Một câu nói đùa ba án mạng, lưới trời lồng lộng thoát nạn sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa nói: “Họa phúc không cửa, chỉ có người tự chiêu mời đến, thiện ác báo ứng như bóng theo hình”. Một câu nói đùa không ngờ khiến ba người chết uổng, hai lần gây án mạng cứ ngỡ chẳng lụy đến thân. Nhưng Thiên lý vô tình, thiện ác đều có báo, kẻ gây họa cuối cùng vẫn không thoát khỏi lưới trời.

Vào thời Nam Tống, ở thành Lâm An có một thư sinh tên là Lưu Quân Tiến. Nhà họ Lưu từng là gia tộc danh giá, nhiều thế hệ đều là bậc hào phú có địa vị trong thành. Nhưng chẳng hiểu sao đến đời Lưu Quân Tiến thì gia cảnh sa sút, công danh trắc trở, uy thế cũng không được như xưa. Quân Tiến từng theo nghiệp đèn sách, nhưng dù có nỗ lực thế nào cũng khó lòng bước lên bảng công danh. Lưu Quân Tiến chán nản, bèn cất bút nghiên chuyển sang nghề buôn bán. Nhưng kinh doanh mặt hàng nào cũng long đong lận đận, càng làm càng thất bát, gia sản tổ tiên để lại chẳng bao lâu cũng cạn kiệt xác xơ.

Một ngày, Quân Tiến đưa vợ cả Vương Thị đến chúc thọ Vương viên ngoại, để người tiểu thiếp ở lại trông nhà. Vương viên ngoại chờ đến khi mãn tiệc bèn lấy ra 15 quan tiền trao cho con rể, hy vọng hai vợ chồng có chút vốn làm ăn, sớm tìm đường giải quyết kế sinh nhai cho gia đình. Quân Tiến cúi đầu lạy tạ bố vợ rồi mang tiền về nhà trước, còn Vương Thị vẫn nghỉ ở nhà ngoại, hẹn vài ngày nữa sẽ về sau. Trên đường về, Quân Tiến tiện chân rẽ vào thăm một người bạn cũ, anh em lâu ngày gặp nhau chén tạc chén thù, Quân Tiễn đang lúc vui vẻ uống đến say mèm mới cáo từ ra về. Anh ta đeo xâu tiền bên hông, hai chân lảo đảo bước từng bước trở về. Người tiểu thiếp ở nhà chờ đến nửa đêm mới thấy mặt chồng, hơi thở đầy mùi rượu, bên hông leng keng tiếng tiền đồng. Cô vội hỏi: “Chàng lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?”.

Quân Tiến thuận miệng nói đùa: “Tôi cần chút vốn làm ăn, nhất thời không có cách gì xoay xở nên đành đem nàng cầm cố cho một quan khách, mượn tạm họ 15 quan tiền, đợi khi kiếm được tiền tôi sẽ lại chuộc nàng về”.

这种外圆内方的铜钱在我国一直沿用到两千多年后。(图片:pixabay)(Ảnh: pixabay)

Người tiểu thiếp ngỡ ngàng không muốn tin vào tai mình: Sao lạ vậy? Thường ngày phu quân rất ân ái hòa nhã, quan hệ của nàng với chị vợ cả cũng rất tốt, sao hôm nay chàng lại cạn tình đem mình cho người ta như thế? Cô lắp bắp một lúc mới mở miệng nói rằng: “Việc lớn như vậy sao chàng không nói sớm, giờ đã đến nước này thì phải làm sao? Không được, thiếp phải báo cho cha mẹ thiếp biết”.

Quân Tiến gạt tay: “Việc này đợi đến mai ta sẽ tìm người báo tin cho cha mẹ nàng, giờ nàng đi thì e rằng sự việc sẽ khó thành”.

Quân Tiến thấy vẻ mặt vợ hốt hoảng thì thầm cười trong bụng, rồi vô tư nằm lăn ra giường ngủ thiếp đi.

Người tiểu thiếp bối rối không biết tính sao, đành gõ cửa bà hàng xóm rồi khóc thút thít kể lại mọi việc, sau đó xin phép bà cho ngủ lại một đêm, chờ đến khi trời sáng sẽ về nhà báo tin cho cha mẹ. Nào ngờ trong lúc quẫn trí, cô ra khỏi cửa mà quên không chốt cửa cài then. Đến canh ba, một tên trộm lẻn vào nhà mò được mấy quan tiền, vừa lúc quay đầu lẻn đi thì Quân Tiến thức dậy. Quân Tiến gắng gượng đuổi theo tên trộm, bất ngờ bị hắn ta bổ cho một rìu ngã nhào xuống đất, thật là một đời ôi thôi! Tên trộm biết Quân Tiến đã tắt thở, bèn vào nhà lấy cả 15 quan tiền đi mất. Sáng hôm sau, hàng xóm phát hiện Quân Tiến đã chết, vội cử ra hai người đi tìm vợ cả và người tiểu thiếp về.

Lại nói, người tiểu thiếp đi chưa được đôi ba dặm đường đã thở không ra hơi, chân đau rã rời, cô bèn ngồi xuống nghỉ bên đường. Lúc ấy có một chàng trai trẻ quần áo chỉnh tề, lưng đeo tay nải cũng vừa đi tới. Chàng trai thấy cô gái bên đường mắt phượng mày ngài, tuy không phải là bậc nhan sắc nhưng cũng duyên dáng ưa nhìn nên rất có thiện cảm. Anh ta liền bước lên chắp tay chào và hỏi: “Cô nương một mình đi đâu vậy?”.

Người tiểu thiếp cúi đầu chào lại và đáp: “Tôi muốn về thăm đấng sinh thành, vì chân đau nên tạm nghỉ ở đây. Xin hỏi tiên sinh từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?”.

Chàng trai trẻ kia đáp: “Tôi là Thôi Ninh, hôm qua vào thành bán tơ lụa kiếm được ít tiền, giờ tôi muốn sang Trữ Gia Đường”.

Người tiểu thiếp mừng rỡ nói: “Cha mẹ tôi sống ở mé trái Trữ Gia Đường, nếu tiên sinh không ngại thì đi cùng tôi một đoạn đường vậy”.

Thôi Ninh đáp: “Vãn sinh rất sẵn lòng, mời cô nương đi tiếp”.

Hai vị khách bộ hành mới đi được một đoạn, bỗng thấy phía sau có hai người hổn hển chạy tới gọi lớn: “Tiểu nương tử, hãy dừng bước! Nhà cô xảy ra án mạng, cô hãy mau mau về nhà xem xem”.

Chàng trai thấy cô gái bên đường mắt phượng mày ngài. (Hình minh họa: Ung Chính Thập Nhị Mỹ Nhân Đồ - phạm vi công cộng)

Chàng trai trẻ tuổi kia thấy có việc kỳ lạ, định bụng tạm biệt người bạn đường rồi một mình đi tiếp. Nào ngờ hai người hàng xóm không cần biết phải trái đúng sai, cũng không hỏi lại cho ra lẽ, cứ một mực kéo cả Thôi Ninh và người tiểu thiếp về làng. Chị vợ cả Vương Thị và Vương lão viên ngoại thấy người tiểu thiếp đi cùng với trai trẻ, không chờ họ phân bua đã một mực khăng khăng rằng ả ta giết chồng rồi trộm lấy tiền tư thông với kẻ khác.

Trên đời không thiếu chuyện tình cờ, nhưng trùng hợp đến mức ấy thì có lẽ chỉ có trong tiểu thuyết. Ấy thế mà điều ấy lại xảy ra! Chàng trai trẻ tuổi ấy nói là vào thành bán tơ lụa kiếm được ít tiền, nhưng trong tay nải của anh ta lại vừa khớp tròn 15 quan tiền. Anh ta có miệng mà không thể phân bua, chỉ một mực kêu oan. Nhưng thôn dân càng xót thương Quân Tiến bao nhiêu thì lại càng hận kẻ sát nhân bấy nhiêu, nào ai sẵn lòng nghe anh ta giải thích? Họ hùng hổ xúm vào lôi đôi “gian phu dâm phụ” tới phủ Lâm An. Vị quan xử án cũng nhắm mắt cho là nhân chứng vật chứng đã rành rành, bèn thăng đường kết án hai người tội tử hình.

Có câu nói: “Thân tại công môn hảo tu hành” (thân ở nơi quan trường càng dễ tu hành). Những bậc phụ mẫu của dân nếu anh minh sáng suốt sẽ mang phúc cho bách tính, nhưng ngược lại, nếu nhắm mắt làm liều thì có thể sẽ uổng sát người vô tội. Phủ doãn đại nhân không suy xét kỹ càng: Nếu người tiểu thiếp có mưu đồ cướp tiền hại mệnh, thì sao cô ta không bỏ trốn ngay trong đêm, lại còn đợi đến khi trời sáng mới lên đường? Và nếu nghi ngờ chàng trai trẻ kia có tiền bất chính, bịa đặt ra chuyện bán tơ, vậy sao không cho người vào trong thành dò xét cho rõ ràng? Doãn phủ đại nhân vì muốn nhanh chóng kết thúc vụ án mà nhắm mắt thăng đường, vậy nên đã giết oan hai mạng người vô tội. “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, giá như ông xét xử anh minh, thì rất có thể đã tích được đại đức đại phúc rồi.

Chuyện cứ như thế trôi qua, không ai biết lại có ngày bản án lật lại. Sau một năm Vương Thị ở nhà chịu tang chồng, Vương viên ngoại phái gia nhân là ông lão Vương đến đón con gái về nhà. Vương Thị và lão Vương vừa đi qua một đoạn đường rừng, đột nhiên trong lùm cây có người nhảy bổ ra hét lớn: “Ta đây là Tĩnh Sơn đại vương! Kẻ đi đường dừng bước, trả tiền mãi lộ mới được đi”.

Lão Vương thấy kẻ cướp liều lĩnh, sát khí đằng đằng, nên cũng đâm đầu liều mạng với hắn ta. Nhưng sức già sao cự lại được với cường đạo? Chỉ thương ông lão Vương, cuối cùng đành bỏ mạng dưới gươm đao. Vương Thị bị dồn vào đường cùng, liền nghĩ ra một kế thoát thân. Chị ta vừa khóc vừa nói: “Tôi bất hạnh chịu tang chồng, rồi lại bị bà mai dỗ dành kết hôn với lão già này. Nay nhờ đại vương tôi mới có thể thoát khỏi lão ta”.

Tên đạo tặc thấy Vương Thị có chút nhan sắc, liền nói: “Nàng có nguyện ý làm áp trại phu nhân của ta không?”.

Vương Thị nghĩ rằng tính mệnh là trọng, rừng xanh còn đó không lo thiếu củi, bèn nói: “Thiếp xin nguyện ý phục vụ đại vương”.

Tĩnh Sơn đại vương cao hứng liền đưa Vương Thị về trại, hai người từ đó trở thành vợ chồng, cùng nhau sống qua ngày. Kể từ khi có Vương Thị, Tĩnh Sơn đại vương liên tiếp có được thương vụ lớn, cuộc sống càng ngày càng khấm khá. Vương Thị có tri thức lại biết lý lẽ, sớm chiều đem lời khuyên nhủ: “Làm cường đạo vốn không phải kế lâu dài. Thiếp thường nghe người ta nói: Tướng quân khó tránh khỏi vong trận. Chẳng thà buông bỏ đồ đao, làm một công việc mưu sinh chân chính, thì vợ chồng mình dẫu không giàu có cũng có thể yên tâm sống qua ngày”.

Tĩnh Sơn đại vương nghe vợ khuyên nhủ, lâu dần cũng bắt đầu thay đổi, mở một tiệm tạp hóa, thường ngày bán vài thứ đồ lặt vặt, khi rảnh rỗi không có việc gì làm thì lên chùa niệm Phật ăn chay.

Một ngày, Tĩnh Sơn đại vương nói với vợ: “Giờ tôi mới biết oan có đầu, nợ có chủ. Trước kia tôi ngày ngày xuống đường cướp bóc, dọa người ta kiếm chút tiền tài. Nay cải tà quy chính, tôi thường nhớ lại trước kia từng giết hai mạng người, lại khiến hai người khác phải chịu oan, trong lòng vẫn thấp thỏm không yên. Tôi muốn làm vài việc công đức siêu độ cho họ, không biết ý nàng thế nào?”.

Vương Thị bèn hỏi anh ta đã giết oan những ai, Tĩnh Sơn đại vương đáp: “Một là lão chồng già của nàng mà tôi đã gặp trong rừng. Còn một người khác là vào năm ngoái, hôm ấy tôi thua bạc, định ra ngoài kiếm chác gỡ gạc. Tôi vừa lẻn vào thôn thì thấy một nhà không chốt cửa, trong phòng có một người say rượu nằm trên giường. Tôi sờ thấy dưới chân người ấy có mấy quan tiền, đúng lúc định rời đi thì anh ta tỉnh dậy đuổi theo. Tôi vớ được cái rìu dưới chân và bổ vào anh ta, rồi lấy cả 15 quan tiền trốn đi. Sau này tôi mới biết việc này khiến người tiểu thiếp của anh ta, và một kẻ hậu sinh tên là Thôi Ninh bị xử trảm”.

Thật đúng là “không phải oan gia không gặp mặt”! Vương Thị hiểu ra sự thật về cái chết của chồng thì vô cùng đau lòng. Chị ta đành nuốt nước mắt vào lòng, vừa thương chồng lại vừa thương người tiểu thiếp phải thác oan.

Đêm ấy Vương Thị không ngủ, đợi đến khi trời sáng bèn chạy đến phủ Lâm An gõ trống kêu oan. Phủ doãn đại nhân mới nhậm chức bèn thăng đường vấn án. Vương Thị lên trước công đường bẩm báo lại mọi việc. Cuối cùng, Tĩnh Sơn đại vương bị xử tử hình, phủ doãn tiền nhiệm vì xử án thiếu trách nhiệm nên bị cách chức làm dân thường. Thôi Ninh và người tiểu thiếp chết rất thương tâm, nay mới được rửa oan, quan phủ phái người đem vàng bạc đến chu cấp cho gia quyến. Gia sản của Tĩnh Sơn đại vương một nửa tịch thu sung vào công quỹ, một nửa cấp cho Vương Thị dưỡng thân đến cuối đời. Vương Thị đem toàn bộ số tiền ấy công đức cho một am ni cô, còn cô thì ngày đêm đọc kinh niệm Phật, cầu phước cho vong hồn người đã khuất. Sau này, Vương Thị sống đến trăm tuổi, không bệnh không tật mà qua đời.

Câu chuyện trên được ghi chép trong “Tỉnh thế hằng ngôn” của Phùng Mộng Long.

Minh Hạnh
Theo Tống Gia Minh - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Một câu nói đùa ba án mạng, lưới trời lồng lộng thoát nạn sao?