Kỳ duyên gặp chân sư, học thành kiếm pháp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi người đã biết Vương Trùng Dương là vị khai sáng Đạo giáo Toàn Chân phái, nguyên danh là Vương Trung Phu, tự ‘Duẫn Khanh’, sau cải danh Vương Thế Hùng, tự ‘Đức Uy’, sau khi tu Đạo lại thay tên thành Vương Triết, tự ‘Tri Minh’. Đạo hiệu ‘Trùng Dương Tử’, nên thế nhân thường gọi ông là ‘Vương Trùng Dương’. Ông là người tu Đạo nổi danh trong những năm cuối Bắc Tống và thời nhà Kim. Theo lịch sử ghi chép, ông thành Tiên rời đi vào thời Kim năm Đại Định thứ mười (năm 1170), tức Nam Tống năm Càn Đạo thứ 6. Nhưng theo tài liệu cổ thời Minh “Quái Viên” ghi chép, Vương Trùng Dương từng tái xuất vào thời nhà Minh.

Hôm nay xin được giới thiệu với bạn đọc câu chuyện này, nguyên văn thông tục dễ hiểu cùng lối cổ văn ưu mỹ, cho nên tôi muốn bảo lưu phần nhiều nguyên văn.

Năm Gia Tĩnh triều Minh (1522~1566), có một vị thư sinh họ Vương, tự hiệu là ‘Đan Khê Sinh’, thích ngao du sơn thủy, thích Tiên thuật Đạo gia, thường có ý lánh xa thế tục ẩn cư tu hành. Một lần, vào ngày trời thu trong mát, ông lạc bước tới một sơn động, chỉ thấy cảnh sắc làm lòng người thoải mái, suối khe cây cỏ tốt tươi, đường mòn uốn quanh u nhã, bất giác lưu luyến chẳng muốn về. Thế là ông liền đăng sơn nhìn ngắm, leo trèo hơn chục dặm thì tới một vùng nước mỹ lệ sáng trong, ‘nước trôi nhẹ hoa bên bờ nở, như cảnh trời xuân thắm chốn này’, một cảnh quan thiên nhiên thuần tịnh, không một bóng người.

Vương Sinh tiếp tục thám hiểm, bỗng nhiên phát hiện nơi vách cao sâu thẳm ‘Thấp thoáng một cửa động’. Vương Sinh không rõ trong động lành dữ ra sao, nên đứng bên ngoài động ‘Đi lại hồi lâu, bỗng nghe thấy tiếng ngáy vọng ra, nhìn vào trong thì thấy một cụ già râu bạc đang gối đầu trên đá say giấc, tiếng ngáy như sấm rền, tướng mạo kỳ cổ, áo mũ, gậy giày, hồ lô đều của người tu Tiên Đạo.’

Vương Sinh biết mình gặp được Tiên nhân, thế nên cung kính đứng chờ, không biết chờ bao lâu, cụ già râu bạc cũng tỉnh giấc, Vương Sinh liền quỳ xuống hỏi thăm. Cụ già mang cơm cho Vương Sinh ăn rồi bảo: ‘Thế nhân không tin Thần Tiên. Cậu dám mạo hiểm tới đây, thật là kẻ có thể dạy dỗ được đó.’

Ông còn nói: ‘Cậu biết chăng, cụ tổ bảy đời của cậu là Tiên nhân Vương Trùng Dương, ông tổ của Toàn Chân phái?’

Vương Sinh đáp: ‘Cha mẹ con mất sớm, gia tộc điêu tàn, không biết tông tích tổ tiên.’

Ông lão nói: ‘Ta chính là Vương Trùng Dương, Vương Triết đây. Cậu muốn học đạo như vậy, hãy đợi ta sang năm, rằm trung thu, tại đỉnh núi Tỳ Bà, Tây Thục. Hôm nay ta đã có hẹn với các vị Chân Quân Nam Cung tụ hội ở đây, hộ pháp của họ sẽ tới đây ngay, cậu vẫn là người phàm, chưa trừ những thứ ô trọc trên thân, nếu không nhanh rời đi sẽ bị Tiên nhân khiển trách. Cậu nhanh nhanh tìm đường quay về, chậm trễ hổ sói đến ngay, chắc phải chết đó.’.

Thế là Vương Sinh cung kính khấu bái tạ từ, nhanh chóng xuống núi.

Giữa đường nghe thấy xa xa sau lưng vẳng lại tiếng nhạc reo vang, thanh âm vang tận mây trời, trong tâm thầm nghĩ ‘quần Tiên đã nhập hội’ nên cố đi nhanh hơn. Năm ngày sau thì về tới nhà, Vương Sinh thỉnh giáo trưởng bối, mới biết tổ tiên mình quả nhiên có một vị tên Vương Trùng Dương, Vương Sinh chính là hậu duệ của Tiên nhân, ông lại càng thêm khát khao học Tiên thuật.

Vương Sinh từ lúc ăn cơm của Vương Trùng Dương ban cho, thường không cảm thấy đói, dung nhan ngày một trẻ ra, thế là vào trung thu năm sau, ông từ biệt gia tộc lên thuyền đi Tứ Xuyên. Nhưng ông không biết đỉnh Tỳ Bà nằm ở đâu, đang lúc băn khoăn thì nghe thấy một người cùng thuyền ngâm bẩy câu thơ cổ, trong thơ nhắc đến đỉnh Tỳ Bà, ông vội hỏi thăm thì được biết ‘ đây là một trong 12 đỉnh của dãy Vu Sơn’

Tác giả tra cứu tư liệu hiện nay về ‘12 đỉnh Vu Sơn’ thì không thấy đỉnh Tỳ Bà. Vậy đỉnh núi đó nằm chỗ nào? Trong “Phương dư thắng lãm” (Địa danh thắng cảnh) viết: ‘Mỏm Tỳ Bà ở Vu Sơn, hình dáng như đàn Tỳ Bà’, trong “Tứ Xuyên tổng chí” viết: ‘Mỏm Tỳ Bà, ở (huyện Vu Sơn) huyện Trị Tây, đối diện với bờ sông Giáp, cũng gọi là đỉnh Tỳ Bà’.

Đỉnh Tỳ Bà nổi danh chỉ đứng sau Vu Sơn. Nhưng đáp án ‘Đây là một trong 12 đỉnh của Vu Sơn’ e là không chính xác, vì Vu Sơn có rất nhiều đỉnh núi, nhưng cũng chỉ ra được vị trí của đỉnh Tỳ Bà. Sau khi Vương Sinh biết được điều này thì an tâm ngắm cảnh núi cao sông rộng, tới được Vu Sơn, ông liền từ biệt chúng nhân, xuống thuyền đi thẳng tới đỉnh Tỳ Bà, đến ngày 14 tháng 8 đã leo tới được đỉnh núi, đội gió nằm sương cung kính đợi Tiên nhân giáng lâm.

Sáng hôm sau. Vương Sinh quả nhiên trông thấy ông cụ râu bạc từ đằng xa đang bước những bước dài như tiên hạc đạp mây đi tới, Vương Sinh lập tức phủ phục hành lễ. Vương Trùng Dương thấy Vương Sinh đến trước nên cười bảo: ‘Rất tốt, thật là kẻ có tâm. Nhưng cốt cách con chưa đủ, nhân duyên còn thiếu một đời. Nay chỉ có thể học thuật kiếm Tiên, rong chơi chốn nhân gian. Ta không phải là thầy dạy kiếm, thầy con là Thanh Khâu Tử, hiện ở núi Võ Đang, con quay về tìm, sẽ được chân truyền.’

Vương Sinh nghe Vương Trùng Dương chỉ bảo, liền bái tạ rồi đi, khi chia tay ông hỏi: ‘Không biết Thanh Khâu tiên sinh ngụ tại đỉnh nào của núi Võ Đang, xin Tiên nhân chỉ bảo.’

Vương Trùng Dương trả lời : ‘Am cỏ dưới sáu gốc tùng, đó chính là nơi ấy.’

Sau khi Vương Sinh xuống núi, lại ngồi thuyền đi về Hồ Bắc, núi Võ Đang, qua một ngày đêm, thuyền tới Giang Lăng, cũng là Kinh Châu, tiếp đó lại lên thuyền đi Tương Dương, tới gần Võ Đang thì xuống thuyền leo lên núi, vừa đi vừa nhìn tìm lều cỏ dưới sáu gốc tùng. Cuối cùng thấy sáu gốc tùng trước vách đá, ‘mấy gian lều cỏ nằm nép bóng, đường nghiêng lối nhỏ lượn quanh.’

Vương Sinh men đường núi gập ghềnh tới trước đình viện, cung kính gõ cửa một hồi, cuối cùng có một Đạo đồng ra mời ông vào. Ông nghĩ đây là nơi ở của Thanh Khâu Tử mà Vương Trùng Dương đã nói, hành lễ xong ngẩng đầu nhìn lên, thấy Thanh Khâu Tử tiên sinh ‘Tóc dài mày rậm, ngồi dựa gốc cây hát nghêu ngao’.

Thanh Khâu Tử hỏi: ‘Lão tổ Vương Trùng Dương bảo ngươi đến đó ư?’

Sau khi Vương Sinh xác nhận, ông cho Vương Sinh làm lễ bái sư, sau đó tắm gội, nhận việc trong Tịnh Đường. ‘Trong Tịnh Đường có đỉnh luyện thuốc, cao mấy xích, thân đỉnh kiên cố, lửa tím chói sáng, chiếu rọi núi rừng. Việc đầu tiên của Vương Sinh là học cách trông lò giữ lửa, thêm bớt củi than, không được tùy ý chểnh mảng. Sáng sớm thì có Ngọc nữ mang cao đặc tới, đổ vào trong đỉnh rồi khuấy đều cho tới khi đỉnh phát âm thanh như tiếng sấm rền. Nửa đêm lại có Thanh đồng mang cao tới, như trước đổ vào, âm thanh cũng ầm ầm như sóng vỗ.’

Vương Sinh cùng hai vị Ngọc nữ, hai vị Thanh đồng luân phiên trông coi lò luyện, Vương Sinh tò mò hỏi trong đỉnh có thứ gì? Họ chỉ cười không đáp, nhưng Thanh Khâu Tử đã biết Vương Sinh đề xuất nghi vấn, nổi giận cho rằng Vương Sinh có ngộ tính tu hành quá thấp, định đuổi ra khỏi Đạo môn.

Đồng đạo vội quỳ xuống xin tha cho Vương Sinh, nên Thanh Khâu Tử nguôi giận, cho phép Vương Sinh tiếp tục ở lại tu hành. Từ đó Vương Sinh không bao giờ hỏi, sư phụ an bài gì thì toàn tâm toàn ý tận lực làm cho tốt, dần dần đạt tới tín tâm kiên định tuyệt đối vào sư phụ, không hỏi gì, cũng không có nghi vấn gì, không một chút hiếu kỳ bất mãn.

Ngày tháng dần trôi, không biết qua bao lâu, vật trong bảo đỉnh cuối cùng đã luyện thành, đó là một loại dung dịch màu vàng kim. ‘Nặng khoảng hơn sáu trăm cân, chia làm hai, rồi lại chia nhỏ đến khoảng bẩy tám cân, rồi đưa lên bàn đá lớn đập. Ngày làm tối nghỉ, ngày một mỏng dần, rồi thành tấm thép. Chọn ngày Giáp Ngọ, Bính Ngọ đúc thành sáu thanh kiếm, treo dưới vách núi, để thác nước tung bọt bắn lên, ánh quang nhật nguyệt dung nhập, trải qua ngày tháng, chất kiếm bắt đầu mềm dẻo.’

Thanh Khâu Tử lấy một thanh tặng cho Vương Sinh. (Tranh: zhengjian)

Sáu thanh kiếm báu đều có tên riêng, Thanh Khâu Tử lấy một thanh tặng cho Vương Sinh, rồi cho một đồng tử dùng pháp thuật mở vùng sau gáy và vai để giấu kiếm vào trong, quá trình này Vương Sinh không thấy đau chút nào. Tiếp theo, Thanh Khâu Tử để Vương Sinh ‘Trai tâm thất nhật’ (bảy ngày trai giới tâm linh), sau đó tận truyền bí kíp võ công, rồi bảo ông đi Tứ Xuyên đến núi Thanh Thành dựng lều cỏ khổ tu, đồng thời căn dặn không được dùng kiếm thuật tùy tiện, đặc biệt tuyệt đối không làm những việc bất chính, nếu không sẽ bị Trời tru sát. Năm thanh kiếm còn lại, Thanh Khâu Tử lấy một thanh, hai vị Ngọc nữ, hai vị Thanh đồng mỗi người một kiếm. Sau đó cho phép Vương Sinh xuống núi.

Vương Sinh khổ công tu luyện trong núi Thanh Thành một năm thì luyện thành, ông quay về núi Võ Đang bái tạ sư phụ, chỉ thấy ‘Chốn luyện đan vẫn như xưa, then cài cửa khóa tịch không bóng người’.

Hỏi thăm đạo sĩ trong núi mới biết Thanh Khâu Tử đã rời đi hơn được hơn năm rồi. Vương Sinh chỉ còn biết khóc thương rồi quay về núi Thanh Thành.

Một lần, khi ông qua Kinh Châu, trông thấy Thanh Khâu Tử lẫn trong đám ăn mày, ông liền theo luôn cùng vân du thiên hạ, từ đó biệt vô tung tích. Để lại cho thế nhân một cuốn “Đan Khê Sinh chú kiếm kinh” (Kinh đúc kiếm của Đan Khê Sinh), đáng tiếc là chỉ còn sót lại 25 trang, tương truyền đó là cuốn sách của Thanh Khâu Tử trao cho Vương Sinh, có người đã từng nhìn thấy sách. Còn về Thanh Khâu Tử, thế tục gọi ông là ‘Thanh Khâu tiên sinh’, trước kia ẩn cư trong núi Võ Đang, vân du thiên hạ rất lâu rồi, không ai biết ông đã sống bao lâu.

Nguồn tư liệu: “Quái viên” của Tiền Hy Ngôn, triều Minh

Chuyển tải từ mạng Chánh Kiến.

Đức Huệ - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ duyên gặp chân sư, học thành kiếm pháp