Lạm phát cao nhất 24 năm của Thổ Nhĩ Kỳ chưa chắc phản ánh đúng thực tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 85,51%, mức cao nhất trong 24 năm, song chính quyền nước này vẫn bị cho là đã che dấu con số lạm phát thực. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng, điều mà nhiều nhà kinh tế cho rằng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lạm phát.

Lạm phát tính theo năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức cao nhất trong 24 năm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà đất nước này đang phải đối mặt, ngay cả khi các đảng đối lập chính trị cho rằng con số thực tế còn tồi tệ hơn cả số liệu chính thức.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng, đo lường lạm phát trên cơ sở hàng năm, đạt 85,51% vào tháng 10, theo thông cáo báo chí từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 03/11. Đây là tháng thứ mười bảy liên tiếp lạm phát gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó tăng 3,54% so với tháng trước. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất là trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục, cả hai đều tăng hơn 30%.

Lĩnh vực giao thông có mức lạm phát hàng năm cao nhất, ở mức 117,15%; tiếp theo là thực phẩm và đồ uống không cồn với mức 99,05%; đồ nội thất và thiết bị gia đình ở mức 93,63%; và nhà ở là 85,17%.

Bất chấp những con số cao, các thành viên phe đối lập và nhiều người dân đặt câu hỏi về tính chính xác của dữ liệu và nhấn mạnh rằng tỷ lệ lạm phát thực tế thậm chí còn cao hơn.

Theo các nhà kinh tế độc lập từ viện nghiên cứu ENAG của Thổ Nhĩ Kỳ, CPI 12 tháng ở mức 185,34% vào tháng 10. Trên cơ sở hàng tháng, CPI được tính là đã tăng 7,18% trong tháng.

Lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu khẳng định rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang che giấu dữ liệu lạm phát thực do mức lương mà nước này nợ công nhân viên chức.

“Tại sao TUIK [cơ quan thống kê] lại ngụy tạo con số thật?”, ông đã hỏi vào tháng trước, theo RFI. “Vì khi đưa ra con số thực, thì lương hưu sẽ được xác định tương ứng. Tiền lương của người lao động sẽ được xác định tương ứng. Mức lương của công chức sẽ được xác định tương ứng. Nếu bạn thể hiện nó thấp, nó sẽ mang lại một mức tăng thấp”.

Chính sách kinh tế của ông Erdogan

Nhiều nhà kinh tế đổ lỗi cho các chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng lạm phát. Trong khi tư tưởng kinh tế truyền thống cho rằng tăng lãi suất sẽ giúp kiểm soát lạm phát, ông Erdogan tin rằng lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến giá cả cao hơn.

Do đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy giảm lãi suất. Vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương của đất nước đã giảm lãi suất xuống 10,5%, lần giảm thứ ba liên tiếp hàng tháng. Ông Erdogan cũng đã chỉ ra rằng ông có kế hoạch thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn và hạ lãi suất xuống một con số.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng chính sách giảm lãi suất đang làm tổn hại đến đồng TRY (đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ) và gây thêm áp lực gia tăng lạm phát.

Ông Liam Peach, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics có trụ sở tại London, đã viết trong một lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chịu áp lực từ Tổng Thống trong việc tuân theo một "chính sách nới lỏng", theo CNBC.

“Mặc dù CBRT [Ngân hàng Trung ương của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ] cho biết họ sẽ đưa ra thêm một lần cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản tại cuộc họp vào cuối tháng này, nhưng có nguy cơ tiếp tục nới lỏng hơn nữa, gây thêm áp lực giảm lên đồng lira”, ông nói.

Bảo Nguyên

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát cao nhất 24 năm của Thổ Nhĩ Kỳ chưa chắc phản ánh đúng thực tế