3 điều then chốt khiến Trung Quốc khó có thể chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nếu muốn chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng. Người tiêu dùng Trung Quốc mắc nợ chồng chất và không có khả năng tài chính để mua sắm. Các ngành công nghiệp yếu kém có thể kéo cả nền kinh tế vào khủng hoảng nếu nhà nước ngừng hỗ trợ. Các khoản nợ được sử dụng không hiệu quả và ngành tài chính bất ổn khiến Trung Quốc không thể tạo được cú hích cho sự chuyển đổi.

Trong nhiều năm, nhà kinh tế học tài giỏi Michael Pettis tại Đại học Thanh Hoa (Đài Loan) đã lưu ý tầm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong việc chuyển sự phụ thuộc của tăng trưởng khỏi đầu tư và hướng nhiều hơn tới tiêu dùng. Khi Trung Quốc phải đối mặt với thời kỳ kinh tế được duy trì trong tình trạng yếu kém nhất trong lịch sử hiện đại, câu hỏi đáng đặt ra là: Trung Quốc có thể chuyển hướng sang một nền kinh tế tập trung vào người tiêu dùng hơn không?

Người tiêu dùng Trung Quốc không có khả năng tài chính

Nền kinh tế Trung Quốc là độc nhất trong số các nền kinh tế lớn do tỷ trọng khu vực hộ gia đình thấp trong quy mô nền kinh tế vĩ mô. Hầu hết các nền kinh tế thường có khu vực hộ gia đình chiếm 60-75% hoạt động kinh tế. Ví dụ, tỷ lệ của Mỹ dao động trong khoảng 70%. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 45%. Sự khác biệt này tạo ra nhiều vấn đề khác nhau, từ việc hiểu sai dữ liệu kinh tế cơ bản đến cách giải quyết các vấn đề chính sách như vấn đề chuyển dịch hoạt động kinh tế.

Vấn đề đầu tiên mà điều này tạo ra xảy ra khi các nhà phân tích so sánh dữ liệu xuyên quốc gia về nợ trên GDP với nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như xem xét nợ hộ gia đình trên GDP. Do tỷ lệ thu nhập của các hộ gia đình ở Trung Quốc và các nước khác khác nhau rõ rệt, các hộ gia đình Trung Quốc có ít thu nhập để trả nợ hơn đáng kể so với các hộ gia đình ở các nước khác. Trên thực tế, nếu chúng ta điều chỉnh mức nợ hộ gia đình theo thu nhập hộ gia đình thay vì GDP, thì các hộ gia đình Trung Quốc là một trong những người mắc nợ nhiều nhất trên thế giới, thậm chí nhiều hơn Mỹ và hầu hết các nước OECD mà đang phải trả nợ với một tỷ lệ theo thu nhập cao hơn đáng kể do chênh lệch lãi suất.

Sự điều chỉnh đơn giản, thường bị bỏ qua này có ý nghĩa quan trọng đối với cách chúng ta nhìn nhận việc chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư cơ sở hạ tầng sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Trong khi tỷ trọng hộ gia đình chiếm 45% nền kinh tế cho thấy trên bề mặt rằng tiêu dùng của Trung Quốc có thể tăng lên đáng kể, nhưng thực tế lại rất khác.

Người tiêu dùng Trung Quốc chỉ đơn giản là không có khả năng tài chính để tăng tỷ trọng tiêu dùng. Doanh số bán bất động sản giảm với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo danh nghĩa (chưa điều chỉnh theo lạm phát) không đổi, có nghĩa là sau khi tính đến lạm phát đang tăng cao, người tiêu dùng Trung Quốc đang mua sắm ít hơn so với một năm trước. Nợ nần chồng chất - với phần lớn thu nhập của họ được dùng để trả nợ - các hộ gia đình Trung Quốc đơn giản là không có sự linh hoạt về tài chính để tăng chi tiêu.

Trong khi một số người có thể cho rằng tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc cao sẽ làm giảm nhẹ xu hướng suy giảm trên, tạo ra con đường chuyển đổi dần dần sang nền kinh tế dẫn dắt bởi tiêu dùng, điều này cũng được xây dựng dựa trên một quan niệm sai lầm.

Tiết kiệm thường được coi là tài sản tài chính có tính thanh khoản cao, có thể được sử dụng trong lúc khó khăn, chẳng hạn như tiền gửi ngân hàng hoặc cổ phiếu nắm giữ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta đã đồng thời chứng kiến ​​các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm ở mức cao và cũng trở nên mắc nợ nhiều. Làm thế nào để chúng ta dung hòa được những biến số đang gây ra sự lẫn lộn này?

Người Trung Quốc đang tiết kiệm và đang vay với lãi suất cao để mua bất động sản, điều vẫn được coi là được nhà nước hậu thuẫn. Ý nghĩa ở đây là gì? Điều này có nghĩa là cả hai sự kiện (tiết kiệm tăng và nợ tăng) đều đúng, nhưng hộ gia đình Trung Quốc đang tiêu sạch tiền tiết kiệm để mua bất động sản. Khoản tiết kiệm vẫn được tính là tiết kiệm của hộ gia đình nhưng chỉ để lại cho hộ gia đình một khoản dự phòng tối thiểu trong trường hợp khẩn cấp. Thật sai lầm khi tin rằng tỷ lệ tiết kiệm cao sẽ giúp được những người tiêu dùng đang suy kiệt, sử dụng đòn bẩy quá mức, vốn đang chỉ tìm cách giải quyết khoản nợ cao.

Buộc phải hỗ trợ các ngành công nghiệp thất bại

Vậy nếu thu nhập thấp của các hộ gia đình tính theo thu nhập quốc gia là một vấn đề, thì liệu có thể phân bổ lại thu nhập từ đầu tư cho các hộ gia đình để họ có thể tăng tổng tiêu dùng không? Việc thay đổi dòng thu nhập trong một nền kinh tế, bỏ qua một bên vấn đề chính trị khó lường của một động thái như vậy ở Trung Quốc, không chỉ đơn giản là một cái búng tay để chuyển tiền giữa các tài khoản. Di chuyển thu nhập khỏi các ngành đầu tư đòi hỏi phải giảm việc làm và hoạt động trong các lĩnh vực mắc nợ cao, vốn chiếm dụng một lượng lớn tài sản ngân hàng và sử dụng hàng triệu người lao động.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu các công ty từ thép đến phát triển bất động sản có thể tồn tại mà vẫn duy trì được ngành ngân hàng ngay cả với xu hướng hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của nhà nước hiện nay hay không (chúng sẽ ra sao nếu nhà nước giảm hỗ trợ khi cần chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng khác?). Các nhà máy thép không chỉ đơn giản trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, và những khoản nợ từ các nhà phát triển bất động sản không chỉ đơn giản là biến mất khi họ phá dỡ một tòa nhà. Bắc Kinh lâm vào một vị thế khó khăn khi chính quyền này không nhất thiết muốn hỗ trợ những ngành công nghiệp đang thất bại này mà thực ra là họ đang đứng trước nguy cơ hủy hoại toàn bộ nền kinh tế nếu không làm như vậy (hỗ trợ các ngành trên). Điều này lấy mất các nguồn lực có thể được sử dụng để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp khác ngay cả khi chúng ta giả định rằng Bắc Kinh thực sự muốn rời bỏ mô hình tăng trưởng do đầu tư dẫn dắt.

Trung Quốc sẽ khó có thể chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng
Tàu cao tốc tại một nhà máy bảo trì ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/06/2016. (Ảnh: Visual China Group qua Getty Images)

Nhiều năm trước, Bắc Kinh có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào tăng trưởng do đầu tư dẫn dắt mà không phá hủy khu vực tài chính. Còn vào năm 2022, nếu Bắc Kinh không hỗ trợ những ngành công nghiệp thất bại này, họ có thể sụp đổ và rất có thể sẽ kéo phần còn lại của nền kinh tế vào khủng hoảng.

Ngành tài chính yếu kém

Vấn đề cơ bản là tất cả khoản nợ này của Trung Quốc - tới từ các tập đoàn đến hộ gia đình - đã được sử dụng để mua các tài sản với giá cả đơn giản là không phù hợp với dòng tiền. Đó là các bất động sản có giá trị gấp 30-50 lần thu nhập, các tuyến đường sắt cao tốc được vay nặng lãi để xây dựng mạng lưới toàn quốc với lượng hành khách thấp trên hầu hết các tuyến. Khoản nợ đã không được sử dụng một cách khôn ngoan để tạo ra tài sản có thể sản sinh ra dòng tiền để trả cho những khoản nợ.

Trên thực tế, một lượng lớn các khoản nợ được sử dụng để đầu tư đã được sử dụng để tiêu dùng. Ví dụ, với việc chính quyền địa phương bán đất cho các nhà phát triển, doanh thu nhận được từ việc mua nhà của người tiêu dùng được chi cho hàng hóa và dịch vụ công cộng. Các khoản tiết kiệm được sử dụng và nợ người tiêu dùng phải trả để mua tài sản đã được sử dụng trên thực tế để cung cấp dịch vụ công. Việc mua tài sản bất động sản với giá tăng cao chỉ có ý nghĩa khi mà giá tài sản tiếp tục tăng ở mức gần hai con số trong nhiều năm tới - một kịch bản theo cách nhìn lạc quan nhất thì cũng là khó xảy ra.

Với lượng nợ khổng lồ được phân bổ cho các hoạt động sử dụng hoặc tiêu dùng không hiệu quả và các ngành công nghiệp cần hỗ trợ của nhà nước đang đứng trên bờ vực, Bắc Kinh thiếu sự linh hoạt về tài chính để tạo ra cú hích chuyển nguồn lực khỏi các ngành công nghiệp không hiệu quả sang tiêu dùng. Số lượng lớn những gì chúng ta nghĩ là tiền tiết kiệm và đầu tư thực sự nên được coi là tiêu dùng. Tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra còn xa mới đủ doanh thu để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ của nó. Chúng có thể mang lại sự lan tỏa xã hội khiến nó trở nên có lãi - nhưng điều đó có nghĩa là khoản nợ cần được xã hội hóa và xóa bớt khỏi sổ sách. Với hệ thống tài chính đang đầy bất ổn, Bắc Kinh không thể làm được điều này ở cấp độ quốc gia mà không có một lượng lớn vốn ngân hàng mới.

Một thực tế đáng tiếc là Trung Quốc cần phải xóa bớt giá trị một lượng lớn tài sản và huy động một lượng vốn khổng lồ cho các ngân hàng của mình. Đơn giản là không thể thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc để ưu tiên tiêu dùng mà không có sự kiểm tra trên thực tế về tài chính. Hạ mức tăng trưởng dẫn tới rủi ro đẩy những lĩnh vực không hiệu quả này vào tình cảnh phá sản, gây ra một cuộc khủng hoảng vĩ mô lớn.

Cho rằng Trung Quốc cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và kinh tế cơ bản là một đánh giá rất chính xác. Tuy nhiên, thực tế khó khăn và lạnh lùng là Trung Quốc không thể làm thế mà không gây ra các cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Christopher Balding - The Epoch Times

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

3 điều then chốt khiến Trung Quốc khó có thể chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng