hội dân sự. Ông Ramaswamy, tác giả của cuốn sách năm 2021 “Công ty thức tỉnh” (Woke, Inc.) lập luận rằng “không gian phi chính trị” là “điều kiện cần thiết cho sự liên kết xã hội trong một chính thể bị chia rẽ như của chúng ta”. Ông Stuttaford viết rằng ESG là “một công cụ to lớn để thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị mà không cần phải trải qua quá trình bầu cử”.

Một ý kiến ​​khác cho rằng ESG là một mánh lới quảng cáo đắt tiền. Ông Soukup cho biết cộng đồng tài chính có thể tiếp cận các quỹ ETF (các quỹ mà cổ phần có thể được mua bán trên thị trường chứng khoán), “gắn thương hiệu của chúng với ESG, sau đó tính phí quản lý gấp đôi hoặc gấp ba, và sẽ thu hút mọi người mua vào liên tục [chỉ việc mua cổ phiếu của công ty đó]”.

Một quan điểm khác có liên quan chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của ESG bị phóng đại quá mức — một lập luận được Hiệp hội Chứng khoán Mỹ phân tích chi tiết cho các cơ quan quản lý. Hiệp hội Chứng khoán Mỹ là một tổ chức tự cho mình là “Tiếng nói Mỹ của các nhà đầu tư Main Street” (Main Street ám chỉ các khu phố lớn, các nhà đầu tư của tổ chức này thường nhỏ hơn các nhà đầu tư ở Wall Street).

Ông Soukup thách thức tuyên bố của những người ủng hộ ESG rằng "làm tốt bằng cách làm những việc tốt”. Ông nói với RCI rằng thông thường bất kỳ sự thành quả vượt mức trung bình nào của các quỹ ESG “được tạo ra bởi những lý do khác ngoài ESG. Thành công được tạo ra đơn giản vì đó là những công ty tốt. Ví dụ: nếu bạn mua cổ phiếu của Apple, cổ phiếu Apple tăng giá không phải vì ESG, mà vì đó là Apple".

CEO Larry Fink của BlackRock: Người đi đầu phong trào thức tỉnh trong doanh nghiệp

Đối với ông Soukup và những người chỉ trích tư bản thức tỉnh khác, có một người đàn ông đã được cho là điển hình của phong trào thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ đồng thời là người chịu trách nhiệm đặc biệt về nó. Đó chính là Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Trong một loạt các bức thư hàng năm gửi cho các giám đốc điều hành của các công ty mà BlackRock đầu tư và trong thư từ với khách hàng, ông Fink đã cho thấy rõ tầm nhìn của mình. Ông Fink nói với các CEO rằng “mọi công ty phải… thể hiện cách nó đóng góp tích cực cho xã hội”, lưu ý rằng “xã hội đang ngày càng trông cậy vào các công ty, cả nhà nước và tư nhân, trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế cấp bách”. Ông nhấn mạnh rằng “mọi chính quyền, công ty và cổ đông đều phải đương đầu với biến đổi khí hậu”, kêu gọi tăng cường công bố thông tin về “tính bền vững” để đạt được “chủ nghĩa tư bản bền vững và bao trùm hơn” thay mặt cho “tất cả các bên liên quan”.

Đối với các khách hàng của Blackrock, ông Fink đã nói rằng “tính bền vững nên là tiêu chuẩn đầu tư mới của chúng ta” và công ty “cam kết ủng hộ mục tiêu đạt được phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn”. Ông Fink gần đây đã tuyên bố rằng “Vấn đề… không còn là liệu quá trình chuyển đổi hướng đến phát thải ròng bằng không có xảy ra hay không mà là làm thế nào…”.

BlackRock ủng hộ những tuyên bố của mình bằng cách tận dụng sức mạnh to lớn của công ty để thúc đẩy hành động. Với 10 nghìn tỷ USD được quản lý, BlackRock là một trong ba cổ đông hàng đầu, cùng với các nhà quản lý tài sản có cùng chí hướng là Vanguard và State Street, tại hơn 80% các công ty trong S&P 500. Ba công ty quản lý tài sản này quản lý hơn 20 nghìn tỷ USD — tương đương mức GDP hàng năm của Mỹ — đồng sở hữu khoảng 22% các công ty S&P 500 bình thường. Bất cứ ai đều có thể sở hữu cổ phiếu của một hoặc một số quỹ ETF iShares của BlackRock, hoặc liên quan tới công ty này trong chương trình hưu trí — điều đó có nghĩa họ có thể đang ủng hộ chương trình nghị sự của công ty này hoặc chương trình nghị sự của các công ty mà nó ảnh hưởng.

Cuộc chiến thức tỉnh tại đại hội đồng cổ đông

Đứng đằng sau một lượng lớn các đề xuất theo khuynh hướng bảo thủ của cổ đông là Dự án Doanh nghiệp Tự do do ông Danhof dẫn dắt trước đây, thuộc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách Công, kết hợp cùng với Dự án Trách nhiệm Doanh nghiệp của Trung tâm Chính sách và Pháp lý Quốc gia. Các nhà hoạt động này cạnh tranh để giành ảnh hưởng đến các công ty chống lại hàng chục đối thủ ủng hộ ESG, bao gồm cả các công ty đầu tư nhỏ hơn như Domini Impact, công ty tự mô tả là do phụ nữ lãnh đạo; Walden Asset Management và Trillium Asset Management (2 công ty quản lý tài sản); quỹ hưu trí của các tiểu bang ủng hộ cánh tả như New York hay các quỹ CalPERS và CalSTRS của California; và các tổ chức phi lợi nhuận như As You Sow và Ceres. (Bản thân BlackRock cũng đã phải đối mặt với áp lực từ một số tổ chức này)

Các đề xuất được đưa ra trong mùa ủy nhiệm này (thời điểm các công ty họp đại hội đồng cổ đông, khoảng từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6) bao gồm:

Trillium kêu gọi các Nhà hàng BJ công khai lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính và theo đuổi mục tiêu cắt giảm “để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn”.

As You Sow kêu gọi công ty vật liệu xây dựng Martin Marietta công khai “kế hoạch thúc đẩy công bằng chủng tộc”.

Arjuna Capital kêu gọi Alphabet, công ty mẹ của Google, cung cấp báo cáo hàng năm về những nỗ lực của công ty nhằm đảm bảo hội đồng quản trị “có sự đại diện về chủng tộc và giới tính… phù hợp hơn với nhân khẩu học của khách hàng và / hoặc các khu vực mà công ty hoạt động”.

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1)
Biểu trưng của Google trang trí bên ngoài tòa nhà văn phòng của họ ở New York, vào ngày 03/06/2019. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Các nhà quản lý tài sản lớn như BlackRock có thể tiến hành bỏ phiếu về những đề xuất này, thay mặt hàng triệu người về hưu và các khách hàng khác, những người giao phó tiền tiết kiệm cho các công ty đó. Trong lịch sử, thường thì các nhà quản lý tài sản bỏ phiếu trắng. Nhưng vào năm 2018, phù hợp với thông điệp của ông Fink, BlackRock đã cập nhật hướng dẫn bỏ phiếu ủy nhiệm, cho thấy rằng BlackRock sẽ gia tăng bỏ phiếu theo ý muốn của nó.

Như Wall Street Journal đã đưa tin, trong mùa ủy nhiệm năm 2020, BlackRock đã bỏ phiếu về hơn 1.000 đề xuất, ủng hộ 6% đề xuất về môi trường, 7% về xã hội và 17% về quản trị.

Năm đó, ông Fink cảnh báo các CEO rằng BlackRock sẽ “ngày càng hướng tới bỏ phiếu chống lại ban giám đốc và hội đồng quản trị khi các công ty không có đủ tiến bộ trong việc công khai thông tin liên quan đến tính bền vững cũng như các biện pháp và kế hoạch kinh doanh dựa trên những thông tin này”. BlackRock bỏ phiếu chống - hoặc bỏ phiếu trắng - đối với các đề xuất bầu lại các giám đốc cá nhân với số lần kỷ lục là 5.450 lần.

Kết quả của những nỗ lực thức tỉnh của BlackRock

Vào năm 2021, BlackRock thực hiện một trong những lần bỏ phiếu được coi là có ảnh hưởng nhất. Nhà đầu tư hoạt động (nhà đầu tư tìm cách ảnh hưởng đến công ty) Engine No.1, chủ sở hữu 0,02% cổ phần của Exxon Mobil, đã đề cử một số giám đốc vào hội đồng quản trị của gã khổng lồ năng lượng trong nỗ lực nhằm giúp công ty giảm lượng khí thải carbon. Được cho là đã chi cho cuộc chiến ủy nhiệm với Exxon một số tiền chỉ tương đương với giá trị cổ phần mà nó nắm giữ, quỹ này đã giành được ba ghế trong hội đồng quản trị 12 thành viên. Nó đã thành công mặc dù có vị thế nhỏ vì nó đã giành được sự ủng hộ của ba cổ đông lớn nhất của Exxon: BlackRock, Vanguard và State Street. BlackRock đã viết: “Chúng tôi tin rằng cần phải thực hiện nhiều điều hơn nữa trong chiến lược dài hạn của Exxon cũng như các hành động ngắn hạn liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng để giảm thiểu tác động của rủi ro khí hậu đối với giá trị dài hạn của cổ đông”. Ông Ramaswamy trong một bài xã luận đã chỉ trích BlackRock rằng Giám đốc điều hành của Engine No.1 trước đây từng là nhân viên lâu năm của BlackRock.

Ngoài việc lợi dụng quyền lực của mình với tư cách là một nhà đầu tư, BlackRock cũng có thể tác động đến các công ty thông qua việc thoái vốn. Trong thư gửi khách hàng năm 2020, ông Fink lưu ý BlackRock sẽ kết hợp rủi ro ESG vào quy trình đầu tư tích cực của mình, "với sự nghiêm ngặt tương tự" như các thước đo điển hình như rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Nhất quán với tư tưởng đó, ông Fink thông báo rằng đã loại bỏ các khoản đầu tư vào “các lĩnh vực có rủi ro ESG cao, chẳng hạn như các nhà sản xuất hệ thống vũ khí gây tranh cãi”. Ông cũng nói rằng BlackRock sẽ loại bỏ các khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD trong danh mục đầu tư tích cực, vốn đang tạo ra doanh thu đáng kể từ sản xuất than nhiệt.

Bức thư gửi khách hàng đó cũng chỉ ra một cách khác mà ông Fink có thể tác động đến thị trường: BlackRock thông báo họ sẽ tăng gấp đôi các ETF theo hướng ESG trong những năm tới lên con số 150. Các đối thủ sẽ theo chân BlackRock, tính thêm phí đối với các nhà đầu tư.

Dấu ấn của BlackRock đối với ngành tài chính có thể được quan sát thấy trong sự gia tăng các sản phẩm ESG từ các nhà quản lý tài sản khác, trong sự bùng nổ của các nhà nghiên cứu và người đánh giá ESG, và trong định hướng ủng hộ ESG của các công ty tư vấn ủy nhiệm — hai trong số các công ty đó thống trị thị trường về việc tiến hành thẩm định và hướng dẫn các nhà đầu tư cách bỏ phiếu cho người được họ ủy quyền.

Tổ chức phi lợi nhuận As You Sow lưu ý — với sự sự chứng thực của BlackRock — rằng hơn 18 nghìn tỷ USD hay một phần ba các quỹ được quản lý chuyên nghiệp hiện được đầu tư bằng cách sử dụng ESG và các tiêu chí liên quan. Tổng tài sản của các khoản đầu tư bền vững đã tăng gấp 25 lần kể từ năm 1995. Hiện có khoảng 2,7 nghìn tỷ USD tài sản được quản lý trong hơn 2.900 quỹ ESG và mỗi năm đều chứng kiến ​​những kỷ lục mới của dòng tiền chảy vào lĩnh vực này. Những kết quả này có thể được coi là minh chứng cho những nỗ lực của BlackRock.

Mời độc giả đọc: Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 2).

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến cam go chống lại văn hóa thức tỉnh trong doanh nghiệp Mỹ (Phần 1)