Người có tầng thứ thấp thường có 4 đặc điểm này

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Định hướng cuộc sống phải cao, tầng thứ không cao, nói không nên lời cao nhã, không thành đại sự". Con người tồn tại trên thế giới, những gì gọi là tầng thứ?

Nói một cách thẳng thắn, tầng thứ đề cập đến các yếu tố bên trong như phẩm cách làm người, tầm nhìn và tâm trí của một người.

Ở tầng thứ nào sẽ có cuộc sống ở như thế đó!

Như Đạo Đức Kinh nói: “Thượng sĩ nghe Đạo chăm chỉ thực hành, trung sĩ nghe Đạo lúc thực hành lúc không, hạ sĩ nghe Đạo thì phá lên cười”.

Một người ở tầng thứ càng cao thì càng ít bị những chuyện tầm thường trước mắt hạn chế, họ đứng cao nhìn xa nên có thể làm chủ phương hướng cuộc đời mình.

Ngược lại, người ở tầng thứ càng thấp, họ càng thích dành thời gian cho 4 việc sau, họ lo lắng đủ thứ, lãng phí phần đời còn lại của mình.

1. Người ở tầng thứ thấp yêu thể diện

Người xưa có câu: Con người tranh nhau một khẩu khí.

Sống trên đời này, "thể diện" rất quan trọng. Nhỏ thì mời khách ăn cơm, lớn như đám cưới, đám tang, bạn đều phải giữ một phong cách nhất định để không bị mất đi vị thế của mình. Nếu không, bạn sẽ bị mất mặt.

Có một câu nói như thế này: “Con người sống trên đời, có người sống bằng thể diện, có người sống bằng nội tâm, mà chỉ có nội tâm mới có thể giành được thể diện thật sự”.

Có người chỉ vì sĩ diện, rõ ràng là không làm được nhưng lại khăng khăng làm anh hùng. Rõ ràng không có tiền, nhưng cứ giả bộ hào phóng, thực tế rất sợ hãi, nhưng cứ muốn cố gắng thể hiện. Cuối cùng, chính mình mệt mỏi và lừa dối người khác.

(Pexels/Vera Arsic)

“Chết giữ thể diện, sống chịu đau đớn” - đó là đặc điểm rõ ràng nhất của những người ở tầng thứ thấp. Như mọi người đã biết, yêu thể diện không có nghĩa là có thể diện.

Muốn nhận được sự tôn trọng, khen ngợi thật sự, chỉ có không ngừng tu luyện phẩm cách, nâng cao giá trị của mình mới có thể được khẳng định. Thà trọng liêm sỉ hơn giữ thể diện, thà giữ tâm cho chính còn hơn tìm kiếm danh tiếng. Người biết nhịn nhục là bước đầu của thành công.

2. Người ở tầng thứ càng thấp, dục vọng càng sâu

Trong Đạo Đức Kinh có câu: "Không có tai họa nào lớn bằng không thỏa mãn, không có tội lỗi nào lớn bằng ham muốn giành được, cho nên biết thỏa mãn thường là đủ". Một trong những điều quan trọng nhất của đời người là phải biết bằng lòng.

Ham muốn vừa phải là động lực cố gắng, nhưng ham muốn quá mức thì trở thành gánh nặng cho cuộc sống. Biết bao nhiêu người đã để đồng tiền khống chế tư tưởng của mình, để thú vui ăn mòn tự kỷ luật của bản thân, để lòng tham xâm chiếm lương tâm. Những ham muốn không kiểm soát được là nguồn gốc của mọi đau khổ.

Có một câu nói: "Cuộc sống vốn không khổ, khổ bởi dục vọng quá nhiều, thể xác và tinh thần vốn không mệt mỏi, mệt mỏi vì có quá nhiều gánh nặng”. Ở đời, tầng thứ càng thấp, dục vọng càng sâu, làm người càng đau khổ. Nhưng thực ra thì không cần phải thế. Bởi vì, có vạn khoảnh ruộng tốt thì cũng chỉ ăn ba bữa một ngày, cung điện vạn gian thì cũng chỉ ngủ trên chiếc giường 3 thước.

Người thực sự thông minh biết cân bằng mối quan hệ giữa cuộc sống và dục vọng, họ có thể gạt bỏ được những tham niệm hão huyền, viển vông và kiểm soát được dục vọng của bản thân.

(Pixabay)

Nhà văn Dương Giáng từng nói: Ông trời sẽ không để tất cả hạnh phúc tập trung vào một người nào đó, có được tình yêu chưa chắc đã có tiền tài, có được tiền tài chưa chắc đã có được niềm vui, có được niềm vui chưa chắc đã có sức khỏe, có được sức khỏe chưa chắc tất cả đều sẽ được như nguyện.

Tất cả mọi thứ, xem nhẹ, nhìn thấu, chính là cuộc sống đẹp nhất.

3. Tầng thứ càng thấp, tính khí càng nóng nảy

Có người đã nói: "Khí chất là hiện thân của năng lực và sự tu dưỡng của một người". Những người có bản lĩnh lớn, trình độ cao thường có tính khí nhẹ nhàng. Bởi họ thường có khả năng điềm tĩnh suy nghĩ, có tấm lòng bao dung, thấu hiểu và chịu đựng khi gặp chuyện không vừa ý.

Người ta thường nói, lòng rộng một tấc, đường rộng một thước, lòng rộng như biển, sóng yên biển lặng. Một người, tâm thả lỏng, tầm mắt liền rộng, thế giới của mình cũng sẽ theo đó càng ngày càng rộng mở.

Ngược lại, những người vừa gặp chuyện liền tràn đầy oán hận, không hài lòng liền chửi ầm lên, hơn phân nửa không có bản lĩnh thật sự gì.

Người hạng nhất, có bản lĩnh, không nóng nảy; người hạng hai, có bản lĩnh, nhưng nóng nảy; người hạng bét, không bản lĩnh, lại nóng nảy.

(Pexels/Afif Ramdhasuma)

Phát tiết tức giận nhất thời, không chỉ không giải quyết được vấn đề gì, ngược lại dễ dàng dẫn tới xung đột.

Chỉ bằng cách tử tế với người khác, sống với thái độ khiêm tốn, chúng ta mới có thể được phúc tránh họa. Nhân sinh, thắng ở hòa khí, thua ở tính tình. Một người thực sự mạnh mẽ sẽ không bao giờ là nô lệ cho cảm xúc của mình.

4. Người ở đẳng cấp càng thấp càng phô trương

Trong "Võ lâm ngoại truyện" có một câu thoại kinh điển: “Trước khi ra chiêu không cần phải hô trước”. Nghĩa là đừng nói những gì bạn muốn làm, cứ làm đi. Điều gì có thể giải thích bằng hành động thì không cần phải nói. Vì nói nhiều quá sẽ dẫn đến thất bại, đôi khi càng nói càng phô trương, càng dễ lộ khuyết điểm và khiến người khác chán ngán. Hơn nữa, nó sẽ dẫn đến đại họa.

Giống như Dương Tu thời Tam Quốc, thường xuyên khoe khoang, thể hiện tài năng và học thức của mình trước mặt Tào Tháo, nói những lời khéo léo, khiến Tào Tháo không hài lòng.

Cuối cùng, Tào Tháo lấy danh nghĩa nhiễu loạn lòng quân, xử tử Dương Tu.

Cái gọi là: "Ngôn gây họa, phải khiêm nhường". Người thực sự có tu dưỡng, có năng lực là người nói chậm nhưng hành động nhanh.

(Pexels/Mikhail Nilov)

Họ lấy khiêm tốn ổn trọng thay thế nói bốc nói phét, lấy kiên định nghiêm túc thay thế những lời hoa mỹ. Có như vậy mới có thể nâng cao tư cách và trình độ làm người, cuối cùng mới có thể thu hoạch được điều căn bản, đứng vững trước gió mưa.

Nước sâu tĩnh lặng, người trầm ổn không nói, đây là một loại tu thân, càng là một loại cảnh giới.

Người có phẩm cách có thể có hàng ngàn cuộc sống khác nhau, nhưng người không có phẩm cách chỉ có thể sống cuộc đời của chính mình. Phẩm cách quyết định sinh mệnh, tầng thứ quyết định thành bại.

Người có phẩm cách lớn buông bỏ thể diện và những ham muốn dư thừa nên có thể tiến xa hơn, sống được thoải mái.

Những người tầng thứ cao từ bỏ những cảm xúc vô ích, sự khoe khoang không cần thiết, vì vậy họ bình tĩnh và tiến lên phía trước.

Trên con đường nhân sinh dài đằng đẵng, hy vọng bạn và tôi đều có một hoài bão trong tâm trí, đề cao tầng thứ, là một người tỏa sáng, sưởi ấm bản thân và soi sáng cho những người khác.

Theo Vương Hoà - Aboluowang - Nguồn: Yiqu Acacia
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người có tầng thứ thấp thường có 4 đặc điểm này