Thị trường toàn cầu chịu tác động thế nào khi kinh tế Trung Quốc hỗn loạn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc đang hỗn loạn, với các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản, tăng trưởng kinh tế, tình trạng thất nghiệp. Hậu quả là, ngành bán lẻ tại Trung Quốc đang chịu thiệt hại, thị trường hàng hóa quốc tế bị ảnh hưởng, và đồng CNY sẽ tiếp tục mất giá so với USD.

Nền kinh tế Trung Quốc đang hỗn loạn

Mặc dù việc nền kinh tế số 2 thế giới sụp đổ khó có khả năng ảnh hưởng đến việc nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi một nhiệm kỳ nữa với tư cách là người đứng đầu chế độ này, nhưng việc sụp đổ đó sẽ có tác động tới phần còn lại của thế giới.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của ngành này trong việc thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia này trong 2 thập kỷ vừa qua - đã bị hủy hoại. Nhiều nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ. Và người tiêu dùng đang phản kháng, từ chối thanh toán các khoản thế chấp của họ đối với các căn nhà ở chưa hoàn thành và thậm chí tổ chức các cuộc biểu tình tại hàng chục thành phố trên khắp đất nước.

Trong khi đó, tăng trưởng trong nước đang bị ảnh hưởng khi quốc gia này tiếp tục ban hành các đợt phong tỏa lúc có lúc không liên quan đến virus Covid-19. Tính đến cuối tháng 8, các vụ phong tỏa tiếp tục ảnh hưởng đến tỉnh Hà Bắc, nằm ngay bên ngoài Bắc Kinh, và việc xét nghiệm hàng loạt đang tiếp tục ở Thiên Tân. Trong khi Trung Quốc có thể quản lý sản lượng kinh tế của mình trong bối cảnh bị phong tỏa - bằng cách sử dụng các hệ thống khép kín - thì nền kinh tế trong nước và mức chi tiêu của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng.

Thị trường toàn cầu chịu tác động thế nào khi kinh tế Trung Quốc hỗn loạn?
Một người đàn ông đi bộ dọc theo con phố trong Khu Thương mại Trung tâm (CBD) ở Bắc Kinh vào ngày 18/04/2022. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Tỷ lệ thất nghiệp cũng là đáng lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị Trung Quốc đạt mức đáng kinh ngạc 20% trong khi nhiều sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến ​​sẽ gia nhập lực lượng lao động vào mùa thu này. Các công ty công nghệ Trung Quốc từ trước đến nay luôn là nguồn cung cấp việc làm, nhưng đợt đàn áp ngành công nghệ do nhà nước dẫn dắt vào năm ngoái đã khiến nhiều công ty không có vốn để mở rộng số lượng nhân viên.

Ngoài ra, Trung Quốc đang có các khoản vay chưa thanh toán trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD được cung cấp cho các nước thế giới thứ ba như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Bắc Kinh đang vấp phải sự chống đối từ các quốc gia này và có thể chịu áp lực để bỏ qua một số khoản vay.

Ảnh hưởng lên ngành bán lẻ tại Trung Quốc

Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các công ty với sự hiện diện bán lẻ lớn ở Trung Quốc. Một ví dụ là Starbucks, có hàng nghìn cửa hàng ở Trung Quốc và duy trì hơn một phần ba thị phần ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Starbucks đã báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 40% trong quý thứ hai vừa rồi.

Thị trường toàn cầu chịu tác động thế nào khi kinh tế Trung Quốc hỗn loạn?
Những người đàn ông Trung Quốc đeo khẩu trang khi họ ngồi trong một quán Starbucks gần như trống rỗng ở Sanlitun vào ngày 10/03/2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Một công ty khác bị ảnh hưởng tiêu cực là Nike. Nhà sản xuất giày và quần áo có sự hiện diện bán lẻ lớn ở Trung Quốc và thu nhập không tính theo GAAP (chuẩn mực kế toán thông dụng) trong quý thứ hai của họ (được đo bằng EBITDA - thu nhập trước khi tính tiền lãi, thuế, các loại khấu hao) đã giảm 55%. Cả hai công ty đều đổ lỗi cho việc phong tỏa liên quan đến COVID khiến doanh số và thu nhập của họ sụt giảm.

Những gã khổng lồ bán lẻ khác bao gồm Adidas và các công ty xa xỉ như Richemont và Burberry cũng báo cáo doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc.

Áp lực lên thị trường hàng hóa toàn cầu

Hàng hóa toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực kép của đồng USD Mỹ mạnh - loại tiền tệ mà hầu hết các hàng hóa đều được định giá dựa vào - và sự suy yếu nhu cầu tại Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu chính của các hàng hóa toàn cầu như quặng sắt, đồng, dầu và khí đốt tự nhiên lỏng.

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 3,1%, mặc dù trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng nhập khẩu đã giảm 3,4% so với năm ngoái. Nhập khẩu khí tự nhiên lỏng (LNG) của Trung Quốc đã giảm 15,4% trong tháng 7 và giảm 20,3% trong giai đoạn từ đầu năm cho đến tháng 7. Nhu cầu LNG thấp hơn của Trung Quốc đã không ảnh hưởng đến thị trường LNG vì nhu cầu từ châu Âu - khu vực bị cắt nguồn khí đốt từ Nga - đã khiến giá LNG ở mức cao ngất ngưởng.

Khi mà Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Nga trong khi hầu hết các quốc gia phương Tây khác đã trừng phạt Nga, mức nhập khẩu dầu tổng thể của Trung Quốc đã giảm do kinh tế trong nước suy thoái. Dầu thô WTI kết thúc tháng 8 với việc suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, mức giảm dài nhất trong vòng hai năm.

Đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với CNY

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố chính sách lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” vào tháng 8 để chống lại lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để kiềm chế lạm phát, cảnh báo rằng nó có thể gây ra "một số đau đớn" cho các nhà đầu tư.

Trung Quốc và Mỹ vốn vẫn có sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của họ. Vào tháng 8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm 5 điểm cơ bản lãi suất chuẩn một năm và cắt 15 điểm cơ bản lãi suất cho vay chuẩn 5 năm để kích thích nhu cầu tín dụng và hỗ trợ cho thị trường bất động sản ốm yếu của nước này. Những đợt cắt giảm đó đã gây bất ngờ, có nguyên do là bởi số liệu chi tiêu và vay nợ của người tiêu dùng trong tháng 7 tồi tệ hơn dự kiến.

Chính sách mang tính "hung hăng" của Fed sẽ củng cố đồng USD Mỹ so với các đồng tiền khác. Đối với ngân hàng trung ương của Trung Quốc, bây giờ cơ quan này có ít dư địa hơn để giảm lãi suất trong nước.

Vào cuối tháng 8, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã bán đồng USD trong một nỗ lực để hỗ trợ đồng CNY (nhân dân tệ), theo một số nhà giao dịch tiền tệ đã nói chuyện với Bloomberg trên cơ sở ẩn danh.

Trong thời gian tạm thời này, đồng USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng CNY.

Bảo Nguyên

Theo Fan Yu - The Epoch Times

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường toàn cầu chịu tác động thế nào khi kinh tế Trung Quốc hỗn loạn?