Lạm phát tháng 9 tại Mỹ dai dẳng ở mức 8,2%, lạm phát lõi đạt đỉnh 40 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 ở mức 8,2%, cao hơn kỳ vọng của thị trường, với lạm phát lõi đạt đỉnh trong 40 năm. Đây có thể được coi là giấy phép để Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Lạm phát hàng năm ở Mỹ trong tháng 9 ở mức 8,2%

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 9/2022 ở mức 8,2%, giảm từ mức 8,3% trong tháng 8/2022. Con số này cao hơn kỳ vọng của thị trường là 8,1%.

Lạm phát lõi, không bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng vốn nhiều biến động, đã tăng lên mức 6,6% hàng năm, mức đỉnh mới trong bốn thập kỷ. Con số này tăng từ mức 6,3% trong tháng 8 và cao hơn mức dự báo của thị trường là 6,5%.

So sánh theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%, trong khi chỉ số CPI lõi tăng 0,6%.

Các nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong tháng 9 là sự tăng giá nhà ở, thực phẩm và chi phí chăm sóc y tế.

Theo dữ liệu của BLS, sự gia tăng liên tục của chi phí thực phẩm tiếp tục làm tăng cao con số lạm phát. Chỉ số lương thực đã tăng 0,8% trong tháng 9 (so với tháng 8) và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá nhà ở, một chỉ số luôn được theo dõi chặt chẽ, đã tăng 0,7% trong tháng 9 (so với tháng 8). Chỉ số nhà cho thuê trong tháng 9 đã tăng 0,8% so với tháng 8 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí chăm sóc y tế đã tăng 1%, sau khi tăng 0,8% trong tháng 8.

Dữ liệu lạm phát mới nhất đã làm trầm trọng thêm vấn đề tăng trưởng tiền lương thực tế (sau khi được điều chỉnh theo lạm phát), vốn đã âm trong 18 tháng.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ các chỉ số lạm phát vì chúng có thể đưa ra gợi ý về việc liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể xoay chuyển chính sách tiền tệ hay không.

Với lạm phát ở mức này, một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng kiểm soát giá tăng cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Lạm phát tháng 9 tại Mỹ dai dẳng ở mức 8,2%, lạm phát lõi đạt đỉnh 40 năm
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tại trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào ngày 21/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Ông Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất lên 3/4 điểm phần trăm. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Ác mộng của Fed

Dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất được đưa ra sau khi giá bán buôn tăng cao hơn những gì các nhà kinh tế đã dự đoán.

Trong tháng 9, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,4% so với tháng trước, tăng so với mức giảm 0,2% trong tháng 8. PPI hàng năm cũng hạ nhiệt với tốc độ chậm hơn dự kiến với mức tăng ​​là 8,5%, cao hơn mức dự đoán của thị trường là 8,4%.

“Đây là kịch bản ác mộng của Fed: rủi ro lạm phát vẫn tồn tại vững chắc vì lạm phát dịch vụ khó giảm hơn rất nhiều so với lạm phát năng lượng”, theo ông Jan Szilagyi - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty nghiên cứu đầu tư Toggle AI. “Fed sẽ coi đây là giấy phép để tiếp tục hoạt động tích cực [trong việc tăng lãi suất] trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và công chúng chấp nhận được việc tăng lãi suất. Hơn thế nữa, họ sẽ duy trì một thông điệp hung hăng để tránh [người ta] nhận thức rằng họ đang né tránh vấn đề này”.

Mặc dù giá cả tăng cao, người tiêu dùng vẫn tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm trong năm tới. Theo Khảo sát kỳ vọng của người tiêu dùng mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong năm tới đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, đạt mức thấp nhất trong hơn hai năm là 5,4%. Kỳ vọng lạm phát trong ba năm tới đã tăng nhẹ lên 2,9% vào tháng trước, tăng từ 2,8% trong tháng 8.

Người tiêu dùng Mỹ dự đoán giá xăng dầu, giáo dục đại học, thực phẩm và giá thuê nhà sẽ tăng nhanh hơn.

Ông John Rekenthaler, Phó chủ tịch nghiên cứu của Morningstar, tự tin rằng áp lực lạm phát dài hạn sẽ giảm xuống, ám chỉ đến thông tin từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland. Ngân hàng này dự báo tỷ lệ lạm phát dự kiến ​​trong 10 năm sẽ giảm xuống 2,35%.

Ông viết trong một ghi chú: “Theo tôi, chúng ta có thể tin tưởng rằng lạm phát dài hạn sẽ nhẹ hơn so với mức nhiều nhà đầu tư tin tưởng".

Nhiều nhà giao dịch đã hy vọng rằng Fed sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tháng 9 cho thấy không có dấu hiệu nào thể hiện Ngân hàng Trung ương có thể sớm thay đổi chu kỳ thắt chặt định lượng.

“Nhiều đại biểu nhấn mạnh rằng tổn thất của việc thực hiện quá ít hành động để giảm lạm phát có thể sẽ lớn hơn tổn thất của việc thực hiện quá nhiều hành động”, biên bản nêu rõ.

Một số nhà kinh tế cho rằng Fed đang thắt chặt quá mức, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, ông Neel Kashkari, phát biểu ở Wisconsin rằng ngưỡng cho sự xoay trục là "rất cao" do lạm phát tăng cao.

“Nếu nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái mạnh, chúng tôi luôn có thể dừng những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi luôn có thể - nếu chúng tôi cần - đảo ngược những gì chúng tôi đang làm, nếu chúng tôi nghĩ rằng lạm phát đang giảm rất, rất nhanh”, ông nói. “Đối với tôi, ngưỡng cho sự thay đổi như vậy là rất cao bởi vì chúng tôi chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đằng sau … đã dịu đi”.

Sau báo cáo lạm phát tăng nóng, kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất mạnh mẽ đã tăng lên.

Công cụ FedWatch của CME hiện dự đoán có đến 97% khả năng tăng lãi suất 3/4 điểm phần trăm tại cuộc họp FOMC tháng 11, tăng so với mức 84,5% trước đó. Xác suất tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12 cũng đã tăng lên 57%.

Thị trường tài chính Mỹ lao dốc do tin tức về CPI trước khi hồi phục để đóng cửa ở mức cao hơn 2% vào ngày 13/10.

Bảo Nguyên

Theo Andrew Moran & Emel Akan - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát tháng 9 tại Mỹ dai dẳng ở mức 8,2%, lạm phát lõi đạt đỉnh 40 năm