Dự báo giá dầu thô giảm nhẹ 2023: EIA và các siêu định chế tài chính đang 'lạc quan tếu'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

EIA và các siêu định chế tài chính toàn cầu đều dự báo giá dầu thô sẽ giảm nhẹ 2023, nhưng các tổ chức này dường như quá lạc quan, họ bỏ qua rất nhiều yếu tố bất định trong dự báo: Trung Quốc, xung đột địa chính trị, dự trữ dầu thô cạn kiện ở Mỹ, EU... Liệu dự báo giá dầu thô 2023 có đang "lạc quan tếu" như dự báo lạm phát là tạm thời và trong tầm kiểm soát của Mỹ hồi năm 2021 không?

Giá dầu thô đã tăng vọt vào năm 2022, giá dầu Brent tăng lên mức 124-126 USD/thùng vào tháng 3/2023 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.

Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các đợt phong toả gần đây của Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn đã khiến giá dầu giảm hơn 23% trong sáu tháng qua.

Giá dầu thô giảm 23% trong 7 tháng qua đã giúp lạm phát của Mỹ giảm liên tục trong 6 tháng, lạm phát hàng năm giảm từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 7,1% vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, mức lạm phát lõi của Mỹ (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) vẫn rất cao và mức giảm chậm hơn nhiều so với mức giảm của lạm phát chung hàng năm, từ 6,6% ở mức đỉnh (9/2022) xuống còn 6% vào tháng 11/2022.

Dự báo lạc quan

Vào đầu tháng 12/2022, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu Brent cho cả năm 2022 và 2023 trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) mới nhất được công bố vào thứ Ba (7/12/2022). Trong báo cáo này, EIA dự báo dầu Brent giao ngay trung bình là 101,48 USD/thùng trong năm nay 2022 và giá sẽ giảm xuống chỉ còn 92,36 USD/thùng trong năm 2023.

Cho tới ngày 24/12, hầu hết các siêu định chế tài chính toàn cầu đều dự báo giá dầu năm 2023 là "thị trường con gấu", một thuật ngữ kinh tế ngụ ý thị trường lao dốc, giá dầu giảm nhẹ, bao gồm Citibank, JP Morgan..., theo một bài báo đăng trên Yahoo News.

Lý do đưa ra là nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng cao hơn cầu về dầu thô năm 2022. Cầu tăng do có thêm nguồn cung từ các nền kinh tế như Venezuala, Brazil, Hoa Kỳ, Canada,...

Một giá dầu thấp hơn, ổn định hơn có vẻ là niềm hy vọng cho Mỹ cũng như toàn cầu khi có thể "nắm đằng chuôi", một cách vững chắc hơn, trong cuộc chiến với lạm phát đang bùng phát như đám cháy rừng.

Quan trọng hơn, dự báo lạc quan về giá dầu có thể tác động tới quyết định chính sách tiền tệ của của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed): giảm tốc độ tăng lãi suất điều hành, một chính sách tiền tệ ít diều hâu hơn là điều các định chế tài chính và thị trường tài sản đều mong đợi. Nếu không, khủng hoảng và đổ vỡ các thị trường tài sản có thể thực sự diễn ra khi các nhà đầu tư không chịu nổi gánh nặng chi phí lãi suất do đã chót đầu tư quá mức bằng vốn vay.

Dù vậy, có quá nhiều yếu tố bất định mà các dự báo trên đã "quên" không đề cập tới về cung - cầu dầu thô toàn cầu 2023.

Ẩn số Trung Quốc

Cuộc cách mạng giấy trắng đã diễn ra khắp Trung Quốc để phản đối 'zero-Covid'. Bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng suy giảm, vỡ nợ thị trường bất động sản, nguồn thu ngân sách cạn kiệt... đã buộc Trung Quốc phải từ bỏ 'zero - Covid'.

Cảnh sát Trung Quốc ráo riết tìm kiếm người biểu tình, biểu tình ở trung quốc, biểu tình phản đối covid-19 lan rộng, biểu tình chống zero-Covid, Trung Quốc đàn áp người biểu tình và nhà báo, sinh viên trường đại học biểu tình phản đối, cách mạng giấy trắng, Đảng đối lập muốn chính phủ Canada lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đàn áp người biểu tình
Cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID tại Bắc Kinh. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023.

Việc mở cửa mà không có đủ tài nguyên để ứng phó với bệnh dịch khiến Trung Quốc đang chìm trong dịch bệnh, dự báo có thể cướp đi sinh mạng của 1 triệu người Trung Quốc và đỉnh dịch có thể sẽ xuất hiện trong 2 - 3 tháng tới.

Nhưng bất kể khó khăn đến mức nào, ngay khi triển vọng cầu năng lượng tăng nhờ Trung Quốc mở cửa, giá dầu thô giao dịch tương lai WTI toàn cầu đã bật tăng từ 73 USD/thùng lên 79,5 USD/thùng trong một tuần qua. Giá dầu Brent leo lên mức 84 USD/thùng; mức tăng tương ứng của 2 loại dầu thô này 6,7% và 6,2% trong tuần qua.

Căng thẳng Nga - Ukraine chưa thấy hồi kết

Giá dầu không chỉ tăng vì triển vọng mở cửa hoàn toàn trở lại ở Trung Quốc mà còn bởi vì các đòn trừng phạt của G7 áp lên giá dầu của Nga. Phản ứng đương nhiên của Nga là tìm người mua ngoài G7 như Trung Quốc, Ấn Độ... Những nền kinh tế đang tiêu tốn một nguồn năng lượng khổng lồ toàn cầu với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu.

Quang cảnh những chiếc xe đang bốc cháy sau khi Nga pháo kích vào thành phố Kherson của Ukraine vào ngày 24/12/2022. (Ảnh của Cơ quan Báo chí Tổng thống Ukraine/Handout/Cơ quan Anadolu/Getty Images)

Mức giá trần dầu thô của G7 dành cho Nga (60USD/thùng) đã và đang giúp Trung Quốc rất nhiều. Theo Reuters, Trung Quốc đang mua dầu thô của Nga với mức giá chỉ cao hơn giá trần một chút, thấp hơn nhiều so mức giá mà G7 hay bất kỳ nền kinh tế 'không thân thiện' với Nga phải mua trên thị trường giao dịch quốc tế. Nga không bán dầu thô cho G7 thì ngược trở lại, các nền kinh tế này sẽ phải dựa vào OPEC+ thậm chí mua lại dầu thô của Nga từ Trung Quốc.

Vấn đề ở chỗ, căng thẳng Nga - Ukraine chưa nhìn thấy hồi kết. Nga vẫn tuyên bố không có cách nào đối thoại với Ukraine trong khi Tổng thống Ukraine mới đây bôn ba tới Mỹ và liên tục thúc giục Mỹ, EU gửi vũ khí, tiền tài để chống lại quân xâm lược Nga.

Một lượng tài nguyên khổng lồ về năng lượng, tiền bạc, vũ khí đang bị tiêu huỷ trên chiến trường, không chỉ làm mất đi sinh mạng vô tội của hàng trăm ngàn quân, dân Ukraine cũng như lính Nga, tạo ra tội ác nhân quyền ngay trong thế kỷ 21, mà còn tiếp tục thu hẹp nguồn cung dầu năm 2023.

Thái độ của thế giới Ả-rập với Mỹ: không thể dung hoà

Ả-rập Xê-út, người anh cả trong khối OPEC và OPEC+ ngày càng tỏ ra không thể làm bạn với chính quyền của ông Joe Biden. Cái cách mà quốc gia này lờ đi lời kêu gọi tăng sản lượng dầu thô của Mỹ suốt năm 2022 đã thể hiện rõ thái độ "bất hợp tác", khó có thể dung hoà giữa hai nền kinh tế có vai trò quan trọng bậc nhất về dầu thô.

Mối quan hệ ngày một lạnh đi giữa hai chính phủ khiến các quyết sách về nguồn cung dầu của OPEC+ nghiêng về phía Nga; thắt chặt cung dầu và làm cho giá dầu thô thế giới tăng. Bản thân Ả - rập Xê -út đang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc.

Cạn kiệt dự trữ năng lượng ở Mỹ và EU sau mùa đông khắc nghiệt 2022

Dự trữ dầu thô của Mỹ và EU suy giảm kỷ lục sau gần 3 năm chống đỡ với cuộc khủng hoảng năng lượng. Chính quyền Mỹ đã phải giải phóng lượng dầu thô kỷ lục chỉ để bình ổn giá trong nước nhằm kiềm chế lạm phát. Tính đến ngày 14/10/2022, dự trữ dầu thô của Mỹ còn 405 triệu thùng, mức tồn kho thấp nhất mà SPR nắm giữ kể từ tháng 6/1984.

Với EU, mùa đông khắc nghiệt, khủng hoảng giá điện và khí đốt do phụ thuộc nguồn cung từ Nga khiến khu vực này đang suy giảm dự trữ trầm trọng. Vương quốc Anh đã sử dụng 1/3 lượng khí đốt dự trữ trong 10 ngày lạnh giá vừa qua, theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe.

Mỹ và EU sẽ phải tiếp tục mua dầu thô cho 90% nhu cầu năng lượng chưa được nguồn sản xuất năng lượng xanh đắt đỏ đáp ứng cũng như bù đắp cho kho dự trữ ngày một rỗng đi của họ.

An ninh năng lượng cũng chính là sức mạnh quốc gia, quốc phòng, là an ninh kinh tế không thể bỏ qua. Ngay cả khi Tổng thống muốn bỏ qua thì Lưỡng hội Mỹ cũng không thể thờ ơ với vấn đề này. Cầu về dầu thô của Mỹ năm 2023 sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2021 - 2022. Bởi vì năm 2023, ông Biden không còn vũ khí mạnh là giải phóng dự trữ dầu thô (vốn dồi dào nhất trong lịch sử mà chính quyền ông Donald Trump để lại) để chống lại nguồn cung dầu thắt chặt từ Nga và khối OPEC.

Chính sách năng lượng xanh, tăng trưởng xanh

Trong khi đó, chính sách năng lượng xanh, tăng trưởng xanh đã làm kiệt quệ các hãng khai thác dầu khí của Mỹ, triệt hạ nguồn cung dầu thô của nước này. Chính sách này không thể thay đổi năm 2023 khi ông Biden và đảng Dân chủ còn tại vị trong Nhà Trắng. Đây là mục tiêu thế kỷ mà Đảng Dân chủ theo đuổi, họ không có lý do để sửa đổi một triết lý như vậy trong tôn chỉ hoạt động.

Do vậy, nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ không tăng trong khi cầu về dầu thô của riêng nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng.

Với tất cả các lý do trên, dự báo dầu nguồn cung dầu thô năm 2023 vượt cầu 2023 khiến giá dầu giảm nhẹ đã trở nên quá lạc quan.

Xung đột địa chính trị mới là yếu tốt mấu chốt khiến giá dầu bất định. Mà tương lai của 2023 là phân cực mạnh hơn, là căng thẳng và xung đột leo thang khắp toàn cầu... Không có một yếu tố nào trong bức tranh này ủng hộ cho giả thiết giá dầu tích cực hơn.

Fed có thể buộc phải điều hành chính sách tiền tệ của mình diều hầu hơn vì lạm phát trở nên khó kiềm chế hơn. Bởi vì năm 2023, ngoài giá dầu, thì giá lương thực được các tổ chức quốc tế dự báo tăng 4-7%; lương thực đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn vì xung đột địa chính trị, vũ trang toàn cầu cũng như thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, giá phân bón tăng cao trong khi nguồn cung bị thu hẹp cũng bởi giá dầu leo thang và các yếu tố bất lợi vừa đề cập.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Dự báo giá dầu thô giảm nhẹ 2023: EIA và các siêu định chế tài chính đang 'lạc quan tếu'?