Xuất hiện chiến dịch nói xấu doanh nghiệp đất hiếm ngoại quốc nhằm làm lợi cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chiến dịch tạo ảnh hưởng trực tuyến nhằm ủng hộ cho Bắc Kinh, với cái tên Dragonbridge, đã nhắm mục tiêu vào các công ty khai thác đất hiếm lớn của Úc, Mỹ và Canada. Đây là các công ty được coi là mối đe dọa đối với sự thống trị chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Cách thức tương tự có thể được áp dụng trong các ngành khác hoặc đối với các vấn đề chính trị.

Thông tin sai lệch trực tuyến chống lại các công ty đất hiếm

Công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đã theo dõi Dragonbridge kể từ tháng 06/2019, phát hiện ra rằng nhóm này bao gồm một mạng lưới “hàng nghìn tài khoản không xác thực” trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội, trang web và diễn đàn phục vụ việc thúc đẩy lợi ích chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).

Đầu năm nay, Mandiant đã xác định các tài khoản diễn đàn và mạng xã hội giả mạo, giả vờ là cư dân Texas đang lo lắng về các vấn đề môi trường và sức khỏe xung quanh việc xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm lớn của công ty Lynas. Lynas là một công ty lớn tới từ Australia, là đơn vị khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Dragonbridge cũng nhắc đến những chỉ trích đã có sẵn — bao gồm cả từ các chính trị gia Mỹ — về quyết định hồi tháng 3 của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để xúc tiến việc sản xuất đất hiếm.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, việc thực hiện thành công dự án sẽ giúp Lynas sản xuất “khoảng 25% nguồn cung oxit đất hiếm trên thế giới”.

Một tài khoản mạng xã hội thuộc sở hữu của “Jackie Eberhart” đã viết, “Chúng ta phải đứng lên và tẩy chay Lynas. Vì sức khỏe của người dân địa phương và vì lợi ích của thế hệ kế tiếp của chúng ta”.

Trong khi tài khoản “Cox Teri” khẳng định: “Nếu [chúng ta] không làm gì, việc xả thải của Lynas sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của cư dân địa phương, và tình trạng ô nhiễm này là không thể đảo ngược được”.

Vào đầu tháng 6, Dragonbridge đã phát động chiến dịch trên mạng chống lại công ty khai thác đất hiếm tới từ Canada Appia Rare Earths và Uranium Corp., sau khi công ty này công bố đã phát hiện một mỏ đất hiếm mới tại Bắc Saskatchewan ở Canada.

Nhà cung cấp đất hiếm của Mỹ USA Rare Earth cũng phải đối mặt với điều tương tự sau khi công bố kế hoạch về một cơ sở xử lý mới ở Oklahoma vào giữa tháng 6.

Phục vụ lợi ích của Trung Quốc

“Mặc dù hoạt động mà chúng tôi nêu chi tiết ở đây dường như không có hiệu quả đặc biệt và chỉ nhận được sự tham gia hạn chế từ các cá nhân có vẻ là người thực, nhưng việc chiến dịch nhắm mục tiêu cụ thể đến các đối tượng riêng biệt cho thấy một khả năng sử dụng các cách thức tương tự để thao túng dư luận của công chúng xung quanh các vấn đề chính trị khác của Mỹ để phục vụ lợi ích của CHND Trung Hoa", Mandiant cho biết vào ngày 28/06.

Xuất hiện chiến dịch nói xấu doanh nghiệp đất hiếm ngoại quốc nhằm làm lợi cho Trung Quốc
Một người đi ngang qua tòa nhà 12 tầng được công ty an ninh Internet Mandiant cho là nơi trú ngụ của một nhóm hacker dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc trong một báo cáo ngày 19/02/2013. (Ảnh: PETER PARKS / AFP qua Getty Images)

“Đáng chú ý, việc Dragonbridge nhắm mục tiêu đến các công ty khai thác đất hiếm bổ sung đã nhấn mạnh khả năng theo dõi sự phát triển và đưa ra phản ứng phù hợp của chiến dịch này, cũng như sự đầu tư của nó trong nỗ lực đảm bảo sự thống trị thị trường của Trung Quốc trong ngành này”.

Đất hiếm và các khoáng chất quan trọng được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm hệ thống dẫn đường tên lửa, động cơ máy bay, điện thoại thông minh, pin xe điện và tuabin gió.

Tuy nhiên, hiện tại, các công ty Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng tài nguyên này, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể bị lợi dụng để phục vụ tranh chấp địa chính trị.

“Trung Quốc hiện kiểm soát 50% đến 60% hoạt động khai thác đất hiếm toàn cầu, 80% đến 90% thị trường ở giai đoạn xử lý trung gian, nơi các nguyên tố được tách ra và tinh chế thành kim loại và hợp kim, và ít nhất 60% đến 70% hoạt động sản xuất ở hạ nguồn [chuỗi cung ứng], tạo ra các sản phẩm như nam châm vĩnh cửu", theo bà Kristin Vekasi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maine.

Mandiant cho biết các hoạt động của Dragonbridge cho thấy mức độ ủng hộ của nhóm này đối với các lợi ích chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Chúng ta có thể chứng kiến các đối thủ cạnh tranh toàn cầu khác của các công ty CHND Trung Hoa trong các ngành khác trở thành mục tiêu của các hoạt động reo rắc thông tin [sai lệch] như vậy”.

Bảo Nguyên

Theo Daniel Y. Teng - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện chiến dịch nói xấu doanh nghiệp đất hiếm ngoại quốc nhằm làm lợi cho Trung Quốc