Rồng phương Đông và phương Tây khác nhau ra sao? Rồng Việt Nam khác rồng Trung Quốc thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong truyền thuyết cổ xưa, rồng phương Đông luôn là loài thú cao quý thiêng liêng, trong khi ở phương Tây, rồng lại tượng trưng cho tà ác, hắc ám. Rốt cuộc rồng phương Đông và rồng phương Tây khác nhau như thế nào? Cùng là rồng phương Đông thì rồng Việt Nam có gì khác rồng Trung Quốc?

Trong xã hội phương Đông, rồng mang hình ảnh tôn quý, cát tường, trang nghiêm, và thần thánh. Các hoa văn trang trí hình rồng có từ thời viễn cổ trên các đồ trang sức bằng ngọc, đồ gốm, được ứng dụng rộng rãi, thậm chí cho đến đồ thủ công mỹ nghệ, thư pháp, hội họa, trang phục thời sau. Tuy tạo hình rồng thay đổi theo từng thời đại, lại có những biến đổi khác nhau, nhưng Thần thoại về rồng luôn có vị trí vững chắc trong lòng người phương Đông.

Trái lại, ở xã hội phương Tây, rồng lại tượng trưng cho tà ác, hắc ám. Khải Huyền của Kinh Thánh đề cập đến rồng là hóa thân của ma quỷ và Satan. Các sử thi anh hùng, như hình tượng rồng trong Thần thoại Hy Lạp, Thần thoại Đức, Thần thoại Bắc Âu xuất hiện các câu chuyện anh hùng giết rồng, rồng giương cánh giương vuốt, miệng phun lửa, hình dáng như loài thú kỳ dị truyền kỳ gần giống loài rắn.

Nói chung, rồng phương Đông thường là Thần thú may mắn, tốt lành và uy quyền, trong khi rồng phương Tây luôn là ác thú, mang lại tai họa và bất hạnh. Tuy nhiên, phương Đông cũng có loài rồng lửa, rồng đỏ, là mang hình tượng ác thú, tương tự phương Tây.

Rồng phương Đông là Thần thú không có cánh, trong khi đó rồng phương Tây là ác thú, thân hình gần giống khủng long, và có cánh. Tuy nhiên, phương Đông có một loài rồng là Ứng Long, là Thần thú có hình dáng rồng phương, Đông, nhưng lại có cánh như rồng phương Tây.

Rồng phương Tây: Cuộc chiến giữa rồng trắng và rồng đỏ. Tranh thế kỷ 15. (Miền công cộng)

Rồng phương Đông và phương Tây khác nhau ra sao?

Rồng trong truyền thuyết phương Đông

Các truyền thuyết về rồng có thể được chia làm 4 loại như sau:

  1. Người và rồng là một thể

Ví dụ rõ rệt nhất chính là Phục Hy, Nữ Oa là thân rắn hoặc thân rồng. Vương Diên Thọ đời Hậu Hán có nói trong bài phú “Lỗ Linh Quang điện phú” rằng: “Vẽ trời đất, phân loại các loài sinh vật, các vật kỳ lạ, Thần núi, Thần biển. Giường mối mở rộng, mở đầu thời cổ đại, 5 con rồng sát cánh, vua loài người có 9 đầu, Phục Hy thân có vẩy, Nữ Oa mình rắn”.

Trong truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” của người Việt, Lạc Long Quân vừa là người, vừa là loài rồng. Việt Nam Lược Sử của Trần Trọng Kim có viết:

Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm con thì nhà người đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải"

  1. Rồng là hóa thân của đế vương Thánh hiền

Trúc thư kỷ niên có viết: “Đế Nghiêu Đào Đường, mẹ là Khánh Đô, rồng đỏ cảm ứng, có mang 14 tháng sinh ra Nghiêu”.

Trong sách Thánh tích đồ xuất bản năm Chính Thống thứ 9 đời Minh có viết: “Ngày Canh Tý tháng 11 năm Lỗ Tương Công thứ 22, đêm tiên Thánh đản sinh, có hai con rồng quanh nhà, 5 cụ già giáng xuống sân, 5 cụ già là Thần của 5 ngôi sao”.

Đoạn văn này đã thuật lại lúc Khổng Tử giáng sinh, đã có các hiện tượng lạ thường.

Sử ký – Hán Cao Tổ bản kỷ viết: “Cha Cao Tổ là Thái Công, mẹ là Lưu Ảo thường nằm nghỉ ở dốc Đại Trạch, mộng khác lạ với Thần. Lúc đó, sấm chớp tối đen, Thái Công đến xem, thấy giao long ở trên bà, sau đó có mang, rồi sinh ra Cao Tổ”

Đoạn văn này, đã nói rõ Hán Cao Tổ vì là giống rồng, thế nên sau này thành tựu nghiệp đế vương.

Theo truyền thuyết Nhật Bản, vị Thiên hoàng đầu tiên Jimmu được sinh ra từ bụng một con rồng.

Trong Phật giáo, có hai con rồng phun nước sạch lên Đức Phật khi Ngài mới sinh ra, và khi Ngài đạt giác ngộ, chúng đã bảo vệ Ngài khỏi bảy ngày mưa. Ngoài ra còn có nhiều câu chuyện về việc Đức Phật hàng phục một con rồng độc, và chữa khỏi bệnh cho một con rồng mù.

  1. Rồng là Thần linh thần thông quảng đại

Sơn Hải Kinh có viết: “Núi Lê Khâu có Ứng Long, rồng có cánh. Xưa Xi Vưu chống lại Hoàng Đế, lệnh cho Ứng Long đánh ở ngoại ô thành Ký Châu. Thời Nữ Oa, cưỡi xe sấm phục giá Ứng Long. Hạ Vũ trị thủy có Ứng Long lấy đuôi vạch lên mặt đất, lập tức nước suối lưu thông”.

undefined
Ứng long trong "Sơn hải kinh". (Miền công cộng)

Trong “Phật thuyết Hải Long Vương kinh” có viết: “Phật thuyết Pháp ở núi Linh Thứu, có Hải Long Vương dẫn gia quyến đến nghe giảng, đồng thời thỉnh Phật giáng lâm xuống Long Cung dưới đáy biển, nhận cúng dường”.

4. Rồng là ác thú

Trong truyền thuyết Tây Nguyên, Việt Nam: Rồng lửa có đầu to bằng quả núi. Chân rồng to như những cây cổ thụ. Thân rồng dài đến hàng trăm dặm. Khi bay, đôi cánh rồng che kín cả bầu trời miền Nam. Bay đến đâu, rồng phun lửa đến đó làm cho nước sông, nước suối sôi lên sùng sục.

5. Rồng là Thần thú của Thần

Mao Mông, tự Sơ Thành, người Hàm Dương, học rộng nghĩ sâu, biết trước nhà Chu sẽ suy vi, than rằng: “Đời người như tia chớp, sao có thể say mê mãi cõi hồng trần”. Do đó không cầu tiến thân hoạn lộ, thế là bái sư Quỷ Cốc tiên sinh, học thuật trường sinh bất lão, vào núi Hoa Sơn tu luyện. Ngày canh tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 30, ông đã cưỡi rồng trắng bạch nhật phi thiên (ban ngày bay lên trời).

Tiêu Sử thích thổi tiêu, Tần Mục Công gả con gái Lộng Ngọc cho ông, Tiêu Sử dạy Lộng Ngọc âm nhạc, sáng tác khúc Phượng hoàng, có phượng hoàng bay đến đậu trên. Mục Công xây cho họ Phượng Đài, sau này Lộng Ngọc cưỡi phượng, Tiêu Sử cưỡi rồng cùng bay lên trời.

Lộng Ngọc cưỡi phượng, Tiêu Sử cưỡi rồng cùng bay lên trời. (Tranh Angie - Epoch Times)

Mã Sư Hoàng thời Hoàng Đế là danh y chữa bệnh cho ngựa. Một hôm có một con rồng từ trên trời hạ xuống, hướng về phía ông dựng tai há miệng, Sư Hoàng bèn nói: “Con rồng này có bệnh, biết tôi có thể chữa được”. Thế là ông cắm một cái kim châm vào dưới môi rồng, lại dùng nước cam thảo cho nó uống, rồng liền khỏi bệnh. Một hôm, con rồng này cõng Sư Hoàng bay đi.

Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, Hoàng Đế sau khi đúc chuông xong, thì có con rồng vàng hạ xuống, Hoàng Đế và các quan đại thần leo lên lưng rồi rồi bay đi.

Hoàng Đế sau khi đúc chuông xong, thì có con rồng vàng hạ xuống. (Tranh Epoch Times)

La Chân Nhân là người Hoàng Mai đời Tấn, tên là Trí Phúc, tu Đạo luyện đan ở Hoàng Đài Quán phía bắc huyện, sau khi luyện thành đan, có cụ già đến nói: “Ta là rồng bị bệnh, hy vọng có thể dùng đan của ông để chữa trị”. Trí Phúc bèn tặng đan cho rồng. Sau này Chân Nhân rửa chân ở ao nước phía bắc Hoàng Đài Quán, rồng đến cõng ông bay đi.

Rồng trong truyền thuyết phương Tây

  1. Rồng là quái thú khổng lồ canh giữ báu vật

Trong Thần thoại Hy Lạp, rồng thường canh giữ kho báu. Ví dụ, Ladon, một con rồng trăm đầu, đã canh giữ cây Hesperides, sau này đã bị Heracles giết chết.

Trường thi tự sự Beowulf viết vào thế kỷ thứ 8, kể về anh hùng Beowulf dân tộc Gaystan trên bán đảo Scandinavie. Beowulf dũng mãnh vô song đã giành chiến thắng trong cuộc chiến dài đằng đẵng với Thụy Điển, ông đã tiêu diệt được quái vật đầm lầy và quỷ ăn thịt người lẻn vào cung đình, làm cho quốc gia trở nên thịnh vượng.

Suốt 50 năm trị vì, con rồng phun lửa khổng lồ canh giữ kho báu quốc gia suốt 300 năm lại xuất hiện tấn công, Beowulf dẫn mọi người đánh vào sơn động của rồng khổng lồ, tấm lá chắn đã bảo vệ ông khỏi bị rồng lửa thiêu đốt. Ông đánh nhau với rồng lửa 3 hiệp, cuối cùng đánh một đòn trí mạng trúng rồng.

Rồng khổng lồ bị chặt đầu, nhưng Beowulf cũng bị trọng thương, chất độc chảy vào trong cơ thể ông. Người Đan Mạch coi Beowulf là người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử.

  1. Rồng là hóa thân của ma quỷ, Satan

Khải Huyền của Kinh Thánh – Tân ước toàn thư viết: “Trên thiên thượng có chiến tranh. Michael và sứ giả của ông chiến đấu với rồng. Rồng cũng cùng với sứ giả của nó đi chiến đấu. Tuy chưa chiến thắng, nhưng trên Thiên thượng không còn có chỗ cho chúng nữa. Rồng khổng lồ chính là con rắn cổ đó, tên gọi ma quỷ, cũng gọi là Satan, mê hoặc khắp thiên hạ. Nó bị ném xuống mặt đất, sứ giả của nó cũng bị ném xuống đất”.

File:Michael4.jpg
Tổng lãnh Thiên sứ Michael giết Satan trong hình tượng con rồng phương Tây. (Wikipedia/ Michael Jaletzke/ SA-3.0)

Kinh Thánh coi rồng là từ đồng nghĩa với ma quỷ, Satan, thú ma. Châu Âu coi tư tưởng Cơ Đốc giáo là chính luận duy nhất mà nói, rồng biến thành quái vật xuất hiện để nhân loại chịu ma nạn, mọi người thường rất sợ hãi rồng.

Khải Huyền miêu tả, rồng có 7 đầu 10 sừng, có thể mê hoặc nhân tâm, khiến con người đi vào đường tà. 7 đầu tượng trưng cho 7 đại tội tuyệt đối không được phạm, 10 sừng tượng trưng cho 10 tội nhỏ có thể mắc phải. Những tội nhân bị mê hoặc dụ dỗ phạm tội sẽ cùng với rồng bị ném xuống đáy địa ngục.

  1. Câu chuyện truyền kỳ giết rồng

Ở thành phố Silene, Libya có một con rồng độc ác hoành hành. Con rồng đòi hỏi người dân phải hiến tế hàng ngày, nếu không nó sẽ phá hủy thành phố. Lúc đầu, người dân đóng góp mỗi ngày hai con cừu béo, nhưng chẳng bao lâu đàn cừu đã bị con rồng ăn thịt hết. Con rồng lại càng hung ác hơn, đòi hiến tế một người sống.

Để giữ thành phố, nhà vua buộc người dân phải hy sinh con trai hoặc con gái của họ để hiến cho con rồng. Cuối cùng, chỉ còn lại cô con gái của nhà vua. Vua vô cùng đau đớn, nhưng không thể làm gì được, đành phải đẩy con gái ra ngoài cổng thành.

Tại đây, George, một hiệp sĩ trẻ tuổi, đã gặp công chúa. Anh nghe kể về con rồng và quyết định chiến đấu với nó để giải cứu công chúa. Sau một trận chiến cam go, George đã đánh bại con rồng và cứu được công chúa.

undefined
Thánh George giết rồng - tranh thế kỷ 13. Miền công cộng.

Một truyền thuyết thời trung cổ của Pháp kể rằng, vào thời cổ đại, một con rồng đáng sợ tên là La Gargouille đã gây ra lũ lụt và đánh chìm tàu ​​​​trên sông Seine. Vì vậy người dân thị trấn Rouen phải hiến tế con người cho rồng mỗi năm một lần để xoa dịu cơn đói của nó. Sau đó, vào khoảng năm 600, một linh mục tên là Romanus đã hứa rằng, nếu người dân xây dựng nhà thờ, thì ông sẽ giúp họ giết con rồng. Romanus đã giết con rồng và cắt cái đầu của nó rồi gắn trên các bức tường của thành phố.

Rồng Việt Nam khác rồng Trung Quốc thế nào?

Rồng Trung Quốc

Theo truyền thống, rồng tượng trưng cho sức mạnh mạnh mẽ và cát tường, đặc biệt là việc kiểm soát nước, lượng mưa, bão lũ. Rồng, phượng, kỳ lân và rùa được gọi chung là “Tứ Linh - 4 linh thú tốt lành”.

Rồng Trung Quốc có 9 đặc điểm sau: mắt tôm, sừng hươu, mũi trâu, mõm chó, râu cá nheo, bờm sư tử, móng chim ưng, vẩy cá, thân rắn.

Rồng Trung Hoa
Rồng Trung Quốc. (Wikipedia/ pzhui-SA-3.0)

Sự phát triển của các mẫu rồng là dần dần biến đổi. Nói chung, trước thời nhà Thương và nhà Chu, các mẫu rồng có tính trừu tượng hơn, từ thời nhà Hán đến thời nhà Tùy và nhà Đường, chúng dần trở nên cụ thể và thực tế hơn. Sau thời nhà Tống, chúng chuyển sang các mẫu rồng tiêu chuẩn hóa.

Rồng thời Thương Chu: thân rắn, thậm chí còn được chạm khắc vảy cong tượng trưng, ​​​​trên đầu rồng có sừng.

商代蟠龍環
Rồng thời nhà Thương. (Wikipedia/3.0)

Rồng thời Xuân Thu Chiến Quốc: Đầu động vật, có hoa văn hình đám mây và vảy tượng trưng, ​​​​trông trang nhã và khác biệt hơn so với những hình dáng cách điệu và nghiêm túc thời kỳ đầu.

戰國時期玉龍
Rồng thời Chiến Quốc. (Wikipedia - 3.0)

Rồng thời Tây Hán: Tại Vương Mã Đôi ở Trường Sa thể hiện một con rồng với miệng và lưỡi thè ra, ngoài vảy, nó còn có cánh và bốn bàn chân với những móng vuốt sắc nhọn.

Rồng thời Ngụy-Tấn, Nam - Bắc triều: Sừng của rồng khác biệt như gạc, miệng có hàm răng sắc nhọn, chân giống như chim ưng và có móng vuốt sắc nhọn, giống như một con rồng đang chạy.

Rồng thời nhà Tùy và nhà Đường: hình dáng của hoa văn rồng đã dần phát triển theo một cấu trúc cố định, ngoài đầu rồng, thân rồng và đuôi rồng có những kiểu dáng nhất định thì sừng rồng, râu rồng, móng rồng và vây lưng đều có cũng dần được hoàn thiện.

Rồng thời nhà Tống: vẫn giữ phong cách nhà Đường nhưng kết cấu đẹp và khí thế hơn.

undefined
Rồng thời nhà Tống. (Miền công cộng)

Rồng thời nhà Nguyên: Không còn nhấn mạnh đến hình thể rồng mà chú trọng hoa văn rồng mây trang trí: đầu nhỏ mà tròn, miệng há thì lưỡi vươn dài, mảnh, thân dài, móng dài mà cong móc vào trong, khí thế uy dũng.

Rồng thời nhà Minh và nhà Thanh: Đầu rồng rất to, đầu vuông trán rộng, mồm nhọn mà ngắn, bờm thì tung ra sau hướng lên trên, hai râu dài cuộn xoắn hai bên mũi.

Forbidden City
Rồng thời nhà Thanh. (Miền công cộng)
Rồng trên lá cờ triều Thanh. (Miền công cộng)

Rồng Việt Nam khác rồng Trung Quốc như thế nào

Rồng Việt Nam có nét vui vẻ, hiền hơn, cái mũi to, nhiều lông, bờm thay vì nhiều nhánh sừng, miệng ngậm ngọc thay vì tay cầm viên minh châu.

Rồng Việt Nam có 9 đặc điểm sau: đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.

Rồng Việt Nam. (Wikipedia - 4.0)

Sự khác biệt giữa rồng Việt Nam và rồng Trung Quốc như sau:

Rồng Việt Nam có thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.

Rồng Việt Nam luôn ngậm viên châu, trong khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước.

Rồng Việt Nam đầu vuông, mõm rồng ngắn, mũi to nét mặt thông thái vui vẻ, đạo mạo, khác với rồng Trung Hoa hay rồng Nhật Bản mõm dài, mũi nhỏ nhe nanh dọa nạt.

Rồng Nhật Bản thế kỷ 19. Miền công cộng.

Rồng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử:

Rồng thời Lý: Đầu rồng với cổ ngước cao, mắt to tròn và hơi lồi, tai nhỏ. Bờm dài bay ngược, không sừng. Mũi rồng cũng được kéo dài thành hình vòi. Miệng rồng há rộng hứng ngọc. Môi dưới ngắn, lưỡi dài uốn lượn vươn ra đỡ lấy viên ngọc. Hai hàm có răng nanh nhọn kéo dài uốn cong liền sát mũi. Hình dáng thân rồng thể hiện theo lối nhìn nghiêng, uốn lượn mềm mại.

Rồng thời Lý. (Wikipedia - 3.0)

Rồng thời Trần: Thân rồng to mập, khoẻ chắc, đầu xuất hiện cặp sừng, đôi tai. Hình dáng rồng uy nghi, dữ tợn, mào kéo dài ra phía trước, cặp sừng nhọn vút về phía sau.

undefined
Rồng thời Trần. (Wikipedia - 3.0)

Rồng thời Lê Sơ: Đầu to, có hai nhánh sừng nhô cao, mắt lồi, bờm mượt cuộn ra sau, lưng nhô hình vây nhọn theo khúc uốn. năm móng sắc nhọn, các hình xoắn trang trí bên thân rồng, kết hợp với mây.

Dragons of Kính Thiên Palace, main hall of the Lê dynasty Imperial Palace
Rồng thời lê. (Công cộng)

Rồng thời Mạc: Thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng. Đầu rồng có sừng hai chạc, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô ra phía trước. Các chân Rồng thường chạm bốn móng.

Rồng thời Lê Trung Hưng: Đầu nhô, có sừng, hai râu mép dài uốn lượn duỗi ra phía trước.

Rồng thời Hậu Lê: Thân ngắn và các khúc uốn thường chỉ 3 đến 4 lần cong uốn, chỉ làm to khúc uốn liền đầu, các khúc sau thường ngắn và thuôn gần thẳng về đuôi.

Rồng thời Nguyễn: Mũi to, mõm ngắn từ các thời trước tạo vẽ vui vẻ thân thiện, miệng ngậm viên ngọc minh châu. Mắt là hai u tròn, mũi gồ, miệng hé mở lộ răng nanh nhọn. Sừng hai chạc cong ra phía sau. Tóc nhiều chẽ xòe kiểu nan quạt và hơi lượn sóng, đuôi xoáy.

Rồng thời Nguyễn.
Rồng thời Nguyễn. (Wikipedia - 4.0)

Rồng linh vật năm Giáp Thìn 2024: Rồng nào đẹp hơn và mang hồn rồng Việt hơn?

Rồng linh vật năm Giáp Thìn 2024 rất đa dạng, rất nhiều địa phương, tỉnh thành chế tác các mô hình rồng linh vật để đón năm mới Giáp Thìn. Tuy nhiên, về tạo hình đẹp, và mang nét rồng truyền thống Việt Nam thì có 3 mô hình rồng linh vật sau là tốt hơn cả.

Ảnh trên là rồng linh vật của Quảng Trị, ảnh dưới là của Vũng Tầu. (Tổng hợp tử vnexpress)

Rồng linh vật Quảng Trị: Hình tượng rồng sống động, đẹp, khá giống rồng triều Nguyễn. Tuy nhiên có điểm trừ là mũi rồng hơi nhỏ (hơi giống mũi rồng Trung Quốc, Nhật Bản), và không ngậm viên ngọc minh châu mà lại cầm tay như rồng Trung Quốc.

Rồng linh vật Vũng Tàu: Hình tượng rồng không đẹp do không đủ độ uốn khúc và chân rồng quá ngắn và nhỏ, nhưng phần đầu rồng thì nhìn ngay ra rồng thời Lý: không sừng, có vòi, miệng ngậm ngọc minh châu.

Rồng linh vật Huế. Chụp video Youtube Thanh Niên)

Rồng linh vật Huế: Rồng được tạo hình giống với rồng thời Nguyễn, với các đặc trưng rất rõ nét là mắt tròn lồi, mũi to, hai sừng 2 gạc con ra sau, miệng ngâm viên ngọc minh châu, đuôi xoáy. Tuy nhiên điểm trừ là chân ngắn và nhỏ quá, mất đi dáng uy nghi của rồng.

Đánh giá tổng thể, về cả vẻ đẹp sống động, thần thái, uy nghi, và cả ngoại hình mang đặc trưng truyền thống của các triều đại lịch sử Việt Nam, thì rồng linh vật Huế ngang điểm rồng linh vật Quảng Trị, đều xứng đáng là đồng á quân, không có quán quân. Nhưng nếu kết hợp giữ rồng linh vật Quảng Trị với Huế thì mới thực sự là số 1.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Rồng phương Đông và phương Tây khác nhau ra sao? Rồng Việt Nam khác rồng Trung Quốc thế nào?