Sau tin đồn 'bị ung thư', ông Tập xuất hiện ở Thiên Tân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Thiên Tân, một thành phố ở miền bắc Trung Quốc, vào ngày 1/2. Tại đây, ông Tập đặc biệt đề cập đến việc từng ăn bánh bao ở Thiên Tân trong thời Cách mạng Văn hóa, điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận. Có phân tích cho rằng sự xuất hiện của ông Tập không chỉ để bác bỏ tin đồn ông này "sụt cân" và "mắc bệnh ung thư" mà còn gửi đi tín hiệu rằng có thể Trung Quốc sẽ bị đưa trở về thời Cách mạng Văn hóa.

Sáng ngày 1/2, ông Tập đã tới làng Đệ Lục Phụ ở thị trấn Tân Khẩu, quận Tây Thanh, thành phố Thiên Tân để thăm những người dân chịu nạn lũ lụt hồi năm ngoái. Chiều cùng ngày, ông Tập di chuyển đến Phố Văn hóa Cổ Thiên Tân.

Tuy nhiên, trong các bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Tân Hoa Xã - hai cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, một số phát biểu nhạy cảm của ông Tập tại Phố Văn hóa Cổ Thiên Tân đã bị xóa hoàn toàn.

Còn trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ông Tập đặc biệt nói về việc từng ăn bánh bao tại ga Thiên Tân vào thời Cách mạng Văn hóa năm 1966.

Đoạn video này cho thấy ông Tập đứng quay lưng lại với cửa hàng thực phẩm "Lv Dagun" và quay mặt về phía “quần chúng” rồi kể lại trải nghiệm: “Năm 1966, khi tôi đi ‘kết nối’ đã đi qua ga Thiên Tân, đứng trên ga và mua một hộp bánh bao Thiên Tân, có 6 chiếc trong hộp, tôi đã mua một hộp, ôi chao, [lúc ấy] tôi nói sao mà ngon thế nhỉ!”.

Năm 1966 là năm đầu tiên mà người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Mao Trạch Đông phát động phong trào Cách mạng Văn hóa. Ông này đã thúc đẩy “đại kết nối” mọi người dân để tuyên truyền "tạo phản có lý" (tức là tạo phản mà có lý do, có nguyên nhân), từ đó bắt đầu cuộc "đấu đá nội bộ" trên toàn quốc kéo dài 10 năm từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở của ĐCSTQ.

Cách mạng Văn hóa là một phong trào chính trị bắt đầu từ tháng 5/1966 đến tháng 10/1976 và đã dẫn đến hàng triệu vụ oan sai. Không chỉ vô số trí thức và người dân Trung Quốc bị bức hại đến chết mà quan chức các cấp cũng không thoát khỏi nạn này. Cũng trong 10 năm này, nền văn minh 5.000 năm của Trung Hoa đã gần như bị phá hoại hoàn toàn.

Sau khi đoạn video ông Tập Cận Bình nói về "kết nối" ở Thiên Tân bị rò rỉ, nó đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận. Trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) ở hải ngoại, có nhiều cư dân mạng đã bắt đầu thảo luận xoay quanh hai chủ đề.

Một số cho rằng sự xuất hiện của ông Tập là để bác bỏ tin đồn ông này mắc bệnh ung thư. Cũng có người chú ý đến chiếc áo rất dày mà ông Tập đang mặc.

Gần đây liên tục xuất hiện thông tin ông Tập Cận Bình được chẩn đoán mắc bệnh "ung thư tuyến tụy", những bức ảnh về thân hình gầy đi trông thấy của ông này cũng được lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ​​cho rằng những bằng chứng này chưa đủ để kết luận ông Tập bị ung thư, không loại trừ khả năng ông này mắc bệnh khác.

Một số cư dân mạng khác lại chú ý đến chi tiết “kết nối” vào năm 1966, như thể ông Tập chưa bao giờ quên Cách mạng Văn hóa.

Trước đó đã có chuyên gia dự đoán rằng khi tình hình chính trị trong ĐCSTQ ngày càng trở nên căng thẳng, ông Tập Cận Bình có thể sẽ một lần nữa noi gương ông Mao Trạch Đông phát động phong trào “quần chúng đấu tranh với quần chúng” trên toàn quốc.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã nhiều lần đề xuất kiên trì phát triển “kinh nghiệm Phong Kiều”. Đây vốn là một phong trào chính trị theo kiểu “phát động quần chúng tăng cường dùng bạo lực trấn áp kẻ thủ giai cấp” do ông Mao Trạch Đông khởi xướng vào đầu những năm 1960. Phong trào này được triển khai đầu tiên ở thị trấn Phong Kiều, nay thuộc tỉnh Chiết Giang; và đã khiến hàng triệu người bị bức hại đến chết hoặc tự sát.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau tin đồn 'bị ung thư', ông Tập xuất hiện ở Thiên Tân