Lạm phát Mỹ đạt đỉnh mới 9,1%, mức cao nhất kể từ năm 1981

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát tiếp tục tăng chóng mặt vào tháng Sáu ở Mỹ, đạt mức 9,1% so cùng kỳ, cao hơn mức ước tính 8,8% và tăng vọt từ mức 8,6% vào tháng Năm. Đà tăng nhanh của lạm phát và tiêu dùng suy yếu ở Mỹ khiến các lời an ủi của các quan chức Mỹ về việc người Mỹ và chuyên gia đang 'lo ngại thái quá' về suy trầm kinh tế trở nên không mấy hiệu quả.

Lạm phát Mỹ vào tháng 6/2022 tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng

Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,3% so với tháng trước và lạm phát hàng tháng cũng cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là 1,1%.

Tỷ lệ lạm phát lõi, loại bỏ các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, đã giảm xuống 5,9%. Nhưng mức này cao hơn mức dự báo là 5,7%. Hàng tháng, lạm phát lõi tăng với tốc độ cao hơn dự kiến ​​là 0,7%. Đôi khi, lạm phát lõi cho thấy lạm phát từ lương thực và thực phẩm đã ngấm sang các mặt hàng khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát lõi chưa bao giờ có ý nghĩa trong số liệu thống kê và kinh tế học, lại càng không có ý nghĩa trong đo lường giá cả hàng hoá thực tế mà người tiêu dùng phải chi trả hàng ngày. Nó dường như chỉ giúp các chính trị gia biện minh cho vấn đề lạm phát.

Giá thực phẩm tăng 10,4%, trong khi chỉ số năng lượng tăng 41,6%.

Gần như mọi mặt hàng thực phẩm, ngoại trừ bò bít tết chưa nấu chín, đều đắt hơn vào tháng trước. Thịt lợn tăng 9%, gà tăng 18,6% và giăm bông tăng 9,6%.

Trứng tăng 33,1%, sữa tăng 16,4%, trái cây và rau quả tăng 8,1% và cà phê tăng 15,8%.

Về mặt năng lượng, dầu nhiên liệu tăng 98,5%. Xăng tăng 59,9%, chi phí điện tăng 13,7%, và propan và dầu hỏa tăng 26,1%.

Xe mới tăng 11,4%, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng 7,1%, quần áo tăng 5,2% và nhà tạm trú tăng 5,6%.

Chi phí tạm trú, chiếm khoảng một phần ba chỉ số CPI, đã tăng 0,6% trong tháng 6 so với tháng 5. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá thuê nhà tăng 0,8%, mức tăng giá thuê lớn nhất kể từ năm 1986.

“Con số lạm phát giá tiêu dùng cao đến kinh ngạc ngày nay không phải là điềm báo tốt cho triển vọng kinh tế của đất nước chúng ta [Hoa Kỳ]”, Desmond Lachman, nhà kinh tế học và là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, viết cho The Epoch Times trong một email.

Ông nói thêm rằng có khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giảm mạnh “bảng cân đối kế toán”.

"Fed có thể sẽ làm như vậy bất chấp những dấu hiệu ngày càng tăng về sự suy yếu của thị trường kinh tế và tài chính cả trong và ngoài nước. Điều đó làm tăng nguy cơ nền kinh tế hạ cánh khó khăn, thị trường trái phiếu và cổ phiếu sẽ thêm nhiều bất ổn".

Thị trường phản ứng tiêu cực, Nhà trắng an ủi dân Mỹ bằng số liệu 'thành công' vào tháng tới

Các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực với tin tức lạm phát mới nhất khi các chỉ số chuẩn hàng đầu lao dốc.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 300 điểm, S&P 500 giảm 1,5% và Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 250 điểm.

Thị trường Kho bạc Hoa Kỳ tăng trên diện rộng, với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm khoảng 11 điểm cơ bản lên 3,064%.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng đột biến theo tin tức này, tăng 0,4% lên 108,50.

Để trấn an người Mỹ, Nhà Trắng chuẩn bị cho cử tri của họ một bài báo có tiêu đề nổi bật vào hôm thứ Ba (12/7), lưu ý rằng báo cáo chỉ số giá CPI tháng 6 đã lỗi thời, số liệu không hề bao gồm mức giảm mạnh giá lương thực và năng lượng. Ám chỉ rằng mức giảm giá mạnh lương thực và năng lượng sẽ được phản ánh trong tháng 7/2022 tới đây và rằng các nỗ lực của chính quyền ông Biden trong việc giảm giá lương thực, năng lượng cho người Mỹ đang rất thành công.

Lạm phát đã đạt đỉnh?

Trong tháng trước, giá dầu thô và xăng đã giảm ở mức đáng chú ý trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng và triển vọng nhu cầu yếu hơn.

Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tương lai đã giảm khoảng 17% xuống dưới 100 USD/thùng trên New York Mercantile Exchange kể từ giữa tháng 7. Mức giá bình quân trên toàn quốc cho một gallon xăng đã giảm khoảng 7% xuống còn khoảng 4,65 USD, theo Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ (AAA).

Các mặt hàng nông nghiệp cũng giảm mạnh, với ngô, lúa mì và đậu tương giảm khoảng 20% ​​trong tháng trước.

Ipek Ozkardeskaya viết: “Giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa giảm, chuỗi cung ứng được cải thiện, chi phí vận chuyển giảm và các chỉ số quản lý thu mua thấp hơn cho thấy lạm phát của Mỹ có thể đã đạt mức cao nhất vào tháng trước hoặc sẽ sớm đạt mức cao nhất”, ông Ipek Ozkardeskaya, một nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng Swissquote, trong một ghi chú nghiên cứu.

Ngay cả khi lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, các chuyên gia thị trường tin rằng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ vẫn ở mức cao, chẳng hạn như tiền thuê nhà và giá vé máy bay.

Kỳ vọng Fed tăng lãi suất cơ bản lên 100 điểm phần trăm vào tháng này

Mức lạm phát tăng cao bất ngờ trong tháng 6/2022 đã thúc đẩy thị trường kỳ hạn lãi suất điều chỉnh kỳ vọng của họ về mức tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lên tới 100 điểm cơ bản (1%). Các nhà đầu tư trên thị trường ngày kỳ vọng rằng tại cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 7/2022, Fed có thể tăng lãi suất lên 1% chứ không phải 0,5% hay 0,75% như các kỳ vọng trước đó.

Ổn định giá cả đã trở thành mục tiêu chính của Fed, ngay cả khi nó gây ra suy thoái và kéo dài tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố rằng có thể điều hướng hạ cánh mềm, nhưng lưu ý rằng điều này khó có thể đảm bảo.

Bryce Doty, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Sit Investment Associates, cho biết hành động của Fed sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nền kinh tế.

Ông viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Ba rằng: “Sai lầm rõ ràng của Fed trong việc triệt tiêu nhu cầu bằng cách tăng lãi suất thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp đang rất cần lao động sẽ làm gia tăng thêm tình trạng thiếu hụt [nguồn cung]. Bốn triệu công nhân đã trở lại lực lượng lao động. Tình trạng thiếu cung sẽ được giải quyết và áp lực lạm phát sẽ tan biến. Nhưng Fed đã không làm thế, các hành động của Fed [như hiện nay] sẽ làm chậm tăng trưởng và lạm phát sẽ kéo dài hơn mức bình thường".

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Deutsche Bank tin rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cần phải duy trì thái độ diều hâu của mình khi lạm phát tiếp tục cho thấy rằng đó là “một hiện tượng do nhu cầu”. Trong vài tháng qua, nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm bớt. Chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%. Theo Cục phân tích kinh tế (BEA) vào tháng 5/2022, Doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,3%.

Đồng thời, với những lo ngại về suy thoái kinh tế ngắn hạn đang gia tăng, các tổ chức tài chính dự kiến tăng ​​lãi suất huy động, mức cao nhất khoảng 4,1%/năm. Những lo ngại về suy thoái kinh tế "có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất nhanh hơn".

Sau cuộc họp FOMC tháng 6/2022, Fed đã cập nhật kế hoạch điều hành chính tiền tệ của họ từ tháng 3, dự đoán rằng lãi suất chuẩn sẽ đạt 3,4% trong năm nay, 3,8% vào năm 2023 và trở lại 3,4% vào năm 2024.

“Kỳ vọng của tôi là lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh”, ông Lachman nói, “Điều này sẽ xảy ra do nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới đang rơi vào suy thoái cũng như do giá hàng hóa quốc tế nói chung và dầu mỏ đang sụt giảm nói riêng về giá cả”.

Quang Nhật

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát Mỹ đạt đỉnh mới 9,1%, mức cao nhất kể từ năm 1981