Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, lạm phát tại Argentina vượt quá 100%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát hàng năm của Argentina đã lần đầu tiên vượt quá 100% sau ba thập kỷ, trong khi người dân nước này đang gặp khó khăn trong việc kiếm sống do giá cả tăng cao.

Lạm phát 12 tháng cho tháng 02/2023 ở Argentina ở mức 102,5%, theo dữ liệu từ cơ quan thống kê của đất nước. Điều này về cơ bản có nghĩa là giá hàng hóa đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Đây là lần đầu tiên kể từ thời kỳ siêu lạm phát năm 1991, lạm phát hàng năm của Argentina đạt mức ba con số. Trên cơ sở hàng tháng, lạm phát đã tăng 6,6% kể từ tháng 01/2023. Lạm phát tính từ đầu năm đến nay ở mức 13,1%.

Thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 9,8% hàng tháng, tiếp theo là truyền thông 7,8%, nhà hàng và khách sạn 7,5%, đồ uống có cồn và thuốc lá 5,2%, giao thông vận tải 4,9% và dịch vụ điện nước 4,8%.

Theo cơ quan này, việc tăng giá thực phẩm và đồ uống không cồn có tác động lớn nhất ở tất cả các khu vực. Lạm phát tràn lan đang khiến người dân Argentina gặp khó khăn.

“Không còn gì cả, không có tiền, người dân không có gì thì làm sao mua đồ?” người về hưu Irene Devita, 74 tuổi, nói với Reuters.

“Hôm trước tôi đến xin ba quả quýt, hai quả cam, hai quả chuối và nửa cân cà chua. Khi ông ấy nói với tôi rằng nó có giá 650 ARS [peso] (3,22 USD), tôi nói với ông ấy hãy lấy mọi thứ ra và chỉ để lại cà chua vì tôi không có đủ tiền”.

Bà Patricia Quiroga, 50 tuổi, nói với Reuters rằng tỷ lệ lạm phát 100% là không thể chịu đựng được đối với bà. “Tôi mệt mỏi, mệt mỏi, chỉ là mệt mỏi với tất cả những điều này, với các chính trị gia đang tranh đấu trong khi người dân chết đói… Điều này không thể tiếp diễn được nữa”.

Lạm phát dai dẳng

Argentina đã chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trong vài năm qua. Quốc gia này đã ghi nhận lạm phát hai con số mỗi năm trong 12 năm qua và kết thúc năm 2022 với mức lạm phát 94,8%, đây là tỷ lệ cao nhất trong 32 năm.

Năm ngoái, các quan chức đổ lỗi tình trạng lạm phát đang diễn ra chủ yếu là do cuộc chiến Ukraine - Nga và đại dịch COVID-19. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào tháng 08/2022, ông Chris, người chỉ nêu tên của mình do lo ngại về khả năng bị chính phủ đưa vào danh sách đen, đã bác bỏ lời giải thích này.

Ông chỉ ra rằng các quốc gia láng giềng như Bolivia và Uruguay không bị ảnh hưởng như Argentina. “Nếu bạn xem xét đồng Boliviano từ năm 2019, nó vẫn có giá trị tương đương. Tương tự với đồng peso của Uruguay. Nhưng không phải ở Argentina, nền kinh tế không giống nhau”.

Ông Chris đổ lỗi cho chi tiêu chính phủ mất kiểm soát đã gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát. Ông nói: “Chính phủ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được".

Những người biểu tình đã xuống đường vào năm ngoái, với việc các công đoàn đe dọa đóng cửa các doanh nghiệp và đường xá cho đến khi chính phủ đồng ý tăng trợ cấp phúc lợi. Vào tháng 08/2022, người dân biểu tình bên ngoài các văn phòng chính phủ, giương cao các khẩu hiệu như “bình đẳng xã hội” và “chính sách công cho mọi người”.

Trước đó, vào tháng 07/2021, Ngân hàng Trung ương đã in 180 tỷ ARS trước kỳ bầu cử giữa kỳ tháng 11, làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Hiện tại, Argentina được điều hành bởi chính phủ liên minh Peronist [theo chủ nghĩa Peron] dưới thời Tổng thống Alberto Fernandez. Chủ nghĩa Peron là một hệ tư tưởng chính trị ủng hộ lao động, đề cao các biện pháp can thiệp của nhà nước. Kể từ năm 1983, Chủ nghĩa Peron đã cai trị đất nước 28 trong 40 năm.

Viễn cảnh kinh tế

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích do Ngân hàng Trung ương Argentina tiến hành được công bố vào tháng này, tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này dự kiến sẽ đạt 99,9% vào năm 2023. Con số này cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với dự đoán trong cuộc thăm dò trước đó.

Trong khi đó, Argentina đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn sáu thập kỷ. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm lớn đối với sản lượng thu hoạch ngô và đậu nành trong năm nay. Argentina là nước xuất khẩu đậu nành chế biến số một toàn cầu và đứng thứ ba về xuất khẩu ngô.

Tiềm năng sản lượng nông nghiệp thấp có thể gây ra áp lực kinh tế lớn đối với một quốc gia đang phải vật lộn với áp lực lạm phát.

Gần 40% dân số Argentina được ước tính đang sống trong cảnh nghèo đói. Lạm phát đã xóa sạch sự gia tăng về tiền lương. Mặc dù chính phủ đã dự báo mức tăng trưởng GDP là 2% cho năm 2023, nhưng một số nhà phân tích đã dự đoán nền kinh tế sẽ thu hẹp lại trong năm nay.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, lạm phát tại Argentina vượt quá 100%